NỘI TRÚ TRONG TRƯỜNG SƠ TRUNG

MỘT VÀI MÂU THUẪN VỚI GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

Trường Chuyên ngữ Thành Đô là một trường nội trú khép kín. Nữ sinh năm thứ nhất bậc sơ trung được sắp xếp ở tầng lầu đẹp nhất, mỗi phòng có 8 học sinh. Trước khi khai giảng hai ngày, khi học sinh vào nhận phòng, nhà trường cho phép cha mẹ học sinh vào sắp xếp giường chiếu cho con em mình. Từ một việc nhỏ là sắp xếp giường chiếu này, chúng tôi đã nhận thấy giữa cách làm việc cuả nhà trường và sự giáo dục tại nhà của chúng tôi đã có cái gì đó thiếu sự hài hoà.

Trước khi vào nhà trường, chúng tôi đã dăn Đình Nhi: để bồi dưỡng cho con có một khả năng độc lập, ngay từ khi bước chân vào trường, mọi việc trong cuộc sống con phải tự làm lấy, kể cả việc sắp xếp giường chiếu, ba mẹ chỉ giúp đỡ con khi thật cần thiết. Ngay từ nhỏ Đình Nhi đã có thói quen “tự mình làm những công việc của mình”. Vào trường lần này Đình Nhi vẫn giữ thói quen ấy.

Sau khi chúng tôi cùng với Đình Nhi chuyển chăn chiếu, màn đệm vào phòng ở, đã thấy các bậc cha mẹ của những học sinh mới đến tất bật sửa sang giường chiếu cho con gái mình. Chúng tôi do dự một lát rồi quyết định cứ làm theo lời giao hẹn trước với Đình Nhi là để cháu tự làm lấy.

Ai ngờ, khi Đình Nhi vừa leo lên giường cầm khăn để lau những bụi bặm bám đầy các cọc màn, thì một bác phụ huynh ở giường bên cạnh vội kinh ngạc hét lên: “Này, nguy hiểm lắm, xuống đi cháu, để đấy bác lau cho!” Nói rồi bác ta vội chạy đến lau hộ. Tình trạng này thì chúng tôi không thể đứng yên được rồi. Tôi vừa rối rít cảm ơn bác hàng xóm tốt bụng, vừa bảo Đình Nhi xuống giường, đi lĩnh sách vở, còn mình làm tiếp công việc bác hàng xóm, lau giường tủ giúp Đình Nhi.

Tôi vừa dọn dẹp chỗ ở cho Đình Nhi vừa cảm thấy có cái gì đó bất ổn. Suốt 12 năm qua, chúng tôi luôn né tránh mọi sự quấy nhiễu và xung đột của một hệ thống giáo dục khác đối với Đình Nhi, còn bây giờ thì không thể tránh nổi. Lúc này, tuy tôi còn chưa hiểu những người bạn cùng phòng với Đình Nhi, nhưng chỉ qua việc dọn dẹp giường chiếu này, tôi đã nhìn thấy, những đòi hỏi của cha mẹ với các cháu nhẹ hơn nhiều so với những đòi hỏi của chúng tôi đối với Đình Nhi. Cũng qua việc chuyện trò với các bậc cha mẹ ấy, chúng tôi cũng cảm thấy, sự nghiêm khắc của họ chủ yếu thể hiện ở việc theo dõi thật sát kết quả học tập của con cái, còn mọi việc khác, họ làm thay con tất cả. So với họ, những yêu cầu và sự rèn luyện của chúng tôi đối với Đình Nhi từ nhỏ đến nay, có thể nói là “quá hà khắc”.

Khi còn đang học tiểu học, Đình Nhi đã nhiều lần hỏi chúng tôi: “Tại sao mọi bạn khác không làm như vậy, mà con thì phải làm?” Thế nhưng lần nào chúng tôi cũng giải thích cho cháu hiểu và tin phục, nên Đình Nhi luôn vui vẻ chấp nhận mọi yêu cầu có vẻ “đặc biệt” ấy. Bây giờ vào nội trú, ngày ngày Đình Nhi chung sống với các bạn, những hiện thực và nền nếp mới sẽ đem lại cho Đình Nhi nhiều điều khó hiểu, khi đó Đình Nhi sẽ không có được những giải đáp kịp thời. Những khúc mắc đó cứ tích tụ mãi, cộng thêm với tâm lý chống đối mà tuổi thanh xuân thường có, sắp đến với Đình Nhi, không biết rồi đây Đình Nhi còn có những thay đổi ra sao? Trong suốt cả sáu năm nội trú, mỗi tuần Đình Nhi chỉ được sống với cha mẹ có 24 giờ đồng hồ, trong đó có đến già nửa thời gian dành cho việc ăn ngủ, vậy mức độ ảnh hưởng của ba mẹ đối với Đình Nhi còn thấp đến mức nào?

Chẳng bao lâu, sự thay đổi của Đình Nhi đã chứng tỏ chúng tôi lo lắng quả thực là không thừa.

Ngay trong ngày chủ nhật đầu tiên Đình Nhi trở về nhà, tôi phát hiện thấy trong lúc cháu vừa ăn cơm vừa vui vẻ chuyện trò cùng ba mẹ, cháu đã tiện tay vứt luôn xương xẩu xuống nền nhà. Sau khi tôi nhắc nhở, Đình Nhi vội xin lỗi ngay, nhưng lại nhặt mảnh xương đó ném vào sọt giấy lộn. Rồi chỉ một lát sau, cháu lại ném xương xuống đất, tôi lại nhắc, cháu lại xin lỗi… Sau mấy lần nhắc nhỏ, Đình Nhi tỏ ra khó chịu:

Có làm sao đâu, mẹ! Ở trường chúng con vẫn làm thế! Đã có người dọn vệ sinh rồi mà!

Mọi người đều làm như vậy, không có nghĩa là làm như vậy là đúng!

Chuyện vặt ấy mà, có gì đâu mà mẹ phải nói nhiều thế?

Sự việc không lớn, nhưng đó là một thói quen không tốt, ít nhất là không biết tôn trọng thành quả lao động của người khác – Không nhịn được ba cũng phải cau mày nói lại.

Con mới ở nội trú có bảy ngày mà đã đánh mất một thói quen tốt mà ba mẹ đã dạy con từ khi mới tròn 3 tuổi. Lẽ nào lại không đáng nói hay sao?

Chẳng ai như ba mẹ cả, một tuần con mới được về nhà một lần, thế mà cứ mắng mỏ, bắt bẻ con mãi, hu hu…

Đình Nhi vừa khóc vừa bỏ chạy vào nhà vệ sinh, xả nước ào ào tắm gội, để mặc tôi và ba cháu ở ngoài lắc đầu chán ngán.

Tiếng khóc bỗng trở thành tiếng hát, Đình Nhi vừa tắm vừa hát, đây là biện pháp “thay đổi trạng thái tâm lý” Đình Nhi mới phát minh ra. Một lát sau, Đình Nhi hai tay xoa mái tóc ướt sũng, bước ra, khuôn mặt đỏ bừng, vẻ nũng nịu: “Biabia! Mia mia!” (đây là cách gọi thân yêu ba cháu và tôi của Đình Nhi) – “Con biết ba mẹ đều nói rất đúng, nhưng chẳng hiểu làm sao, con chỉ thích cãi ba mẹ…” – Nói rồi, hai tròng mắt đỏ hoe.

Đây là lúc mà tôi và ba dễ mềm lòng nhất. Chúng tôi kiên nhẫn nói với cháu: “Nỗi lòng của con, ba mẹ đều rất hiểu, con biết không, con đang sắp sửa bước vào tuổi thanh xuân, các nhà tâm lý gọi tuổi thanh xuân của một con người là thời kỳ “cai sữa về tâm lý”. Đó là một quá trình phát triển bình thường. Đáng chú ý là, tâm lý thích chống đối trong giai đoạn tuổi dậy thì này sẽ khiến con luôn chống đối ba mẹ một cách mù quáng. Ý kiến càng đúng đắn càng không muốn nghe lời. Mong con nhận thức ra được đặc điểm tâm lý của tuổi dậy thì này, để tránh phải đi những đoạn đường vòng trong giai đoạn học sơ trung…”

Đình Nhi đã nghe ra, khẽ gật đầu, âu yếm ôm ghì ba mẹ, rồi khe khẽ hát, bước vào phòng làm bài tập. Tôi và ba cháu thì trái lại, không thể thanh thản vô tư được như cháu. Chúng tôi đã dự cảm được rằng, tuổi dậy thì và việc ở nội trú, hai nhân tố này sẽ là một trở lực to lớn ngăn cản sự liên hệ và thông cảm giữa chúng tôi và Đình Nhi, ít nhất cũng trong suốt cả thời kỳ học trung học. Nếu giải quyết không tốt, những cuộc tranh cãi như vừa rồi sẽ là chuyện cơm bữa trong gia đình chúng tôi.

Quả nhiên như vậy, ngay ngày hôm sau, trong việc sắp xếp quần áo cho Đình Nhi vào trường, giữa tôi và cháu lại xảy ra một cuộc tranh cãi. Hôm đó, trời đang nóng nực, nhưng tôi cứ sắp sẵn cho Đình Nhi mấy bộ quần áo dài, đề phòng trời mưa lạnh, nhưng Đình Nhi không chịu mang theo. Ba phải đứng ra hoà giải, nhưng Đình Nhi vẫn một mực không nghe, cháu nói: “Cho dù trời có lạnh, con cũng không cần ba mẹ mang quần áo cho con!” Ba nói với tôi, bây giờ là lúc mình phải tuỳ việc nhượng bộ, phải “nắm chắc việc lớn, thả lỏng việc nhỏ”. Những việc nhỏ đó, dù vì nó mà bị vấp ngã, cũng để cho Đình Nhi có thêm bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi miễn cưỡng gật đầu.

Ngày chủ nhật đầu tiên như vậy đó. Tôi thực sự thấy buồn. Nhưng thật không ngờ, Đình Nhi vẫn cứ thanh thản như không. Tối hôm đó, trên trang nhật ký viết ngay khi cháu trở lại trường có đoạn viết:

Trở về rồi! Trở về rồi! Ta đã trở về với nhà trường, với tập thể thân thương, với đại gia đình yêu quý của ta rồi! Hôm nay là ngày chủ nhật, ta, một nữ sinh nội trú, chỉ được ở nhà đúng 25 giờ 50 phút, lại phải ra đi. Ngồi nhớ lại, mới cảm thấy không khí gia đình thật ấm áp.

Chiều qua, vừa bước chân vào nhà, mẹ ôm chầm lấy ta, cảm động nói: “Ôi! Con gầy quá, mới có mấy ngày mà sao gầy quá vậy?” Kỳ thực, tôi thấy tôi chẳng gầy đi chút nào, chỉ vì mẹ thương tôi quá nên nghĩ vậy. Rồi mẹ hỏi tôi đủ thứ chuyện: ăn có được no không? Đêm ngủ có lạnh không? Có biết giặt quần áo không? Tập quân sự có vất vả không?... Mẹ cứ tíu tít hỏi hết chuyện này sang chuyện kia, làm tôi cuống cả lên, không biết trả lời như thế nào. Tôi cảm thấy có một luồng hơi ấm áp đang tràn ngập cõi lòng mình, một sự ấm áp đến ngất ngây bởi được mẹ yêu.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, cũng vẫn chỉ là sự quan tâm rất bình thường, hằng ngày của mẹ, mà trước đây tôi cho là chuyện đương nhiên không hề để ý. Không hiểu vì sao, giờ đây tôi thấy đó quả là một niềm hạnh phúc.

Trước khi về trường mẹ cứ quanh quẩn bên tôi, tíu tít dặn dò hết chuyện này sang chuyện nọ, cả ba nữa, ba cũng khuyên nhủ đủ điều. Trước đây những chuyện như thế này tôi thường tỏ vẻ không vui, cho là ba mẹ hay lắm điều, vẽ chuyện, nhưng giờ đây thì lại khác, tôi đã nhận ra được một tình yêu thương thật là mãnh liệt của ba mẹ.

Thế nhưng, từ sau khi vào trường nội trú, Đình Nhi luôn không muốn “bày tỏ sự yêu thương trước mặt người thân”. Có lẽ, để chứng tỏ mình đã là “người lớn”. (Cũng may được sự uốn nắn kịp thời của chúng tôi, từ khi lên học bậc cao trung, Đình Nhi đã khôi phục lại được những thói quen tốt mà chúng tôi rèn luyện cho cháu từ hồi nhỏ). Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, trước mặt ba mẹ, Đình Nhi luôn giấu đi tình cảm yêu thương lưu luyến với cha mẹ quá lộ liễu như thời trẻ con. Thế nhưng, sức mạnh của một thói quen thật là ghê gớm, cái thói quen luôn muốn trao đổi bàn bạc với cha mẹ đã được hình thành từ nhiều năm nay, đã khiến Đình Nhi, như một bản năng, rất muốn tìm một ai đó để trao đổi tâm tình. Thế là bằng cách viết nhật ký, cháu đã chọn cô chủ nhiệm lớp của cháu làm đối tượng để được tâm sự những điều thầm kín tự đáy lòng mình.

CÔ GIÁO GIÀU NHÂN CÁCH, CHĂM LO NHƯ CHA MẸ

Trường Chuyên ngữ Thành Đô có rất nhiều thầy cô tốt, Đình Nhi đã học được ở các thầy cô nhiều điều bổ ích. Cô giáo chủ nhiệm bậc sơ trung của ĐÌnh Nhi, Lý Tấn Vinh, là một trong những thầy cô giáo ưu tú của nhà trường.

Cô Lý dạy ngữ văn, giàu kinh nghiệm. Ở trên lớp, cô say sưa giảng bài, giọng nói êm dịu thiết tha, đôi mắt truyền cảm, khi cô giảng đến những đoạn văn xúc động, học sinh dưới lớp cũng khó lòng cầm được nước mắt. Những học sinh do cô đào tạo, nhiều người đã đạt giải cao trong các cuộc thi văn của thành phố hay trong toàn tỉnh Tứ Xuyên. Cô rất hiểu, học sinh trung học là những đứa trẻ đang tập làm người lớn, hay chống đối để tự khẳng định mình. Vì vậy, cô rất nguyên tắc, nhưng cũng hết lòng thương yêu học sinh. Điều này rất có giá trị đối với sự phát triển lành mạnh của Đình Nhi.

Là một giáo viên chủ nhiệm giàu kinh nghiệm, cô Lý hiểu rõ, phải bằng cách nào mới chiếm được trái tim học sinh.

Ngay tuần lễ đầu tiên sau ngày khai giảng, cô Lý đã yêu cầu học sinh mỗi ngày phải nộp cho cô một bài văn viết dưới dạng nhật ký để nắm bắt kịp thời sự thay đổi tư tưởng của học sinh. Qua đó, cô tìm cách giúp các em mau chónh thích nghi với cuộc sống học tập khá căng thẳng trong trường. Trước khi nộp bài nhật ký đầu tiên, cô yêu cầu học sinh hãy viết một đoạn “tự giới thiệu về mình”, nhằm giúp cô nắm được tư tưởng và tính cách của từng em.

Sự mở đầu thú vị đó làm Đình Nhi thấy hào hứng. Cháu rất mong cô Lý cũng sẽ là người bạn tốt của mình, giống như cô chủ nhiệm của cháu thời tiểu học. Trong bài “Tự giới thiệu”, Đình Nhi say sưa viết:

“Con họ Lưu, tên là Diệc Đình, năm nay 12 tuổi. Tính con rất cởi mở, rất thích kết bạn, luôn cho rằng được kết bạn là một niềm vui lớn nhất của đời người, cho nên con rất mong được kết bạn với nhiều người. Khuyết điểm lớn nhất của con là tính tình nóng nảy, nhưng đối với bạn bè con rất thực lòng. Con tin rằng, chúng con sẽ là những người bạn tốt của nhau, luôn động viên và giúp đỡ lẫn nhau”.

Tiếp theo đó, Đình Nhi viết về nỗi khó nhọc trong buổi tập quân sự đầu tiên ở nhà trường:

Hôm nay, đối với tôi là một ngày không bình thường, ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường trung học, buổi bắt đầu cho cuộc sống nội trú trong nhà trường, cũng là ngày đầu tiên tôi tham gia huấn luyện quân sự. Những công việc ngày hôm nay gồm có: lễ khai giảng, tập quân sự và tổng vệ sinh, đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là tập quân sự.

Về việc tập quân sự, tôi đã được nghe nhiều rồi. Thế nhưng, hôm nay được chính thức tham gia, một cảm giác thật là lạ, mới mẻ… Khi tập động tác nhìn phải thẳng, cái cổ của tôi cứ cứng đờ, vừa nói vừa đau, rất khó cử động. Ôi, tôi thật không hiểu nổi, tại sao cứ phải làm tội nhau quá vậy, tôi cho rằng chỉ cần tư thế đúng là được rồi, việc gì cứ phải đứng nghiêm mãi thế?

Khi mọi người đang được nghỉ ngơi, còn mình cứ phải tập lại, cảm thấy rất khó chịu. Mồ hôi nhễ nhại, lưng mỏi gối đau, phơi mặt dưới trời nắng chang chang, còn người khác thì ngồi trong bóng mát nói cười rôm rả. Lúc này, chỉ mong thầy cho nghỉ sớm, chả còn ao ước gì hơn.

Giờ đây, nhiệm vụ duy nhất của mình là phải ngủ một giấc thật ngon, để lấy sức bước vào một ngày mới nữa.

Đối với câu hỏi “Tại sao phải làm khổ nhau vậy” của Đình Nhi, cô Lý không hề tỏ ra phật ý, mà còn ghi một lời khen ở bên lề trang nhật ký: “Trọng tâm nổi bật, có cá tính!” Với lời khen này, ngay ngày hôm sau, cô Lý đã chiếm được cảm tình của Đình Nhi:

Hôm nay là buổi học thứ hai, tôi ngủ dậy sớm, tập thể dục, mua cơm sáng ăn, rồi lại tập quân sự… Mọi công việc cũng gần như ngày hôm qua, cảm giác mới lạ không còn nữa. Lời phê bình của cô Lý trong bài nhật ký hôm qua cứ làm tôi nhớ mãi.

Tại sao mỗi lời phê bình bình thường như vậy lại in dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi? Chính vì nó đã cởi bỏ được những khúc mắc ở trong lòng tôi. Lời nhận xét về niềm vui và nỗi khổ của cô đã làm tôi bừng tỉnh. Tôi vẫn cho rằng, luyện tập quân sự là một việc khô khan mệt mỏi, chẳng có chút hứng thú nào. Thế nhưng cô giáo lại nói, nhìn bề ngoài, luyện tập quân sự vừa khổ vừa mệt, chẳng thú vị gì, thế nhưng chính công việc luyện tập quân sự này đã cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp. Đúng vậy! Tôi vốn là một cô bé được nuông chiều, chỉ đứng nghiêm vài phút đã kêu khổ ầm lên, thế nhưng mới qua hai ngày luyện tập gian khổ, nay tôi có thể đứng nghiêm vài chục phút mà không thấy mỏi chân. Không chỉ với các động tác tập quân sự, mà còn nhiều mặt khác cũng đã có những tiến bộ rõ ràng. Ví dụ như trước đây có bị hơi sứt tay một tí là tôi đã “hạt châu rơi lã chã”, thế mà bây giờ dù có bị đứt tay với vết đứt to hơn tôi vẫn cố nén nhịn, tự băng bó lấy, không khóc tí nào. Đấy không phải là cái tốt của việc huấn luyện quân sự hay sao?Khi phát hiện mình đã cứng rắn trưởng thành, trong lòng tất nhiên rất sung sướng, sự sung sướng đó chẳng phải là một niềm vui hay sao? Cô giáo nói, niềm vui có nhiều loại, chơi đùa, nghỉ ngơi, xem ti-vi… cũng là niềm vui, làm nghề dạy học như cô, hằng ngày đổ biết bao mồ hôi tâm sức vì học sinh thân yêu, khi thấy học sinh mình tài giỏi nên người, đó cũng là một niềm vui, một sự kiêu hãnh.

Những lời nói của cô giáo làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều, nhờ cô giáo mà tôi đã hiểu được, niềm vui trong sự vất vả, niềm vui đó mới thực sự là niềm vui chân chính!

Xuất phát từ quan niệm niềm vui trong gian khổ, sang ngày thứ ba, cô Lý cho cả lớp thảo luận vấn đề “Làm thế nào để xứng đáng là một học sinh chân chính Trường Chuyên ngữ?” Qua thảo luận, cả lớp đã đi đến một quan điểm chung là: “Lấy gian khổ làm niềm vui, lấy thăng tiến làm vinh dự”. Quan điểm chung cũng là một loại sức mạnh, nó có thể bắt buộc người ta tự đánh giá những suy nghĩ và hành vi của mình theo những tiêu chuẩn chung đó. Trong một trường có được một môi trường giáo dục tốt thì nền nếp nhà trường sẽ ổn định, học sinh rất khó sinh hư, các bậc phụ huynh sẽ luôn cảm thấy yên lòng.

Cô Lý là một con người đúng đắn và cực kỳ nghiêm khắc, cô vừa là một người mẹ hiền từ, cũng vừa là một người cha nghiêm nghị. Quan điểm giáo dục của cô rất phù hợp với quan điểm giáo dục của vợ chồng tôi.

Lấy chuyện ngày chủ nhật đầu tiên ĐÌnh Nhi trở lại nhà làm thí dụ. Hôm đó, tôi đã chuẩn bị cho Đình Nhi mấy bộ quần áo dài để đề phòng trời lạnh, Đình Nhi một mực không mang theo. Sang ngày thứ ba, quả nhiên trời lạnh. Bằng tình thương yêu học trò đúng mực, cô Lý đã biến chuyện không may đó trở thành một chuyện đầy ý nghĩa.

Sáng sớm hôm nay, trời bỗng nhiên trở lạnh, mưa cứ dầm dề, gió thổi ù ù không ngớt, cái lạnh làm tôi không sao ngủ tiếp được. Nhìn ra ngoài, bầu trời âm u xám xịt. Từ trong chăn ấm bò ra, tôi cảm thấy trời lạnh thấu xương, bàn tay tê cóng. Mở tủ quần áo, lục lọi lung tung mà chẳng tìm đâu ra một bộ quần áo đủ để chống chọi với cái lạnh. Chẳng còn cách nào khác, có bao nhiêu quần áo mùa hè, tôi đành phải mặc hết vào rồi lên lớp. Thế mà người vẫn cứ rung lên bần bật.

Sau tiết học thứ nhất, thấy tôi lạnh cô liền nói với tôi: “Con lạnh lắm phải không? Để cô gọi bảo Vương Giảo (con gái của cô) lấy cho con chiếc quần dài!” Câu nói đó làm cho tôi ấm hẳn lên. Lát sau, Vương Giảo mang quần áo đến cho tôi, bạn ấy còn nhiệt tình giúp tôi mặc thêm quần ấm. Tuy người tôi vẫn còn hơi lạnh, nhưng trong lòng thì ấm áp vô cùng. Đến trưa, mẹ của Cung Vệ Thanh, một người bạn cùng phòng với tôi, đã đem cho tôi và mấy bạn khác cùng phòng quần áo ấm. Những con người chưa quen biết nhiều lắm, sao họ lại tốt với tôi như vậy?

Bây giờ thì tôi đã hiểu ra ý nghĩa đích thực của câu nói: “Trên cõi đời này đâu cũng ấm áp!”

Những thầy cô giáo tốt như cô Lý của chúng tôi, trong trường Chuyên ngữ Thành Đô này còn nhiều lắm. Họ tạo thành một tập thể giáo viên vừa yêu nghề, yêu ngành, vừa tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ. Họ là nền móng, họ là rường cột để Trường Chuyên ngữ dựa vào đó mà vươn lên. Mọi sự tiến bộ của Đình Nhi cũng nhờ đó mà có được.

Nhờ có sự tận tâm dạy dỗ và lòng yêu trẻ thiết tha của các thầy cô, cộng thêm sự cần cù, khiêm tốn, ham học của Đình Nhi, chúng tôi mới thực hiện được một kế hoạch mang tính chiến lược đối với Đình Nhi là “Phải giải quyết mọi vấn đề về học tập ngay tại trường”.

COI TRỌNG TÌNH BẠN, HỌC CÁCH NHÚN NHƯỜNG

Cùng với sự phát triển trong tuổi dậy thì, nhiều học sinh trung học còn luôn đau khổ vì “cảm giác cô đơn” chẳng ai chịu hiểu mình, và luôn trông chờ có được một người nào đó biết hiểu mình. Có bạn trông chờ ở thầy cô giáo, có bạn trông chờ ở thế hệ cha anh, có bạn trông chờ ở bạn bè cùng trang lứa. Tâm lý con người nói chung là: cái có rồi thì cảm thấy bình thường, mà chỉ mơ ước những cái gì mình chưa có.

Cũng như mọi đứa con trong gia đình chỉ có một con, cái mà Đình Nhi cảm thấy thừa thãi nhất chính là sự quan tâm của cha mẹ, cái thiếu nhất lại là tình bạn. Ở lứa tuổi này, tình bạn như một chất “rượu nồng” luôn làm các cháu say mê. Vì nhiệm vụ học tập quá nặng nề, cô chủ nhiệm và chúng tôi đều nhất chí chủ trương không để Đình Nhi lãng phí quá nhiều thời gian vào việc giao du bè bạn, nhưng như vậy không có nghĩa là ngăn cản nhu cầu tâm lý rất bình thường đó cuả Đình Nhi. Để thoả mãn khát vọng giao du bè bạn, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tạo điều kiện để Đình Nhi gặp gỡ các bạn thân cũ, dành cho các cháu cả thời gian và không gian thích hợp để tình bạn được phát triển hơn nữa về chiều sâu. Ngay từ nhỏ đã được giáo dục đức tính coi trọng tình bạn, trong những cuộc gặp gỡ ấy tình cảm của Đình Nhi đã được thể hiện thật trong sáng và cảm động.

Buổi sáng chủ nhật, người bạn thân Vương Ngọc của tôi đã đến chơi. Tình cảm của chúng tôi rất sâu sắc. Ngay từ lúc còn ở lớp mẫu giáo, hai chúng tôi đã không dời nhau nửa bước. Tính đến nay, ôi, đã được 9 năm rồi. Đã nửa tháng không gặp nhau, hôm nay gặp lại, vui mừng biết bao!

Bạn Vương Ngọc có lẽ cũng xúc động lắm, má cứ đỏ bừng. Chúng tôi tay nắm tay, mắt nhìn mắt, cùng mỉm cười. Tim tôi đập rộn ràng, có bao điều muốn nói mà sao không nói được nên lời. Vương Ngọc chắc cũng như tôi. Một lúc khá lâu, Vương Ngọc mới nói: “Chào bạn! Chào cậu!”, “Bạn có khoẻ không?” – “Tớ khoẻ, bạn có khỏe không?” – “Hì, hì!” Cả hai cùng cười, không khí nhẹ nhõm hẳn đi. Vương Ngọc kể về cuộc sống và việc học tập của mình, tôi cũng vậy. Cả hai đều cảm thấy thật là mới lạ và thích thú.

Thời gian trôi đi từng phút, từng phút, từng giờ… Đã đến lúc bạn Vương Ngọc phải về rồi. Tôi tiễn bạn ra tận đầu đường. Hai đứa cứ nắm chặt tay nhau không nỡ rời xa: “Thứ bảy tuần sau lại đến chơi nhé? Phải đến đấy!” – “Ừ, đến, đến chứ, nhất định tớ sẽ đến!” Lời hẹn ước ấy đã gắn chặt hai trái tim chúng tôi với nhau.

Để tránh sự phân tán tình cảm trong việc kết bạn, và cũng để tránh cho cháu chơi thân với những người bạn xấu, chúng tôi đã nói rõ quan điểm của mình với Đình Nhi: “Ba mẹ không tán thành việc con kết bạn qua thư từ với những người trong mục “Tìm bạn” trên báo chí, và cha mẹ cũng không phản đối việc trao đổi thư từ với những “người bạn cũ”, mà cha mẹ đã biết rõ”. Bởi vì chúng tôi rất hiểu tâm trạng sung sướng khó nói thành lời của con cái, khi chúng nhận được những lá thư của những người bạn thân mà chúng hằng mong nhớ.

Buổi trưa hôm nay, theo lệ thường tôi lại đến hòm thư học sinh để xem mình có thư không. Tôi lơ đãng lật giở chồng thư, đang định quay về, bỗng nhìn thấy trên phong bì màu vàng sẫm có dòng chữ: “Người nhận: Bạn Lưu Diệc Đình”. Tôi vội cầm thư, nhưng do xúc động, tay run run, mãi mới cầm được. Nhìn kỹ lại, quả nhiên là thư của tôi. Thật sung sướng và bất ngờ. Đây chính là lá thư của Tề Tịnh, bạn thân của tôi. Lá thư mà tôi hằng mong đợi.

Tôi vội bóc phong bì, suýt nữa xé rách cả thư. Tôi đọc kỹ từng dòng, lời lẽ trong thư giản dị và mộc mạc, chẳng có chút nào văn vẻ hoa mỹ, chỉ có tình cảm sâu nặng. Lòng tôi ấm áp, hai má nóng bừng.

Đến tối, lấy giấy bút ra, tôi định trút hết tình bạn đang nóng bỏng trong lòng lên tờ giấy trắng. Nhưng không hiểu sao, tôi không thể nào viết nổi lấy nửa dòng, bàn tay phải cứ run run nắm chặt lấy quản bút…

 

Chúng tôi cho rằng để vươn tới cái chân, thiện, mỹ, sự thể nghiệm sâu sắc về tình bạn là điều vô cùng quan trọng. Để giữ vững và phát triển các mối quan hệ bạn bè chân chính, Đình Nhi đã bắt đầu thay đổi những thói quen không có lợi cho sự phát triển đó.

Tôi là một người rất kỹ tính trong việc chọn bạn. Có thể nói rằng, từ bé đến giờ tất cả những người mà tôi cho rằng có thể làm bạn được đều đã trở thành bạn tốt của tôi. Nhưng bây giờ thì lại khác.

Người bạn ngồi cùng bàn với tôi là Phan Điền Điền, học rất giỏi, tính tình cởi mở, đúng đắn, có thể nói tài đức vẹn toàn, đương nhiên rất có thể chọn làm bạn thân được. Chúng tôi suốt ngày cười nói, gắn bó với nhau như bóng với hình, cũng có lúc cãi nhau một tý, nhưng rồi lại dàn hoà được ngay. Thế nhưng…

Chiều nay, để tranh lấy chiếc bánh bích quy trong tay tôi, Phàn Đìên Điền đã đánh tôi mấy cái. Lát sau, nhân lúc bạn Phàn không để ý, khi bạn định ngồi xuống chiếc ghế đẩu, tôi đã nhanh chân gạt chiếc ghế đó sang bên, Phàn Điền Điền liền ngã lăn ra đất, hai mắt đỏ hoe chực khóc. Tôi bỗng hoảng lên, vội kéo bạn ấy dậy, miệng lắp bắp: “Xin lỗi, xin lỗi! Đừng giận mình nhé!”

Phàn Điền Điền quay ngoắt người đi, tôi ra sức giải thích nhưng bạn ấy vẫn một mực không thèm nghe. Từ đó hai chúng tôi, tuy vẫn ngồi cùng một bàn, nhưng hầu như xa cách nhau, giữa chúng tôi như có một tấm kính mỏng ngăn cách. Tôi cảm thấy ngột ngạt vô cùng.

Xin hỏi các bạn, tôi phải làm gì bây giờ: “Chẳng lẽ lại xoá bỏ những ngày tháng đẹp đẽ kia sao?”

Cô giáo Lý đã phê bên cạnh bài nhật ký này một câu: “Tự con sẽ có được một sự lựa chọn đúng đắn!”

Đình Nhi đã không phụ lòng tin của cô giáo, cháu đã chủ động làm lành với Phan Điền Điền. Cuối cùng bằng sự chân thành cởi mở, Đình Nhi lại được Phàn Điền Điền tin yêu thân thiết. Quá trình thay đổi cách đối xử trong quan hệ bạn bè vừa rồi, đã làm cho Đình Nhi kiên nhẫn hơn, càng độ lượng hơn. Điều đáng quý là, sự “tự nghiêm khắc với mình ấy” không phải vì có sự thúc ép của cha mẹ, mà chính từ nội tâm cháu đã biết “cần độ lượng với người”.

KỲ NGHỈ ĐÔNG, BAY XUỐNG PHƯƠNG NAM

ĐẾN VÙNG ĐẶC KHU, THAM QUAN DU NGOẠN

Vào kỳ nghỉ đông năm thứ nhất của Đình Nhi, một người bạn của chúng tôi ở Quảng Châu tên là Lý Quốc Kiều, tha thiết mời gia đình tôi về nhà anh ăn tết. Hai vợ chồng chúng tôi bàn bạc có nên đi hay không. Ba nói: hiện thời phạm vi cuộc sống của ĐìnhNhi khá bó hẹp, nhân chuyến đi này có thể mở mang được sự hiểu biết cho con, có thể tích luỹ cho con một chút ít về vốn sống. Thế là Đình Nhi, một cháu gái 1 tuổi, với nhiệm vụ “tham quan và tích luỹ vốn sống” đã được đi du lịch 10 ngày ở cả ba đặc khu kinh tế nổi tiếng phương Nam: Quảng Châu, Thẩm Quyến và Chu Hải. Trong chuyến đi này, những trang nhật ký của cháu đã dày thêm với biết bao kỷ niệm đầy ý nghĩa.

Chú Lý là một thương gia rất thành công trong sự nghiệp, người thay chú tiếp đón chúng tôi tại Thẩm Quyến là chú Trần, cũng là một con người giàu có và thành đạt. Chuyến bay về phương Nam này quả là một chuyến “chơi sang”. Trước một nếp sống xa hoa mà nhiều người hằng mơ ước ấy, Đình Nhi đã tỏ ra rất thích thú, nhưng cũng đầy lý trí.

Trong những trang nhật ký của một cháu gái chưa đầy 13 tuổi lúc bấy giờ, có một cái nhìn bình tĩnh khácch quan, có phê phán. So với thời đã xuống nông thôn năm cháu lên 10 tuổi, có thể thấy Đình Nhi từ “một cô bé hay hỏi” đã trở thành “một cô bé có nhiều tư duy”. Qua cách suy nghĩ và nhận xét của Đình Nhi, cũng có thể thấy được trong tâm hồn của cháu hoà tan khá nhuần nhuyễn những quan niệm giá trị mà ba mẹ và nhà trường đã bồi dưỡng bấy lâu nay.

Lần đầu đi máy bay

10 giờ 30 phút sáng hôm đó, tôi cùng ba mẹ đến sân bay. Sau khi vội vã làm thủ tục, chúng tôi đi vào hành lang kiểm tra an toàn. Đến đây mẹ con tôi phải chia tay ba (vì ba có việc bận, không đi Quảng Châu được). Tôi đặt va-li vào băng dây chuyền của máy kiểm tra an toàn hành lý, lại vội vã chạy sang cửa kiểm tra an toàn hành khách để nhận hành lý. Bỗng nghe thấy những tiếng còi “tút, tút, tút” vang lên trong máy, nhân viên kiểm tra giữ tôi lại. Họ dùng máy dò kim loại dò đi dò lại khắp người tôi. Tôi lo quá, rõ ràng mình không hề có một thứ hung khí nào ở trong người, mà tại sao lại không đi qua được cửa kiểm tra an toàn.

 

Máy dò kim loại bỗng dừng lại ở chỗ túi quần tôi, tiếng “tút, tút, tút” vẫn đều đều không ngớt. Ôi, thì ra cái dây chìa khoá. Phát hiện ra, tôi như trút bỏ được gánh nặng trên vai, vội vã chạy đi nhận hành lý. Sau đó tôi kéo mẹ chạy vào phòng chờ. Chạy đến cửa rồi mới chợt nhớ ra là quên chưa chào tạm biệt ba. Tôi vội vàng quay đầu lại, nhìn kỹ mà chẳng thấy bóng dáng ba đâu. Có lẽ chờ lâu quá, ba đã thất vọng bỏ đi rồi. “Sorry, father!”. Tôi bất giác thở dài hối hận, rồi bước nhanh vào phòng đợi.

Do sương mù dày đặc, lần đầu tiên đi máy bay tôi đã được chứng kiến cảnh ùn tắc của 19 chuyến bay. Từ lúc 6 giờ sáng, sương mù máy bay không cất cánh được. Qua lớp sương mù vẫn nhìn thấy rất nhiều máy bay đang đậu trên đường băng. Trong phòng chờ chật ních những người. Đến tận 11 giờ 30 phút, loa phóng thanh mới bắt đầu thông báo cho hành khách lần lượt lên từng chuyến bay. Rất may, khi đến lượt chúng tôi, chuyến bay vẫn đúng giờ.

Chiếc máy bay mà chúng tôi bay là chiếc Boeing 75T. Tôi ngồi ở số ghế 21 hàng F, ở phiá trước cánh phải máy bay, lại sát ngay cửa sổ. Tôi thắt dây an toàn, hiếu kỳ nhìn ngược nhìn xuôi. Một lát sau, máy bay bắt đầu nổ máy, rồi lướt nhẹ trên đường băng. Bỗng nhiên, một sức mạnh vô hình nào đó ép mạnh tôi vào thành ghế sau lưng, thì ra máy bay đã rời khỏi đường băng bay vào không trung. Máy bay lắc lư xuyên qua những tầng mây bao phủ trên bầu trời lòng chảo. Lúc ấy tôi có cảm giác mình như một “Tề thiên đại thánh” đang đằng vân giá vũ bay vào chín tầng mây. Vượt qua lớp mây mù, máy bay đã lên đến độ cao 10 ki-lô-mét, đường bay bỗng êm hẳn. Phía dưới sâu thăm thẳm, cảnh vật thì biến hoá lạ kỳ, có lúc giống như biển, mênh mang phẳng lặng, có lúc giống như núi, trùng điệp nhấp nhô, cũng có lúc giống như trên Bắc cực, trắng toát một màu…Những cảnh đẹp hoành tráng kỳ ảo, thật không có bút nào tả xiết. Tôi say sưa ngắm nhìn những quang cảnh kỳ thú đó qua cửa sổ máy bay, cho đến khi ánh nắng mặt trời rọi chiếu làm chói mắt, tôi vội kéo tấm màn che cửa sổ máy bay, đang định nghỉ ngơi chốc lát…

“Hãy xem kìa, Phật quang!” Người ngồi phía trước tôi bỗng kêu lên vẻ mừng rỡ. Tôi vội kéo tấm màn che nắng, nhìn ra bên ngoài chỉ thấy ngay phần sau máy bay có một vầng hào quang bảy màu, hình như đang bám chặt lấy máy bay cùng bay trong không trung. Tôi vội quay sang bảo mẹ xem, mẹ nhìn một lát, vui vẻ nói: “Thôi con cứ xem đi!” Tôi ngồi ghì sát mắt vào cửa kính máy bay, nhìn vầng hào quang đó đang nhạt dần, cho đến lúc hoàn toàn mất hút. Tôi sung sướng thở một hơi nhẹ, xoay người ôm ghì lấy vai mẹ, nhìn vào mắt mẹ, cười nũng nịu, lòng tràn ngập tình yêu thương và sự cảm kích…

 Dạo chơi trong vườn động vật hoang dã

Hôm nay đến Thẩm Quyến, một người bạn của chú Lý mời mẹ con tôi cùng gia đình chú đi chơi vườn thú. Tôi nói nhỏ với mẹ: “Ở Thành Đô chả có vườn thú rồi hay sao? Con không muốn đi đâu, xem cái khác hay hơn”. Mẹ nói: “Biết làm sao hả con! Mẹ cũng không muốn đi, nhưng phải chiều lòng cô chú ấy chứ”.

Đến vườn thú, thấy trước cổng có ghi một dòng chữ lớn màu đỏ tươi: “Vườn động vật hoang dã”. Tôi nghĩ bụng: hoang dã cái cóc gì, nhốt chặt trong lồng sắt, cũng gọi là hoang dã? Hừ! Tôi chen vào, đám đông đang mua vé vào cửa, thấy trên tấm bảng ghi rõ ràng mấy chữ: “Mỗi vé giá: 70 nhân dân tệ”. Tôi giật mình: “Gì mà đắt thế, 70 đồng một vé!” Vội vàng đi hỏi mẹ. Mẹ nói: “Mức sống của nhân dân đặc khu cao hơn nhiều so với nội địa!”

Theo dòng người, chúng tôi đi vào vườn thú, theo hướng dẫn, chúng tôi đi xe hơi. Mẹ nói: “Ồ, mẹ hiểu ra rồi, đây là vườn thú động vật hoang dã, nhốt người chứ không nhốt thú đây mà!” Nghe mẹ nói, tôi lập tức liên tưởng đến vườn động vật hoang dã Kennedy nổi tiếng mà tôi đã đọc trong sách báo. Ai ngờ nước mình cũng có vườn động vật hoang. Kiểu ấy ta đây chỉ được xem qua màn ảnh nhỏ. Tôi bắt đầu thấy hứng thú.

Ô tô bắt đầu nổ máy, nhìn qua cửa sổ ô tô, tôi nhìn thấy những chú công xinh đẹp kéo chiếc đuôi dài sặc sỡ đang ung dung đi dạo trên những thảm cỏ xanh. Trên sườn núi những cô nai rừng óng ả đang rượt đuổi nhau đùa nghịch. Có những con chim rất to màu lông đỏ như lửa đang đứng một chân lim dim ngủ. Trời bỗng đổ mưa, mưa rắc hạt trên mặt hồ trong vắt, tạo thành những vòng tròn sóng nước, những chú thiên nga trắng thanh cao thong thả bơi trên mặt hồ. Tôi bất chợt nghĩ đến câu thơ của nhà thơ đời Đường, Lạc Tân Vương: “Lông trắng trên nước biếc, chân đỏ khua sóng xanh…” Vừa ngắm nghía, tôi vừa nghĩ đến những động vật trong vườn thú Thành Đô, nghĩ đến những đôi mắt luôn ngơ ngác như vô hồn của chúng. Tôi tuy chưa được nhìn thật rõ đôi mắt của những loài động vật ở đây, nhưng có thể tưởng tượng được, đôi mắt chúng sáng trong đầy sinh khí.

Chúng tôi đi vào khu thú dữ. Những con sư tử cao đang cố ý phô những “bộ áo giáp” vàng óng ánh, sải những bước chân hùng dũng trông thật là oai vệ. Ô tô đi vào khu nuôi hổ, vừa đến nơi đã gặp ngay một con hổ chắn đường, nó trừng mắt nhìn, rồi bỗng lao thẳng về phía xe chúng tôi, cả xe hoảng hồn. Biết không làm gì được, con hổ đó lẳng lặng lùi sang vệ đường, trừng mắt nhìn một lần nữa rồi bỏ đi.

Ra khỏi vườn thú dữ, mẹ bất giác thốt lên: “Người Thẩm Quyến quả là… đã không làm thì thôi, đã làm phải làm cho ra trò. Tư duy mới, đầu óc mới, đúng vậy!”

Về đến khu vườn có thể đi bộ được, trời bỗng đổ mưa to. Vì không đem theo áo mưa nên không đi xem tiếp được, đành phải tạm biệt khu vườn thú hoang dã này với một sự tiếc nuối khôn nguôi.

Đến Tiểu Mai Sa dạo chơi trên bãi biển

Mồng ba Tết, chú Trần và chú Lý lái xe dẫn chúng tôi đến Tiểu Mai Sa ngắm biển.

Tuy vẫn còn trong những ngày nghỉ Tết, nhưng suốt dọc đường đã có khá nhiều đội xây dựng đã bắt đầu đào núi. Những người lao động này có khác gì “Ngu công dời núi” ngày xưa. Chỉ có điều công cụ làm việc của những “Nhu công” hiện đại này, không còn là cuốc xẻng, thúng mủng nữa mà những chiếc máy khoan hiện đại. Họ kế thừa tinh thần và ý chí “Ngu công” cần cù khoét núi lấy về những xe đầy đá sỏi để xây nên những ngôi nhà cao tầng lộng lẫy.

Hãy nhìn xem, quả núi lớn thế kia mà đã bị vẹt đi một nửa.

Đi thêm một đoạn nữa, trước mắt hiện ra cả một công trường xây dựng. Chú Trần nói: “Đây là công trường xây dựng cầu cảng Diêm Điền. Chỉ ít lâu sau nơi đây sẽ trở thành hải cảng lớn nhất nước ta”. Những chiếc cần cẩu màu quýt chín, những chiếc máy đóng cọc bê tông màu xanh lục, những chiếc máy lăn đường màu vàng chanh… tất cả đều đang ầm ầm nổ máy. Những cô chú công nhân xây dựng mồ hôi nhễ nhại, tất bật cần cù.

Xe vừa đến bãi biển Tiểu Mai Sa, gió biển lồng lộng. Tôi vươn vai hít một hơi dài căng lồng ngực, khoan khoái thưởng thức làn gió trong lành và hương vị mặn mà của biển. Những hơi thở đều đều của thần gió đã làm cho cả mặt biển mênh mông, bóng loáng và trong xanh kia cuộn lên muôn ngàn lớp sóng, làm cho biển cả dưới lớp sương mù bàng bạc càng thêm lên những tảng đá nhấp nhô ven bờ. “Người Thẩm Quyến quả là rất biết ăn chơi!” Bất giác tôi thốt lên.

“Đi, chúng ta đi chơi trò đạp sóng!” Chú Trần nói với chúng tôi.

Tôi tháo giày, chân trần lội xuống vùng nước nông ven biển. Lúc thì sục chân xuống lớp cát mịn màng, mát rượi, lúc thì lò cò chạy nhảy lung tung, có lúc nhón chân chạy theo những làn sóng biển xô bờ. Chú Trần xắn quần lội ra xa chăm chú chụp ảnh. Một làn sóng lớn bỗng ập đến, váy tôi ướt sũng và hai ống quần chú Trần cũng vậy, cả hai chú cháu nhìn nhau cười ha hả. Một cô đi cùng đoàn chúng tôi, cứ chạy đi chạy lại trên bãi biển, để lại từng vết chân in trên cát, chỉ loáng sau, sóng biển lại xoá nhoà tất cả, cô lại tiếp tục làm lại, vừa chạy vừa cười cùng với tiếng sóng ì oạp vỗ bờ. Chú Trần đứng bên tôi, nói: “Đến mùa hè, người đến đây tắm biển mới đông, những nhà nghỉ và các thôn xóm quanh đây thường chật ních người. Người Thẩm Quyến có câu: Làm hết sức, chơi hết mình”.

Tôi nghĩ, chính vì người ta biết “làm hết sức” cho nên họ mới có đủ điều kiện để “chơi hết mình”.

Có loại sách giáo khoa nào giáo dục lòng yêu nước đối với trẻ con có hiệu quả hơn thực tiễn xây dựng và sáng tạo vô cùng phong phú và sinh động của nhân dân Trung Quốc. Chính nhờ sự quan sát tập trung, sâu sắc và tỉ mỉ như vậy, khiến cho khái niệm về Tổ quốc vốn rất trừu tượng đã ngày càng cụ thể và sinh động hơn trong trái tim Đình Nhi, làm chi tình yêu Tổ quốc của Đình Nhi ngày càng tha thiết.

Sau những ngày nghỉ Tết vui vẻ ấy, cô Lý đã đọc cho cả lớp nghe những trang nhật ký mà Đình Nhi đã ghi chép được trong chuyến đi xa vừa rồi. Bên cạnh những dòng nhật ký đó, cô Lý phê: “Rất có ý nghĩa, chuyến đi vừa rồi thật không vô ích!”

KHÔNG LÀM MỘT CHIẾC “MÁY HÚT BỤI”

CHỈ NGUYỆN LÀM MỘT “CON ONG MẬT” CHUYÊN CẦN

Từ sau chuyến đi du ngoạn về phương Nam, tôi phát hiện thấy Đình Nhi có những thay đổi khá rõ rệt. Cháu không còn hay tíu tít chuyện trò với tôi như trước đây. Tự nhiên cháu trở nên thích lặng lẽ quan sát một mình, thích một mình trầm tư suy nghĩ. Thậm chí, có lúc đã bị tôi trách mắng nặng lời, cháu cũng chẳng buồn cãi lại, cứ lặng lẽ bỏ đi. Vả lại nếu những lúc như vậy chỉ cần cháu cãi lại một câu, chắc chắn giữa hai mẹ con sẽ trở thành to chuyện. Khi học năm thứ hai bậc sơ trung, cũng chính là lúc tâm lý chống đối của Đình Nhi bước vào giai đoạn cao trào nhất. Có những lúc cháu đã dám cãi lại cả tôi: “Ai quy định bắt buộc trẻ con cứ phải nghe lời người lớn?” Thấy được tính chất ngiêm trọng của vấn đề, tôi đã nhẹ nhàng khuyên bảo cháu, hai mẹ con cùng đọc lại cuốn “Kỷ cương nề nếp đối với học sinh trung học”.

Tự Đình Nhi cũng biết rằng “lứa học sinh trung học hiện nay luôn có tâm lý chống đối”. Những quan niệm, những chuẩn mực mà cha mẹ, các thầy cô giáo và cả xã hội khẳng định, lại luôn bị xem thường, chế giễu và bài xích trong giới học sinh trung học. Nguyên nhân thật giản đơn: lên trung học rồi, trưởng thành rồi, phải có tính độc lập chứ. Nhưng lại không biết nên thể hiện thế nào, thế là họ bèn thể hiện “cá tính” và “tính độc lập” của mình bằng cách xem thường tất cả mọi chuẩn mực bấy lâu nay xã hội đã thừa nhận. Rõ ràng, đây chỉ có thể là biểu hiện của tính ấu trĩ mà thôi. Nói vậy chứ sức mạnh của quy luật tự nhiên thật khó mà cưỡng lại được. ĐÌnh Nhi cũng vậy, trong lòng luôn biết rằng, cha mẹ nói như vậy là rất đúng, nhưng ngoài miệng, bất kể đúng sai, cứ phải cãi lại cái đã, và hơn thế nữa, đã từ lâu cháu không cho chúng tôi xem nhật ký.

Về việc giáo dục con trong lứa tuổi "chống đối" đó, chúng tôi sẽ giới thiệu trong chương sau. Nói chung, cách suy nghĩ của chúng tôi là phải quản cả hai mặt: một là luôn động viên Đình Nhi phải độc lập suy nghĩ, phải biết tự mình phân biệt được đâu là thiện là ác, tốt, xấu trong học tập và cuộc sống của mình. Mặt khác, cha mẹ phải chủ động điều chỉnh phương pháp giáo dục của mình, để Đình Nhi dễ dàng tiếp nhận những tư tưởng và biện pháp đúng đắn của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, những nền móng tư tưởng mà Đình Nhi đã định hình được từ những năm tiểu học không dễ gì bị đảo lộn, ý chí tiến thủ mãnh liệt của Đình Nhi sẽ thúc đẩy cháu tìm được những người thầy mẫu mực nhất. Còn việc sợ Đình Nhi bị ảnh hưởng bởi bạn bè, chúng tôi luôn nhắc nhở cháu: nguyện là một "con ong mật", chuyên cần, chứ không làm một "chiếc máy hút bụi" vô tri vô giác.

Mãi tận mấy năm sau, chúng tôi mới có dịp đọc lại những trang nhật ký của Đình Nhi trong những năm học bậc sơ trung. Những trang nhật ký ấy đã chứng tỏ rằng, cách làm cuả chúng tôi là rất có hiệu quả. Những sự tìm tòi và suy nghĩ của Đình Nhi luôn có được những kết luận như chúng tôi hằng mong muốn. Có được quá trình đó, cho nên những quan niệm tư tưởng đúng đắn của Đình Nhi không còn là sự sắp đặt của cha mẹ và thầy cô giáo nữa, mà nó chính là kết quả cuả một sự thể nghiệm chính bản thân Đình Nhi. Chúng tôi không có tham vọng giới thiệu tất cả, mà chỉ chọn ra đây mấy bài tiêu biểu mà Đình Nhi  đã viết khi cháu còn đang học năm thứ hai bậc sơ trung.

Dũng khí và sĩ diện

Dũng khí, theo từ điển giải thích là khí phách dũng cảm, dám làm dám chịu. Trong quan niệm của mọi người, dũng khí là sự can đảm hơn người, được thể hiện ra trong những giờ phút nguy kịch nhất.

Kỳ thực, trong cuộc sống, dũng khí ở chỗ nào cũng có.

Ví như, hôm nay trong giờ làm bài tập, yêu cầu ai làm xong trước tự giác đứng lên. Kết quả là, có nhiều bạn đã làm xong bài rồi, nhưng không ai dám đứng lên. Nguyên nhân chính là thiếu tự tin với đáp án của chính mình.

Tôi cũng là một trong những người đã làm bài xong rồi, nhưng không có dũng khí đứng lên. Sau khi làm xong bài, tôi nghĩ: "Có nên đứng dậy hay không". Nếu đáp án của mình sai, thì thật là xấu mặt! Tốt nhất, chả đứng lên làm gì. Sau này có người đã mạnh dạn đứng lên trả lời, tôi thấy rằng, đáp án của mình là đúng.

Bây giờ nghĩ lại, thấy mình lúc đó sao mà hèn nhát vậy, chỉ sợ mình sai, và nếu sai - thật là mất mặt. Tính sĩ diện cuối cùng đã chiến thắng cả dũng khí.

Cảm thấy xấu hổ, vì hôm nay tôi là một kẻ hèn nhát. Ngày mai, chắc tôi không thế nữa.

Chăm chỉ và lười biếng

Trước đây không biết ở quyển sách nào, tôi đã đọc được một câu khá ngộ nghĩnh: "Quét nhà - một công việc kết hợp cả lao động trí óc và chân tay, vừa phải đổ mồ hôi công sức trước mặt thầy cô giáo, lại phải vừa nghĩ cách để không ai vứt rác bừa bãi". Điều này hình như rất đúng với thực tế. Khi cả trường làm tổng vệ sinh trong phòng ở, thì lại khác, có những bạn luôn tìm cách trốn tránh.

Tôi nghĩ, chính vì bạn ấy chưa nhận thức được đúng đắn tầm quan trọng của lao động: nó không chỉ phục vụ cho học tập, mà còn là sự rèn luyện của chính mình, là sự bồi dưỡng một thói quen lao động. Nếu không tự nhận thức được điều đó, mà chỉ làm việc vì bị bắt buộc hoặc sựo hình phạt, đương nhiên không thể nào giải quyết được vấn đề.

Hùng biện và kỷ luật

Hôm nay ở trên lớp, tôi đề nghị các bạn chơi trò "toà án". Tôi phân công các bạn, người đóng nguyên cáo, người đóng vai bị cáo, người đóng luật sư buộc tội, người đóng luật sư bào chữa và cả một hội đồng bồi thẩm nữa. Chúng tôi muốn thông qua trò chơi này để rèn luyện tài hùng biện của mỗi người. Các bạn trong lớp ai cũng hoan nghênh. Cả lớp sôi nổi hẳn lên nhao nhao tranh luận, không tài nào giữ được trật tự như ban đầu. Chỉ riêng công việc "dẹp loạn" ấy dể đưa được mọi người vào nề nếp kỷ luật đã mất đến già nửa thời gian.

Qua đó tôi thấy rằng, vấn đề kỷ luật là vô cũng quan trọng. Nó chẳng khác gì một cái van an toàn, giữ cho việc học tập và công tác được tiến hành thuận lợi. Vấn đề mà mọi người hay bỏ qua, luôn cảm thấy gò bó và khó chịu ấy, thật ra rất quan trọng. Cũng như vậy, những con người tưởng chừng rất bình thường, rất giản dị, nhiều khi lại là những con người siêu phàm nhất.

Siêu phàm nhất

Khi làm bài thi bỏ sót những vấn đề cần làm, hiện tượng này không chỉ xảy ra một lần với tôi. Nhưng lại nghĩ rằng, đấy chỉ là sự thiếu thận trọng nhất thời, chỉ cần lần sau thận trọng hơn tí chút là có thể tránh được thôi mà. Kỳ thực, cái gọi là "nhất thời" ấy chính là ngọn nguồn của mọi sai lầm. Coi sai lầm là một sự ngẫu nhiên, sao không thấy rằng đó chính là một sự "ngẫu nhiên" tất yếu.

Không chỉ việc bỏ sót đề thi, mà còn nhiều sai sót khác tôi cũng quy tội cho nó chỉ là sự "ngẫu nhiên"... Nhưng khi làm bài, đầu óc dù căng thẳng đến đâu, có ai quên cả tên mình. Chính vì chưa luyện tập thành một thói quen thuần thục, chứ đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Một phút thành công, mười năm khổ luyện. Mười năm khổ luyện tránh cho bạn rất nhiều sự "ngẫu nhiên".. Việc học tập của chúng ta cũng phải mất nhiều năm khổ luyện, đến khi cần gì phải lo chuyện ngẫu nhiên.

... Để loại bỏ mọi sự "ngẫu nhiên", phải thường xuyên luyện tập.

Tiền bạc và tình bạn

Chủ nhật tuần trước là ngày sinh nhật của một người bạn tôi từ thời tiểu học. Vì thời gian gấp gáp tôi không thể đến chúc mừng bạn được, chỉ gọi điện thoại đến chúc mừng. Bạn ấy khoe với tôi, năm nay được nhiều quà lắm, mà toàn loại đắt tiền, quà tặng thấp nhất cũng mười mấy đồng bạc, còn có những món quà đến hơn ba trăm đồng, loại một trăm đồng thì nhiều lắm... Nghe xong tôi bất giác nghĩ: để chúc mừng một người bạn sinh nhật mà phải tiêu tốn của cha mẹ mấy chục đồng bạc mua tặng phẩm chẳng phải là xa xỉ lắm sao! Có người vẫn cho rằng, tặng phẩm quý mới là thân thiết. Tôi lại phản đối kiểu dùng tiền bạc để xây dựng tình bạn. Vì rằng tình bạn phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết nhau, tin cậy nhau chứ không thể xây dựng trên cơ sở vật chất. Tôi cũng mong các bạn hãy chống lại kiểu "tình bạn vì tiền" này. Tình bạn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, chứ không thể bằng tiền bạc.

 

Bơi lội với học tập

Ngày mai, khoá học sinh chúng tôi tổ chức đi bơi. Tôi vẫn nghĩ, chắc mọi người sẽ hăng hái lắm, thế mà chỉ có chưa đầy một nửa số người đăng ký. Nhiệt tình thể thao của lớp tôi ở mức độ thật đáng buồn!

Có nhiều bạn nói: thời tiết đẹp như thế này mà đi bơi, thì thật là phí. Tôi không tán thành ý kiến đó. Thể thao rất có lợi cho sức khoẻ, sức khoẻ tốt mới học tập tốt được. Đây là cách học tốt nhất, chứ không phải suốt ngày chỉ chúi đầu vào sách vở.

Cái đầu và cuộc đời

Hôm nay tôi đọc được một câu chuyện khá hay: nhà tâm lý học người Mỹ Barcon tổ chức một "bữa đại tiệc cho thanh niên". Ông yêu cầu mỗi người đến dự phải viết một bản tự giới thiệu về mình. Có một thanh niên vẻ mặt thất vọng mang đến nộp cho Barcon một bản tự giới thiệu, trong tờ giấy đó chỉ có ba cái dấu: "-!.". Người đó giải thích rằng: "Dấu gạch ngang (_) có nghĩa là anh ta đã có một thời tung hoành ngang dọc, còn dấu chấm than (!) ám chỉ: mọi việc đều thất bại; còn dấu chấm hết (.) tức là mọi việc đã kết thúc rồi". Xem xong Barcon cũng ghi lại ba cái dấu khác ngay dưới đó: ",...?". Ý đồ nhà tâm lý học muốn động viên người thanh niên đang có tư tưởng buồn chán tự ti đó: "Tuổi trẻ mới chỉ là một quãng đường ngắn trong cuộc đời - ông biểu thị bằng dấu phẩy (,); con đường phía trước đang còn dài, tiền đồ lại đang rộng mở, Barcon biểu thị bằng những dấu chấm lửng (...); lẽ nào bạn chưa nghe nói rằng: "Sự hối cải và biết phấn đấu vươn lên của những kẻ tầm thường thật đáng trân trọng", hay sao? - Đó là biểu thị của dấu chấm hỏi (?)".

Đúng vậy, trong cuộc đời của mỗi con người ai chả từng chịu thất bại, có nhiều người hễ cứ thất bại là lại thất vọng tự ti, những con người trong khó khăn, thất bại mà vẫn lạc quan tin tưởng ở tương lai của mình như ông Barcon đây không phải là nhiều. Muốn thành công, không thể thiếu được những niềm lạc quan như vậy.

Học sinh nam và học sinh nữ

Với chúng tôi, năm thứ ba bậc sơ trung chỉ còn trong gang tấc. Có nhiều người nói, các học sinh nữ trong năm học này dễ bị "suy sút tụt hậu". Tôi cho rằng câu nói này cũng có lý của nó. Ở lứa tuổi này, các bạn trai chỉ việc học và học, còn bọn con gái chúng tôi có nhiều điều phải lo nghĩ! Nhưng theo tôi cũng không phải hoàn toàn như vậy. Bởi vì, đã có biết bao tấm gương rất thành công trong đại nghiệp ở phái nữ chúng tôi, tiến sĩ, anh hùng đâu phải thiếu. Điều đó chẳng đủ để cho các bạn tăng thêm lòng tự tin hay sao? Tôi hoàn toàn không muốn tự trói mình bởi quan niệm mà đởi hay nói: "Con gái tóc dài nhưng đoản chí, để rồi nhụt chí nản lòng, chưa đánh đã ngã". Tôi muốn đem hết sức mình ra để phấn đấu tranh đua. Chưa biết kết cục như thế nào, nhưng tôi vẫn rất tin ở bản thân mình. Tục ngữ có câu: "Gái có công, chồng chẳng phụ" kia mà.

Tôi cũng mong muốn tất cả chị em phụ nữ chúng ta, hãy mạnh dạn vươn lên, để đến cuối đời không phải hối hận!

Quả báo với vận may

Hôm nay, tôi nhận được một bức thư rất kỳ lạ, cuối thư có ký tên: "Lão phật gia". Trong thư có nói tôi phải chép lại lá thư này 20 bản và trong vòng 96 tiếng đồng hồ phải gửi đi hết cho các người thân quen. Nếu làm như vậy, tôi sẽ gặp vận may, còn như nếu không tôi sẽ bị quả báo. Sau đó, người viết thư còn lấy ra hàng loạt ví dụ để chứng minh.

Những lá thư kiểu này, tôi đã được nghe nói đến vài lần. Lúc ấy, tôi đã từng tự tin mà nghĩ rằng: nếu mình nhận được một lá thư như vậy, mình sẽ coi như một tờ giấy bỏ đi, đem ra nháp toán. Nhưng giờ đây quả thực mình đã nhận được rồi, mới biết rằng nó thật ghê gớm. Tôi vốn không mê tín, nhưng cứ nghĩ đến câu "nội trong chín mươi ngày sẽ bị quả báo", lòng thấp thỏm không yên. "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là suy nghĩ của số đông người về những sự việc đại loại như thế này. Phải chăng mình cứ thử làm xem, đề phòng bất trắc... Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định: cứ chép ra 20 bức thư này, có làm sao.

Hãy khoan, đây chẳng phải mình đã đầu hàng tư tưởng mê tín dị đoan sao? Biến mình thành một kẻ nô lệ của nó ư? Đầu tôi bỗng vang lên câu nói đó. Tôi như chợt tỉnh, phải rồi, các loại thư tín kiểu này đã triệt để lợi dụng tâm lý lo xảy ra tai hoạ và nỗi ước ao đối với vận may của con người. Có thể đây cũng chính là nguyên nhân cho tư tưởng mê tín dị đoan tồn tại.

 

Cuối cùng, tôi dứt khoát xé bức thư ấy, không thể đặt hy vọng của mình vào những sự viễn vông như thế. Tất cả những cái già là vận may, là phúc phận đều phải từ sự phấn đấu của chính bản thân mình.