Lưu Diệc Đình vào học cao trung, WBSE (Hội giao lưu giữa các Trường trung học Washington và Bắc Kinh) đưa Thành Đô vào kế hoạch giao lưu giữa học sinh trung học của Trung Quốc và Mỹ, chỉ tiêu của Đoàn thăm Washington đầu tiên của Thành Đô chỉ có một người và do đích thân Chủ tịch WBSE, ngài Larry Simms đến Trường Chuyên ngữ Thành Đô lựa chọn trực tiếp. 

 

Nhìn lại, lần đến thăm Hoa Kỳ này bắt đầu từ buổi phỏng vấn trực tiếp đều có nhiều ý nghĩa quan trọng, đó vừa là cơ hội Đình Nhi tỏ rõ năng lực, là dịp tốt để Đình Nh tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vừa là cơ hội kiểm nghiệm thành quả bao năm bồi dưỡng tố chất cho Đình Nhi của chúng tôi. Hàng loạt biểu hiện xuất sắc của Đình Nhi trong đợt thăm Hoa Kỳ khiến chúng tôi vui mừng: Vàng thật không bao giờ sợ thử lửa, dù là lửa của Trung Quốc hay lửa của Hoa Kỳ.

 

Liên quan tới toàn bộ cuộc tham quan này hãy nghe Đình Nhi kể lại:

 

Mùa hè năm 1997, chúng tôi đang trong thời kỳ huấn luyện quân sự ở Thanh Thành, Hiệu trưởng Ân điện thoại từ Thành Đô đến, gọi tôi và 4 bạn khác trở về Thành Đô, nghỉ qua đêm để hôm sau tham gia cuộc phỏng vấn lựa chọn trực tiếp mời sang thăm Hoa Kỳ. Người Mỹ sắp phỏng vấn trực tiếp chúng tôi chính là Chủ tịch Hội giao lưu Trung học Washington - Bắc Kinh, ngài Larry Simms.

 

Tin bất ngờ làm tôi rất phấn chấn, có đôi chút căng thẳng. Ô tô phóng như bay trên đường Thành Quan. Tôi nhắm mắt, nhưng không ngủ được, làn gió ngột ngạt của tháng 7 thổi nhẹ vào mái tóc ngắn của tôi. Không biết người Mỹ trực tiếp phỏng vấn chúng tôi là ai, nhưng tôi nghĩ ông nhất định là một nhân vật quan trọng, rất thân thiết với người Trung Quốc.

 

Câu chuyện kỳ lạ có liên quan đến ông Larry, sau cuộc gặp gỡ trực tiếp này tôi mới dần dần biết được. 

 

LÊN VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH, KẾT MUÔN TÌNH HỮU NGHỊ

 

Tháng 10 năm 1993, trời thu trong sáng, một nhóm 4 người Mỹ đến du lịch Trung Quốc, trèo lên thành Bát Đạt Lĩnh ở Bắc Kinh. Một vị người cao to, có bộ tóc mầu lanh, đôi mắt sắc và hiếu kỳ. Ông vừa rất khoẻ, đi trên đường thành cao vòng vèo uốn lượn mà vẫn vừa xem vừa nói cười vui vẻ. Ông ta chính là ngài Larry Simms.

 

Larry từ thời trẻ tốt nghiệp Học viện Luật Dartmouth thuộc trường Đại học Tennessee nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Dựa vào sự tài hoa và cần cù hơn người, ông trở thành nhân vật xuất sắc nhất trong giới pháp luật của Hoa Kỳ. Giữa năm 1974 – 1975, ông từng giúp việc cho một quan toà tại Toà án tối cao Mỹ. Năm 1976 – 1985, ông đảm nhiệm chức vụ trợ lý Tổng kiểm sát trưởng Bộ Tư pháp Mỹ. Sau năm 1985, Larry từ bỏ ngạch công chức, chuyên tâm vào công việc luật sư và gặt hái được thành công to lớn. Ông không những là một luật sư xuất sắc mà còn là Chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc gia trong Hiệp hội Luật sư toàn Hoa Kỳ, đồng thời là một thành viên cao cấp, một ông chủ của Tổng hội Luật sư Gauseane thuộc Tổng hội Đại luật sư thứ 6 thế giới.

 

Do cơ hội ngẫu nhiên du lãm Vạn lý trường thành lần này, về sau ông thành lập một tổ chức Giao lưu học sinh có quan hệ mật thiết với rất nhiều học sinh Trung Quốc.

 

Trên Trường thành ngày đó, ông gặp một đoàn học sinh trung học đang theo thầy giáo dẫn lên Trường Thành. Đoàn học sinh này tiếng Anh khá giỏi nên khi thấy một nhóm bốn người nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội tốt để rèn luyện khẩu ngữ. Các bạn đã mỉm cười, vẫy tay chủ động chào: “Hello! Hello!” Larry cười… Không ngờ đám trẻ nói tiếng Anh khá lưu loát này, là học sinh trường Chuyên ngữ phía tây Bắc Kinh. Trước mặt mấy người Mỹ, họ đối đáp rất trôi chảy, cuộc trao đổi kéo dài tới 40 phút. Larry rất ngạc nhiên về trình độ tiếng Anh của đám trẻ tốt như thế! Sức sống mạnh mẽ, sự thông minh hiếu học, tình thân hữu đối với người nước ngoài, lòng khát vọng muốn hiểu thế giới bên ngoài của các bạn đã làm rung động mãnh liệt Larry, lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc.

 

Sau lần gặp gỡ tình cờ đó, đã gợi cho Larry một ý tưởng. Một Trung Quốc cải cách mở cửa đã thể hiện rõ sức sống làm cả thế giới phải chú ý: Trung Quốc đang tiến bước với số dân đông nhất thế giới, người Trung Quốc thông minh tài trí. Sang thế kỷ XXI sắp tới, quan hệ Trung - Mỹ sẽ là một trong những quan hệ chính trị quan trọng nhất hành tinh. Thế hệ này và thế hệ sau có thể giữ vững được hoà bình, ổn định chính là dựa vào mối quan hệ này.

 

Hãy để lớp trẻ hai nước tìm hiểu đất nước và nhân dân của nhau, cho họ cùng gặp gỡ, gìn giữ lâu dài quan hệ thân thiết. Đó là kết luận của Larry.

 

Trở về Mỹ, sau rất nhiều cố gắng, tháng 2 năm 1994, Larry đã thành lập Hội Giao lưu giữa các Trường trung học Washington - Bắc Kinh (viết tắt là WBSE), một tổ chức phi lợi nhuận và ông đảm nhiệm chức Chủ tịch tổ chức này.

 

Tôn chỉ của Hội là thúc đẩy sự giao lưu giữa thầy và trò trường Trung học giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị. Lúc đó, Larry tâm niệm đó là cách tốt nhất để ông báo đáp xã hội.

 

WBSE vừa thành lập đã bắt đầu chuyển động với hiệu quả cao: chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, tháng 4 năm 1994, Đoàn thứ nhất gồm 6 học sinh và 4 thầy giáo của Trường Chuyên ngữ phía Tây thành phố Bắc Kinh đến Washington, thủ đô của Hoa Kỳ, tham quan trong hai tuần.

 

Lúc đầu, tham gia hoạt động giao lưu chỉ có một Trường Chuyên ngữ khu phía Tây Bắc Kinh, sau là trường Phúc Đán. Đến năm 1998, trước lúc tôi đi thăm Hoa Kỳ, phía Trung Quốc đã có hơn 30 học sinh và thầy giáo chia thành 4 đợt tiến hành tham quan. Học sinh và thầy giáo hai trường trung học nổi tiếng ở Washinhton là Trường Saint Louis và Trường Landtane cũng đã sang thăm lại Trung Quốc.

 

Trường Chuyên ngữ khu phía tây Bắc Kinh và Trường Chuyên ngữ Thành Đô là hai trường anh em đều thuộc hệ thống 14 trường do Ủy ban Giáo dục Quốc Gia thành lập. Lãnh đạo hai trường luôn có cơ hộigiao lưu học tập lẫn nhau, quan hệ tốt đẹp. Đầu năm 1996, trong một lần gặp gỡ bạn bè ở Bắc Kinh, Hiệu trưởng trường Chuyên ngữ phía Tây Bắc Kinh Triệu Thuận Phương nhiệt tình giới thiệu ông Larry làm quen với các thầy lãnh đạo Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Ông Larry sơ bộ tìm hiểu tình hình trường chúng tôi. Trong một dịp tình cờ, ông Larry gặp Lã Tuyết Mai, học sinh của trường chúng tôi thi đậu vào Bắc Đại.

 

Lã Tuyết Mai là một trong những học sinh ưu tú của trường chúng tôi. Năm 1995 với thành tích xuất sắc đứng thứ năm môn văn học trong toàn tỉnh, Lã Tuyết Mai đã đỗ vào khoa Luật trường Bắc Đại. Bạn không chỉ giỏi về ngoại ngữ, có tài nói chuyện mà đối với rất nhiều vấn đề còn có cách nhìn rất độc đáo, nhận thức đúng bản chất sự việc, không bao giờ dễ dàng đồng ý với người khác. Tài trí và phẩm hạnh của Lã Tuyết Mai đã đem lại một ấn tượng rất sâu sắc cho ông Larry.

 

Thế là Larry nhận lời mời của Ban lãnh đạo Trường chúng tôi, vào tháng 9 năm 1996 bay đến Thành Đô. Ông đi vào từng phòng học, nghe các bài giảng tiếng Anh trong các lớp. Sau khi nghe trên lớp, ông mời thầy giáo tiếng Anh của các lớp và còn mời hai vị giáo viên ngoại ngữ người Mỹ, vợ chồng ông bà Antony và Helene đến từ Oklahoma cùng toạ đàm. Larry rất khen ngợi trình độ dạy tiếng Anh của trường. Tháng 10 năm 1996, hội nghị tổng kết công tác giảng dạy cuối năm học của các trường Chuyên ngữ trong toàn quốc họp tại Bắc Kinh, gặp dịp Larry cũng ở Bắc Kinh, Hiệu trưởng Ngô và Hiệu trưởng Ân của chúng tôi gặp ông Larry và chính thức đề xuất với hy vọng các chỉ tiêu của WBSE cũng phát triển đến trường tôi. Ông Larry, đã nắm rõ tình hình nhà trường, tỏ ra rất thích thú và đã chấp nhận trên nguyên tắc, đó là biểu hiện cách làm việc rất thận trọng và tế nhị của ông Larry. Khi chưa chọn được học sinh thích hợp, ông chưa vội vàng thoả thuận.

BA NÓI VỚI TÔI: “PHÀM SỰ DỰ TẮC LẬP”

(MỌI VIỆC CHUẨN BỊ TỐT SẼ THÀNH CÔNG)

 

Năm 1997, ông Larry quyết định mời Trường Chuyên ngữ Thành Đô tham gia kế hoạch WBSE, tuyển chọn ở trường tôi một học sinh để đầu năm 1998 đang học cao trung năm thứ hai, tham gia đoàn giao lưu, đến Hoa Kỳ. Nhà trường thông qua bình chọn tổng hợp của hai mặt đức, tài. Quyết định 5 ứng viên Đoàn đi tham quan Hoa Kỳ, trong đó có tôi, ông Larry phỏng vấn trực tiếp.

 

Chúng tôi chưa biết được có mấy chỉ tiêu đi Hoa Kỳ, nhưng căn cứ vào lần tuyển chọn trực tiếp này, cũng có thể đoán là không phải tất cả 5 người cùng đi. Rõ ràng, phỏng vấn trực tiếp có nghĩa là chấp nhận sự tranh đua. Tôi nghĩ, tâm trạng của mọi người vừa căng thẳng vừa đầy hưng phấn.

 

Họ đều là các bạn có thành tích nổi bật trong năm học. Tôi thường tìm thấy nhiều vấn đề đáng học tập ở mỗi bạn. Ví như, Vương Lan không những rất giỏi khẩu ngữ tiếng Anh, các môn học khác cũng học rất nhẹ nhàng, nên mỗi lần thi đều thoải mái vượt lên trên điểm mọi người khác; Phàn Điềm Điềm, ngồi cùng bàn với tôi thời sơ trung, một mình bạn độc chiếm đầu bảng 3 lần. Sức nhớ của bạn làm tôi hết sức nể phục, bạn lại có sở trường về thư pháp nữa; Lý Hải Bối bắt đầu từ sơ trung luôn dẫn đầu, xem rất nhiều sách văn học, “Phúc hữu thi thu khí tự hoạ” (trong đầu đầy thơ và sách cũng là nguyên khí Trung Hoa mà có); Lương Tinh ngoài môn tiếng Anh và các môn khác đều xuất sắc ra, bạn còn là một tay đàn dương cầm rất giỏi. Tiếng đàn dương cầm của bạn đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Lúc chưa tốt nghiệp tiểu học, tài năng chơi đàn của bạn đã tương đối cao - đạt đến cấp 10 dương cầm.

 

Trước mắt tôi, các bạn đều là những đối thủ mạnh, tôi cảm tưởng như trong một cuộc thi đấu kịch liệt, chỉ biết thắng cuộc thi chứ không biết nội dung thi đấu là những gì. Nhưng vốn không bao giờ dễ dàng chịu thua, tôi rất thích dốc toàn lực cho cuộc đua tranh công bằng đó, thua cũng cam lòng. Tôi quyết định, cố gắng đến mức cao nhất, cho dù không được chọn cũng không để cho “người nước ngoài” cho rằng học sinh của trường trình độ kém.

 

Về nhà, tôi kể lại cho cha mẹ nghe. Ba mẹ đều nói, đây là một dịp tốt và rất quan trọng, còn hỏi ngày mai tôi định nói những gì. Đối với vấn đề này, thực tôi chưa nghĩ tới, mấy ngày huấn luyện quân sự căng thẳng mệt mỏi, chỉ muốn ngủ. Tôi ngáp dài và nói: “Hiệu trưởng Ân nhắc các con cố gắng chuẩn bị tốt một chút”. Mẹ liền hỏi theo luôn: “Vậy con gái đã chuẩn bị được những gì?” “Có người nói nên xem thêm lịch sử Hoa Kỳ, có mấy núi cao, hồ lớn…”

 

“Cái gì?” mẹ bật phì cười. “Một người Mỹ từ xa xôi vạn dặm đến Thành Đô nói chuyện mà chỉ để nghe con nói cho họ về nước Mỹ có mấy núi, mấy hồ ư? Theo mẹ, do xuất phát từ sự tò mò, họ cũng rất muốn nghe cách nhìn của con về nước Mỹ”.

 

Tôi rửa mặt cho tinh thần phấn chấn, mời ba ngồi bên cạnh, hỏi ông có cao kiến gì. Tôi biết ba có nghiên cứu con người nhiều nước khác nhau, ba thường nêu ra những sáng kiến  khiến người ta phải khâm phục.

 

Quả nhiên, ba bắt đầu nói và đã lôi cuốn ngay sự chú ý của hai mẹ con tôi, giọng chắc chắn quen thuộc: “Ba nghĩ, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ so với tưởng tượng của người ta thì còn sâu xa hơn nhiều. Con còn nhớ, thời kỳ kháng Nhật, Hoa Kỳ từng là nước viện trợ lớn nhất cho Trung Quốc, không chỉ viện trợ vũ khí đạn dược, thuốc men, mà còn rất nhiều phi công Hoa Kỳ trực tiếp đến Trung Quốc tham chiến đánh Nhật. Lúc đó sân bay Tôn Tân của Thành Đô, có phi công Hoa Kỳ đóng quân. Để đánh bại uy phong của Nhật, máy bay Hoa Kỳ cất cánh từ Thành Đô, ném bom vào đất Nhật…” – “Đúng rồi!” Tôi chợt bừng tỉnh tiếp lời ba – “Sau khi bọn Nhật cắt đứt con đường Châu Miến là tuyến giao thông quốc tế của Trung Quốc, đội quân Phi Hổ của tướng Mỹ Chainnator đã đảm nhận nhiệm vụ từ Vân Nam bay thẳng đến Ấn Độ, mở tuyến giao thông mới nhận viện trợ quốc tế”.

 

Cứ như thế, tôi đã lợi dụng thời gian trước khi đi ngủ, thảo luận hết sức tỉ mỉ các chủ đề có thể đàm thoại được:

 

Hai nước Trung - Mỹ có nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.

Nhân dân hai nước Trung - Mỹ trong quá khứ đã có tình hữu nghị, tương lai càng cần củng cố tình hữu nghị đó.

Người Mỹ tiến hành hiện đại hoá có nhiều kinh nghiệm phong phú, Trung Quốc hiện nay cũng đang cần những kinh nghiệm đó.

 

Lần này tôi đã lý giải được rõ ràng luồng tư duy của tôi, biết nên nói những điều gì với vị luật sư người Mỹ này.

Hôm sau đến trường, tất cả đều yên tĩnh hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi. Thậm chí không hề nhận thấy dù một chút không khí căng thẳng nào. Lần đầu tiên gặp ngài Larry, tôi chào ông rất lịch sự với cảm giác xa lạ: “Mr. Simms”. Tôi biết ông ta là một luật sư Hoa Kỳ nhưng trước tiên khi nghe giọng Anh - Mỹ của ông tôi càng thấy thích thú, ông đến từ thủ đô Washinton, người ở đó nói thứ giọng chuẩn của miền Đông Hoa Kỳ. Một vài thầy giáo cũng nói: “Vị luật sư Hoa Kỳ này, lúc giảng bài giống giọng nói của phát thanh viên đài VOA (Đài phát thanh Hoa Kỳ)”. Ở Trường Chuyên ngữ, đánh giá giọng nói tiếng Anh là một sở thích không khi nào lỗi thời, thầy giáo và học sinh đều như vậy cả.

Trừ những việc nói trên ra, sự tập trung chú ý của tôi đều đặt hết vào cuộc phỏng vấn sắp tới.

Ông Larry rất tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện, có lẽ đó là đặc trưng của nghề luật sư, làm tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng và thoải mái. Chúng tôi, lúc thì nói đến cuộc sống ở trường, tinh thần học tập, còn đệm những ca khúc thú vị vào các câu chuyện trong nhà trường, lúc thì nói đến “đội bay thứ 14 nổi tiếng của tướng Chinnator trong Thế chiến II và đường bay nguy hiểm từ Hymalaya đến Ấn Độ”. Nói hết câu chuyện này, tôi chợt nghĩ tới một vấn đề, “Hoa Kỳ là một quốc gia rất coi trọng luật pháp, Trung Quốc là nước đang hoàn thiện pháp chế, không biết trong thời kỳ hiện đại của Trung Quốc, mối giao lưu này có tác dụng như thế nào?” Larry ngừng một lát, hình như cảm thấy bất ngờ, nhưng có lẽ vì nói đến nghề nghiệp của mình, ông càng lộ rõ vẻ thích thú.

Sau này, đối với luật pháp Trung Quốc, ông thực sự có cách nhìn rất sắc sảo. Ông cho rằng, tập trung hoàn chỉnh hệ thống luật pháp là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện hiện đại hoá Trung Quốc.

Gần 30 phút phỏng vấn trực tiếp qua đi rất nhanh. Tôi không cách nào phán đoán được cuối cùng đã để lại cho ông ấn tượng gì. Căn cứ vào thời gian nói chuyện dài ngắn, không làm người ta mấy lạc quan - thời gian nói chuyện của tôi khoảng nửa tiếng nhưng thời gian nói chuyện của hai bạn khác trái lại là 40 phút và gần một tiếng đồng hồ. Còn hai bạn nữa, một người nói nửa tiếng, người khác nói chỉ khoảng 20 phút.

Sau này, ông Larry nói, ấn tượng thứ nhất về tôi trong lần phỏng vấn trực tiếp là thấy rất đặc biệt và ngay lập tức gây được sự chú ý của ông. Nhưng ngay trong ngày phỏng vấn đó, bất kể là trong quá trình nói chuyện hay sau khi kết thúc, ông không hề để lộ ra ấn tượng đó.

Sau ngày phỏng vấn, chúng tôi vội vàng quay về Thanh Thành, suốt ngày luyện tập theo khẩu lệnh của chỉ huy, đến tối mọi người lại tụ tập nhau kể chuyện tiếu lâm. Khoảng thời gian đó rất vui vẻ, tôi quên đi rất nhanh cuộc gặp gỡ với người Mỹ.

TRỞ THÀNH NGƯỜI GẶP VẬN MAY

Hạ tuần tháng tám tôi lên năm thứ hai cao trung. Cuộc sống nội trú ở trường như đồng hồ đã lên hết giây cót, cứ đều đều chuyển động. Một ngày cuối tháng 11, Hiệu trưởng Ân gọi tôi lên Văn phòng. Ông trao cho tôi một lá thư chuyển bằng đường hàng không từ Mỹ gửi đến, trên phong bì mấy hàng chữ có màu đỏ đập vào mắt tôi:

Chủ tịch Simms, Hội giao lưu các trường Trung học Washington - Bắc Kinh…

Tôi vô cùng hồi hộp, tim đập thình thịch và đã đoán ra, đó là thư mời đi thăm Hoa Kỳ. Thật không dám tin, tôi đã thực sự trở thành lucky guy (người gặp may mắn)!

Sau buổi phỏng vấn trực tiếp, ngài Simms đã nói với tất cả chúng tôi: “Các bạn đều rất xuất sắc, lúc này tôi không thể quyết định được. Sau khi quyết định xong, tôi sẽ gửi ngay thư mời”.

Mấy tháng trôi qua, tôi đã bắt đầu quên đi thì thần may mắn đã bay đến đậu trên vai tôi. Không những thế, lúc đầu Larry vốn chỉ cho trường chúng tôi một chỉ tiêu thăm Hoa Kỳ, nay lại tăng thêm thành hai, Âu Bằng lớp cao trung 3 lọt vào chỉ tiêu này, trở thành một người may mắn nữa.

Sau khi thăm Hoa Kỳ về, tôi mới được biết quá trình chọn được tôi trong số 5 ứng viên. Thông qua những buổi phỏng vấn trực tiếp ngày ấy, cả 5 chúng tôi đều để lại một ấn tượng sâu sắc đối với Larry về trình độ tiếng Anh, ông cảm thấy bất ngờ ngoài dự kiến của mình. Trước đây, hoặc ít hoặc nhiều, ông đã coi tỉnh Tứ Xuyên chuyên sản xuất gấu mèo nổi tiếng là một nơi hoang vu, nghèo đói, khép kín và lạc hậu. Lần nói chuyện trực tiếp này, thành kiến đó của ông đã tiêu tan. Qua 5 người chúng tôi, ông không chỉ tìm hiểu thực lực đã có của học sinh trường chúng tôi, mà còn thấy rõ sự chân thành và công bằng của Ban lãnh đạo Trường Chuyên ngữ Thành Đô. Với tập quán làm việc thận trọng không bỏ qua một sự việc nhỏ nào, Larry căn cứ vào đối tượng buổi phỏng vấn xếp thứ tự 5 người chúng tôi từ trên xuống. Tôi được xếp thứ nhất, Lý Bối Hải xếp thứ hai. Đến thời điểm cần quyết định, Larry và Ban lãnh đạo ngồi lại cùng nhau thương lượng, cuối cùng người được chọn đi Hoa Kỳ là ai, ông hoàn toàn yên tâm nói: “Mỗi học sinh đều rất giỏi, ngoài dự kiến của tôi, mời các ông chọn một người”.

Mấy vị lãnh đạo từ chối. Nguyên nhân của việc này (đấy là do tôi suy đoán) là đối với học sinh tự tay các thầy cô bồi dưỡng, họ đều nắm rõ thực lực của mỗi người. Họ rất muốn mỗi học sinh đều có cơ hội đi tham quan, nay tự tay xoá tên 4 học sinh kia, các thầy cô không thể dằn lòng làm việc đó. Họ đề nghị ông Larry quyết định. Thế là Larry không thể từ chối, ông rút quyển ghi chép ra, chỉ vào tên tôi được xếp vị trí thứ nhất nói:

Như vậy để Yiting Liu (Lưu Diệc Đình) đi nhé?

Nói đến trường hợp của Âu Bằng cũng đầy kịch tính. Lúc Larry đến Thành Đô để thực hiện cuộc phỏng vấn, có mang theo cậu con trai đang học lớp cao trung. Khi Larry bận làm việc với chúng tôi, không có thời gian chăm sóc con, bèn nhờ lãnh đạo nhà trường bố trí một học sinh nam lớp cao trung 3 đi theo con trai ông tham quan thành phố Thành Đô. Âu Bằng thường ngày học rất xuất sắc liền được chọn làm người cùng đi với cậu ta.

Âu Bằng đi với con trai của Larry suốt 7 tiếng đồng hồ. Do anh nói tiếng Anh lưu loát, tri thức hiểu biết rộng, cử chỉ dịu dàng nên con trai ông Larry cảm thấy như tìm được bạn cố tri nơi đất khách. Cảm giác này cũng gián tiếp tác động đến ngài Larry. Rồi quyết định cuối cùng như chúng ta được biết: đã có sự thay đổi mang lại niềm vui đến cho mọi người.

HÃY ĐỂ CHO ÔNG NGƯỜI MỸ TÌM HIỂU CÀNG NHIỀU VỀ TRUNG QUỐC

 

Trong thời gian đến thăm Hoa Kỳ, tôi rất ngạc nhiên là không ít người Mỹ thiếu hiểu biết về Trung Quốc. Ấn tượng của nhiều người Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cố nhiên chỉ là những bộ phim của Trương Nghệ Mưu quay với bối cảnh Trung Quốc cũ. Cũng không trách được. Đối với họ, trong đầu chỉ chứa đầy những tin tức như thế thì cách nhìn cũng hình thành từ đấy. Có người Hoa Kỳ nhìn thấy bộ trang phục thường ngày tôi mặc trên người, tò mò hỏi: “Lúc ở Trung Quốc cũng mặc những bộ quần áo này à?” Có lẽ họ cho rằng ở Trung Quốc tôi mặc áo dài vạt trước ngắn với tay áo hình móng ngựa, thậm chí còn bó chân mới phù hợp với ấn tượng của họ.

 

Do vậy, tôi muốn những người dân Hoa Kỳ tôi có dịp tiếp xúc, tìm hiểu được càng nhiều về một Trung Quốc chân thực. Lúc ấy, những món quà mà mẹ tôi tìm chọn cho đã có chỗ sử dụng.

 

Món quà mà tôi tặng cho ông chủ nhà Taylor là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ thêu truyền thống của Tứ Xuyên: bức “Mèo vờn bọ ngựa” thêu hai mặt. Cũng hay là vợ chồng ông rất thích mèo, lúc tôi vừa đem bức tranh lồng kính có hai mặt thêu, đặt lên giá, cả nhà ông Taylor đều tò mò xúm quanh, lật đi lật lại xem con mèo rất sống động với những sợi len nhiều màu sắc được thêu hai mặt như thế nào? Nhân dịp đó, tôi giới thiệu cho họ biết 4 địa phương thêu nổi tiếng của Trung Quốc, nơi hội tụ rất nhiều nghệ nhân thủ công điêu luyện: Bắc Kinh, Tô Châu, Thục (Tứ Xuyên) và Tương (Hồ Nam).

 

Món quà tặng nhà trường, nơi đón tiếp tôi, là bộ tranh màu minh hoạ một câu chuyện dân gian Trung Quốc tuyệt đẹp. Bộ tranh này ngoài kỹ thuật sử dụng thủ pháp Trung Quốc có phiên âm tiếng Hán, lớp Trung văn của nhà trường hiểu câu chuyện đó và từ nội dung câu chuyện, hiểu được lịch sử lâu đời và nền văn hoá Trung Quốc. Tôi dùng những bức tranh cắt mang theo tổ chức một buổi giới thiệu về phong tục dân gian Trung Quốc như làm vằn thắn, bánh trôi, hàm ý sâu sắc của chữ “phúc” viết ngược để học sinh Hoa Kỳ cảm nhận được tâm nguyện hướng về một cuộc sống tốt đẹp, những thuần phong, mỹ tục đầy tình cảm thú vị của nhân dân Trung Quốc.

 

Tôi còn mang một ít tặng phẩm nhỏ khác như khay bằng trúc đan, dùng lối vẽ “quốc hoạ” (lối vẽ bằng bút nho Trung Quốc) vẽ gấu hoặc tùng, hoạ lên trên mặt khay, quạt hoa khắc chìm bằng gỗ thơm có thể gắn vào bệ quạt để trang trí; hộp cỏ bện đựng đồ trang điểm nhỏ nhắn xinh xắn bên ngoài có dán những bức tranh bằng thân cây lúa mạch rất tinh xảo. Tôi đem chúng tặng các thầy cô giáo và các bạn ở trường học Hoa Kỳ. Có những gia đình tha thiết mời chúng tôi đến chơi nhà.

 

Loại tặng phẩm khiến tôi bỏ nhiều công sức và cũng tâm đắc nhất là một bàn tính bằng ngọc tặng ngài Larry. Tặng bàn tính ngọc là ý mẹ tôi. Mẹ nói: “Ngọc là tượng trưng cho phẩm chất tinh thần của người Trung Quốc, bàn tính là tiêu biểu tuyệt vời cho nền văn minh cổ xưa của người Trung Hoa, hơn nữa đối với sự phát triển của nền kinh tế cổ đại Trung Quốc, bàn tính cũng đã đóng góp không nhỏ. Nó đã dùng một phương thức hết sức đơn giản để giải quyết vấn đề số học rất phức tạp và là biểu hiện rõ ràng trí tuệ của người Trung Quốc. Con đã biết sử dụng bàn tính, đến lúc ấy con có thể thực hành để ông ấy xem đấy.”

 

Mẹ tôi đã tìm mấy ngày ở Thành Đô mà không tìm được bàn tính ngọc, lúc đó định thay thế bằng bàn gỗ nhưng e sơ sài quá. Mẹ lại chạy đi tìm một ngày nữa, kết quả tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm du lịch, mua được bàn tính ngọc cỡ trung rất vừa ý. mẹ rất phấn khởi, viết hai câu đối trên hộp bàn tính để lúc tặng dịch cho ngài Larry nghe:

Cổ hữu toán bàn khởi Hoa Hạ

Kim hữu điện não huệ toàn cầu.

(Thời xưa, bàn tính có đầu tiên ở Hoa Hạ

Ngày nay, máy tính có mặt trên khắp toàn cầu)

(Hoa Hạ: Tên gọi nước Trung Hoa cổ)

 

Lúc tôi đem tặng ngài Larry bàn tính ngọc, vừa phiên dịch đôi câu đối vừa biểu diễn bàn tính khiến ông Larry tỏ vẻ vô cùng thích thú và kinh ngạc.

 

Ngoài việc dùng quà tặng để giới thiệu truyền thống văn hoá Trung Quốc, tôi còn chú trọng giới thiệu với người dân Hoa Kỳ tình hình Trung Quốc hiện nay và sự thay đổi của Trung Quốc sau cải cách mở cửa.

 

Lúc có người hỏi về quê hương, tôi liền lấy bưu thiếp mang theo từ Thành Đô và kể với họ, đây là thành phố nơi tôi ở. Dòng sông này có tên gọi là Phủ Nam, chúng tôi thường gọi là “dòng sông mẹ”. Dọc theo hai bờ sông là những vườn hoa rộng, các toà nhà đẹp, đã được tặng “Huy chương về công trình nhà ở của Liên Hiệp quốc”. Trong 20 năm lại đây, hầu như thành phố nào ở Trung Quốc cũng có những thay đổi lớn lao.

 

Cả nhà ông Taylor đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa đến Trung Quốc. Tôi nói với họ, một chính sách rất quan trọng hiện nay của Trung Quốc là hoan nghênh người nước ngoài đến đầu tư. Trung Quốc là một nước có tốc độ phát triển nhanh, có rất nhiều cơ hội kinh doanh. Giá nhân công ở Trung Quốc rất rẻ, thậm chí những nhân tài có trình độ cao, được đào tạo tốt, thù lao cũng thấp hơn ở Hoa Kỳ nhiều.

 

Tôi còn nói với ông về sự tiến bộ của nền pháp chế Trung Quốc, tình hình môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi với kinh doanh của người nước ngoài. Tôi còn giới thiệu với ông sự thành công của những xí nghiệp phương Tây ở Trung Quốc. Có một lần tôi nói tới công ty P&G của Hoa Kỳ cũng là Công ty Bảo Khiết sản xuất dầu gội đầu làm tóc nhẹ và mềm nổi tiếng Trung Quốc, vừa hay người Tổng Giám đốc của Công ty đó là bạn của ông.

 

Ông Taylor tìm hiểu ngày càng nhiều tình hình Trung Quốc. Có lần ông hỏi tôi: “Cháu là một học sinh trung học, làm sao biết được nhiều tình hình như thế?” Tôi trả lời ông là, một mặt từ trong sách giáo khoa Trung Quốc tôi đã học được những kiến thức cơ bản, mặt khác xuất phát từ hiểu biết cá nhân, hàng ngày đều chú ý đến những tin tức như thế; có lúc còn mua sách báo liên quan để đọc nữa. Thời gian lâu dần, sự hiểu biết càng nhiều thêm… Ông Taylor nửa đùa nửa thật cười nói, học sinh trung học như cháu về sau ứng cử tổng thống được. Tôi nói với ông, ở Trung Quốc học sinh trung học giống như tôi rất nhiều. Họ quan tâm đến tiền đồ và vận mệnh quốc gia. Ví như bạn học của tôi cũng đều như vậy.

 

Lúc tôi sắp rời Hoa Kỳ, ông Taylor nói với tôi, sắp tới ông cũng dự định sang Trung Quốc đầu tư trên thị trường rộng lớn đầy cơ hội kinh doanh này. Vì vậy, ông rất mong con của ông học tốt môn Trung văn.

Theo ngài Larry, muốn làm cho học sinh trung học hiểu sâu sắc Hoa Kỳ, Toà án tối cao là một nơi không thể không đến. Đây không chỉ vì Toà án Tối cao là nơi ông làm việc, mà quan trọng hơn, hoàn thiện hệ thống luật pháp là một tiền đề hết sức quan trọng không thể thiếu của bất cứ một quốc gia nào muốn thực hiện hiện đại hoá.

Giống như nhiều tổ chức cơ cấu của nhà nước Hoa Kỳ như Nhà Trắng, Quốc hội, Toà án Tối cao đặt tại Washinhton cũng quy định một ngày để công chúng vào tham quan tự do. Trong ngày tham quan đó, các vị thẩm phán cao cấp tự mình xuất hiện tiếp đón những người tham quan bình thường, bao gồm cả thanh thiếu niên, học sinh đồng thời thông qua các loại sự việc cụ thể giảng giải cho họ hiểu Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ.

Ngày hôm ấy, một trong số học sinh Trung Quốc chúng tôi và một vài người trong số các ông chủ người Mỹ, dưới sự hướng dẫn của ngài Larry, đi tham quan Toà án Tối cao, gặp ngài Antone Kennedy, một thẩm phán cao cấp. Ông đã nhiều lần thăm Trung Quốc, cho nên đối với ông, việc học sinh Trung Quốc thảo luận pháp luật Hoa Kỳ cũng rất lý thú. Hôm ấy, thẩm phán Kennedy đang giảng cho mọi người về một vụ án gây tranh luận trong xã hội: một việc khám xét có khả năng liên quan đến việc xâm phạm quyền của con người. Sự kiện này làm cho nội bộ Toà án Tối cao ý kiến không nhất trí. Quá trình tóm tắt sự việc đó như sau. Một chiếc ô tô đang chạy, vi phạm pháp luật, bị cảnh sát phát hiện. Cảnh sát lập tức truy đuổi, chặn chiếc xe đó lại và yêu cầu tất cả hành khách trên xe xuống hết để kiểm tra và có 3 người trong số họ tìm được trên người có vật cấm. Vị thẩm phán đề xuất với mọi người là: người cảnh sát này có được quyền như vậy không?

Trong không khí rất nghiêm trang đó, tôi dũng cảm đứng lên với giọng bình tĩnh nói: “Tôi cho rằng cách làm của người cảnh sát đó là sai”, tiếp theo, tôi bắt đầu trình bày rất mạch lạc quan điểm của mình: trong sự kiện này, người phạm luật không phải là tất cả các hành khách mà chỉ là người lái xe. Lái xe vi phạm luật thì phải trừng phạt theo pháp luật quy định, nhưng tất cả các hành khách không có sai phạm. Không có lý do nào để bắt tất cả phải cùng lái xe chịu chung hình phạt đó, dù chỉ là xuống xe để kiểm tra. Thẩm phán Kennedy đầu tiên rất ngạc nhiên, đến lúc nghe tôi trình bày, vẻ mặt giãn ra vui vẻ. Đợi tôi nói hết quan điểm của mình, vị thẩm phán không nén xúc động, giơ cả hai tay lên tán thưởng: “Great! (Rất giỏi!) Cách nhìn của tôi cũng giống như em. Chúng ta không thể vì người cảnh sát này khám được vật cấm mà có thể công nhận sự kiểm tra vi phạm pháp luật đó. Đây là điều khoản Hiến pháp của chúng ta để bảo vệ những công dân Hoa Kỳ không phải chịu bất cứ sự kiểm tra phi lý nào”.

Cuộc tham quan kết thúc, thẩm phán Kennedy vui vẻ chụp ảnh với chúng tôi và trên bức ảnh đó ông tự tay ký tên của mình rồi trao cho tôi làm kỷ niệm. Sau sự việc đó, ngài Larry lúc viết thư giới thiệu tôi du học tiếp mới nói với tôi: “Phát biểu của em làm cho tất cả những người dự họp đều ngạc nhiên, kể cả tôi, - một chuyên gia luật pháp và là một luật sư lâu năm trong nghề. Là vì xuất phát điểm của việc thảo luận vấn đề này là Tu chính án thứ 4 trong Hiến pháp Hoa Kỳ, đó là một điều khoản Hiến pháp để bảo vệ công dân Hoa Kỳ không phải chịu sự kiểm tra phi pháp, nhưng trong khi em chưa hiểu gì về Tu chính án, chỉ dựa vào năng lực tư duy lô gíc mà rút ra kết luận chính xác”.

Larry cho rằng quan điểm thảo luận mà tôi trình bày chí ít cũng bằng trình độ sinh viên năm thứ hai Trường Đại học luật chuyên khoa Hoa Kỳ. Hơn nữa Larry còn nói, tiếng Anh của tôi sử dụng chặt chẽ, tư duy sắc sảo, sự biểu đạt rõ ràng và lưu loát, bình tĩnh, dũng cảm, từng câu đều có điểm trúng huyệt chắc như đinh đóng cột đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc.

ĐÁNH MỘT TRẬN THẮNG ĐẸP Ở ĐÀI TRUYỀN HÌNH HOA KỲ

 

Washington tháng 2, trời rét căm căm. Mấy học sinh Trung Quốc chúng tôi đã thấy quen thuộc hơn một ít đối với thành phố, phong tục, tập quán và con người ở đất nước này.

 

Gần tối, đêm 13 tháng 2, thầy phụ trách Đoàn – Dương Tiểu Hồng đột nhiên nhận được một cú điện thoại ngắn gọn: 9 giờ 20 phút sáng ngày mai, Đài Truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN mời chúng tôi tham gia tiết mục phỏng vấn trực tiếp, hỏi chúng tôi có nhận lời mời đến dự hay không.

 

Đài truyền hình Hoa Kỳ C-SPAN rất hiện đại, phủ sóng khắp nước Mỹ. Các tiết mục của Đài từ lâu đã nổi tiếng vì có tính chính trị cực mạnh. Lời mời này, đối với chúng tôi, những người mới đến Hoa Kỳ 20 ngày, rõ ràng là một khó khăn. Thầy Dương Tiểu Hồng đến chưng cầu ý kiến, mọi người đều thấy đây là một thách thức, đương nhiên không muốn lùi bước.

 

Sáng sớm ngày 14 tháng 2, người dẫn chương trình còn chưa đến, 4 học sinh Trung Quốc chúng tôi đã ngồi rất nghiêm chỉnh ở phòng phỏng vấn trực tiếp. Người phụ trách hoá trang của Đài truyền hình nói với chúng tôi, buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp của Đài thường được bố trí vào “thời điểm vàng”, vì người Mỹ có thói quen, ngày chủ nhật buổi sáng ngủ muộn, khi vừa mở mắt dậy, liền bật ti0vi xem thời sự, nên C-SPAN bố trí tiết mục hay nhất vào thời điểm đó.

 

Bắt đầu làm việ, sau lời khai mạc ngắn gọn của người dẫn chương trình và lời chào hỏi hữu nghị, đường dây điện thoại nóng với khán giả được nối, điện thoại các nơi trên đất nước Hoa Kỳ gọi về làm cho đèn tín hiệu trong phòng truyền trực tiếp nhấp nháy liên tục, không khí hiện trường đột nhiên sôi động, căng thẳng.

 

Tuy trước đây, bản thân tôi chưa bao giờ trải qua tiết mục truyền hình trực tiếp của Hoa Kỳ, nhưng cũng đã được nghe nói tới. Trong các buổi như thế, dù là Tổng thống cũng bị những người dẫn chương trình và phóng viên đôi lúc làm cho lúng túng. Từ Nixon đến Bill Clinton đều gặp phải trường hợp này. Ta có thể thấy gai góc trong những câu hỏi đặt ra.

 

Người dẫn chương trình C-SPAN như một sinh viên trẻ, anh ta đối với chúng tôi thân thiện, còn về những người gọi đường dây nóng sẽ hỏi những vấn đề gì thì khó mà dự kiến được. Giống như mỗi lần bước vào phòng thi, tôi hít thở hai lần thật sâu, chuẩn bị nghênh đón thách thức đó.

 

Những câu hỏi của công chúng Mỹ không hề kiêng dè bất cứ thứ gì, quả nhiên là danh bất hư truyền. Mới bắt đầu đã có khán giả hỏi, suy nghĩ của chúng tôi đối với những sự việc rắc rối của bản thân nước Mỹ: “Các bạn đối với những chuyện tình lãng mạn của Tổng thống Clinton như thế nào?”

 

Một vị khán giả khác quan tâm đến tình hình vùng vịnh sau cuộc chiến hỏi: “Các bạn nhận thấy quan hệ sắp tới giữa Mỹ và Iraq như thế nào?” Chúng tôi thường trả lời hết sức thoải mái đối với các câu hỏi đó.

 

Một khán giả điện từ Tennessee tới, đầu tiên anh ta dùng giọng Trung Quốc không được thành thạo lắm mở đầu “Chào bạn!”, nhưng vấn đề anh ta nêu ra có đôi chút châm ngòi: “Năm năm trước tôi đã đến Trung Quốc và đã học được một môn võ thuật của Trung Quốc. Tôi rất quan tâm đến sự phát triển nhân quyền của Trung Quốc. Tôi muốn nhờ một bạn học sinh Trung Quốc có hiểu biết về môn võ thuật nói cho biết cách nhìn của bạn ấy về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc?” Trong phòng truyền hình trực tiếp, mọi ánh mắt đều nhìn về phía Âu Bằng. Âu Bằng trả lời rất trầm tĩnh: “Mọi người đều biết, Trung Quốc là một nước dân số đông và có một lịch sử lâu đời. Từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhân quyền của chúng tôi tiến những bước rất dài. Mỗi quốc gia đều có những đặc điểm khác nhau của riêng mình. Tình hình nhân quyền của chúng tôi cũng đang theo sự phát triển của nền kinh tế không ngừng được cải thiện. Tôi tin tưởng với sự nỗ lực không mệt mỏi, vấn đề nhân quyền của nước chúng tôi sẽ tiến tới hoàn thiện”.

 

Tất cả nhân viên Đài truyền hình có mặt trong phòng đều vỗ tay hoan nghênh câu trả lời đó của Âu Bằng. Họ không biết rằng gia đình nơi Âu Bằng được gửi trọ trong thời gian tham quan Hoa Kỳ, thường thường có những cuộc gặp gỡ với các chính khách. Trong những lần gặp gỡ đó, vấn đề Âu Bằng phải trả lời nhiều nhất là vấn đề nhân quyền Trung Quốc.

 

Lúc cuộc phỏng vấn kết thúc, người dẫn chương trình nêu một vấn đề chung cho chúng tôi, kế hoạch tương lại làm gì? Có nghĩ đến việc sang Hoa Kỳ học đại học hay không?

 

Các bạn tôi đều nói rằng, trong tương lai hy vọng được đưa sang Hoa Kỳ học đại học. Lúc người dẫn chương trình hỏi tôi, tôi bình tĩnh trả lời: “Tôi chưa chuẩn bị sang Hoa Kỳ học đại học. Là vì tôi cho rằng, một người cần phải học tốt nền văn hoá của nước mình trước tiên, sau đó mới đi học tập nền văn hoá của nước khác. Tôidự định sau này sẽ hoạt động kinh tế. Nhưng làm kinh tế quyết không phải muốn kiếm thật nhiều tiền cho mình mà là vì Tổ quốc tôi còn có rất nhiều người cần giúp đỡ. Ví như những vùng nghèo khổ, còn có rất nhiều trẻ em nghèo, không có tiền nên không thể đi học. Tôi hy vọng bản thân trong tương lai có năng lực giúp đỡ họ.”

 

Những lời nói trên đều là những lời chân thực, là vì, từ trước tới nay, tôi chưa hề nghĩ đến việc trực tiếp sang Hoa Kỳ học hệ chính quy, mà có ý định đến giai đoạn nghiên cứu sinh, thi vào danh sách du học sinh của nhà nước. Lúc ấy tôi cũng chưa hề biết được, nửa năm sau ngài Larry giới thiệu trực tiếp và đề nghị tôi được hưởng học bổng trả theo chỉ tiêu đại học Hoa Kỳ, có thể thực hiện sớm ý định sang Hoa Kỳ của mình trước 4 năm trong kế hoạch của cuộc đời.

 

Hôm phỏng vấn trên truyền hình, tôi cũng không biết con gái của ngài Taylor là Janes ngồi trước màn hình ti-vi, khi cô nghe câu trả lời của tôi, cô rất cảm động. Khi trở về nhà, cô Janes ôm chầm lấy tôi: “Thanh niên Trung Quốc thật phi thường! Vào độ tuổi như thế này, trẻ em của chúng tôi ở đây, chỉ biết ăn sô-cô-la và kem, các bạn, trái lại đã biết suy nghĩ đến những vấn đề của quốc gia, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình với nhân loại…”

 

Người vui mừng nhất đối với thành công của buổi phỏng vấn này có lẽ là ngài Larry. Khi người dẫn chương trình Đài C-SPAN vừa nói lời “Chào tạm biệt!”, ông ngồi ngay bên ngoài phòng truyền hình trực tiếp đã đứng lên hô thật to: “Rất giỏi! Rất giỏi! Tôi tự hào về sự tuyển chọn của mình”.

 

Tôi nghĩ rằng ngài Larry không chỉ tự hào vì ông đã tuyển chọn học sinh trung học của Trung Quốc, nhưng càng tự hào hơn vì ông đã chọn đúng sự nghiệp của mình là củng cố tình thân thiện, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung - Mỹ.

HỌC SINH MỸ “HỌC LÀM THEO KIỂU LÔI PHONG”

 

Theo sự bố trí của ngài Larry, ngày thứ hai sau khi đến Washington, tôi và Âu Bằng lần lượt đến thăm trường Saint Louis và Landtane. Hai trường Hoa Kỳ này đều là trường trung học hàng đầu của đặc khu thủ đô Washington. Thứ bậc của các trường đó ở Washington đại để sánh ngang với các trường trung học nổi tiếng thuộc Trường Bắc Đại ở Bắc Kinh - Trường Thanh Hoa và 4 trường trung học của Bắc Kinh. Dụng ý của ông Larry là làm cho chúng tôi quen thuộc khuôn viên của nhà trường để bắt đầu tìm hiểu Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ có thời gian gần một tháng học tập sinh hoạt giống như học sinh ở đất nước mình tham quan.

 

Trường Saint Louis nơi tôi học, để bồi dưỡng tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm với xã hội, có một lịch trình giảng dạy bắt buộc mỗi học sinh phải hoàn thành kế hoạch chuyên môn do tự mình xây dựng. Tên gọi của loại kế hoạch chuyên môn này là “Kế hoạch phục vụ vùng”. Mục tiêu là bồi dưỡng học sinh thành công dân có đầy đủ trách nhiệm với vùng mình sống và toàn xã hội, đồng thời làm cho học sinh hiểu được đúng đắn những người đang chung sống chung với họ trên thế giới này, đặc biệt là những người có khó khăn đang cần được giúp đỡ, từ đó mà trưởng thành và có được nhiều tình thương yêu hơn nữa. Kế hoạch này tôi gọi là “Hoạt động học tập theo gương Lôi Phong” của học sinh Hoa Kỳ. Trường Saint Louis đã quy định những biện pháp hết sức chặt chẽ cho kế hoạch này, khi chấp hành cũng rất nghiêm túc.

 

Học sinh trung học của Trung Quốc cũng phải học tập Lôi Phong: giúp đỡ người già và người tàn tật, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Nhưng tính tuỳ tiện còn tương đối phổ biến, thiếu những quy định cụ thể, ví như làm thế nào, làm cái gì, làm bao nhiêu thời gian. Làm xong ai đánh giá hiệu quả. Tất cả đều không có kế hoạch bố trí chặt chẽ, cũng không có một chương trình cố định.

 

Nhưng ở trường Saint Louis, thực hiện kế hoạch vùng là một tiêu chuẩn cần thiết, một thành tích của học sinh đưa ghi vào hồ sơ của họ, phương thức tổ chức chặt chẽ. Trong con mắt hiệu trưởng và thầy giáo, hoạt động phục vụ vùng cũng giống như các môn học tiếng Anh, Thể dục, Số học, Vật lý, Hoá học không có gì khác nhau. Một môn học quan trọng nếu học không tốt có thể ảnh hưởng đến việc học sinh đó được nhận vào một trường đại học nổi tiếng, còn nếu không hoàn thành đúng thời gian quy định nhiệm vụ phục vụ của mình thì cũng phải nếm “quả đắng”.

 

Trước khi tôi đến thăm Trường Saint Louis, kế hoạch phục vụ vùng của họ triển khai được 10 năm. Nội dung hoạt động là do tổ chức quyền lực cao nhất của nhà trường, Hội đồng Quản trị nhà trường và các nhân viên quản lý khác, cha mẹ học sinh, thầy giáo, học sinh cùng nhau quy định.

 

Học sinh từ lớp 9 đến lớp 11 mỗi năm yêu cầu thực hiện các hoạt động phục vụ vùng không ít hơn 20 giờ. Thời gian 3 năm cộng lại đối với nhiệm vụ này không ít hơn 60 giờ. Mỗi học sinh sau khi hoàn thành kế hoạch hoạt động phục vụ vùng phải viết một bản luận văn tổng kết những hoạt động tâm đắc nhất, lúc hoạt động phục vụ vùng đã được 40 giờ, học sinh cần phải viết một bài dài 3 trang có đóng dấu nhà trường hoặc trong cuộc họp tổng kết năm học lên trình bày từ 3 đến 5 phút.

 

Mỗi học sinh Trường Saint Louis, sau khi được vào lớp 9, việc đầu tiên phải làm là ký tên vào bản quy ước có đầy đủ các điều khoản với người phụ trách hoạt động vùng của mình. Trong quy ước đó, quy định tỉ mỉ và rõ ràng nội dung hoạt động và nghĩa vụ các học sinh phải gánh vác, số lượng công việc, thời gian hoàn thành, biện pháp kiểm tra.

 

Tôi phát hiện thấy người Mỹ có tài về xây dựng hợp đồng và ký kết các hiệp định. Đối với mỗi một sự việc mà họ cho là quan trọng, hầu như đều có một lực thúc đẩy từ hợp đồng, hơn nữa họ còn thiết kế các điều khoản hết sức chặt chẽ. Một bản ký kết phục vụ vùng nho nhỏ cũng biểu hiện rõ rệt đặc điểm ấy.

 

Nếu một học sinh nào trong 3 năm còn nợ, không hoàn thành được nhiệm vụ hoạt động vùng đã quy định thì 5 tháng trước khi tốt nghiệp lớp 12, bạn phải trả nợ. Nếu không, đừng mong gì tấm bằng tốt nghiệp cao trung.

 

Hậu quả này sẽ nghiêm trọng hơn, vì tại Hoa Kỳ, nếu không có bằng tốt nghiệp cao trung sẽ không có một trường đại học nào nhận bạn vào học hết.

 

Đương nhiên, không có một học sinh nào của Trường Saint Louis sau khi trong 6, 7 năm ném mười mấy vạn đô-la vào học phí lại dám mạo hiểm không có trong tay tấm bằng tốt nghiệp.

 

Học sinh Saint Louis đối với hoạt động phục vụ vùng từ trước tới nay thực hiện rất chu đáo, đầy đủ từng điều khoản nhỏ nhất. Nhưng tuyệt đại đa số học sinh không phải vì sợ các quy định, quy ước mà vì đối với bản thân họ, hoạt động này có niềm vui thích sâu sắc. Họ nói, con người phải sống có ý nghĩa. Nếu do sự nỗ lực của bạn mà làm cho cuộc sống của người khác tốt đẹp lên, chính việc đó là một cảm giác rất “độc” đấy.

THƯ VIỆN CÓ CÔNG NĂNG MẠNH

 

Ấn tượng của tôi, Thư viện trường trung học là một phòng nhỏ hẹp và chật chội, vài giá sách treo trên tường, một số tạp chí, mấy giá báo, một người quản lý sắp nghỉ hưu, vừa đan len, vừa uể oải tìm sách cho học sinh. Nhưng nếu bạn muốn mượn sách, có lẽ không mượn được gì cả.

 

Thư viện riêng của cô giáo Mathew đã thay đổi định kiến đó của tôi. Phải nói rằng, kho sách của thư viện Trường Saint Louis rất phong phú, rộng rãi và sáng sủa. Một phòng lớn khang trang, có rất nhiều chỗ ngồi cho học sinh đọc sách. Tất cả sách đều để ở trên giá, muốn xem loại nào đều tự chọn, nếu cần thiết sau khi đăng ký, có thể mang về nhà đọc mấy tuần. Ở đây không những có sách, mà còn có một số lượng sách điện tử, băng thu âm, đĩa quang, băng hình… Một người yêu tri thức vào đây như “chuột sa chĩnh gạo”.

 

Giáo viên phụ trách thư viện đồng thời cũng là người hướng dẫn học sinh làm nghiên cứu khoa học. Bạn nào cần tư liệu cho môn nào, chuẩn bị các Paper (luận văn) như thế nào, các thầy giáo có thể đề xuất những kiến nghị rất có ích cho bạn, nhanh chóng tìm cho bạn mọi tư liệu cần thiết.

 

Do công tác ở đây so với những vấn đề cần phải giải quyết của các thầy giáo ở bất kỳ môn học nào đều phức tạp hơn, cho nên các giáo viên công tác ở thư viện, đại bộ phận đều có tri thức phong phú của rất nhiều môn học.

 

Phương thức làm bài tập của học sinh trung học Hoa Kỳ không giống như học sinh Trung Quốc. Học sinh Trung Quốc thường là làm đề do giáo viên chỉ định, đề bài trong sách giáo khoa và thường có đáp án do giáo viên giữ. Phần lớn bài tập của học sinh Hoa Kỳ không có đáp án chuẩn, giáo viên chỉ ra một đề hoặc chỉ định hướng nghiên cứu chung, các việc còn lại do học sinh tự mình nỗ lực giải quyết. Học sinh phải độc lập tra cứu, sưu tập tài liệu, chọn vấn đề nghiên cứu cụ thể, sau đó rút ra kết luận của mình, giáo viên căn cứ vào đó cho điểm.

 

Có lúc kết luận của học sinh và giáo viên không giống nhau, nhưng chỉ cần trình bày có lý lẽ cũng được điểm cao. Không vì trái quan điểm với thầy mà vứt bỏ kết luận của học sinh. Do vậy, năng lực độc lập sưu tập tư liệu và độc lập nghiên cứu của học sinh Hoa Kỳ đều rất mạnh.

 

Phương thức rèn luyện này làm cho một số học sinh ưu tú của Hoa Kỳ có thể căn cứ vào phát hiện của mình, nắm vững điểm chủ yếu của vấn đề, tra tìm đến ngọn nguồn, luôn luôn đề xuất được những sáng kiến có giá trị. Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh học sinh ưu tú là vì Hoa Kỳ cũng như ở Trung Quốc, có không ít học sinh lười, ham thích chơi mà không ham học.

 

Có một câu chuyện thực về tinh thần độc lập nghiên cứu của một học sinh ưu tú Hoa Kỳ:

 

Năm 1999, Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết đặc biệt, tuyên dương em học sinh nhỏ vì đã phát hiện một vụ án sai. Vụ án xảy ra trong Thế chiến II và em đã thúc đẩy vụ án được xử lại. Lúc làm bài tập lịch sử ở nhà, em tra cứu tư liệu và đã phát hiện ra vấn đề này. Trước thời điểm đó, tư liệu lịch sử một mực cho rằng trong thời kỳ Thế chiến có một tàu Mỹ bị đắm. Viên chỉ huy chiến hạm đó phải chịu trách nhiệm. Ông ra bị truy tố và bị kết tội. Nhưng em đọc tài liệu phát hiện ra một điểm nghi vấn và quyết tâm làm rõ sự thực, miệt mài thu thập nhiều sự kiện ngoài giờ học. Tự đi tìm nhiều nhân chứng, sau cùng thu thập đủ chứng cứ đáng tin cậy, chứng minh sự vô tội của viên chỉ huy nọ. Quốc hội Hoa Kỳ thông qua điều tra lại đã công nhận kết quả của em học sinh, làm cho viên chỉ huy hàm oan nửa thế kỷ dù đã qua đời được phục hồi danh dự.

 

Vụ án đó nói lên rằng, thông qua phương thức giáo dục, rõ ràng đã làm cho một số học sinh Mỹ chuẩn bị tốt cho năng lực nghiên cứu vấn đề và độc lập suy nghĩ.

 

Thư viện của nhà giáo Mathew trở thành một nơi được hoan nghênh nhất trường của Trường Saint Louis.

 

Nhưng nhà giáo Mathew không bằng lòng với hiện trạng này, ngoài viện tận dụng hết các tư liệu thư viện hiện có, bà còn xây dựng một mạng lưới thư viện rất đa dạng, đó là mạng Internet. Mạng Internet không phải là một phát minh của bà, tra tư liệu trên mạng từ lâu đã như cơm bữa hàng ngày trong gia đình của học sinh Mỹ. Nhưng thư viện trên mạng của trường Saint Louis còn nối với một số máy chủ hỗ trợ cung cấp một lượng lớn thông tin rất có ích đối với thầy giáo và học sinh.

 

Bạn muốn xem một cuốn sách mới bán rất chạy ư? Bấm nhẹ vào chuột trên máy tính có thể thấy ngay bảng xếp hạng mới nhất trong tuần này các loại sách bán chạy nhất ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn có lời nhận xét của các nhà phê bình nổi tiếng về nội dung của cuốn sách. Nếu bạn muốn xem báo chí từ “New York thời báo” đến “Bưu điện Washington” chỉ cần bạn nói ra được tên báo thì bạn có thể chọn, không những có thể xem báo trong ngày, mà còn có thể xem bất kỳ số báo nào bạn nhớ đúng ngày xuất bản. Sau khi đọc hết, nếu muốn mang tài liệu đó về nhà tham khảo, nhấn nút in, lập tức máy in ngay tài liệu bạn đang cần.

 

Bạn muốn tìm hiểu về đại học ư? Những bảng xếp loại đại học, những tài liệu chi tiết về đại học, bảng danh sách các trường đại học từ tờ “Tin tức nước Mỹ về thế giới” đến mọi hình thức cấp học bổng, đều công khai.

 

Thư viện của giáo viên con có lúc thay thầy giáo giảng nhiều điều bổ ích. Người viết vất vả, tốn nhiều công sức. Mạng thư viện cung cấp cho học sinh hướng viết luận văn và còn có những “chuyên gia bật mí” để cung cấp thêm những bí quyết nữa.

TÔI HỌC NGHỀ GỐM Ở TRƯỜNG SAINT LOUIS

 

Đã đến giờ lên lớp môn học nghệ thuật. Trong các bài nghệ thuật thực tiễn khiến cho ta rối trí, phải chọn môn học nào?

 

Vẽ tranh sơn dầu và điêu khắc tôi chưa hiểu, chỉ có thể chọn một loại nghệ thuật đơn giản nhất, như nặn đất thử xem sao. Tôi nghĩ là làm bình đựng nước còn có thể được. Bài học “Nghệ thuật làm đồ gốm” ở Trường Saint Louis thật thú vị.

 

Một nắm đất dẻo, mềm đưa lên bàn gốm của tôi. Nó không chịu biến thành cái cốc, bình hoa hoặc chiếc bình đựng nước kiểu Ả Rập cổ nhỏ như trên các bức vẽ liên hoàn thời nhỏ mà tôi nhớ, trái lại miếng đất cứ như con rắn mềm oặt, uốn đi uốn lại, sau đó nằm liệt, cứng đơ như chết. Nếu không gắng sức thì không thể điều khiển được nó. Có lẽ mục đích của tôi chỉ là đùa chơi, tính tích cực cũng chưa được đụng đến.

 

Tôi lấy một nắm đất mềm, trước tiên dùng tay nặn thành một miếng to hơn bàn tay, lại lấy một nắm đất khác vê thành sợi đất, ép xuống cho mỏng, sau đó dính vào xung quanh mép miếng đất lúc đầu, giống như một cái chén, xù xì chẳng khác gì một đồ chơi thời nguyên thuỷ. Tác phẩm nghệ thuật gốm đầu tiên của tôi đã ra đời như thế đó. Quét một lớp men và cho vào lò nung. A! Nó đã khoác lên mình một sắc men màu xanh lam ánh vàng. Kỹ thuật kết dính của tôi không đạt, đáy cốc bị nhiệt độ cao trong lò làm cháy đen.

 

Lần thứ hai có kinh nghiệm hơn, tôi bỏ ham muốn làm “nghệ thuật lập thể”, chuyển sang làm “nghệ thuật phẳng”. Tôi nặn miếng đất, ở giữa làm như hai quả tim đặt chồng lên nhau, trên quả tim lớn viết chữ “Mum” (mẹ) và trên quả tim nhỏ viết chữ “Me” (con). Đây là quà tôi chuẩn bị mang về tặng ba mẹ.

 

Khi về nước, ba mẹ rất thích mấy tác phẩm nhỏ bằng gốm do tôi làm, đem bày trên bệ cửa sổ.

 

Tôi còn nhớ, hồi học năm thứ ba tiểu học, tôi đã được một cô giáo mỹ thuật rất giỏi dạy chúng tôi vẽ tranh quốc hoạ. Cô đã khéo dẫn dắt chúng tôi, chỉ trong thời gian một buổi học chúng tôi đã vẽ được con bò rừng Tây Tạng. Một nét mực đã có ngay mình con bò đầy lông, lại chấm một giọt mực vẽ tiếp được chiếc sừng cong.

 

Từ đó, tôi vô cùng say mê quốc hoạ. Về nhà tôi luôn biểu diễn cho cha mẹ xem: “Đây là sừng bò, có giống không mẹ? Đây là chân bò, đây là…” Ba mẹ vừa xem vừa gật đầu: “Tốt, tốt, rất giống đấy”.

 

Ba còn mời một sinh viên tốt nghiệp chuyên về quốc hoạ thuộc Viện Mỹ thuật Trùng Khánh đến xem tác phẩm của tôi. Dù hứng thú với hội hoạ đến đâu nhưng gánh nặng học tập ngày càng lớn. Bài tập ở nhà mỗi đêm thường phải làm đến 11 giờ. Tôi vẫn vững tin rằng, nếu có cơ hội được đi theo một thầy dạy vẽ giỏi, nhất định tôi không phải là học sinh chậm tiến.

 

Tuy nhiên, tôi cũng có cơ hội để trở thành hoạ sĩ nghiệp dư, lúc nhàn rỗi dùng bút vẽ thể hiện những cảm nhận của mình đối với cuộc sống.

MỘT LỊCH TRÌNH GIẢNG DẠY NGHỆ THUẬT

PHONG PHÚ ĐA DẠNG

 

Trường trung học Hoa Kỳ có môn học nghệ thuật mà trường trung học Trung Quốc không có. Môn học này rất có ích cho việc yêu cầu nâng cao tố chất của học sinh, bồi dưỡng năng lực sáng tạo. Môn nghệ thuật của Trường Saint Louis được chia thành hai loại: bắt buộc và tuỳ chọn. Lịch sử nghệ thuật là một môn học bắt buộc trong năm học. Học sinh không chỉ học trong sách vở, trên lớp học mà còn thường xuyên thưởng thức rất nhiều tác phẩm đặc sắc lưu trữ ở viện bảo tàng, được quan sát những tác phẩm quý giá của các nhà nghệ thuật nổi tiếng, mở rộng tầm nhìn của mình.

 

Ở giai đoạn này lấy tìm hiểu và thưởng thức làm chủ đạo. Rất nhiều học sinh trong thời gian này đã được kích thích mạnh mẽ hứng thú sâu sắc với nghệ thuật. Trong tương lai, họ không nhất định phải trở thành nhà nghệ thuật hoặc thưởng thức, mua bán các tác phẩm nghệ thuật và giữ niềm ham thích này liên tục cho đến suốt đời.

 

Trong con mắt người Mỹ, lịch sử phát triển nghệ thuật chủ yếu là phát triển sử của nghệ thuật phương tây. Nghệ thuật phương đông chỉ được xem như một môn phụ không quan trọng. Cách nhìn như vậy là quá chật hẹp, nhưng phương thức dạy lịch sử của Trường Landtane trái lại có thể chấp nhận được. Chương trình giảng dạy bắt đầu từ các bức hoạ trong hang động của người nguyên thuỷ, tiếp đến đi tìm nguồn gốc từng bước phát triển của nghệ thuật phương tây, các nhà nghệ thuật quan trọng và những tác phẩm tiêu biểu của họ. Không chỉ giảng dạy các tác phẩm mà còn cả sự biến đổi thời đại thúc đẩy trào lưu thẩm mỹ xã hội như thế nào.

 

Thầy giáo bắt đầu giảng từ thời tiền sử đến nền văn minh và nghệ thuật rực rỡ cổ Hy Lạp rồi đến dòng sông ngưng trệ dài đằng đẵng, bất chợt hiện lên những đợt sóng cuồn cuộn thời Trung cổ, các tác phẩm chói sáng thời kỳ Phục hưng… cho đến nghệ thuật muôn hình muôn vẻ thời đương đại. Hầu như mỗi bài học đều phối hợp với những bộ phim đèn chiếu. Bài học như thế làm cho học sinh không cảm thấy trống rỗng và đơn điệu. Đối với những học sinh muốn phát triển nghệ thuật, nhà trường còn chuẩn bị cho họ môn học tự chọn cao hơn nữa, mỗi tuần lên lớp 5 lần.

 

Trong nửa học kỳ, học sinh có thể được 15 học phần, làm cho họ có thể tham gia môn AP (Advaned placement) có độ khó rất cao và thông qua kỳ thi của môn học để lấy được học phần tương ứng. Điểm này đối với họ khi được vào đại học rất có lợi, không những dễ dàng được trường đại học nổi tiếng nhận vào học mà trong quá trình học tập có một số môn học được miễn thi lấy điểm học phần.

 

Thời kỳ chọn, tự bản thân học sinh chuẩn bị là chính. Mỗi người đều chọn cái mình cần, vui niềm vui của chính mình. Học sơn dầu khi tan lớp, cả người đều loang lổ mầu sơn, không hề gì. Học làm đồ gốm cả người đầy bùn đất, đứng trước lò nung, mồ hôi ra như tắm, vui không biết mệt. Nếu làm một thời gian thấy chán thì có thể đề xuất với thầy để đổi môn học. Các thầy giáo rất vui lòng không miễn cưỡng.

 

Hơn nữa, dù mỗi môn nghệ thuật thực tiễn đều chuyên nghiệp hoá như thế, những không môn học nào đưa ra một “chỉ tiêu cứng” bắt buộc học sinh phải đạt đến. Đây là một phương thức học tập không hề có một sức ép nào, chí tiến thủ và tiềm năng được khêu gợi, dẫn dắt mới là lực thúc đẩy lớn nhất.

 

Lịch trình giảng dạy môn kịch của Trường Landtane cũng đáng được quan tâm. Hoạt động biểu diễn trong trường học của họ không giống như chúng ta, tạm thời tập hợp học sinh, tập một tiểu phẩm hoặc một đoạn kịch coi là một loại văn nghệ nghiệp dư, khuấy động không khí của trường học sau đó trở về lớp với sách vở và bài tập. Trường Landtane luôn xem môn kịch là một môn học chính thức. Học sinh mỗi tuần chỉ lên lớp 3 lần. Hết một năm học sẽ giành được 1,5 học phần. Học sinh khi lên lớp có thể học được rất nhiều kỹ xảo biểu diễn có tính chuyên nghiệp cao. Nhà trường cho rằng thu hoạch lớn nhất của học sinh từ trong môn kịch là phương pháp học để biểu hiện mình. Những vấn đề này đối với sự phát triển bản thân trong tương lai, đối với việc nắm chắc vận hội để bước trên con đường thành đạt của cuộc đời, đó sẽ là một trợ lực hết sức to lớn. Nghe nói, ông Ronald Reagan sở dĩ trúng cử tổng thống Mỹ có liên quan rất nhiều đến kinh nghiệm tự biểu hiện mình, đã nhiều năm tích luỹ được trong cuộc sống của một diễn viên điện ảnh, trước mặt dân chúng, động tác chân tay đều rất nhịp nhàng, tạo được cảm tình của đông đảo cử tri nên đã giành được đủ số phiếu bầu.

 

Nghe vậy, e rằng mọi người lại chạy theo môn học kịch!?

MÔN MÁY TÍNH – ÔNG CHỦ NHỎ - “TIỂU HACKER”

 

Môn tin học của Trường Landtane cũng rất cần đề cập. Trên thực tế, nó phản ánh trình độ giảng dạy về môn này của rất nhiều trường trung học Hoa Kỳ.

 

Lớp tin học ở nước ta, tôi cảm thấy nội dung giảng dạy tuy nâng cao, nhưng ứng dụng vào thực tế, các tri thức được học đều không cập nhật. Tôi khá thành thạo máy tính, do được ba thường phụ đạo thêm.

 

Rất nhiều trường trung học, tiểu học trong nước do thiết kế phần cứng máy tính, điều kiện đầu tư của thầy rất hạn chế nên nội dung giảng dạy hạn chế trong một phạm vi rất hẹp, chỉ có thể dạy một số cơ bản như thiết kế lập trình TRUE BASIC, hệ thống thao tác DOS, hệ thống quản lý dữ liệu FOXBASE, xử lý văn bản WPS…

 

Xem lịch trình giảng dạy này có thể thấy việc giảng dạy môn tin học trong các trường trung học của chúng ta đều là một kiểu học tập “theo khuôn mẫu có sẵn”.

 

Học sinh trong nước, chỉ có lúc lên lớp học môn tin học mới có cơ hội thao tác máy, lịch trình giảng dạy môn này hàng tuần ít, thời gian học trên máy lại ít hơn, nên dù đã học đến đại học, đa số sinh viên thao tác máy tính chưa thuần thục, còn nói gì đến ứng dụng sâu và sáng tạo.

 

Đối với các Trường trung học Landtane và Saint Louis của Mỹ thì hoàn toàn ngược lại.

 

Trong phòng máy tính của trường, máy được bày ra với số lượng tương đối lớn, đều trong trạng thái mở sẵn, bất kỳ ai khi ngồi xuống đều lập tức có thể sử dụng. Dù đi rất sớm hoặc rất muộn, vẫn không thay đổi. Nhiều học sinh có máy tính xách tay của mình, giống như túi xách xinh xắn rất tiện lợi.

 

Mỗi học sinh Trường Saint Louis và Landtane đều có e-mail address (địa chỉ thư điện tử) riêng rất thuận tiện liên lạc với nhau, trao đổi tin tức với địa chỉ khác trên mạng dù ở bất cứ nơi nào. Ngày thứ ba đến Trường Saint Louis, tôi đã có một hòm thư điện tử riêng. Trên một máy tính dùng hệ thống Linux, tôi liền dùng địa chỉ này gửi về nước  cho ba mẹ bức thư ngắn và chỉ mấy giờ sau đã nhận được thư trả lời của ba mẹ. Đó là bức thư thứ nhất phát bằng e-mail trong đời tôi.

 

Các bạn học sinh Hoa Kỳ của tôi hàng ngày đều rất ít dùng bút, thậm chí có một vài học sinh không bao giờ mang theo bút. Máy tính là bút của họ, làm xong bài, sử dụng máy in, in ra là có thể nộp bài được. Học cao trung, bài tập ở nhà của học sinh Mỹ tăng lên rất nhiều, có khi gần thời gian đi ngủ mới làm xong bài. Các bài tập này đều phải hoàn thành trên máy tính, thường phải truy cập trên mạng Internet để tra cứu tư liệu. Trước khi tôi rời Hoa Kỳ, nhiều bạn học sinh Mỹ gửi bưu thiếp ghi lời chúc của họ, dạng chữ viết không được đẹp, nguyên nhân là cả năm họ thườngdùng máy tính để làm bài tập, cơ hội viết tay rất ít, so với thế hệ trước họ viết chữ không đẹp, nhưng thao tác máy tính lại rất thuần thục; rất nhiều bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ đều lấy các con của mình làm thầy giáo dạy sử dụng máy tính.

 

Những người đang học ở nhà trường Hoa Kỳ dù là tiểu học, trung học, đại học, truy cập Internet đều miễn phí. Tôi nghĩ đây không phải là để khoe sự hùng hậu của Hoa Kỳ, mà chỉ là thực thi một biện pháp quan trọng có ý nghĩa sâu xa. Một thời đại lấy Internet làm môn học cho đông đảo mọi người học, tất nhiên sẽ chuẩn bị được cho họ nền học thức có độ sâu và độ dày, có nhãn quan nhạy bén và có tấm lòng rộng mở.

 

Nội dung của môn tin học so với kiến thức chúng tôi - học sinh Trung Quốc – đã học, sâu hơn nhiều. Trong nội dung giảng dạy của họ, ngoài tri thức phần cứng và hệ thống thao tác phần mềm thường thấy, còn bao gồm cả phần giảng dạy để nắm vững phần mềm Borland Turbo Pascal. Đây là một loại ngôn ngữ cao cấp, thiết kế lập trình rất rộng rãi hiện nay. Trường Landtane dùng thời gian học của hai học kỳ để dạy cho học sinh từ trong lý luận và ứng dụng thực tiễn nắm chắc loại ngôn ngữ này. Rất nhiều học sinh có được “chiếc gậy” này trong tay đã có thể tự mình viết ra chương trình tương đối phức tạp, phát huy mạnh mẽ “thiên phú” của bản thân về phương diện máy tính.

 

Việc này khiến tôi nghĩ đén một câu chuyện có thực.

 

Mấy năm trước, Công ty máy tính Apple tiếng tăm của Mỹ tổ chức một cuộc triển lãm với quy mô lớn ở Boston trên bờ biển phía đông. Trong lễ khai mạc, Tổng Giám đốc tự mình đảm nhận vai trò người chủ trì và trịnh trọng mời hai vị khách mời đặc biệt đến dự cuộc triển lãm. Hai người này, một vị là Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Công ty NESTCAPE lừng danh trên mạng Internet. Bất ngờ nhất là vị thứ hai. Đó là một học sinh tiểu học chỉ mới 12 tuổi, tên là Grey M. Miler, nghe nói năm ấy còn bé đến mức răng sữa chưa thay hết.

 

Nhưng cậu bé này trái lại là một thần đồng. Cậu dùng 20 phút tại hiện trường biểu diễn thuyết trình trực quan cho mọi người phần mềm giáo dục mà mình đã dùng máy tính Apple khai thác.

 

…Hạt giống gieo trên mặt đất, ánh mặt trời rực rỡ, tiếng gió thổi mang theo những hạt mưa mát mẻ. Hạt giống nảy mầm, lớn dần. Bầu trời đầy nắng, gió và mưa. Trong vườn cây, hoa nở, trái chín mọng… Thiên nhiên tràn trề sức sống.

 

Chỉ trong 20 phút thực hành ngắn ngủi với thao tác thành thục, hình ảnh đẹp đẽ tưởng tượng phong phú, những từ giải thích sinh động và đầy đủ của cậu đã làm cho hội trường vang dậy tiếng reo hò tán thưởng.

 

Kết quả của Lễ Khai mạc ngày hội lớn ấy, M. Miller trở thành ngôi sao rực rỡ, phó Tổng Giám đốc có mạng nối toàn cầu trở thành cái bóng của cậu. Trong tiếng vỗ tay rầm rộ, ông Tổng Giám đốc Công ty máy tính Apple mang một bộ máy tính “Apple” kiểu mới nhất tặng Miller.

 

Điều làm cho người ta bất ngờ hơn cả là bản thân Miller cũng là một ông chủ. Cậu đã thành lập một Công ty tiêu thụ phần mềm giáo dục và trò chơi giải trí tự mình khai thác, cậu còn thuê một vài bạn không lớn hơn mình nhiều làm giúp việc. Năm ấy, chú bé Bill Gates 15 tuổi đã mở một công ty, Miller có đuổi kịp Bill Gates trong tương lai hay không? Nếu nói Miller là kết quả to lớn của trí tuệ sớm phát triển, trình độ tổng hợp rất cao về giáo dục tin học của Hoa Kỳ đã thúc đẩy ứng dụng máy tính và mạng Internet cho giáo dục. Gần đây, có hai mục tiêu quy mô đồ sộ nhất, một là thực hiện mỗi học sinh có một bộ máy tính xách tay. Thực hiện mục tiêu này có thể làm cho rất nhiều học sinh Mỹ vĩnh biệt sách giáo khoa in bằng giấy và bài làm bằng bút mực, bước vào một thời đại rất phong phú đa dạng của phần mềm giáo dục và sách điện tử; hai là làm cho mỗi phòng học trong toàn quốc đều được nối mạng Internet để mỗi học sinh Hoa Kỳ có thể từ trong các mạng toàn cầu truy cập tri thức, khai thác sức mạnh trí tuệ. Thực hiện được hai mục tiêu đó nhất định sẽ phát huy tác dụng tương đối lớn với nền giáo dục Hoa Kỳ và đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển việc ứng dụng máy tính trên toàn nước Mỹ.

 

Kết quả so sánh với họ, thực sự làm cho người ta sinh ra một cảm giác khủng hoảng rất rõ rệt. Trên mảnh đất tươi tốt về giáo dục tin học ở đó, Hoa Kỳ không chỉ tạo ra một loạt những nghiệp chủ xuất sắc về tin học như Bill Gates mà còn có thể dự đoán nó sẽ là một động lực thúc đẩy phát triển ngày càng lớn nền khoa học kỹ thuật cao. Trong đó sẽ có rất nhiều những vấn đề đáng để cho chúng ta học tập.

 

Tại Hoa Kỳ gần đây xảy ra “hacker” (tin tặc) xâm nhập vào máy tính. Đó là lần một “hacker” trẻ xâm nhập vào phần mềm của Bill Gates. Hacker của Hoa Kỳ vốn là “anh hùng thời niên thiếu”. Tuổi nhỏ đã luôn làm nên những vụ án kinh thiên động địa, lúc thì phá hoại mạng chủ của Nhà Trắng, lúc thì giải mã hệ thống chỉ huy tuyệt mật của Lầu Năm góc (Toà nhà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ). Nếu không dùng mưu kế lập ra một số vi-rút siêu cấp chưa hề được biết, tìm ra phần mềm “hacker” chuyên dùng để ăn cắp bí mật của người khác thì nó còn quậy phá làm cho thiên hạ không thể an toàn. Tuổi nhỏ, gây hoạ lớn đã trở thành “định luật số 1” của “hacker”. Hiện tượng này, pháp luật của Mỹ trừng phạt đặc biệt nhẹ đối với người vị thành niên phạm tội về tin học, đã không gây được tác dụng răn đe của luật pháp.

 

Không lâu trước đây, một “hacker” 18 tuổi ở Colorado, vô công rồi nghề, lấy việc truy cập vào mạng chủ Internet làm thú vui. Khi nó xâm nhập vào trang Web của một công ty tín dụng, bỗng nhiên phát hiện được tư liệu của nhà giàu số một thế giới Bill Gates. Tên “đại Hacker” tự xưng là Hoolathrew rất đắc ý. Sau khi lấy cắp được các tư liệu tín dụng của Bill Gates, nó liền đưa tư liệu đó vào một trang Web cá nhân theo địa chỉ trên mạng của một hộ dùng Internet thuộc Công ty Truyền thanh toàn quốc NBC. Trong tư liệu công khai đó, không những bao gồm các mã số tín dụng của Gates, còn bao gồm cả mật mã – chìa khoá tín dụng nữa. Bọn làm ăn bất hợp pháp nhất định hết sức vui mừng, sẵn sàng lợi dụng những tư liệu này để vớ một mẻ lớn túi tiền của Gates. “Đại hacker” Hoolathrew khoe bản lĩnh giải mã của mình trên mạng Internet, còn công khai tuyên bố: Anh ta đánh cắp được tư liệu tín dụng của ít nhất 5.000 khách hàng và trong vòng hai ngày tới sẽ đem tư liệu các tín dụng của 1.000 người khác đưa lên mạng công khai ai cũng có thể xem được.

 

Khi những tài liệu liên quan tới sự an nguy kinh tế của rất nhiều người Mỹ được công khai trên mạng, những người chân chính tới tấp gọi điện thoại tố cáo mọi việc làm của Công ty Truyền thanh toàn quốc NBC. Công ty này nghe tin rất sợ hãi, vội vàng đóng ngay mạng chủ.

 

Đây là sự kiện lúng túng thứ hai của Công ty W.J. gặp phải trong gần nửa năm nay. Nửa năm trước, công ty này cung cấp Hotmail (dịch vụ bưu điện điện tử cho các hộ dùng trên mạng) cũng từng bị “hacker” xâm nhập và đánh cắp được tư liệu cá nhân của hàng ngàn hộ sử dụng. Sau đó, Công ty này tuyên bố đã lắp đặt xong một mã rất an toàn trên mạng Internet để đối phó với sự phá hoại của “hacker”. Ai ngờ lần này “hacker” lại công nhiên thò bàn tay đen vào tận túi tiền của ông chủ lớn Công ty.

 

Hoạt động của “hacker” bị lên án. Nhưng đằng sau tội ác của một số “hacker”, chúng ta có thể thấy được khả năng ứng dụng máy tính thành thạo của thanh thiếu niên Mỹ, dễ dàng tung hoành trên mạng Internet. Tiềm lực rất dồi dào này với sự phát triển trong tương lai của Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực.

TRƯỜNG LANDTANE VỚI PHẦN THƯỞNG MUÔN MÀU

 

Tờ báo tường “Tin tức Landtane” của Trường Landtane, có một tin là Chủ tịch Hội học sinh Toms Shepperd được nhận phần thưởng thành tựu xuất sắc cấp Trường sau một năm hoạt động. Hiệu trưởng Shilstone đích thân quyết định.

 

Tôi cảm thấy rất thích thú với các loại phần thưởng do Trường Landtane lập ra. Tôi tìm đọc báo “Tin tức Landtane” do học sinh tự làm, thấy một chuỗi danh sách được thưởng:

Moutive và Hanter nhận được “Phần thưởng vinh dự thiều niên” của trường Đại học Harvard và Học viện Dartmouth. Đây là một phần thưởng rất có trọng lượng liên quan đến tố chất tổng hợp của học sinh.

Chaffman nhận được “Phần thưởng cho người phối hợp tốt”. Đây là một loại phần thưởng tuyên dương năng lực phối hợp, quan hệ giao tiếp. Trường Landtane cho rằng, làm cho mọi người cộng tác được hài hoà, nhất trí là có biểu hiện của tài năng lãnh đạo. Những trẻ con như thế, trong tương lai có thể làm nên đại sự.

Colis Lewell nhận được “Phần thưởng công dân”. Đây là loại phần thưởng tuyên dương trách nhiệm xã hội, không có liên quan gì với thành tích học tập.

Yanter Mabb nhận được “Phần thưởng hoạt động”.Đây là loại phần thưởng tuyên dương thành tích hoạt động ngoại khoá.

Chaffman và Vlaska, hai người nhận chung “Phần thưởng quy phạm đạo đức”. Đây là phần thưởng không liên quan đến thành tích học tập, chỉ có quan hệ về biểu hiện đạo đức. Dù bạn không có khả năng mà có thể làm một người tốt, cũng đáng được khích lệ.

 

Tôi còn nhận được một danh sách khen thưởng cấp Trường sau đây:

“Phần thưởng công dân”  của Câu lạc bộ Phụ huynh Trường Landtane, là phần thưởng khích lệ tinh thần trách nhiệm xã hội của học sinh.

“Phần thưởng William Hallison” là phần thưởng khích lệ tố chất tổng hợp của học sinh.

“Phần thưởng thành tựu học tập” của học sinh tốt nghiệp Haffer Letchford. Đây là phần thưởng khích lệ thành tích học tập của học sinh. Loại phần thưởng này ở Trường Landtane chỉ có số ít người nhận được.

“Phần thưởng Câu lạc bộ đọc sách Saint Louis”. Đây là phần thưởng chuyên dùng để khen các học sinh đọc được nhiều sách hay.

“Phần thưởng đọc sách Booklike của trường Đại học Harvard”. Đây là phần thưởng cao nhất của giới báo chí Hoa Kỳ. Trường Landtane đặt ra phần thưởng này nhằm cổ vũ học sinh đặt mua nhiều sách tốt.

“Phần thưởng hoạt động của học sinh trung học William Lemons”  để khích lệ học sinh phát triển tài năng thể dục.

“Phần thưởng tinh thần hoạt động của các học sinh lớp dưới William Mouseway”. Học sinh các lớp dưới không được chạy nhanh, nhảy không cao, có em cũng nhát gan. Để khích lệ các em, khi tập mạnh dạn hơn, chủ yếu là tham dự được đông đủ hơn nên đã đặt ra phần thưởng này.

 

…………..

 

Trên đây đều là phần thưởng cho năm thứ nhất của trường. Người được hưởng ước chiếm trên 6% tổng số học sinh toàn trường. Nếu tính số người được thưởng cả năm hoặc tất cả các lớp thì tỉ lệ số người được thưởng còn rất lớn.

 

Các loại thưởng của Trường Saint Louis và Trường Landtane lập ra khác nhiều so với các trường trung học và tiểu học nước ta (Trung Quốc), họ thực hiện đa nguyên hoá với muôn sắc màu phong phú trong khen thưởng đồng thời tỉ lệ được thưởng rất rộng. Những phần thưởng trực tiếp cho các thành tựu về học tập chiếm tỷ lệ rất ít. Nghe nói tuyệt đại đa số các trường trung học của Hoa Kỳ đều như vậy.

 

Thưởng như thế này hoặc như thế kia không quan trọng, chỉ cần phần thưởng có tác dụng thúc đẩy học sinh nỗ lực tiến lên, nhà trường đều tìm mọi biện pháp để thực hiện. Bất luận bạn có một chút khả năng nào đó và tự nguyện cố gắng hơn người khác một chút, đều có được cơ hội nhận thưởng. Vì vậy, học sinh Mỹ khi làm việc gì, họ cũng rất tự tin.

 

Nếu có thể được, các trường trung tiểu học của chúng ta thử phá bỏ các quy định hiện hành xem sao. Từ trường đến lớp đặt ra các loại thưởng. Tìm mọi cách để cho trẻ em dù bị coi là “bất trị” cũng có thể nhiều lần nhận phần thưởng đỏ thắm từ tay các thầy cô hoặc Hiệu trưởng trân trọng trao. Một lớp học ít nhất là trên nửa được hưởng niềm vui sướng, quang vinh của sự thành công. Trên con đường của các em, từ nay nhất định sẽ tự tin và vẻ vang hơn.

SO SÁNH TỐ CHẤT

CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ

 

Chuyến thăm Hoa Kỳ sắp kết thúc. Các thầy cô giáo và bạn học Hoa Kỳ ghi băng những lời tạm biệt đầy thân thiện, họ tặng nhiều món quà nhỏ và nhấn mạnh: “Đây là tự tay mình làm đấy”. Hầu như họ không nói vậy thì không biểu đạt được tình cảm lúc chia tay. Tôi càng cảm thấy sự đề cao tính độc đáo cá nhân của người Mỹ đã thấm vào xương tuỷ.

 

Những gì nghe và thấy trong một tháng qua, để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất, không phải là sự giàu có của Hoa Kỳ. Về mặt này trước khi tới Hoa Kỳ, tôi đã nghe rất nhiều, sau khi đến đất nước này tôi cũng hàng ngày chứng kiến.

 

Trên đường bay trở lại quê hương, tôi miên man suy nghĩ, suy nghĩ đó cuối cùng chia ra thành hai vấn đề: những thành tựu vật chất đó do những con người như thế nào sáng tạo ra? Và những con người này đã được bồi dưỡng như thế nào?

 

Theo dòng suy nghĩ này, tôi so sánh tố chất học sinh trung học hai nước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Dù có sự so sánh này phần nhiều chỉ là những ấn tượng trực tiếp được nhìn thấy, nhưng tôi vẫn muốn đem nó viết ra đây, mong có thể giúp thêm chút nào trong một nghiên cứu về vấn đề giáo dục tố chất hiện nay.

 

1. So sánh tố chất về thể chất: Học sinh Hoa Kỳ chiếm ưu thế tương đối lớn.

 

Thể dục là một môn học quan trọng trong nhà trường Hoa Kỳ. Mỗi ngày bắt đầu từ 2, 3 giờ chiều, học sinh các Trường Landtane và Saint Louis đều sử dụng thời gian trên sân vận động. Rèn luyện thể dục với nhiều bộ môn, thêm vào chế độ dinh dưỡng đầy đủ hợp lý làm cho học sinh lớn nhanh. Các em gái cũng rất say mê thể dục. Học sinh thể dục tốt, học tập cũng tốt mới được các bạn tôn sùng.

 

Thân thể cường tráng sẽ làm cho tinh thần dồi dào luôn có lợi cho việc bồi dưỡng tính cách kiên cường và ý chí tiến thủ. Lợi ích của sự rèn luyện thân thể thật nhiều. Trái lại, một em bé thân thể yếu đuối, uể oải, sức mạnh ý chí cũng dễ dàng bị tổn thất.

 

Trong nhà trường chúng ta (Trung Quốc), thân hình học sinh đều thon thả như cây giá, tuy dáng người tròn lẳn ngày càng nhiều, nhưng số học sinh có thể hình như vận động viên, cơ bắp nở nang, động tác linh hoạt, tỷ lệ thấp, tốc độ phát triển chậm.

 

Nếu mỗi gia đình Trung Quốc đều xem việc rèn luyện thể dục cho con em quan trọng như các môn Ngữ văn, Toán học, nếu việc coi trọng môn thể dục có thể trở thành một “chính sách cứng” trong mỗi nhà trường, chúng ta nhất định xây đắp được nền tảng vững chắc cho tương lai dân tộc Trung Hoa.

 

2. So sánh năng lực học tập: Đa số học sinh Hoa Kỳ vượt trội hơn học sinh Trung Quốc

 

Một mặt là các gia đình Hoa Kỳ đều rất coi trọng bồi dưỡng năng lực học tập cho con cái, mặt khác cơ hội học sinh Hoa Kỳ rèn luyện năng lực học tập cho con cái, mặt khác cơ hội học sinh Hoa Kỳ rèn luyện năng lực độc lập rất cao. Hầu như ngay từ khi sinh ra, học sinh Hoa Kỳ đã có thói quen tự tay mình làm. Rất ít thấy những trẻ em không chia sẻ công việc với gia đình, các em không lau xe thì cắt cỏ. Những học sinh cuối cấp tiểu học có thể nhận làm “người đưa báo nhỏ tuổi” cho các hộ xung quanh nhà mình. Tiền kiếm được không nhiều nhưng tuổi nhỏ mà đã học đối mặt với xã hội, độc lập xử lý các vấn đề của cuộc sống. Đến thời kỳ trung học, chuyện học sinh đi làm thuê trở thành phổ biến. Mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, trạm bơm xăng dầu, tiệm ăn nhanh, cửa hàng siêu thị khắp nơi đều có học sinh trung học làm việc. Sau kỳ nghỉ, học sinh thường kiếm được khoảng 2,3 ngàn đô la. Đối với học sinh trung học là một khoản lớn. Đến tuổi đó, rất nhiều học sinh trung học đã tương đối già dặn và tự tin.

 

So sánh dưới đây cho ta thấy, hầu hết bố mẹ trong các gia đình Trung Quốc thường coi việc được điểm tốt là nhiệm vụ duy nhất hàng đầu của con cái, mọi công việc gia đình, bố mẹ bao biện làm thay hết. Như thế không phải giúp mà là tước bỏ cơ hội bồi dưỡng năng lực cho trẻ. Kết quả của việc làm này thấy rõ trong cuộc “đọ tài” giữa các thế hệ sau của Trung Quốc và Nhật Bản đã làm kinh động toàn quốc mấy năm trước đây – trong cuộc thi đua dã ngoại trên thảo nguyên Nội Mông, thế hệ sau của Trung Quốc do sự nuông chiều quá mức của bố mẹ nên đã thua người Nhật. Kiểu sống “áo đem tận tay, cơm bưng tận miệng”, đã tạo nên tư tưởng ỷ lại sống dựa vào người khác, là điểm yếu chí mạng của thời đại chúng ta ngày nay.

 

Các bậc cha me thường ngày “muốn con mình trở thành rồng” lẽ nào không thể từ lúc nhỏ dành cho các con nhiều cơ hội “bay một mình” sao?

 

3. Lượng tri thức cơ bản: Học sinh Trung Quốc vượt trội hơn học sinh Hoa Kỳ

 

Trong những trường hợp cụ thể mà tôi nhìn thấy được, lượng tri thức cơ bản của học sinh Trung Quốc, đặc biệt là về các môn Toán học, Vật lý và Hoá học, nhiều hơn lượng tri thức cơ bản mà học sinh Hoa Kỳ nắm được, nhưng trái lại phương pháp nắm tri thức của học sinh Trung Quốc không chủ động linh hoạt, không có tinh thần tìm tòi như học sinh Hoa Kỳ.

 

Trong thời gian thăm Hoa Kỳ, thầy giáo môn Toán học tổ chức một “Cuộc thi Toán học Hữu nghị quốc tế”. Có 10 đề thi, độ khó đều nằm trong giáo trình. Thời gian vừa hết, đã có kết quả rất nhanh như sau: vì lúc đó tôi đang học năm thứ hai cao trung, có những phần toi chưa được học nên làm đúng 6 đề, Âu Bằng là học sinh năm thứ ba cao trung làm được 8 đề, Nhiệm Khả Vân, học sinh năm thứ ba cao trung ở Thượng Hải làm đúng cả 10 đề, điểm cao nhất cuộc thi. Về học sinh Mỹ, mũi nhọn toán học giỏi nhất của Trường Landtane cũng chỉ làm được 4 đề, điểm số của các học sinh Mỹ khác đương nhiên càng thấp hơn.

 

Tôi đã tiếp xúc nhiều học sinh Trung Quốc đang du học tại Hoa Kỳ, họ đều cần cù, thành tích học tập ưu tú. Nhưng những học sinh xuất sắc không nhất định là học sinh có số điểm cao. Là vì xuất sắc không chỉ là do điểm số cao trong kỳ thi, chủ yếu là dựa vào sự sáng tạo và tinh thần tìm tòi, nghiên cứu của họ.

 

Điểm đáng chú ý là, hiện nay người Mỹ cũng đang nhìn nhận lại nền giáo dục của họ, nhận thấy trước đây xem nhẹ yêu cầu nắm vững tri thức cơ bản là một sai lầm. Sai lầm này tạo nên giáo dục cơ bản của Hoa Kỳ lạc hậu so với các quốc gia phát triển khác. Một vị tiến sĩ Nhật Bản mà ba mẹ tôi quen biết, nhất định không gửi con cái mình sang du học ở Hoa Kỳ, bà cho rằng, tại các bậc tiểu học ở Hoa Kỳ học sinh không nắm vững bằng học sinh ở Nhật Bản. Hoa Kỳ hiện nay cũng đang thực hiên cải cách giáo dục, nhằm lấp chỗ trống trước kia.

 

4.Về tinh thần đồng đội: Học sinh Trung Quốc không bằng học sinh Hoa Kỳ

 

Tôi thường nghe nói đến từ team spirit (tinh thần đồng đội) trên miệng các học sinh Hoa Kỳ, tức là muốn nói tới năng lực hoặc thái độ của một cá nhân cùng hiệp đồng với mọi người. Trong một trận đấu bóng rổ, nếu ai đó tự vỗ ngực, muốn một mình khoe tài với kỹ thuật bóng, làm cho đội mình phải chịu thua, anh ta liền bị mọi người trách cho là “không có tinh thần đồng đội”.

 

Thể dục và các môn hoạt động khác đều là lớp học để học sinh Hoa Kỳ bồi dưỡng team spirit. Dù là Trường Saint Louis hay Trường Landtane, các loại thi đấu thi đấu thể dục trận này tiếp trận khác, một năm bốn mùa hầu như không có tuần nào nghỉ. Nếu thêm vào việc huấn luyện thường ngày, thời gian học sinh Hoa Kỳ sống cùng đội là một con số rất khả quan. Ngoài ra, còn các “đội hoạt động ngoại khoá” với nghĩa rộng, như tiểu tổ kịch, đội nhạc, đội múa, nhóm đọc thơ… Đại thể, rất ít học sinh Hoa Kỳ không tham gia hoạt động nhóm, đội. Hoạt động này có một tác dụng to lớn đối với việc bồi dưỡng cho họ tập quán tốt đẹp hiệp đồng cộng tác với mọi người.

 

Mở rộng tinh thần đồng đội để xem xét, nếu đại đa số công dân của một quốc gia đều có thói quen cùng người khác hợp tác chặt chẽ, sẽ giảm bớt rất nhiều tổn thất nội bộ, tạo ra nhiều xí nghiệp và đoàn thể phát triển mạnh mẽ làm cho xã hội tràn sức sống.

 

Nói cụ thể hơn, học sinh trung, tiểu học của Trung Quốc do một thời gian dài chỉ quen một mình đối mặt với sách vở, thi cử, thiếu sự hợp tác lâu dài và chặt chẽ với các bạn học, dễ tạo sự mờ nhạt ý thức đồng đội, từ đó ảnh hưởng đến năng lực gắn bó với đồng sự trên cương vị công tác sau đó, dễ phát sinh mâu thuẫn trong tập thế không đáng có. Như vậy, trên bình diện xã hội, tạo ra được sức mạnh tổng hợp to lớn và mạnh mẽ thật không dễ dàng.

 

Trong học sinh trung học và tiểu học của chúng ta, thật có việc cần thiết phải đưa “năng lực hợp tác” xếp vào mục tiêu bồi dưỡng số một hay không, nhằm tạo cho nội hàm của “chủ nghĩa tập thể” thay đổi có tính xây dựng?

 

Tính chủ động và tinh thần sáng tạo: Học sinh Hoa Kỳ nói chung mạnh hơn học sinh Trung Quốc.

 

Học sinh Trung Quốc khi làm việc gì, trước hết phải xem có quy định nào đó tuân theo hay không, nhưng học sinh Hoa Kỳ biểu hiện rất phóng khoáng. Họ quen suy nghĩ “chỉ cần không bị ốm, mọi việc đều có thể làm”. Khi chơi, chơi hết mình, làm việc gì muốn rất ít sự ràng buộc theo khuôn mẫu, dám nghĩ dám làm, dễ thành công.

 

6. Năng lực giao tiếp: Phần lớn học sinh Hoa Kỳ mạnh hơn học sinh Trung Quốc

 

Là vì cơ hội giao tiếp của học sinh Hoa Kỳ có rất nhiều. Đầu tiên là trong nhà trường các tổ chức nhóm, hội gồm nhiều loại và có nhiều hoạt động khác nhau. Nào là làm báo tường, tổ chức biểu diễn, thi đấu thể dục, rất nhiều thứ khiến người ta nhìn không xuể, đọc không hết. Ngoài ra, học sinh Hoa Kỳ rất thích cuối tuần tự mình tổ chức các dạng sinh hoạt tập thể như: gặp mặt bạn bè, mở tiệc sinh nhật… Những việc này làm cho học sinh Hoa Kỳ trong giao tiếp luôn luôn được nhẹ nhàng, thoải mái, thành thạo hơn học sinh Trung Quốc.

 

7. Khả năng tự làm:Học sinh Hoa Kỳ đa số giỏi hơn học sinh Trung Quốc

 

Trong nội và ngoại khoá đều có rất nhiều cơ hội học sinh tự mình làm lấy. Không chỉ có rất nhiều thực nghiệm và các hạng mục thao tác trong nội khoá có thể làm, thậm chí khi tới tham quan nhà bảo tàng, phòng triển lãm, rất nhiều sản phẩm triển lãm đều cho phép trẻ em sờ mó, đưa đẩy và có thể thực hiện các thao tác nữa. Người Mỹ khi ở nhà rất thích tự mình làm lấy tất cả mọi việc, thế là từ nhỏ bọn trẻ cũng đã tập được thói quen đó, nên có gì thiếu sót người lớn cũng không trách mắng trẻ em.

 

8.Thái độ khắc khổ học tập: Học sinh các trường nổi tiếng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đều như nhau

 

Trong các trường nổi tiếng Saint Louis và Landtane, thái độ học tập khắc khổ của học sinh Hoa Kỳ gần giống với học sinh các trường nổi tiếng ở Trung Quốc mà tôi được biết. Đa số học sinh sau giờ lên lớp tự học từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Nhưng học sinh Hoa Kỳ thông thường chú trọng hưởng thụ với cuộc sống nhiều hơn học sinh Trung Quốc.

 

Nhìn từ ý kiến còn hạn chế của tôi, học sinh Trung Quốc về mặt tố chất hãy còn lạc hậu so với học sinh Hoa Kỳ. Tôi thành tâm hy vọng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Vấn đề này đã dẫn đến sự coi trọng cao độ trong các tầng lớp xã hội Trung Quốc nên tôi rất tin tưởng ngày giải quyết được vấn đề đó cũng không còn xa nữa.

 

Căn cứ vào quan sát của tôi, giáo dục tố chất của học sinh Hoa Kỳ, chủ yếu dựa vào mục tiêu hợp lý và một chế độ hữu hiệu, quy chế ỷ lại vào phần cứng không lớn, phần lớn phương pháp bồi dưỡng tố chất của họ, trong nhà trường chúng ta đều có thể làm được. Ví dụ, thực hành chế độ khen thưởng theo mục tiêu đa dạng hoá, ra sức đẩy mạnh hoạt động thể dục, thay đổi phương thức giảng dạy nhồi nhét bằng phương thức gợi mở và tìm tòi, tăng cường bồi dưỡng tinh thần hợp tác, bồi dưỡng ý thức công dân và tấm lòng công đức với xã hội…

 

Đồng thời các bậc cha mẹ muốn làm “người có chí” không nhất phải ngồi đợi nhà trường đem lại. Sự trải nghiệm của bản thân tôi đã chứng minh, rất nhiều tố chất tốt đẹp có thể thông qua sự giáo dục của gia đình để bồi dưỡng vun đắp cho bọn trẻ.

 

Học sinh Trung Quốc không hề ngu dốt hơn học sinh Âu Mỹ. Từ tiểu học đến đại học, trong rất nhiều trường trên đất Hoa Kỳ, học sinh Hoa duệ (người Mỹ gốc Hoa) vẫn xếp ở hàng đầu. Do coi trọng giáo dục, dòng dõi người Hoa ở Hoa Kỳ đã trở thành một tập thể lớn được tiếp nhận trình độ giáo dục bình quân cao nhất Hoa Kỳ, vượt qua người Do Thái, dù họ là những người cư trú ở Hoa Kỳ vào loại sớm nhất trước đây và còn hơn cả hậu duệ người Nhật. Tại vùng Quaker của Hoa Kỳ, do tập hợp được rất đông nhân viên khoa học và kỹ thuật cao người Hoa ở đó, tiếng Hán đã trở thành ngôn ngữ công tác của nhiều công ty Quaker.

 

Như vậy, chỉ cần có một hệ thống giáo dục hữu hiệu, có một cơ chế vận hành thật tốt, làm cho mục tiêu giáo dục tố chất đã quy định được thực hiện, trong học sinh trung tiểu học của chúng ta, nhất định sẽ bồi dưỡng được một số lượng lớn học sinh có tố chất cao.