Giữa MindNode Next và MindNode Classic thì dùng cái nào?
Đăng lúc
19:46 30.04.2025
Từ trước đến giờ mình dùng MindNode là ứng dụng vẽ mind map (sơ đồ tư duy) chính của mình, sau nhiều năm sử dụng thì mới cuối năm ngoái MindNode ra mắt phiên bản Next, nhưng mình không biết đến sự tồn tại của nó cho đến hôm nay. Nhà phát triển MindNode cho biết họ vẫn phát triển song song MindNode Classic và MindNode Next, nhưng 2 ứng dụng này khác nhau chỗ nào?
Dĩ nhiên dựa vào cái tên thì bạn đã biết MindNode Next sẽ là ứng dụng được nhà phát triển tập trung hơn với các tính năng AI, tích hợp cả Apple Intelligence dành cho các thiết bị iDevices. Tuy nhiên, ứng dụng Classic vẫn tồn tại cho những ai đã quen với giao diện cũ.
Lí do mà nhà phát triển đưa ra cho việc ra mắt MindNode Next là vì cơ chế đồng bộ dữ liệu và quản lý tài liệu của MindNode hiện tại. Trong MindNode Classic, tài liệu được lưu trữ dưới dạng tệp trên ổ đĩa của thiết bị, cách tiếp cận này cho phép người dùng quản lý tệp độc lập với ứng dụng và sử dụng dịch vụ đồng bộ hóa mà họ chọn.
Tuy nhiên, việc dựa vào tệp lại gây khó khăn cho việc triển khai một số tính năng quan trọng, ví dụ khả năng làm việc đồng thời trên nhiều thiết bị, với nhiều người thường gặp lỗi.
Chính những trở lại đó đã khiến cho nhà phát triển MindNode quyết định phát triển một ứng dụng mới.
MindNode Next ra đời với nền tảng phát triển hiện đại hơn, sử dụng cơ sở dữ liệu của chính họ để lưu trữ các dữ liệu của người dùng thay vì dùng cơ chế tệp trong Finder như phiên bản Classic. MindNode Next cũng giải quyết câu chuyện đồng bộ giữa các thiết bị, cũng như đưa tính năng cộng tác (Collaboration) để làm việc chung trên một dự án dành cho người dùng.
Các tính năng chính của MindNode Next
Trước tiên dĩ nhiên là nó có giao diện ứng dụng riêng biệt, thay vì hiển thị dưới dạng tệp trên Finder. Giao diện này cũng hợp thời và phù hợp với nhiều thiết bị hơn, dù bạn dùng iOS, iPadOS, macOS hay visionOS. Sắp tới, nhà phát triển MindNode còn có ý định đem ứng dụng sang watchOS.
Chính vì khả năng truy cập và đồng bộ hóa giữa các thiết bị của Apple mà MindNode Classic dần dần không đáp ứng được, trong khi MindNode Next giải quyết chuyện đó ngon lành như bao ứng dụng Universal khác.
Để đồng bộ hóa tài liệu giữa các thiết bị, MindNode Next sử dụng CloudKit của Apple, là dịch vụ mà nhiều ứng dụng khác của Apple, như Photos hoặc Freeform, cũng đang sử dụng để đồng bộ dữ liệu. Cách quản lý tài liệu mới này cho phép MindNode Next có một "custom-built syncing engine" (công cụ đồng bộ hóa tùy chỉnh được xây dựng riêng) đảm bảo rằng các thay đổi được cập nhật một cách nhất quán trên tất cả các thiết bị.
Nhà phát triển MindNode cũng cho biết ứng dụng mới sẽ hoạt động tốt hơn với Shortcuts.
Với MindNode Next chúng ta vẫn có thể tạo sơ đồ tư duy (mind map), tạo outline và tạo các task. Người dùng cũng có thể xuất sang định dạng SVG, cho phép nhúng tài liệu MindNode vào các trang web hoặc nhập chúng vào các ứng dụng đồ họa như Sketch hoặc Figma.
MindNode Next và MindNode Classic có đồng bộ dữ liệu với nhau được không?
Câu trả lời ngắn gọn là không. Do được xây dựng trên nền tảng cốt lõi rất khác biệt, việc đồng bộ hóa tài liệu trực tiếp giữa MindNode Classic và MindNode Next là không thể.
Tuy không thể đồng bộ dữ liệu, bạn vẫn có thể nhập toàn bộ dữ liệu từ MindNode Classic sang Next bằng tính năng import và export có mặt trên cả hai ứng dụng. Nhưng cũng có một số tính năng từ bản Classic sang Next sẽ chưa tương thích, ví dụ tính năng Manual Layout, do đó người dùng phải làm thủ công bằng copy/paste.
Người dùng MindNode Classic hiện tại có nên chuyển sang MindNode Next?
Cũng theo nhà phát triển MindNode, phiên bản Classic vẫn sẽ tồn tại song song với phiên bản Next, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, họ cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ bản Classic về các bản vá bảo mật cũng như cải thiện sự ổn định. Còn các tính năng mới trong tương lai thì nhà phát triển không đề cập đến.
MindNode Classic sẽ dành cho những ai vẫn đang quen với với cách dùng hiện tại và không muốn thay đổi quá nhiều. Còn với bản Next, nhà phát triển khuyến khích người dùng trải nghiệm thử và nếu yêu thích thì sẽ chuyển sang sử dụng bản Next.
Dùng MindNode Next có tốn tiền thêm không, nếu đang dùng gói MindNode Plus thì chuyển như thế nào?
Hiện tại người dùng có thể dùng cả bản Next và bản Classic trên cùng một gói đăng ký, tức là nếu bạn đang trả tiền cho gói Plus, bạn có thể dùng bản Next mà không có bất kì một giới hạn nào, giống như bạn đang dùng bản Classic từ trước đến nay.
Nếu bạn đang dùng bản free thì vẫn có thể dùng được nhưng sẽ bị giới hạn một số tính năng giống như từ trước đến Nay.
Gói MindNode Plus hiện tại có giá 59.000đ/tháng và 699.000đ/năm thì đây là mức giá quá rẻ để bạn có thể trải nghiệm một ứng dụng ngon, nó cũng có thể đồng bộ với tài khoản Apple ID, tức là nếu bạn có dùng gói gia đình thì những thành viên trong gia đình cũng có thể dùng được.