Đăng lúc 21:22 22.12.2024
Cho đến cuối ngày khi kiểm tra điện thoại, người đàn ông này mới phát hiện ra toàn bộ tiền trong tài khoản không còn.
Theo Sina, vào ngày 31/7/2021, ông Khương, một người dân đến từ Hồng Hà, Trung Quốc nhận được tin nhắn thông báo đã vi phạm an toàn giao thông và được yêu cầu nộp phạt. Trong tin nhắn, người tự xưng là cảnh sát giao thông khu vực đã hướng dẫn ông truy cập vào đường link cung cấp để tiến hành nộp phạt. Thời hạn nộp tiền chỉ có 24h.
Do đây là lần đầu nhận được tin nhắn nộp phạt vi phạm giao thông, ông Khương vô cùng hoang mang. Sau khi kiểm tra đúng thông tin cá nhân và biển số xe, người đàn ông bấm vào đường link có trong tin nhắn. Từ đây, ông được dẫn đến một trang web yêu cầu người vi phạm giao thông khai báo hàng loạt thông tin cá nhân từ số căn cước công dân đến số tài khoản ngân hàng. Đồng thời, ông cũng được yêu cầu cài đặt một ứng dụng để thực hiện thao tác nộp tiền phạt.
Sau khi hoàn thành hết các bước, ông nhận thấy tài khoản ngân hàng thông báo trừ đúng số tiền đã được yêu cầu nộp phạt nên hoàn toàn yên tâm. Từ đây, ông trở lại công việc của mình mà không chút nghi ngờ.
Cho đến cuối ngày hôm đó, ông Khương cần thực hiện chuyển khoản cho người bạn thì bất ngờ phát hiện số dư trong tài khoản ngân hàng chỉ còn là số 0. Nghĩ rằng ứng dụng ngân hàng gặp lỗi, ông tiến hành thoát ra vào lại. Song tài khoản ngân hàng vẫn không còn tiền. Chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, ông tiếp tục kiểm tra phần thông báo của ngân hàng thì phát hiện hơn 20 giao dịch trừ tiền đã diễn ra. Đồng nghĩa toàn bộ số tiền 200.000 NDT (gần 700 triệu đồng) bị mất một cách khó hiểu.
Ngay lập tức, người đàn ông liên hệ với ngân hàng để được yêu cầu khoá thẻ. Đồng thời, ông liên hệ với cảnh sát địa phương để được hỗ trợ. Ngay trong tối hôm đó, cảnh sát địa phương đã mời ông đến trụ sở để làm việc.
Tại đây, ông kể lại toàn bộ sự việc. Ngay khi nghe xong, viên cảnh sát khẳng định ông đã bị đối tượng giả mạo cảnh sát giao thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng lợi dụng sự kém hiểu biết của một số người để yêu cầu truy cập vào các đường link và cài đặt các ứng dụng nhằm chiếm quyền sử dụng điện thoại của nạn nhân. Sau đó, đối tượng tắt hết thông báo để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản mà nạn nhân không thể biết.
Để hỗ trợ ông Khương lấy lại số tiền bị mất, cảnh sát đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm phong tỏa khẩn cấp tài khoản ngân hàng nghi vấn liên quan đến vụ việc. Đồng thời, cảnh sát tiến hành các biện pháp nhằm truy tìm đối tượng lừa đảo này.
Sau khoảng 1 tuần, sự việc được sáng tỏ. Cảnh sát bắt được kẻ lừa đảo và toàn bộ nhóm đối tượng thuộc đường dây phía sau để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, nhiều người chưa bao giờ bị xử phạt vi phạm giao thông thông qua hệ thống giám sát nên có tâm lý lo lắng khi được nghe thông báo kiểu này. Đánh trúng tâm lý lo sợ, các đối tượng yêu cầu “con mồi” chuyển tiền trong vòng 24h nếu không sẽ bị tăng mức xử phạt. Cảnh sát Hồng Hà khẳng định chiêu trò này đã diễn ra một thời gian dài. Mặc dù cơ quan chức năng đã có khuyến cáo, tuy nhiên nhiều người vẫn bị mất tiền oan với chiêu thức này.
Liên quan đến thủ đạo giả mạo cảnh sát thông báo nộp phạt vi phạm giao thông để lừa đảo, cảnh sát Hồng Hà đã đưa tin cảnh báo người dân: Các trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản đến chủ phương tiện. Đồng thời, thông tin liên quan đến người vi phạm đều được công khai trên website chính thức của Cục cảnh sát giao thông để người dân có thể chủ động tra cứu, chấp hành việc xử phạt.
Ngoài ra, cảnh sát địa phương cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn nhắn tin, gọi điện lừa đảo thông báo phạt vi phạm giao thông. Người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Bạn cũng cần có trách nhiệm tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như nêu trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan cảnh nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.