Tại sao tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chiến tranh thương mại (tariffs war) với toàn thế giới
Đăng lúc
21:31 05.04.2025
Như anh em cũng biết, tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2 tháng 4, ký 1 sắc lệnh hành pháp (executive order, link). Trong mục đính kèm (Annex I) là những nước bị Mỹ áp thuế đối ứng, Việt Nam bị áp 46% (rất cao, cao nhất 50%). Thị trường toàn thế giới phải nói là ‘sợ hãi cực độ’ (max fear). Chứng khoán khắp nơi đỏ lửa.
Mình thấy nước nào cũng đang tìm cách, nước thì trả đũa (retaliate), nước thì chưa biết làm sao. Người dân thì lo lắng không biết phải làm gì. Nên mình viết bài này, giải thích cho anh em biết tại sao ông Trump lại chiến tranh thương mại với toàn thế giới, mục đính chính là gì. Cách giải quyết thế nào thì anh em xem rồi tự rút ra hen.
Disclaimer: Mình không nhận mình là chuyên gia gì hết nhé anh em. Mình xem việc tìm hiểu mấy cái này cũng giống như thể thao trí óc vậy. Với lại do nó cũng phục vụ cho mình nữa. Mình không đưa ra lời khuyên tài chính gì hết nên anh em đừng nhắn tin hỏi nha.
Trước tiên trước khi mình giải thích, mình có vài cái biểu đồ cho anh em xem qua, từ đó anh em sẽ hiểu cái mục tiêu(incentive) của ông Trump, bộ trưởng tài chính Mỹ (Scott Bessent). Mình thấy đại đa số quốc gia không để ý cái mà ông Bessent này nói. Mình thích câu nói của Charlie Munger (đã mất): “Show me the incentive and I'll show you the outcome”.
Hình 1 là biểu đồ ‘Tỷ lệ nợ công của Mỹ so với GDP’. Hiện tại là khoảng 120%. Anh em có thấy gì đáng để ý không? Nó cao tương đương với thời Mỹ đang ở trong chiến tranh thế giới thứ 2. Để ý, hiện tại Mỹ không có đang trong chiến tranh với nước nào tỷ lệ nợ công so với GDP đã hơn 120%. Và con số này chưa có dấu hiệu giảm.
Hình 1: Biểu đồ tỷ lệ nợ công của Mỹ so với GDP (Link)
Hình 2 là biểu độ ‘Tiền lãi phải trả cho nợ quốc gia của Mỹ’ phải trả tính theo năm. Chỉ tính riêng năm 2024 là gần 1125 tỷ USD (hơn 1 nghìn tỷ chỉ để trả lãi). Năm 2025 thì dự đoán là gần 1 nghìn tỷ USD. Con số này không có dấu hiệu giảm. Hình 2: Tiền lãi phải trả cho nợ quốc gia của Mỹ (Link)
Hình 3 là ‘Tổng thu, chi và thặng dư/thâm hụt đến năm tài chính 2025’. Chỉ tính mới 3 tháng đầu năm 2025, Mỹ chi nhiều hơn thu, thâm hụt hơn 1 nghìn tỷ. Khi thâm hụt thì anh em biết rồi đó, đi vay. Hình 3: Tổng thu, chi và thặng dư/thâm hụt đến năm tài chính 2025 (Link)
Vậy trong năm 2024, Mỹ bị thâm hụt bao nhiêu? Gần 2 nghìn tỷ ($1.83 trillion) Hình 4: Tổng thu, chi và thặng dư/thâm hụt trong năm tài chính 2024 (Link)
Hy vọng tới đây nhiều anh em bắt đầu thấy vấn đề ở đâu. Mỹ chi lúc nào cũng nhiều hơn thu và khi thâm hụt thì phải đi vay. Mà anh em biết rồi đó, đi vay thì ai cũng muốn lãi suất thấp, chứ ai lại muốn lãi suất cao đúng không.
Hình 5 là ‘Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn: 10 năm của chính phủ Mỹ (từ 1953)’. Con số lãi suất này quan trọng lắm nha anh em. Nó là ‘benchmark’ cho những cái lãi suất khác ở Mỹ như: lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng, trái phiếu công ty. Hình 5: Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn: 10 năm của chính phủ Mỹ, từ 1953 (Link)
Xem hình 6. Khi tổng thống Trump nhậm chức tháng 1 năm 2017, con số này là 2.43%. Ông Trump rời chức tháng 1 năm 2021, và tổng thống Biden nhậm chức, con số này 1.08%, sau đó là tăng trong suốt thời gian ông Biden làm tổng thống, đỉnh điểm là 4.8% vào tháng 10 năm 2023. Ông Trump quay lại làm tổng thống tháng 1 năm 2025, con số này là 4.63%. Anh em làm trong ngân hàng cũng biết, lãi suất vay càng thấp là cá nhân hay công ty đó có uy tín cao, còn lãi suất càng cao là mức độ tín nhiệm càng thấp. Hình 6: Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn: 10 năm của chính phủ Mỹ (từ 1953).
Con số lợi suất (bond yields) này càng cao thì chính phủ Mỹ đi vay trả lãi phải càng cao, vì trái phiếu mới khi bán ra, cái lãi suất của trái phiếu Mỹ phải tương đương con số lợi suất nay. Thông thường, khi đi vay, ai cũng muốn chốt ‘lock’ cái lãi suất thấp cho thời hạn càng dài càng tốt.
Trong suốt khoảng thời gian ông Biden làm tổng thống, đa số nợ thường được đi vay ngắn hạn qua thông qua cái gọi là ‘Reverse Repo Facility của ngân hàng trung ương Mỹ (the FED)’ xem hình 7. Giải thích đơn giản cho anh em:
Khi con số tăng lên:
Có nhiều tiền dư thừa trong hệ thống tài chính Mỹ.
Các ngân hàng, quỹ đầu tư không biết gửi tiền vào đâu, nên đem tiền cho Fed “giữ giùm” qua đêm để lấy lãi.
Fed đang hút bớt tiền khỏi thị trường (giống như “rút nước” ra khỏi hồ).
Hiểu đơn giản: Thị trường đang nhiều tiền quá, Fed phải gom bớt lại.
Khi con số giảm xuống:
Các ngân hàng, quỹ đầu tư ít tiền dư hơn.
Họ không cần gửi tiền vào Fed nữa, hoặc tìm được chỗ đầu tư có lời hơn.
Fed đang bơm thêm tiền ra thị trường (giống như “đổ nước” vào hồ).
Hiểu đơn giản: Thị trường đang khát tiền, Fed bơm thêm ra.
Con số này tăng từ năm 2020 cho tới đỉnh là năm 2023. Anh em biết tại sao con số này tăng từ năm 2020 không? Covid. Dịch Covid là thời điểm chính phủ Mỹ bơm rất nhiều tiền ra nền kinh tế qua các gói kích thích.
Hình 7: Tiền mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm thời rút khỏi hệ thống tài chính bằng cách bán trái phiếu chính phủ Mỹ qua đêm và mua lại vào ngày hôm sau (Link)
Năm 2025, chính phủ Mỹ phải ‘refinance’ hơn 6 nghìn tỷ USD ($6.38 trillion, con số từ Joint Economic Committe của quốc hội Mỹ, link) các khoản nợ ngắn hạn (T-bills, trái phiếu ngắn hạn 1, 3, 6, 12 tháng), xem hình 8.
Treasury Bills (T-Bills): Nợ ngắn hạn với kỳ hạn dưới 1 năm.
Treasury Notes (T-Notes): Nợ trung hạn với kỳ hạn 2, 3, 5, 7, hoặc 10 năm.
Treasury Bonds (T-Bonds): Nợ dài hạn với kỳ hạn 20 hoặc 30 năm.
Hình 8: Bên trái: Tỷ lệ Cơ Cấu Nợ Công Mới Được Nắm Giữ Theo Loại trong 5 Năm Qua của Mỹ. Bên phải: Cơ Cấu Nợ Công Hiện Tại Được Nắm Giữ Theo Loại ($)
Khi phải ‘refinance’ hơn 6 nghìn tỷ USD nợ ngắn hạn này, một cách suy nghĩ logic, anh em sẽ muốn nó đảo nợ (roll-over) vào nợ mới thông qua các trái phiếu dài hạn với lãi suất thấp. Như ông bộ trưởng tài chính Mỹ Scott Besent trong buổi phỏng vấn vào tháng 2 đầu năm với Fox Business, đại khái là tổng thống Mỹ muốn lãi suất thấp hơn, và họ tập trung vào cái lãi suất dài hạn 10 năm. Video bên dưới.
Ổng Bessent cũng có nói trong buổi phỏng vấn: ‘US government doesn’t have a revenue problem. We have a spending problem’. Đại khái chính phủ Mỹ có vấn đề về chuyện chi tiêu (chi nhiều hơn thu).
Đây là mục đính chính của mấy cái chiến tranh thương mại. ‘Max pain’ trong thị trường, mọi người phải bán tháo như chứng khoán, cái loại tài sản khác và họ sẽ mua trái phiếu Mỹ. Hôm nay, lợi suất của trái phiếu 10 năm của Mỹ xuống dưới 4%. Hình 9: Lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn: 10 năm của chính phủ Mỹ từ đầu năm 2025
Anh em thử nhẩm tính, 6 nghìn tỷ đi vay:
với lãi suất 4.5%, tiền lãi hàng năm cho con số nợ này tầm: 283 tỷ USD
với lãi suất hiện tại (tạm tính 3.88%), tiền lãi hàng năm cho con số nợ này tầm: 244 tỷ USD, ít hơn được khoảng 40 tỷ USD/năm.
Nếu chính phủ Mỹ đảo nợ 6 nghìn tỷ vào cái trái phiếu dài hạn ví dụ 10 năm, họ tiết kiệm được khoảng 400 tỷ USD trong 10 năm. Cứ 1% lãi suất thấp hơn, thì chính phủ Mỹ tiết kiệm được 63 tỷ USD/năm, 10 năm thì 630 tỷ USD.
(Mình lâu lâu cũng đảo nợ giống vậy nên mình hiểu ???? )
Ngắn gọn: Chiến tranh thương mại → sợ hãi → bán tháo tài sản → chạy vào mua trái phiếu → lợi suất trái phiếu giảm → chính phủ Mỹ đi vay lãi suất thấp
Chắc nhiều anh em sẽ có câu hỏi, tại sao chiến tranh thương mại người ta bán tháo cổ phiếu, các loại tài sản. Thông thường, ví dụ hiện tại chiến tranh thương mại do Mỹ. Mỹ là nước tiêu dùng lớn nhất thế giới. Lấy ví dụ Apple chẳng hạn, chiến tranh thương mại, người dân Mỹ sẽ chi tiêu ít lại do giá cả các thiết bị Apple tăng lên do nhập khẩu. Trong trường hợp khác, ví dụ người ta vẫn thích mua iPhone, giá tăng lên $100, thì họ phải cắt $100 cho chỗ khác. Vậy là thu nhập của các công ty sẽ giảm do sức mua giảm, thị trường chứng khoán thường là dự đoán tương lai ‘forward looking’, nên người ta sẽ bán cổ phiếu dựa trên cái suy đoản sức mua giảm. Rồi ai mà sử dụng đòn bẩy ví dụ, lấy cổ phiếu thế chấp để đi vay hoặc chơi đòn bẩy phải bán để giảm tỷ lệ đòn bẩy xuống, làm thị trường nó giảm hơn nữa. Hôm qua, chứng khoán Mỹ: Dow Jones mất 1679 điểm (3.98%) SP500 mất 274 điểm (4.84%), NASDAQ mất 1050 điểm (5.97%).
Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận là các nước khác không công bằng với Mỹ, nước Mỹ lúc nào cũng bị thâm hụt thương mại. Chính xác là vậy. Theo số liệu St. Louis Fed, nước Mỹ luôn thâm hụt thương mại từ năm 1992. Năm 2024, thâm hụt thương mại là 917 tỷ USD, năm 2023 là 785 tỷ USD. Hình dưới là tính theo tháng nha anh em. Hình 10: Cán Cân Thương Mại: Hàng Hóa và Dịch Vụ của Mỹ tư năm 1992 (Link)
Nước Mỹ lúc nào cũng thâm hụt thương mại với các nước khác trên thế giới, không công bằng với nước Mỹ và dân Mỹ. Rõ ràng lập luận của tổng thống Mỹ Trump có lý đúng không anh em?
Hì, nó không đơn giản vậy. Tới đây mình phải nói cho anh em biết về cái gọi là ‘Triffin dilemma’ do nhà kinh tế học người Bỉ-Mỹ Robert Triffin đề ra vào năm 1959 trong buổi điều trần trước quốc hội Mỹ (link). Mình nghĩ tiếng Việt dịch Triffin dilemma có nghĩa là ‘Vấn đề nan giải Triffin’. ‘Triffin dilemma’ nói về mâu thuẫn lợi ích kinh tế của một quốc gia khi mà đồng tiền của nước đó là dự trữ tiền tệ toàn cầu. Trong trường hợp này là đồng đô la của Mỹ.
Đồng đô la Mỹ hiện tại là dự trữ tiền tệ toàn cầu (world reserve currency) và tiền tệ để giao dịch trên thế giới. Để đồng tiền của quốc gia đó trở thành tiền dự trữ toàn cầu, quốc gia này phải cung cấp nhiều tiền cho các nước khác. Tuy nhiên, việc này lại dẫn đến thâm hụt thương mại và nợ công trong nước, gây rủi ro cho nền kinh tế của chính quốc gia đó.
Đại khái, các quốc gia khác trên thế giới cần đồng đô la Mỹ. Mà Mỹ cung cấp đồng đô la Mỹ qua thâm hụt thương mại và nợ công trong nước. Cho nên anh em thấy nước Mỹ lúc nào cũng nợ và nợ công chỉ có tăng. Mấy cái nợ trần chỉ cái lộn cho vui thôi (xem bài trước của mình ở: Trần nợ công (debt ceiling) của Mỹ là gì? Mỹ có thể vỡ nợ hay hết tiền không?). Và lúc nào Mỹ cũng phải thâm hụt thương mại với thế giới để ‘xuất khẩu’ đồng đô la ra thế giới. Vậy chính xác là thế giới cần bao nhiêu đô la Mỹ?
Theo như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements, BIS), tổng số tín dụng bằng đô la đối với các tổ chức không phải ngân hàng ngoài Mỹ lên tới khoảng 12 nghìn tỷ USD. Hình 11: Nợ quốc tế và việc vay mượn xuyên biên giới của các tổ chức không phải ngân hàng ngoài Mỹ (Link)
Còn theo như Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum, WEF), thì không dưới 65 nghìn tỷ USD nợ bằng đồngđô la không được ghi nhận đang lưu thông trong hệ thống tài chính toàn cầu, thông qua các ngân hàng ngoài Mỹ (non-US banks) và các ngân hàng bóng tối (shadow banks). Hình 12: Nợ bằng đồng đô la Mỹ không được ghi nhận bởi các ngân hàng và tổ chức tín dụng ngoài Mỹ (Link)
Anh em thấy đó, thế giới cần đồng đô la Mỹ: để giao dịch thương mại, và thanh toán khoảng nợ bằng đồng đô la Mỹ. Khi mà cả thế giới cần đồng đô la Mỹ, nó làm cho đồng đô la Mỹ có giá trị ‘mắc’ hơn so với các loại tiền tệ khác. Chính vì vậy sản xuất trong nước Mỹ không hấp dẫn so với các nước khác, nên Mỹ lúc nào cũng thâm hụt thương mại là vậy. Nếu nước Mỹ không thâm hụt thương mại, thì thế giới bị mất thanh khoản do thiếu hụt đồng đô la. Cái này là cái ‘Triffin dilemma’.
Tóm tắt: tình trạng đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang lại cho Mỹ một “đặc quyền” trong các giao dịch tài chính/thương mại, và điều này có một số hệ quả:
Đồng đô la Mỹ được giá quá cao do cần phải được giữ làm dự trữ bởi các quốc gia khác, để giao dịch, thanh toán nợ, dẫn đến hàng hoá của Mỹ mất tính cạnh tranh trong xuất khẩu.
Mỹ phải duy trì thâm hụt cán cân thương mại kéo dài để cung cấp đô la cho thế giới.
Chính phủ Mỹ vì vậy có thể vay mượn với chi phí thấp hơn mức bình thường.
Như mình trình bày từ trên và những gì tổng thống Mỹ Donald Trump và bộ trưởng tài chính Mỹ phát biểu, chính quyền Mỹ muốn 2 điều:
Chính phủ Mỹ tiếp tục đi vay với lãi suất thấp với thời hạn dài hơn (lower yield, longer duration).
Đồng đô la Mỹ yếu đi (weaker dollar). Việc này sẽ làm cho xuất khẩu Mỹ hấp dẫn hơn. Thông qua 2 cách:
Các hiệp định đa phương ví dụ ‘Thoả ước Plaza’ – ‘Plaza Accord’ vào năm 1985 giữa 5 nước (Pháp, Tây Đức, Nhật, Anh, và Mỹ). Hiệp ước này mục đích định giá đồng đô la Mỹ xuống (devalue) so với các tiền tệ khác như đồng Franc Pháp, đồng Deutsche Mark Tây Đức, đồng Yen Nhật, và British Pound Anh.
Các hiệp định đa phương trong đó các nước đang làm chủ nợ Mỹ sẽ chuyển qua nắm giữ khác khoản nợ dài hạn.
Bài cũng hơi dài rồi. Hy vọng tới đây anh em đã hiểu qua mục đích của chiến tranh thương mại do tổng thống Mỹ Trump khởi xướng.
Ngắn hạn: các quốc gia trên thế giới đang tìm cách gom đô la Mỹ để dùng cho mục đích giao dịch, thanh toán khoản nợ. Nên anh em sẽ thấy đồng đô la Mỹ tăng giá so với các đồng khác. Như tỷ giá USD với VND hôm nay ngày 4/4 tăng lên ngưỡng 26000 VND. Cũng vì vậy mà trước đó vài hôm (29/3) báo Thanh Niên đưa tin (link) Kho bạc Nhà Nước (KBNN) thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, dự kiến 130 triệu USD. Trước đó, KBNN đã chào mua các đợt gồm 150 triệu USD, 200 triệu USD, 150 triệu USD, 300 triệu USD và 300 triệu USD từ các NHTM, với ngày giao dịch 13.2, 19.2, 25.2, 13.3 và ngày 20.3.
Anh em sẽ thấy chứng khoán, rồi các loại tài sản sẽ xuống do bị bán. Do người ta cần USD. ‘sell what you can, not what you want’.
Dài hạn: đồng đô la yếu đi. Đây cũng là một trong những lý do mà anh em thấy giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Thị trường là ‘forward looking’ đó anh em.
Hy vọng anh em đọc bài xong sẽ có lựa chọn sáng suốt cho bản thân. Còn anh em nào đang giữ các chức vụ quan trọng sẽ có quyết định sáng suốt. Anh em nào đang sử dụng đòn bẩy thì cẩn thận. Chúc anh em nào đang gặp khó khăn hiện tại sớm vượt qua. Chúc tất cả anh em may mắn ????
Anh em thấy mình viết sai gì hay muốn trao đổi gì cứ comment bên dưới nha. Anh em đừng nhắn tin hỏi mình mua gì bán gì nha.