Đăng lúc
21:18 02.04.2025
Lễ ra mắt ra mắt Chương trình “Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng” (AI for all) ngày 2/4.
Ngày 2/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (thuộc Bộ Tài chính) vừa phối hợp cùng Tập đoàn Intel ra mắt Chương trình "Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng" (AI for all) với mục tiêu thúc đẩy việc ứng dụng AI của người dân Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Theo đó, đây là chương trình được triển khai nhằm góp phần phổ cập, truyền tải kiến thức và nâng cao nhận thức về AI theo chủ trương Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và hưởng ứng phong trào Bình dân học vụ số" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hôm 26/3 vừa qua.
Được phát triển bởi Tập đoàn Intel, NIC và sự đồng hành của các đối tác như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (PTIT), chương trình "Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng" được chia thành hai mô-đun chính từ cơ bản tới chuyên sâu hơn về AI.
Thứ nhất, mô-đun "Nhận thức về AI (AI Aware)" sẽ giới thiệu thú vị về các nguyên tắc cơ bản, ứng dụng thực tiễn, và những hiểu lầm phổ biến về AI.
Thứ hai, mô-đun hiểu biết về AI (AI Appreciate) hướng tới khám phá sâu hơn về đạo đức AI, cách sử dụng AI có trách nhiệm, và tác động của nó trong nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý, với mục tiêu mang đến sự cuốn hút và tính tương tác cao, chương trình "Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng" sẽ cấp huy hiệu kỹ thuật số cho những người dùng hoàn thành khóa học có thời lượng bốn tiếng.
Theo công bố, Giáo trình "AI cho Cộng Đồng" hiện đã có tiếng Anh và tiếng Việt. Intel kỳ vọng, khóa học sẽ đóng vai trò bệ phóng để thúc đẩy đào tạo AI và cung cấp tài liệu cho những người muốn nâng cao kiến thức về AI của bản thân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại sự kiện. Nguồn: NIC
Phát biểu tại Lễ công bố "AI cho Cộng Đồng", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển nhanh chóng, một yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng phổ cập những tri thức căn bản về AI đến với toàn dân một cách dễ hiểu nhất, theo chuẩn mực quốc tế.
Theo bà Bích Ngọc, AI đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y tế, giáo dục, đến sản xuất, nông nghiệp. Tại Việt Nam, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Đặc biệt là khi một số lĩnh vực như AI tạo sinh (GenAI) đang tạo ra những đột phá chưa từng có cho nhân loại.
"Việc triển khai Chương trình 'Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng' tại thời điểm này là rất cần thiết và đáp ứng ngay nhu cầu thực tiễn và cấp bách về việc học tập, phổ cập kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng AI của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và người dân", bà Ngọc nói.
Bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Chính phủ Quốc tế, Tập đoàn Intel. Nguồn: NIC
Đánh giá cao ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu thúc đẩy việc ứng dụng AI, bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Chính phủ Quốc tế, Tập đoàn Intel khẳng định sự tự hào khi tập đoàn này được đồng hành cùng Việt Nam trong chương trình thúc đẩy việc ứng dụng AI.
"Thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với các kiến thức về AI, chúng tôi không chỉ chuẩn bị hành trang cho mỗi cá nhân bước vào thị trường lao động tương lai, mà con vun đắp một môi trường học tập và đổi mới không ngừng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam", bà Sarah Kemp cho biết.
Theo nghiên cứu của McKinsey, thị trường AI của Việt Nam năm 2023 có giá trị là 547,1 triệu USD và dự báo sẽ tăng lên 2,06 tỷ USD năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 15,8%.
Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng phát triển, dư địa cho ứng dụng AI tại Việt Nam còn rất lớn, khi số lượng startup về AI tại Việt Nam cũng đang bùng nổ, lên gần 280 doanh nghiệp vào năm 2024 (từ chỉ 60 vào năm 2021). Cùng với đó là lượng nhân lực khá dồi dào, khoảng 50.000 cử nhân công nghệ thông tin và kỹ thuật được đào tạo mỗi năm.