Đăng lúc 23:12 21.12.2024
Tại đồn công an thuộc thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, đã có không ít chủ cửa hàng trình báo về việc họ không nhận được tiền sau khi khách hàng đã thực hiện chuyển khoản. Theo đó, một người đàn ông đã đến mua hàng và chuyển khoản thanh toán, người chủ cửa hàng tận mắt nhìn thấy thông báo thanh toán thành công nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.
Trường hợp cụ thể là một người đàn ông đã mua hàng với tổng giá trị lên đến 2.700 NDT (9,4 triệu đồng) tại một cửa hàng ở khu Trung Bắc. Khi kiểm tra, người đàn ông thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, nhập mật khẩu và số tiền, có thông báo thanh toán thành công. Tuy nhiên, ông chủ không nhận được tin nhắn cho biết thanh toán đã thành công. Người đàn ông cho biết nguyên nhân là do anh ta đã hẹn trả chậm 24 giờ, chủ cửa hàng tin vào điều đó và cho người đàn ông đi về. Còn sau đó, số tiền bán hàng và người đàn ông đều không xuất hiện nữa.
Một trường hợp khác cũng diễn ra gần đó. Tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở Trung Bắc, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đến mua một số loại đồ ăn nhẹ với tổng giá trị là 658 NDT (khoảng 3 triệu đồng). Người này nói rằng đã thực hiện giao dịch chuyển khoản thành công và đưa cho nhân viên xem điện thoại biên lai đã giao dịch trên điện thoại. Nghĩ rằng có trục trặc trong việc chuyển tiền, nữ nhân viên quán sau đó đã để khách rời đi nhưng số tiền này đến nay chủ quán vẫn chưa nhận được.
Không chỉ các chủ cửa hàng, tài xế xe công nghệ cũng gặp phải trường hợp tương tự. Cụ thể, một người đàn ông bắt taxi đi đến khu dân cư ở thị trấn Trung Bắc, Trung Quốc, sau khi đến nơi, tổng tiền chuyến đi là 106 NDT (khoảng 400 nghìn đồng). Người đàn ông nói Alipay và WeChat không trả được nên trả 200 NDT bằng chuyển khoản thẻ ngân hàng, còn tài xế trả lại 94 NDT tiền lẻ (khoảng 300 nghìn đồng). Tuy nhiên, 200 NDT chưa được chuyển vào tài khoản người người tài xế mặc dù người tài xế tận mắt chứng kiến thông báo chuyển tiền thành công. Như vậy, không chỉ lỗ mất cuốc xe, tài xế còn mất tiền chuyển cho kẻ lừa đảo.
Các cuộc điều tra sau đó đã tiết lộ rằng nhiều vụ lừa đảo này được thực hiện bởi cùng một người đàn ông. Nhờ sự cẩn trọng và kiên trì, cảnh sát đã xác định và bắt giữ được người đàn ông này, tên là Zhang. Anh ta thừa nhận đã chọn phương thức trì hoãn thanh toán 24 giờ khi chuyển khoản, một thủ đoạn cho phép anh ta lừa đảo cả ở Thiên Tân lẫn Bắc Kinh và các khu vực khác.
Ngoài trường hợp này, công an cũng cảnh báo trường hợp làm giả biên lai chuyển tiền. Cụ thể, các đối tượng đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất là không có việc chuyển tiền thật, mà các đối tượng đã dùng một số phần mềm tạo dựng bill thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền và nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã "cao chạy xa bay".