Bên cạnh đó, các chinhs ách hạn chế còn mở rộng cả sang công nghệ AI và các dịch vụ liên quan. Đồng thời, Mỹ cũng cùng hợp tác với các đồng minh như Hà Lan, Nhật, Hàn để tăng cường hiệu quả của việc kiểm soát các thiết bị sản xuất công nghệ cao nhập vào Trung Quốc. Các thiết bị sản xuất chip như máy quang khắc công nghệ cao của ASML, Tokyo Electron,… đều đã được hạn chế tối đa chuyển giao cho các nhà sản xuất TQ. Các phân tích chỉ ra rằng sự phối hợp từ các đồng minh có vai trò quan trọng đối với kế hoạch kiểm tỏa tổng thể của Mỹ. Dù vậy, các mối liên hệ này đầy phức tạp và cũng tiềm ẩn những rạn nứt nhất định.
Song hành các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ, Mỹ cũng ban hành những đạo luật mà nổi tiếng nhất là Chip Acts vào nửa cuối 2022 để tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ nội địa, đặc biệt là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid trước đó. Theo đó, 52 tỷ đô đã được phân bổ nhằm phục hồi sản xuất bán dẫn trong nước, phục vụ nghiên cứu phát triển và đào tạo lực lượng lao động. Mục tiêu của Mỹ là giảm tối đa sự phụ thuộc vào sản xuất từ nước ngoài, bao gồm cả Đài Loan và đảm bảo chuỗi cung ứng cho các thành phần sản xuất quan trọng.
Những động thái thấy cho thấy tính hai mặt rõ ràng trong chiến lược của Mỹ: phòng thủ bằng cách làm chậm Trung Quốc thông qua kiểm soát xuất khẩu, đồng thời tấn công bằng cách thúc đẩy năng lực trong nước với đạo luật
Chip Act. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn cũng tiềm ẩn trong chính 2 mục tiêu này.
Đầu tiên, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ làm giảm doanh thu của các công ty Mỹ, vốn lại chính là nguồn cần thiết cho hoạt động R&D. Trong khi đó Đạo luật Chip lại nhằm mục đích kích thích R&D và sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Thứ 2, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu rõ ràng nhắm vào khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc nhưng trớ trêu thay, chính điều này làm giảm doanh thu của các công ty Mỹ cũng như các đồng minh vốn trước đó vẫn có nguồn thu lớn từ khách hàng chịu chi Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp bán dẫn, doanh thu đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với chi phí đầu tư cho R&D và rõ ràng Mỹ nhận thấy được điều đó. Bởi thế nên một yếu tố quan trọng trong Chip Act chính là cung cấp tài trợ hoặc ưu đãi trực tiếp cho R&D và sản xuất trong nước nhằm phần nào khắc phục được khó khăn mà các công ty công nghệ đối mặt.
Tạo nên sự cân bằng về tác động của 2 chính sách trên chính là bài toán mà Mỹ cần phải giải quyết trong những năm vừa qua. Tất nhiên, với một thị trường toàn cầu đầy biến động và tốc độ phát triển cực cao của công nghệ cùng nhu cầu thị trường, việc đảm bảo sự cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và sự phát triển chung của toàn ngành và cả quốc gia rõ ràng không phải là điều đơn giản.