Đăng lúc 22:41 01.11.2024
Cách đáp lời do bà mẹ này gợi ý được nhiều người đánh giá là khôn khéo
Cách đây vài ngày là sinh nhật lần thứ 10 của Huyền Xuân (Nam Ninh, Trung Quốc). Là con út, cô bé được tất cả mọi người cưng chiều như công chúa. Trong bữa tiệc ngày hôm đó, nhiều người họ hàng trong gia đình cũng có mặt để chúc mừng.
Đang trong lúc chuẩn bị bữa tiệc, một người họ hàng đã buột miệng đặt câu hỏi cho Huyền Xuân: “Con yêu bà nội hay bà ngoại hơn?”. Ngay khi biết cả 2 người bà của mình đều đang có mặt, cô bé tỏ ra lúng túng với câu hỏi này.
Sau tối ngày hôm đó, mẹ của Huyền Xuân đã có buổi tâm sự với con gái của mình và chỉ cho cô bé cách trả lời thể hiện EQ cao khi rơi vào tình huống tương tự. Sau đó, cô đã chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen ngợi của của các bậc phụ huynh khác. Theo đó, bà mẹ này đưa ra 3 cách đáp lời vô cùng khôn khéo như sau:
Thích cả hai bà
Mẹ của Huyền Xuân cho biết con gái hoàn toàn có thể khẳng định dành tình cảm cho cả hai bà như nhau. Khi giáo dục con gái, phụ huynh cần phải làm rõ để con hiểu được rằng những người xung quanh đều yêu thương trẻ. Song mỗi người sẽ có cách thể hiện tình cảm khác nhau. Đôi khi, bà ngoại quan tâm con nhiều hơn, chú ý đến những cảm xúc nhỏ nhất và có thể giải đáp kịp thời một số vấn đề.
Cách thể hiện tình cảm của bà nội có thể nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc này mang giá trị tích cực, giúp con trở thành một người độc lập và mạnh mẽ trong tương lai.
Vì thế, điều cha mẹ cần làm là truyền đạt để trẻ hiểu được cách thể hiện tình cảm của mỗi bà khác nhau. Song tất cả đều mong muốn con tốt hơn trong tương lai.
Thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện
Trẻ em từ 6 tuổi đã có khả năng suy nghĩ độc lập. Giống như người lớn, nhiều trẻ không thích trả lời những câu hỏi như này. Đáp án của chúng là bà nội hay bà ngoại đều có thể khiến người lớn trở nên khó xử. Thậm chí nó có thể dẫn đến mối quan hệ gia đình không tốt.
Để ứng phó với tình huống này, cha mẹ nên chỉ con cách thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện khi không muốn đưa ra một lời đáp cụ thể. Ví dụ: Con có thể lôi kéo người lớn đi làm việc khác hoặc nói về món ăn đang thèm lúc đó. Bất kỳ câu chuyện nào cũng có thể được đề cập trong tình huống này để người lớn quên đi câu hỏi ban đầu.
Đặt câu hỏi tu từ
Không thể tránh khỏi câu hỏi kiểu này, mẹ của Huyền Xuân đã gợi ý con gái có thể đặt ngược lại câu hỏi cho người lớn, như: Bác/Cô/Chú đoán xem cháu thích ai hơn? Cách đáp lời người lớn như vậy có thể giúp trẻ không phải đưa ra câu trả lời cụ thể, đồng thời, giúp chuyển hướng cuộc trò chuyện.
Nhìn chung, cách trẻ ứng xử có thể hiện EQ cao hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Hành trình nuôi dạy con cái, giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là thách thức đối với phụ huynh. Về vấn đề này, Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc), chuyên gia tâm lý học tội phạm và giáo dục trẻ em đã chia sẻ 3 cách “kinh điển” để nuôi dạy những đứa trẻ có EQ cao.
Cho con trải nghiệm khó khăn và thử thách
Đây là một trong phương pháp nâng cao EQ của trẻ được Giáo sư Lý Mai Cẩn nhấn mạnh. Bà cho biết việc này giúp bé phát triển khả năng giải quyết vấn đề và rèn luyện được tính kiên trì, vượt qua mọi thử thách. Trong quá trình này, phụ huynh có thể đồng hành cùng con, chia sẻ về những câu chuyện tương tự của bản thân giúp trẻ tự rút kinh nghiệm cho chính mình.
Nêu cao giá trị của việc chia sẻ với trẻ
Dạy trẻ về giá trị của việc chia sẻ vừa giúp con phát triển lòng yêu thương và sự cảm thông, vừa là nền tảng vững chắc để xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt trong tương lai.
Trau dồi thái độ lạc quan cho trẻ
Lạc quan là chìa khóa quan trọng của một đứa trẻ có EQ cao. Bởi chỉ có lạc quan mới giúp trẻ đối mặt với mọi vấn đề một cách chủ động, không bị tác động quá nhiều bởi môi trường và có tinh thần khuyến khích.
Nhìn chung, chỉ số EQ của trẻ có thể cải thiện. Việc bố mẹ cần làm là kiên nhẫn giáo dục con gắn với các tình huống cụ thể. Trên con đường phát triển, hãy để trí tuệ cảm xúc giúp bé dũng cảm mở cánh cửa bước ra thế giới.