Tốt nghiệp sơ trung, Đình Nhi vượt qua một cách nhẹ nhàng cuộc thi khắc nghiệt chỉ lấy 50% thí sinh để vào lớp cao trung của Trường Chuyên ngữ, đúng với nguyện vọng của mình. Chúng tôi quyết định ngay một mục tiêu xa hơn, đó là Trường Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh). Theo nguyên tắc vượt lên chính mình, chúng tôi còn có một mục tiêu bí mật nữa, đó là khích lệ Đình Nhi đoạt "trạng nguyên."

Do chính sách tuyển sinh có chủ trương phân phối bình quân theo khu vực, cùng một ngành nghề, thí sinh ở Bắc Kinh chỉ 600 điểm là đỗ, còn Tứ Xuyên đạt 630 điểm cũng không hy vọng gì. Trước tình trạng đó, Đình Nhi cũng có một suy nghĩ rất chín chắn: "Khi điều kiện đã không thay đổi được, thì chúng ta sẽ thích ứng với nó!"

Có thể hình dung, cuộc sống và học tập ở cao trung sắp tới là vô cùng căng thẳng!

CHƯA KHAI GIẢNG, HÃY "NẠP ĐIỆN" ĐÃ

Để đón ba năm gian khổ sắp tới, chúng tôi quyết định tạo cho Đình Nhi một kỳ nghỉ thoải mái, một tháng về Hồ Bắc thăm bà ngoại, cậu mợ và anh chị em họ hàng bên ngoại, rồi nhân trên đường đi, làm một cuộc lữ hành du ngoạn sơn thuỷ. Mặt khác, đi vạn dặm đường cũng là một cơ hội tốt để quan sát xã hội, hơn nữa qua cuộc đi này, Đình Nhi có thể tích luỹ được nhiều tri thức hơn nữa liên quan đến môn ngữ văn của mình. Trước khi lên đường, Đình Nhi đã chủ động đề xuất với tôi, trên đường về thăm nhà, giúp cháu rèn luyện môn làm văn, phát hiện tư liệu ban đầu, đào sâu chủ đề và bố cục đề cương, sử dụng ngôn ngữ. Ba Trương Hân Vũ còn nói, để nâng cao hiệu suất học tập, cần phải rèn luyện thêm tập làm văn miệng.

Hành trình của chúng tôi là một chuyến du lịch đầy hấp dẫn: Từ Thành Đô - Trùng Khánh - Tam Hiệp - Vũ Hán - Tây An về Thành Đô. Trên đường đi gặp biết bao sự việc, tiếp xúc rất nhiều loại người khác nhau, Đình Nhi cũng phát hiện được nhiều tư liệu. Tôi yêu cầu cháu tập dùng 4 đoản ngữ để trình bày sơ lược một câu chuyện hoàn chỉnh, từ đó luyện cho cháu năng lực "tạo thành bài". Do miệng nói nhanh hơn tay viết nhiều, nên trong cuộc đi này, ít ra chúng tôi cũng đã làm được khoảng hơn chục bài văn miệng. Trong đó có những bài như "Nỗi đau của dòng sông mẹ" nói về sự ô nhiễm nghiêm trọng của Trường Giang; bài khâm phục gương một công nhân bình thường, phấn đấu trở thành một chuyên gia máy tính; gương "Đại cửu tự học thành tài" đảm nhận chức vụ Xưởng trưởng một xí nghiệp cỡ quốc gia, hay bài "Một du học sinh nông dân đến từ Pháp" phản ánh sự ngạc nhiên trước một nông dân Pháp xuất thân là thạc sĩ, nhưng vì rất yêu thư pháp nên đến du học tại Trung Quốc, hay bài "Tổng giám đốc liêm khiết'' ca ngợi chú Lưu Dì Thạch không lợi dụng quyền thế để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Sau khi trở về Thành Đô, vừa lúc tờ báo Hoa Tây phát hành 100.000 bản, mới mở mục "Thiếu niên, tầm nhìn muôn phương", Đình Nhi liền chọn ra 3 đề tài tâm đắc nhất viết thành bài văn gửi tới mục "Trong ngoài nhà trường". Báo Thành phố Hoa Tây đăng liền hai bài của Đình Nhi (Ở đây chỉ trích dịch một phần).

Ngón độc chiêu của Thành Quỷ

Mùa hè năm nay, mẹ đưa tôi đi du lịch Tam Hiệp, trên đường đi, hàng loạt ngón độc chiêu của ngành du lịch khiến người ta vừa giận vừa buồn cười. Lúc mua vé ở cảng Trùng Khánh, giá vé rõ ràng cao hơn rất nhiều giá vé mà chúng tôi được biết, nhưng không một lời giải thích. Trong nắm vé ném ra cửa sổ, trừ vé đi thuyền còn kèm theo một vé vào cửa: "Dạ độc thành - quỷ quốc đệ nhất quan" (cửa thành nổi tiếng nhất của nước quỷ) và phiếu bảo hiểm du lịch. Cũng vì kiểu phục vụ "cưỡng bức" đó, họ còn thu thêm 10% cái gọi là phục vụ phí. Tôi rất không đồng tình với những việc này, nhưng mẹ tôi nói: "Dù sao du lịch Thành Quỷ cũng được con ạ". Không ngờ rằng chính tâm lý thoả hiệp đó đã làm nhiều du khách chưa bước vào cửa đã bị lừa rồi. Thuyền đến Phong Đô, chúng tôi đến trước phố quỷ âm phủ, giống như cửa vào Thành Quỷ, một ông già gầy đét, luôn miệng cười cười nói nói mời mọc: "Các vị quý khách, đây là nơi đi vào Thành Quỷ". Chúng tôi thấy vé của ông này không giống vé của chúng tôi đã mua nên rất lo sợ đã mua nhầm vé, sợ không được vào thành. Ông già đã lập tức kéo chúng tôi lại một chỗ, rồi thúc giục: "Đều như nhau, đều như nhau, đi nhanh lên!" Trong phố âm phủ đầy rẫy những tượng bằng gỗ hoặc bằng đất xấu xí, bày la liệt hai bên góc động dài hẹp và tối om. Người thuyết minh với vẻ mặt như tượng, giọng thê thảm, nói liền một tràng: "Không phải lo, chỉ cần các vị đặt một ít tiền ở đây, thì có thể làm cho linh hồn người thân đã mất của các vị được miễn những hình phạt này". Hình như, ở đây đã không tồn tại "tiền âm phủ" mà là nhân dân tệ, thật là mượn lời ma quỷ để lừa tiền! Ra khỏi "phố phủ", chúng tôi mới phát hiện đây chẳng phải là cửa vào thành quỷ mà chỉ là một điểm dừng ngắm phong cảnh trên đường đi mà thôi. Đi qua góc phố mới là "Dạ độc hành", nơi chúng tôi đã bị lừa mua vé vào cửa, mỗi chiếc vé vào cửa 8 tệ, đã bị phố âm phủ này lừa mất 6 tệ.

Nơi du lịch chính của Thành Quỷ là "Quỷ quốc thần cung" (Cung thờ thần nước quỷ) mô phỏng theo kiến trúc cổ, giá vé tới 40 nhân dân tệ. Tôi và mẹ thực không thấy hứng thú gì với những tượng thần quỷ bằng đất ấy, liền trèo lên núi Song Quế cây rợp bóng mát. Đang đi lại gặp một điểm bán vé chắn ngang, bày biển bán vé vào cửa núi, mấy khách du lịch lại đang bị lừa mua vé vào động quỷ, còn chúng tôi đã biết tỏng chiêu lừa đó nên đàng hoàng bước vào cửa núi.

.........

Lần thu hoạch "trực tiếp nạp điện" này, Đình Nhi lại lần nữa đăng bài của mình lên báo chí (lần đầu là học sinh năm thứ nhất sơ trung, cô giáo Lý giúp Đình Nhi nộp bản thảo. Đó là bài làm văn ở lớp "Một sự việc mới mẻ", đăng trên tờ báo cấp tỉnh "Học sinh trung học đọc và viết", chủ đề chính là phê bình chủ nghĩa hình thức trong hoạt động học tập Lôi Phong. Bài này không lâu sau, được tờ báo phát hành trên toàn quốc "Báo tuyển chọn các bài viết của học sinh trung học" đăng lại. Thời gian đó, Đình Nhi còn nhận được thư của học sinh trung học khắp nơi trên toàn quốc gửi đến, không thể trả lời được hết, nhân đây cũng gửi theo lời chân thành cáo lỗi).

 

NHẰM MỤC ĐÍCH CAO TRUNG,

SỚM TÌM CÁCH ĐI VÀ TRẢI NGHIỆM

Theo lời giới thiệu của các phóng viên về giáo dục, nhiều bậc cha mẹ học sinh đến năm thứ ba cao trung mới bắt đầu quan tâm đến việc học tập của con cái. Như vậy là rất muộn. Kinh nghiệm của chúng tôi là, "phải lo trước một bước". Lý Hưởng, con một bạn đồng nghiệp của tôi, sử dụng cuốn "Sách hướng dẫn vào cao trung" để đăng ký nguyện vọng; cậu bé dùng xong, tặng lại chúng tôi. Lúc ấy Đình Nhi mới bước vào năm thứ ba sơ trung, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu  quy luật "đỗ" của kỳ thi vào cao trung. Nhờ vậy Đình Nhi đã sớm có suy nghĩ, đối với loại thành tích nào thì được vào trường đại học nào, sự chăm sóc và nhắc nhở của ba mẹ thực sự đã có hiệu quả. Học tập kinh nghiệm của người khác đã giúp ích rất nhiều cho Đình Nhi. Để thi vào cao trung thành công, chúng tôi đã nhiều lần tìm hiểu kinh nghiệm tốt của nhiều người khác, dần hình thành đối sách hữu hiệu cho chính mình. Như phần trước đã nói, từ thời tiểu học, mỗi kỳ nghỉ hè tôi đều dẫn Đình Nhi đến chơi nhà người bạn đồng sự, tìm hiểu qua người vợ của ông là cô giáo Ngô về kinh nghiệm và điều tâm đắc nhất của họ,cậu con trai Lý Hưởng, học tập và phẩm hạnh rất tốt. Năm 1995, trong kỳ thi tốt nghiệp cao trung đã đạt tối ưu, đứng thứ ba toàn tỉnh Tứ Xuyên về môn văn. Nguyện vọng thứ nhất của cháu đăng ký vào trường Bắc Đại, thì ở Tứ Xuyên chỉ được phân hai chỉ tiêu và đã lấy người khác, nhưng các thầy cô chiêu sinh của Trường Bắc Đại cho rằng bài làm của cháu rất ưu tú, nên Tứ Xuyên được đặc cách từ các chỉ tiêu tỉnh khác bổ sung thêm một chỉ tiêu nữa, làm cho cả hai bên đều mãn nguyện.

Đình Nhi coi Lý Hưởng là tấm gương học tập của mình, sau khi Lý Hưởng thi đỗ vào Trường Bắc Đại, Đình Nhi càng coi trọng việc trao đổi kinh nghiệm với Lý Hưởng. Trong thời kỳ sơ trung, kinh nghiệm của Lý Hưởng có thể tóm tắt vào ba chữ "bài can nhiễu", tức là phải trừ bỏ mọi mê hoặc của thế giới bên ngoài và tâm trạng ổn định. Kinh nghiệm của Lý đã truyền cho Đình Nhi thêm sức mạnh trong ba năm học tập ở sơ trung. Trước khi về thăm nhà ở Hồ Bắc, chúng tôi rất muốn đến nhà Lý Hưởng để tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm, tạo điều kiện xây dựng "quy hoạch chiến lược" cao trung. Điều không may là, kỳ nghỉ hè này, Lý Hưởng còn ở Bắc Kinh chưa trở về nhà, nên đành hẹn với mẹ của cháu là khi nào chúng tôi trở lại, mong cháu thu xếp thời gian cho chúng tôi gặp một đôi lần. Thật bất ngờ, lúc đang đi trên du thuyền ở Tam Hiệp, sông Trường Giang, chúng tôi gặp Đường Tường, bạn cùng lớp với Lý Hưởng ở Trường Bắc Đại, là "trạng nguyên" môn văn thi cao trung năm 1995 tỉnh Tứ Xuyên, bạn cùng trường với Đình Nhi. Có điều Đường Tường không biết Lưu Diệc Đình, Đình Nhi cũng ngại chủ động  bắt chuyện với Đường Tường. Lúc đó, mẹ lại phát huy vai trò của mình, thế là Đình Nhi nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội học hỏi kinh nghiệm này và còn được một đề tài làm văn thú vị:

Cuộc gặp đầy may mắn với "trạng nguyên"

Tháng bảy thật là mùa du lịch đẹp, lúc từ biệt sông Đại Ninh ở Vu Sơn chỉ có 5 du thuyền đi về Vũ Hiệp. Chỗ của chúng tôi vốn lên lầu hai của chiếc thuyền hiệu Đằng Long nhưng vì muốn ngắm trọn núi Thần Nữ nổi tiếng, chúng tôi lên lầu ba phía đuôi thuyền. Dưới cái nóng chói chang chính ngọ làm tan lớp mây mỏng như lụa bao quanh Nữ thần, dường như làm mất đi vẻ thần bí và huyền ảo.

Lúc tôi vô tình quay đầu lại, vừa thấy một sinh viên mặc áo phông trắng, tay cầm sách bước qua, dáng giống như Đường Tường, trạng nguyên môn văn kỳ thi cao trung vừa qua của Tỉnh Tứ Xuyên, Chủ tịch Hội học sinh trước đây của trường chúng tôi. Tôi rất xúc động nói với mẹ. Trong các buổi toạ đàm của phụ huynh học sinh, mẹ tôi đã nhiều lần nghe tiếng Đường Tường, biết anh ấy học tập rất cần cù chăm chỉ, chưa tốt nghiệp cao trung, số lượng từ đơn tiếng Anh đã vượt qua nghiên cứu sinh. Tôi còn biết anh sống rất giản dị, cả năm anh hầu như chỉ mặc quân phục cũ. Mẹ nói với tôi: "Con sắp vào năm thứ nhất cao trung, có muốn học hỏi kinh nghiệm của trạng nguyên không?" Tôi rất thích nhưng chưa dám khẳng định người mặc áo phông trắng là Đường Tường. Mẹ nói không ngại, để mẹ hỏi cho. Anh chính là Đường Tường, hiện học ở khoa Thương mại quốc tế Trường Bắc Đại, hè năm nay anh ấy và một vài người bạn chủ động xin đi khảo sát một huyện nhỏ, vùng sâu tỉnh Thiểm Tây, nhân đó đi một vài nơi nữa sau mới về thăm nhà. Cũng rất may là khi ở Vu Sơn, họ lên đúng chiếc thuyền hiệu Đằng Long của chúng tôi để đến Ba Đông vào thám hiểm khe núi Thần Hữu, nếu không khó có dịp. Chỉ một giờ nữa là đến Tam Hiệp, làm sao gặp thêm được nữa đây?

Đến Ba Đông chỉ còn 20 phút nữa, tôi tranh thủ thời gian "thỉnh giáo" luôn Đường Tường một loạt vấn đề học tập. Đường Tường rất nhiệt tình giải đáp từng vấn đề một, từ phương pháp học tập các môn đến việc sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Anh nói tất cả cảm nhận của mình rất tỉ mỉ. Những kinh nghiệm quý báu đó đã gợi ý rất sâu sắc cho tôi. Ví dụ, để nâng cao năng lực khẩu ngữ, trong thời gian học cao trung, Đường Tường mỗi ngày để một giờ đọc to tiếng Anh (lúc ấy Lý Dương, người giỏi nhất tiếng Anh còn chưa ai biết đến); hãy tập trung thời gian cho học tập. Lúc học cao trung, trừ thời gian tham gia công tác Hội học sinh, thường ngày anh đều giảm bớt giao tiếp xã hội, hết sức tránh dùng thời gian vào các cuộc nói chuyện phiếm vô bổ.

Ra sức học tập kinh nghiệm thành công của người đi trước, thói quen tích cực học tập chỗ vượt trội nhất của người khác này đã làm cho Đình Nhi ít phải đi đường vòng. Về sau, Đình Nhi càng chín chắn hơn và từ người đi học kinh nghiệm trở thành người truyền thụ kinh nghiệm và luôn sẵn sàng hướng dẫn người khác.

Sau khi từ Tây An trở về, tôi nhiều lần khuyên Đình Nhi tiếp tục đến học tập Lý Hưởng. Lý Hưởng căn cứ vào thực trạng của Đình Nhi góp ý với cháu, ở năm thứ nhất và năm thứ hai cao trung nên tập trung chủ yếu vào môn Toán học, năm thứ ba đột phá các môn Lịch sử và Chính trị. Vì những người học giỏi văn đều dựa vào Toán học và tiếng Anh để kéo xa khoảng cách, hơn nữa muốn giỏi cả Toán học và tiếng Anh phải tích luỹ nhiều thời gian hơn. Kinh nghiệm của Lý Hưởng là: "Học trước hết tất cả các môn, kỳ thi nào cũng đỗ".

ĐÌnh Nhi làm theo lời khuyên của Lý Hưởng, các định được kế hoạch học tập ở cao trung. Để thực hiện chiến thuật học Toán học trước hết, Đình Nhi đã thi vào lớp Toán học Olympic cao trung, nghe thầy giáo xuất sắc nhất tỉnh Tứ Xuyên về dạy Toán học ở cao trung giảng bài. Trong số 12 lần thi chính thức giai đoạn học cao trung, Đình Nhi vào tốp 10 người đứng đầu của lớp, hơn kém nhau về tổng số điểm không đáng kể, họ thay nhau đứng đầu lớp. Quy luật cơ bản ở đây là, người nào phát huy mạnh ở môn toán học, vị trí đứng đầu bảng là thuộc về người đó. Đình Nhi quyết tâm khổ luyện môn toán học nên cháu đã hai lần được xếp thứ nhất về tổng số điểm, mấy lần xếp đầu về thành tích môn học. Chủ nhiệm lớp và lãnh đạo trường đều lấy Đình Nhi làm "hạt giống trạng nguyên", do đó có thể thấy tính chất quan trọng của việc sớm tìm cách đi và học học tập kinh nghiệm vừa qua.

ĐỌC NHẬT KÝ, BÁO HIỆU ĐỘ CHÍN

Sau khi vào học cao trung, tối thứ bảy hàng tuần Đình Nhi mới có thể về nhà. Tắm giặt thoải mái xong, Đình Nhi vừa ăn vừa nói chuyện với chúng tôi, giọng đầy hứng thú kể về các thầy giáo và các bạn học. Tôi linh cảm thấy Đình Nhi đã thực sự thay đổi. Năm thứ nhất cao trung vừa qua được hai tháng, Đình Nhi đã làm một việc khiến tôi hết sức bất ngờ. Cháu đưa quyển nhật ký vốn trước đây chỉ đưa cho cô chủ nhiệm xem, đặt trước mặt tôi nói: "Mẹ rất muốn đọc nhật ký con viết ở trường phải không?" Tôi đã ba năm nay không được xem nhật ký của Đình Nhi, tâm trạng lúc này thật vui mừng. Tuy chúng tôi biết Đình Nhi giờ đây đã thay đổi như biến thành một người khác, nhưng được xem nhật ký Đình Nhi viết từ hồi sơ trung đến nay, không còn gì hạnh phúc hơn, thấy rõ Đình Nhi từ trong nội tâm đã lĩnh hội được phương pháp giáo dục của chúng tôi. Nói chuyện với Đình Nhi tôi có cảm giác là con suối nhỏ với nhiều lực cản trở thời sơ trung nay đã biến thành dòng sông lớn tuôn trào ngàn dặm. Mỗi lần nói chuyện như vậy thường kéo dài 2, 3 giờ không hết. Chủ đề rộng, sâu sắc và đồng cảm, khiến cho tôi cảm thấy hầu như không phải nói chuyện với đứa con bé bỏng của mình. Đình Nhi đã bước vào độ chín của tuổi đời.

Sau này, lúc nhà trường yêu cầu Đình Nhi giới thiệu kinh nghiệm trưởng thành của mình, Đình Nhi đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của những buổi nói chuyện với bố mẹ:

Theo tôi được biết rất nhiều học sinh trung học khi về nhà thường đóng cửa lại, cho rằng không có tiếng nói chung với bố mẹ, bố mẹ nhắc nhở không để lọt tai. Đó là một sự lãng phí thời gian, mà lãng phí thời gian tức là lãng phí lớn về nguồn của cải. Bố mẹ là kho báu lớn nhất của mỗi người. Giao lưu nhiều lần và sâu sắc với bố mẹ là chùm chìa khoá mỏ kho báu đó. Giao lưu của bố mẹ, mặt khác phải có thái độ “được nghe bố mẹ nói làm niềm vui của mình”. Lời phê bình của bố mẹ thường là tổng kết kinh nghiệm của cuộc đời họ nên có thể giúp chúng ta ít phải đi đường vòng. Dùng lời nói trong gia đình tức là: “không nên bắt đầu từ trò chơi trẻ con ấy nữa”.

Đình Nhi rất ghét sự cạnh tranh độc ác và không hề đố kỵ với người khác. Lúc học năm thứ ba cao trung, chúng tôi cùng với bố mẹ Lý Hải Bối thuê chung một căn phòng trước cửa trường để hai cháu có điều kiện yên tĩnh ôn tập bài vở. Trong hơn nửa năm ở cùng nhà, từ hai đối thủ cạnh tranh quyết liệt đã trở thành đôi bạn tri âm. Lý Hải Bối sau khi thi đỗ vào đại học, trong bài "gửi người bạn thân ở Mỹ" đăng trên báo "Gió thế kỷ" của trường đã có một chi tiết thật xúc động:

… Chúng tôi cùng nhau thảo luận triết lý nhân sinh, tranh luận về ý nghĩa cuộc sống. Chúng tôi muốn là chim đại bàng tung cánh. Chính là bạn, đã làm cho tôi vứt bỏ được tính cao ngạo… Còn nhớ một lần, tôi vô tình ngẩng đầu lên, vừa lúc gặp ánh mắt bạn đang nhìn tôi đăm đăm, bạn nói, tôi đang cười, bạn nói bạn yêu tiếng cười của tôi. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể nào quên được ánh mắt ấm áp của bạn, tượng trưng bao nhiêu ý nghĩa. Nó luôn cổ vũ tôi, mang lại cho tôi niềm tin, sức mạnh, từ đó về sau tôi hay cười, và còn rực rỡ như ánh mặt trời!

Những ví dụ như thế còn rất nhiều. Cách suy nghĩ của Đình Nhi là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Cái gì mình không muốn không nên làm cho người khác), cái mình muốn thì làm cho người khác. Mình cần giúp đỡ, mình nên giúp người khác. Có thể dùng thái độ rất chín chắn đó để đối xử với người khác, đương nhiên sẽ trở thành người được mọi người mến thương.

THẦY GIÁO CAO TRUNG - NGƯỜI BẠN TRI KỶ

Cõ lẽ vì tôi quen dùng tiêu chuẩn quá cầu toàn để yêu cầu Đình Nhi, nên đối với sự già dặn của cháu, tôi còn xa mới bằng sự nhạy cảm của cô chủ nhiệm lớp. Cô giáo Trương Huệ Cầm vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là giáo viên môn Chính trị của Đình Nhi, trong chuyến thăm gia đình tôi trước ngày khai giảng, lần đầu tiên tiếp xúc với Đình Nhi, cô khen: “Ái chà! Cô bé thật là tinh ý quá!”

 

Cô giáo Trương có tấm lòng cởi mở, tính tình thẳng thắn, chuyên môn giỏi. Lúc Đình Nhi vừa nhập học, cô giáo cũng vừa được trường “kéo” từ nơi khác về và giao luôn trọng trách trên. Sau ba năm, cô đã đưa được cả lớp 53 học sinh vào các trường đại học trọng điểm, trong đó có một tốp vào Trường Bắc Đại và Phúc Đán. Lớp còn có một người đỗ thứ hai môn Văn kỳ thi cao trung tỉnh Tứ Xuyên và Lưu Diệc Đình được Trường Đại học Harvard cấp học bổng nhận học.

 

Cô giáo Trương lần đầu làm chủ nhiệm lớp cao trung, lúc mới đến nhận nhiệm vụ này chưa có mấy kinh nghiệm, nhưng cô đã có ý thức nghiên cứu tâm lý học sinh của cô. Cô biết sâu sắc rằng đối với lứa tuổi này, lực hút của sự tín nhiệm so với quyền uy mạnh gấp bội. Do vậy, cô coi việc kết bạn với cán bộ học sinh là quan trọng hàng đầu. Cô cần một lứa học sinh gắn bó chặt chẽ, học tập và đạo đức tốt, đồng tâm hiệp lực xây dựng lớp thành “cái nôi nhân tài”. Mỗi lần gặp Đình Nhi cô đều trao đổi những điều mà cô đang rất quan tâm. Đình Nhi làm cán bộ nhiều năm, lại là một đứa trẻ có thói quen quan sát, suy nghĩ và tổng kết kinh nghiệm, nên lớp triển khai bất cứ công tác nào đều có ngay biện pháp giải quyết. Cháu rất nhiệt tình trao đổi tình hình, đề xuất kiến nghị với cô giáo. Các cuộc trao đổi đó đều rất tâm đầu ý hợp.

 

Nói chuyện xong với Đình Nhi, cô giáo Trương cho chúng tôi biết: “Trước khi đến thăm nhà ông bà, Hiệu trưởng và các thầy giáo giới thiệu với tôi là Lưu Diệc Đình học tập và phẩm hạnh tốt, thông minh, thẳng thắn hay giúp bạn, khả năng hoạt động ngoại khoá xuất sắc, có thể chọn làm cán bộ học sinh. Hôm nay, được gặp và nói chuyện với em, tôi còn phát hiện em còn chín chắn hơn rất nhiều bạn cùng lứa tuổi. Tốc độ lý giải các vấn đề phức tạp và độ sâu suy nghĩ đều vượt rất xa các bạn cùng trang lứa. Sự giáo dục của gia đình, của ông bà đã để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc. Tôi đã quyết định đưa Đình Nhi là số một trong những học sinh được đề cử  bầu chọn cán bộ lớp. Tương lai cô bé thật là sáng sủa.”

 

Thái độ của cô giáo Trương đã tạo ảnh hưởng tích cực đối với Đình Nhi. Đình Nhi thường nói: “Dùng tâm thì được tâm, dùng tình thì tình lại!”

 

Để không phụ sự tín nhiệm của cô giáo Trương, trong các mặt học tập, công tác và sinh hoạt, Đình Nhi càng đòi hỏi mình phải nghiêm khắc hơn, trong quá trình thực hiện ước mơ của mình, tính chủ động và năng lực tự khép mình vào kỷ luật luôn được nâng cao, độ khắc khổ có lúc làm các thầy giáo rất cảm động. Ngày lễ 1-5 khi học năm thứ hai cao trung, nhà trường cho nghỉ 3 ngày, đối với những cô cậu nội trú lâu ngày ở trường, đây rõ ràng là một cơ hội rất hiếm được tự do, về nhà, ăn ngon, có ti-vi xem suốt ngày, bố mẹ và người thân luôn bên cạnh. Các thầy cô giáo đều lo lắng bọn trẻ “lạc bất tư thục” (ý nói: ở nhà vui quá không muốn về trường). Nhưng Đình Nhi và Lý Hải Bối đã hẹn nhau chỉ ở nhà một đêm là lập tức trở lại trường. Cô giáo Trương hỏi: “Vì sao trở lại trường sớm thế?” Đình Nhi và Lý Hải Bôi đều nói: “Ở đâu không có ti-vi, không bị quấy rầy, hơn nữa có vấn đề gì là hỏi được thầy cô”. Cô giáo Trương nhìn hai đứa trẻ rất ngoan và hiểu biết, tràn đầy niềm vui, dù cho dịp lễ này đến với cô cũng chẳng thảnh thơi gì.

 

Trước một tập thể học sinh ưu tú như vậy, cô giáo Trương rất chú trọng làm sao cho đội ngũ học sinh ưu tú ấy giúp đỡ cổ vũ lẫn nhau mà không loại trừ nhau. Cô căn cứ vào đặc điểm tính cách và thành tích học tập của học sinh, tính toán kỹ trong việc sắp xếp chỗ ngồi, yêu cầu rõ ràng những học sinh khá giúp đỡ học sinh kém vươn lên. Về mặt này, Đình Nhi làm cô giáo rất vui lòng: một nữ sinh trong thời gian ngồi chung bàn với Đình Nhi, thành tích học tập đã có rất nhiều tiến bộ. Cô giáo Trương nhiều lần nói đến sự việc này với tôi và lần nào cũng nói với vẻ mặt cười vui rạng rỡ. Đình Nhi cho rằng mình cũng thu hoạch được rất nhiều, cô bạn cùng bàn này đã làm cho các bạn trước kia tiếp xúc chưa được nhiều, nay tình bạn càng gắn chặt và càng hiểu biết nhau hơn.

 

Cùng sống với Đình Nhi như người bạn tri kỷ, không phải chỉ có cô giáo chủ nhiệm, có thể nói mỗi thầy, cô giáo dạy Đình Nhi đều là “thầy giỏi, bạn hiền” của cháu. Các thầy cô đều giúp đỡ Đình Nhi thực hiện thói quen tốt là “quyết tìm hiểu đến ngọn nguồn tri thức, không bỏ qua một nghi vấn nào”. Cô giáo Trương phân tích: “Lưu Diệc Đình mong muốn thầy cô giáo và bố mẹ biết được những suy nghĩ thực sự của mình. Em nhìn vấn đề một cách biện chứng, rất thích giao du với người lớn nên rất nhiều kiến nghị và giải pháp tốt đã được tiếp nhận. Điều này làm cho Đình Nhi phát triển, trưởng thành lành mạnh, trong sáng. Tiềm lực của em cũng được phát huy mạnh mẽ.”

 

Trong tập thể này còn có một vài giáo viên trung học nước ngoài. Đình Nhi và số thầy cô dạy ngoại ngữ đó xây dựng được tình cảm giao hảo hữu nghị. Trước khi Đình Nhi thăm Mỹ, Antony và vợ giảng dạy, sau khi họ về nước, hai thanh niên người Anh, một người cũng là Antony và người kia là Lawlose đến dạy thay. Hai giáo viên này tính cách khác lạ nhưng giúp đỡ Đình Nhi hết sức vô tư. Đình Nhi không chỉ học tập tiếng Anh chính gốc và tìm hiểu văn hoá phương Tây mà còn học ở họ những phẩm chất tốt đẹp nữa.

ĐÌNH NHI TỰ KỂ LÀM SAO HỌC GIỎI TIẾNG ANH

 

 

Lên cao trung, Đình Nhi học rất tự giác, không phải nhắc nhở câu nào. Cháu học rất chăm chỉ và rất coi trọng phương pháp học tập cho nên các môn học đều đạt thành tích tốt. Nhưng trong các bức thư độc giả gửi đến, mọi người đều đặc biệt thích thú kinh nghiệm học ngoại ngữ của Đình Nhi. Nhân đây, chúng tôi cũng giới thiệu với độc giả bài tổng kết "Những cảm nhận tâm đắc về học tiếng Anh" của Đình Nhi theo yêu cầu của thầy hiệu trưởng và cũng từ bài viết đó, chúng ta có thể thấy sự nỗ lực của Đình Nhi với các môn học khác.

Những cảm nhận tâm đắc về học tiếng Anh

Tiếng Anh là một môn học được mọi người rất coi trọng. Trong thời kỳ trung học tạo dựng được một nền tảng tiếng Anh tốt là điều ước muốn chung của chúng tôi. Làm sao để học tốt tiếng Anh? Thầy giáo thường nói: "Dù chúng ta cặm cụi kéo xe, vẫn phải ngẩng đầu nhìn đường". Dưới đây, với sự giúp đỡ hết lòng của thầy giáo và các bạn, tôi đã tìm ra con đường, nên viết lại để mọi người cùng tham khảo.

1Tố chất tâm lý ảnh hưởng đến hiệu quả học tập

Cổ nhân nói: "Hai bên đánh nhau, người có dũng khí sẽ thắng"; câu nói này cốt nhấn mạnh yếu tố tâm lý tốt sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đến hiệu quả. Điều này với cách nhìn của tâm lý học hiện đại dũng rất tương hợp. Bạn có thể phát hiện thấy, mặc dù mọi người đều học trong cùng một phòng học, chịu sự giáo huấn của cùng một thầy giáo, thậm chí trí tuệ cũng gần giống nhau, nhưng hiệu quả học tập lại rất khác nhau. Những người "rơi xuống yếu kém" chính là do tố chất tâm lý khác thường gây nên.

Làm thế nào để điều chỉnh trạng thái tâm lý của mình được?

Đầu tiên cần phải giữ vững thái độ ổn định và tích cực đối với ngoại ngữ trong một thời gian dài. Ở đây có thể phải quy tụ vào hai chữ “hằng tâm” (bền chí). Có điều đó sẽ như tằm ăn lá dâu, từng miếng, từng miếng một, bền bỉ cho đến khi đạt mục tiêu.

Sau là, còn phải có năng lực tự khép mình vào một kỷ luật nhất định. Đến thời điểm ôn tập mà không ôn tập, để quên quy luật đã vô tình nuốt đi một phần thành quả ghi nhớ của bạn. Hoạt động ngoại khoá bị thiếu, không thu xếp bù lại, lỗ hổng càng lớn thêm. Cho nên cần phải có năng lực tự khép mình vào quy luật, bắt buộc mình phải vận động theo nguyên tắc khoa học.

2. Nhìn, viết, đọc, nghe thuộc. Luyện tập đều sẽ đạt được hiệu quả cao

 

Nói chung, mọi người học tiếng Anh đều có những biện pháp của riêng mình, có người chỉ thích luôn miệng đọc to, có người chỉ thích vùi đầu xem bài, có người không viết thì không nhớ được, có người không nghe thì không học được gì. Những phương pháp đó tuy đều có một tác dụng nhất định nhưng khoa học ghi nhớ qua những thực nghiệm đã chứng minh rất chính xác: vận dụng tổng hợp mắt, tai, miệng, lưỡi mới có thể lưu giữ nhanh và sâu những ấn tượng không thể phai mờ trong vỏ não. Học ngoại ngữ đặc biệt phải vận dụng tổng hợp mọi loại cảm quan, nếu không sẽ làm cho môn học trở thành “ngoại ngữ tàn phế”, ví như “ngoại ngữ câm”, mắt nhìn mà miệng không nói được, hoặc “ngoại ngữ điếc”, mới nghe đã phát hoảng, hai tai ù đặc.

3. Từ đơn “sống” và từ đơn “chết”

Chúng ta thường nghe ai đó hùng hồn: chỉ cần đọc một hơi là đọc thuộc quyển từ điển mười mấy nghìn, thậm chí mấy vạn từ, cho rằng như thế có thể giải quyết một cách dễ dàng vấn đề số lượng từ đơn. Nhưng thật không may là những người làm như thế phần lớn đều thất bại. Đọc thuộc nhiều lần từ đơn vẫn chưa “cắm rễ” được vào não, nếu không quên ngay thì cũng sẽ trộn lẫn thành một mớ hổ lốn. Là vì cái mà họ học thuộc đều là những từ đơn “chết” đã thoát ly ra khỏi câu và bài khoá. Đại não khó có được một ấn tượng gì khi ghi nhớ theo kiểu này. Nhà tâm lý học nổi tiếng Ibeanhouse đã từng lấy bản thân mình làm thực nghiệm đối chiếu, kết quả ghi nhớ 18 âm tiết không có ý nghĩa phải mất 80 lần. Không những thế, chỉ cần học đơn độc từ “chết” sẽ rất khó nắm vững cách dùng linh hoạt của nó trong câu, do vậy dù có nhớ được một số từ “chết”, những từ ấy cũng chỉ thuộc vào lớp “nhân sĩ vô tích sự” mà thôi.

Làm thế nào để từ “chết” hồi sinh?

Biện pháp của tôi là học thuộc bài khoá. Bài khoá không chỉ hạn chế trong sách giáo khoa, có thể là bản thảo bài giảng, bình luận tin tức tản văn… Tóm lại, là những bài văn có thể đem những từ đơn lạnh lẽo biến thành những câu chuyện sinh động. Trong quá trình học thuộc những đoạn văn hoàn chỉnh, lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ không ngừng kích hoạt những từ đơn được ghi nhớ lại, cách dùng của nó cũng tự nhiên đi vào cốt tuỷ. Trên thực tế, những từ đi vào cốt tuỷ này sẽ hình thành “ngữ cảm”: rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ.

4. Bố trí khoảng cách ôn tập hợp lý, có thể tiết kiệm được thời gian. Nâng cao hiệu suất.

Tiếng Anh, một môn học có lượng ghi nhớ rất lớn, ghi nhớ hữu hiệu là một vấn đề then chốt. Nhà khoa học nổi tiếng Mao Dĩ Thanh là một người ghi nhớ rất siêu việt. Người ta hỏi ông về bí quyết ghi nhớ, câu trả lời của ông là: “Lặp lại! Lặp lại! Lặp lại!”

Lặp lại được người ta xem là bà mẹ của sự học tập. Không lặp lại, tri thức nhớ được theo thời gian sẽ bị chi phối theo “hiệu suất quên”, không bao lâu sẽ chỉ còn lại “cơm thừa canh cặn” mà thôi. Các nhà tâm lý học phát hiện: thời gian giữa hai lần ôn tập, dù ít nhất cũng không được dưới 30 phút, nhưng phải ít hơn 16 tiếng đồng hồ. Là vì trong tình huống khi ta vừa nhớ chắc được một loạt từ đơn, nếu trong 30 phút đã bắt đầu ôn, không những không nâng cao được hiệu quả ghi nhớ, trái lại còn hình thành sự quấy nhiễu đối với quá trình sinh lý củng cố nội dung ghi nhớ vốn có của đại não, thật là lợi bất cập hại; còn nếu sau 16 tiếng đồng hồ mới ôn tập thì số từ bị bỏ quên tương đối nhiều, gây uổng phí công sức.

5. Coi tiếng Anh là một môn văn hoá để học tập

Giống như không hiểu văn hoá Trung Quốc, không lý giải được các câu “trung dugn chi đạo” (đạo trung dung), “mạc thủ thành quy” (khư khư giữ lấy lề thói cũ), không nắm thường thức văn hoá phương Tây rất khó giải thích thế nào là “This is my Waterloo!” (ám chỉ một lần thất bại cay đắng của ai đó); “lobbyist” (người vận động hành lang) là loại người nào (ở đây ám chỉ các nhân sĩ hoạt động bên ngoài nghị viện có tác động tới các chính sách của nghị viện), những người này trước đây là các chính khách hay luật sư.

 

Do đó, nếu muốn học sâu, rộng tiếng Anh cần phải xem tiếng Anh không chỉ là một ngôn ngữ mà phải nhận thức đây là một bộ môn văn hoá! Theo tôi nghĩ, trên quan điểm này mà xét, việc học tiếng Anh là một công việc có sức hấp dẫn kỳ lạ.

LẤY “LUYỆN BINH” CUỐI CÙNG, QUYẾT LÀM “NHÀ SƯ KHỔ HẠNH”

Hè năm 1997, nhà trường bố trí cho học sinh lớp cao trung 1 và 2 tập quân sự trong 6 ngày, mong muốn qua cuộc huấn luyện gian khổ và cường độ cao này, rèn luyện các chàng trai, cô gái có tâm thế vững vàng để nghênh đón thời kỳ học tập và kỳ thi căng thẳng sắp tới. Ba Trương Hân Vũ, trước đây đã từng nói nhiều lần, có mất tiền cũng phải tìm một cơ hội cho Đình Nhi luyện tập quân sự, rèn giũa thêm cho nó. Vì thế, đây quả là một dịp hiếm có. Chúng tôi nghĩ rằng nhà trường sẽ chọn một nơi rất gian khổ để huấn luyện, không ngờ địa điểm đó lại ở núi Thanh Thành, một nơi danh lam thắng cảnh và là Viện Điều dưỡng đầy đủ tiện nghi của quân đội. Lúc đi, ĐÌnh Nhi và các bạn luôn hoài nghi, nơi điều dưỡng về nghỉ mát quá tốt này, có thể nào tôi luyện cho thân thể và ý chí con người được sao? Ngày thứ hai sau khi khai mạc, bọn trẻ mới biết chỗ lợi hại thực sự ở đây. Đình Nhi lúc bấy giờ đã sớm xác lập cho mình phải luôn giữ vững được niềm vui trong gian khổ. Vào học kỳ II năm thứ 3 sơ trung, Đình Nhi đã nói với ba cháu, muốn được thực hiện theo phương thức “nhà sư khổ hạnh” để hoàn thành ba năm rưỡi tới. Loại rèn luyện theo kiểu “trui rèn gân cốt” này có thể nói là một thứ kích thích tinh thần trước đợt “luyện binh” cuối cùng.

Với tâm trạng tích cực này, Đình Nhi nhanh chóng thích nghi với cuộc sống quân ngũ: khẩn trương và gian khổ. Dưới ngòi bút của Đình Nhi cuộc sống đó đã biến thành niềm vui vô bờ: từ trong 3 bài ghi chép thú vị về đợt huấn luyện quân sự mà Đình Nhi chọn ra dưới đây, có thể cho chúng ta thấy rõ Đình Nhi và các bạn của cháu có một sức sống mãnh liệt biết bao.

 

Dáng đứng chiến sĩ

Hôm nay là bài học thứ nhất của đợt huấn luyện quân sự: luyện đứng tư thế nghiêm của người chiến sĩ. Trên thao trường có từng dãy tùng xanh bao quanh, chúng tôi theo yêu cầu của đại đội trưởng kiêm giáo viên chỉnh đốn tư thế, các bạn đều trở nên hăng hái phấn chấn. Mấy bạn thường ngày được coi là “con ếch”, “lạc đà”, “tép con”… hôm nay cũng tỏ vẻ hiên ngang hùng dũng lắm. Đại đội trưởng nói: “Hôm nay, trước tiên hãy tập đứng một tiếng đồng hồ, xem nó làm đổ mấy người. Ai không đứng được thì báo cáo ngay!”

Mặt trời như thiêu đốt, chưa đến 5 phút đã có người báo cáo thua trận. Tôi mồ hôi đã ướt đẫm lưng, chân bắt đầu đau nhức. Thời gian tựa như con nhím nhỏ nhích đi nhích lại đôi chân, tôi không muốn bỏ đi. “Ối!” – có người nôn mửa. Dạ dày tôi cũng sôi lên. Tôi cắn răng, thầm nhắc đi nhắc lại lời nói của đại đội trưởng: “Đây là trận quyết đấu giữa ý chí con người, cũng là thời cơ tự rèn luyện của mỗi người. Để xem các bạn tự yêu cầu mình như thế nào?” Tôi vừa suy nghĩ vừa ráng chịu đựng, bỗng nhiên cảm thấy toàn thân lạnh toát, giữa ngày nóng nực mà lại lạnh rùng mình. Cố nhiên vài phút, hai mắt tối sầm, ngã vật về phía trước, tôi lo sợ, một tiếng “báo cáo” bật ra khỏi miệng.

Ngồi dưới bóng cây, uống vài ngụm nước, tôi mới thấy tỉnh lại. Nhìn những vòm lá cây xanh sẫm, tôi cảm thấy không thể bỏ được nơi này, cạnh tôi, một số bạn nghỉ đã lâu cũng không muốn về. Tiếp tục luyện tập hay không? Bất giác hơi do dự. Vừa cúi đầu, những vạt cỏ thưa thớt dưới gốc cây làm tôi chợt tỉnh ngộ: Lẽ nào tôi lại muốn như loài cỏ quá yếu đuối kia? Không! Tôi bật đứng dậy, mạnh mẽ hướng về đội ngũ đang nghiêm đứng kia bước tới.

Dưới ánh nắng chói chang, tôi lại cùng các bạn đứng thành những hàng cây tùng.

Báo động!

“Tu…tu, tu, tu, tu…”. Hiệu lệnh tập hợp khẩn cấp, phá tan bầu không khí yên tĩnh của đêm khuya. Theo tiếng bước chân vội vã, tôi đã đứng trong đội ngũ trên thao trường và đang muốn mượn đêm tối giụi nhẹ đôi mắt còn mơ ngủ của mình. Đại đội trưởng dằn giọng hạ mệnh lệnh: “Chạy hai cây số! Bắt đầu … chạy!”

Chúng tôi chạy trong màn đêm đen, hai bên đường như có bao nhiêu ma quỷ giơ nanh vuốt đuổi theo mình, tự nhiên cảm thấy sợ hãi không thể nào lý giải được, tôi vội chạy nhào lên phía trước.

Ôi! Có ma! – Khang Quả Quả bỗng nhiên ghé tai tôi kêu lên.

A! – Tôi sợ run lên - Chỉ hù doạ người ta.

Có gì đáng sợ kia chứ? – Hùng Vũ vừa thở hổn hển vừa nói: - Tớ đã bị ma cắn ba miếng mà có chết đâu!

Tớ cũng bị ma cắn năm miếng đây, cũng giết chết cả năm con ma! - Hồ Bộ Thôn nói tiếp theo. Mấy đứa chúng tôi nói đùa cười vang, nỗi sợ hãi tan biến.

Này, cẩn thận kẻo biến thành ma đấy – Bao Ngọc Tiệp cười nói thêm - Tớ mà biến thành ma, trước hết sẽ ăn luôn đèn pin của cậu đấy… (Một anh cầm đèn pin chiếu lại. “Ô! Trung đội trưởng!”)… của trung đội trưởng đấy.

Làm gì thế? Tụt hậu rồi. – Trung đội trưởng vừa chạy vừa mắng chúng tôi. – Khang Quả Quả liền rất nghiêm túc trả lời:

Báo cáo trung đội trưởng, chúng tôi là bộ đội yểm trợ cho đội quân phía sau tiến lên. Chúng tôi vừa đánh nhau rất kịch liệt với mấy con ma, may mà trung đội trưởng đến kịp cứu được mấy mạng sống của chúng tôi… - nói liền một hơi dài khiến Khang Quả Quả không nhịn được nữa cười to lên

Trung đội trưởng nín cười, nghiêm nghị nói:

Không quấy phá nữa, chạy nhanh lên, yểm hộ phía sau đã có tôi.

Thi hát đuổi

Cả một ngày học đội ngũ làm chúng tôi mệt rã người, đang muốn dùng thời gian đêm nay thư giãn nhưng lại bị gọi lên hội trường tập hợp. “Lại làm gì nữa đây” Mọi người thì thầm ngồi theo tiểu đội, ai nấy đều uể oải, bóp vai đấm chân. Đến như Trương Kích hàng ngày rất sôi nổi cũng gục xuống lơ mơ ngủ. Đại đội trưởng nhìn mọi người một lượt rồi cười rất tự tin, nói to:

Các bạn, để sinh hoạt tinh thần của mọi người được phong phú thêm, đêm nay chúng ta tổ chức cuộc thi hát đuổi, đồng ý không?

Đồ..ồ..ồng ý! – Không khí buồn tẻ đột nhiên bị phá tan, vui hẳn lên.

Tôi tuyên bố, các bạn cao trung 1 là một tổ, cao trung 2 là một tổ. Cuộc thi bắt đầu!

Đại đội trưởng vừa dứt lời, lớp cao trung 1 chúng tôi giành hát trước bài “Đoàn kết là sức mạnh”. Lớp cao trung 2 cũng không kém, hát bài “Không có Đảng Cộng Sản, không có nước Trung Hoa mới”. Cao trung 2 ít người, thanh thế có vẻ đuối hơn. Đoàn Yến thấy thế mặt đỏ bừng, hất mạnh bím tóc, đứng ngay phía trước chỗ ngồi, chỉ huy các bạn hát bài đã đoạt giải thưởng của nhà trường “Đội quân nương tử đỏ”. Ngay lập tức, cao trung 2 sĩ khí dâng trào, hát theo nhịp tay của cô, lúc bổng, lúc trầm, vươn lên chiếm thế thượng phong. Tổ cao trung 1 của chúng tôi lẽ nào bị thua, tiếng hát “Bảo vệ Hoàng Hà” thể hiện mạnh mẽ ưu thế số đông như tiếng sóng vỗ, đè bẹp được tổ cao trung 2. Cao trung 2 liền xuất chiêu mới, Triệu Hy cầm nhịp hát bài “Trên Kim Sơn có Bắc Kinh” nhảy một điệu múa dân tộc Tạng tuyệt vời. Âu Bằng lại biểu diễn môn võ thuật trong tiếng ca hùng tráng của bài “Nam nhi phải tự cường”…

Tiếng hát dâng lên như lớp lớp sóng bạc, cuộc thi đã đạt đến cao trào. Trong ánh mắt mọi người đều lấp lánh niềm hưng phấn rạo rực, nỗi mệt nhọc trước đây đã không biết bay đi đâu hết.

 

THOÁT KHỎI U MÊ BỪNG TỈNH DƯỚI TRỜI SAO

Nhà tâm lý học cho biết, cùng với việc số người vào đại học ngày càng nhiều, thời kỳ thanh xuân của con người hiện đại cũng kéo dài thêm. Thời thanh xuân sẽ kết thúc khi người thanh niên trưởng thành bắt đầu gánh vác trách nhiệm với gia đình xã hội.

 

Trong giai đoạn học cao trung, Đình Nhi và các ban tưởng tượng về sự bộn bề của cuộc sống tương lai càng ngày càng nhiều. Các cháu thường kết hợp trong lúc luyện khẩu ngữ tiếng Anh, thảo luận về cách nhìn đối với các kiểu sống và mọi loại nghề nghiệp, những rõ tàng còn rất ít người có được lý tưởng và chí hướng rõ ràng với tương lai cũng như chưa nhận thức sâu sắc tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. ĐÌnh Nhi cũng như vậy. Từ thời học sơ trung, chúng tôi đã chú trọng vấn đề “lập chí” cho Đình Nhi, bây giờ càng nói về chủ đề đó với Đình Nhi nhiều hơn: “Con đến bao giờ mới gọi được là người có chí lớn đây?”

 

Đình Nhi cũng luôn trăn trở trước vấn đề này. Nhưng cháu cũng cho rằng không nên trách cứ cháu, là vì chí lớn của nhiều bạn cũng tuổi là thi đỗ vào đạu học, mà thi đỗ vào đại học đối với Đình Nhi và các bạn là rất chắc, đó chưa hẳn là lý tưởng. Có thể nói bắt đầu từ việc đỗ vào Trường Chuyên ngữ cao trung đã coi như được vào trường đạu học trọng điểm. Hơn nữa “mộng đại học” của các cháu chỉ là thay đổi điều kiện sinh tồn của cá nhân. Đình Nhi cũng không cho đó là lý tưởng.

 

Đình Nhi chỉ hâm mộ những người sớm say mê văn học, mỹ thuật và âm nhạc, đối với họ, mỗi ngày thực hiện được niềm ham muốn của mình tức là mỗi ngày tiến dần đến lý tưởng.

 

Khát vọng của Đình Nhi chính là loại lý tưởng này, loại lý tưởng mà theo cháu cảm nhận “sự nỗ lực mỗi ngày đều có giá trị”. Gian khổ tìm tòi, cho đến một ngày, một chuỗi ngẫu nhiên gây xúc động sâu  sắc tâm hồn, cháu ý thức được sứ mệnh lịch sử  của chính mình - lớp người thời đại.

 

Bừng tỉnh

Vào khoảng thời gian trước và sau sinh nhật tuổi 16, tôi thường rơi vào tâm trạng khó hiểu. Nhìn bề ngoài, tôi vẫn cần mẫn, vui vẻ  như ngày thường, mỗi ngày đều làm bạn với những ký hiệu toán đại số, từ đơn tiếng Anh và giấy kẻ, còn làm thêm công tác cán bộ lớp và Hội học sinh, bận đến nỗi không còn thời gian giặt đôi tất. Tuy nhiên, trong lòng tôi vẫn cảm thấy một sự trống trải và mê muội. Tôi không thể hiểu được mình vì sao mà nỗ lực, do quán tính hay do áp lực của hoàn cảnh. Cuối cùng tôi đã nghĩ ra, vấn đề đó từ lâu đã bao bọc tôi, cho tới khi mùa hè đến.

 

Tuần đầu tiên sau khi từ trường về nhà, tôi và ba mẹ đi tham quan vùng sản xuất hoa quả của xã. Lúc trên xe, tôi đang hăng say nói về trường lớp, đột nhiên, một luồng khí hôi thối xộc vào, tôi vội vàng bịt miệng lại. Bên đường là một núi rác dơ bẩn, với hàng trăm người đang tranh giành nhặt các đồ bỏ đi trong núi rác hôi hám đó.

 

Trước mắt tôi là một em bé, em đứng một mình dưới chân núi rác đưa con mắt buồn bã nhìn tôi, đầu tóc rối bù có lẫn vụn giấy, tay ôm một con búp bê vải chỉ còn một cánh tay. Nhìn thấy đoàn xe bị núi rác chặn lại sắp nổ máy lên đường, bé liền nhoẻn miệng cười rất tươi và dùng cánh tay còn lại của con búp bê vẫy chào tôi. Tôi buồn vô hạn trước cảnh đau lòng đó.

 

Nửa năm sau, tôi lại cùng cha mẹ nhắc lại câu chuyện này. Tôi ấp úng hỏi: “Hpj cũng là những con người, cũng là những công dân Trung Quốc, vì sao họ lại bi thảm như thế?” Ba mẹ nói, vấn đề này rất phức tạp, nếu tôi muốn biết, nên tìm hiểu qua sách báo.

 

Tôi mua cuốn sách dày về ngấu nghiến đọc mất một tuần. Căn cứ vào  những con số thống kê và báo cáo phân tích nêu ra trong cuốn sách này, đáp án mà tôi rút ra được là: những “con sâu rác” này chỉ là một số nhỏ trong lực lượng lao đông dư thừa to lớn ở nông thôn. Họ không có vốn, cũng không có văn hoá và kỹ thuật. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế chưa phát triển, xã hội không có khả năng giúp họ. Trước khi Trung Quốc giàu có lên, họ chỉ có thể vật lộn trong đói nghèo và phạm tội mà thôi.

 

Kết luận bất đắc dĩ đó làm lòng tôi quặn đau. Tôi muốn Trung Quốc nhanh chóng giàu lên, cấp thiết hơn bao giờ hết. Bước ra ban công nhìn bầu trời đầy sao, trong muôn vàn ngôi sao ấy như có đôi mắt đầy mơ ước của em bé gái. Trong giờ khắc đó, tôi xúc động mãnh liệt: nguyện đem cuộc sống của mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng nền kinh tế của đất nước. Tôi cần phải lấy tri thức văn hoá khoa học làm đòn bẩy, tạo nhiều cơ hội có việc làm cho nhân dân, sáng tạo thật nhiều của cải cho xã hội, cho trẻ em nghèo khổ đều được đi học, cho những người cần cứu trợ được cứu trợ.

 

Cảm nhận về sứ mệnh nặng nề đó ngày càng như khắc sâu vào tâm khảm tôi. Từ đấy trở đi, sự nỗ lực mỗi ngày của tôi đều có giá trị và ý nghĩa mới.