Đăng lúc 21:02 24.11.2024
Ứng dụng này đang trở thành công cụ phát tán mã độc phổ biến của tội phạm mạng.
Một báo cáo nghiên cứu mới nhất từ Kaspersky cho thấy, ứng dụng VPN miễn phí có thể mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích cho người dùng.
Báo cáo chỉ ra rằng, số lượng người dùng tải phải phần mềm độc hại khi cài đặt VPN miễn phí đã tăng gấp 2,5 lần trong quý 3 năm 2024 so với quý trước đó. Xu hướng này tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm.
Mặc dù VPN là công cụ hữu ích để bảo vệ quyền riêng tư và truy cập nội dung bị chặn, nhưng nhiều ứng dụng VPN miễn phí lại tiềm ẩn nguy cơ bảo mật. Thậm chí, chúng có thể chứa mã độc đánh cắp thông tin cá nhân, biến thiết bị người dùng thành máy chủ proxy cho các hoạt động phi pháp, hoặc thậm chí theo dõi và thu thập dữ liệu người dùng.
"Người dùng thường nghĩ rằng nếu một ứng dụng VPN có mặt trên cửa hàng chính thức như Google Play thì nó an toàn. Họ cũng cho rằng dịch vụ miễn phí sẽ tốt hơn. Nhưng điều này thường trở thành một cái bẫy", chuyên gia bảo mật Vasily Kolesnikov đến từ Kaspersky, cảnh báo.
Vào tháng 5/2024, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã triệt phá một mạng botnet khổng lồ được tạo ra từ 18 ứng dụng VPN miễn phí giả mạo, bao gồm MaskVPN, DewVPN, PaladinVPN, ProxyGate, ShieldVPN và ShineVPN. Mạng botnet này đã kiểm soát hàng triệu thiết bị trên toàn cầu, bị lợi dụng cho các mục đích tấn công mạng, rửa tiền và lừa đảo.
Cuộc điều tra cũng cho thấy các máy chủ độc hại đã được bán cho các tội phạm mạng khác để thực hiện các cuộc tấn công, rửa tiền và lừa đảo. Ngay cả khi không được sử dụng để phát tán phần mềm độc hại, các ứng dụng VPN miễn phí vẫn có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dùng thông qua việc theo dõi trực tuyến và thu thập dữ liệu.
Kaspersky khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng VPN miễn phí. Hãy lựa chọn các dịch vụ VPN uy tín, đã được kiểm chứng và sử dụng kèm theo phần mềm bảo mật để đảm bảo an toàn cho thiết bị và dữ liệu cá nhân.