Đăng lúc 21:48 19.11.2024
Cuộc phỏng vấn "chen" giữa lịch làm việc bận rộn của chị Huyền, chuẩn bị cho dự án mới, phát động chiến dịch truyền thông rồi lăn xả từ Ninh Bình, Thanh Hoá, Đồng Nai cho đến Cà Mau.
Nhưng 26 năm làm việc trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, Chị Thanh Huyền nói mình cảm giác như chưa từng "đi làm" ngày nào. Bởi lẽ, mỗi ngày đi làm chị đều thấy thật vui, thật ý nghĩa, thoả ước mơ mang làm điều gì đó tốt đẹp cho thiên nhiên.
Khi tìm kiếm 'Huyền Gaia' trên Google, chúng tôi nhận được những con số ấn tượng như 4 năm kết nối nguồn lực được với hơn 170 doanh nghiệp, tổ chức và hơn 14,000 cá nhân, trồng được hơn 1 triệu cây xanh. Để đạt được thành tựu đó, chị Huyền của chục năm trước đã bắt đầu ý thức về môi trường như thế nào?
Thời học sinh của tôi ở vùng ngoại ô Hà Nội không có Internet. Tôi yêu màu xanh của thiên nhiên, cỏ cây, sông suối và tò mò với mọi sự kiện thiên nhiên. Tôi thường hay cắt tranh phong cảnh trong tạp chí dán khắp nơi ở góc học tập rồi ước mình có thể đi tới những nơi đó, đi xa hơn trong thế giới rộng lớn này.
Khi tôi vào Đại học, tôi đặt bút điền đơn ngành Môi trường mà không có nhiều băn khoăn. Mà tôi mê nó thật! Tôi tốt nghiệp xuất sắc ở khoa Môi trường, trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội và nhận bằng Thạc sỹ năm 2000.
Tôi quyết định theo đuổi bảo tồn thiên nhiên và trở thành người tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế hàng đầu tại Việt Nam như WWF, Plan, WAR và GIZ.
Có thời gian, tôi chuyển sang làm truyền thông trong lĩnh vực phát triển. Tôi rất yêu thích công việc truyền thông này và tôi làm cũng không tệ. Nhưng tôi còn nhớ cứ tối thứ Sáu là tôi lại thấy vô cùng sung sướng vì mai được nghỉ làm, và tôi vẫn thường xuyên tư vấn cho các dự án bảo tồn thiên nhiên. Bỗng dưng, tôi ngẫm lại "Sao mình lại mong Thứ 7 Chủ Nhật được nghỉ làm thế nhỉ? Ngày trước, khi làm toàn thời gian về bảo tồn thiên nhiên mình đã rất say mê trong từng phút giây". Tôi quyết định trở lại theo đuổi đam mê của mình. Và từ đó, tôi luôn cảm thấy may mắn vì hầu như không phải đi làm ngày nào trong đời.
Cùng năm 2009, tôi và chồng được mời vào TP.HCM làm bảo tồn thiên nhiên. Gia đình và bạn bè tôi đều ở Hà Nội nhưng tôi vẫn quyết định đi. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy thời gian trôi nhanh thật, tôi đã gắn bó hơn 26 năm trời với bảo tồn thiên nhiên và đã có gần 20 ấn phẩm về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn biển và giáo dục rác thải nhựa tại Việt Nam.
Chị đã đặt tâm huyết và nỗ lực thay đổi nhận thức của chính mình, bạn bè xung quanh thông qua những dự án như thế nào với bảo vệ thiên nhiên?
Trong suốt những năm tháng đi làm, tôi may mắn có cơ hội được dự nhiều hội thảo quốc tế và tiếp xúc với những người làm về bảo tồn. Tôi vẫn nhớ như in chuyến đi công tác ở Colombia dự hội nghị Bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc tế. Tại đây, hơn 3500 nhà khoa học từ khắp nơi trên Thế giới đã khẳng định rằng Trái Đất của chúng ta đang bước rất nhanh vào thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6, cảnh báo sự biến mất của 30-90% số loài trên Trái Đất. Và nếu con người chúng ta không ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên, khủng hoảng ô nhiễm môi trường, chúng ta cũng có thể là 1 trong số 30-90% số loài bị biến mất.
Các nhà khoa học đã đưa ra những số liệu thống kê rất ấn tượng, đồng thời khẳng định rằng Phục hồi sinh thái là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm đẩy lùi thời kỳ Đại tuyệt chủng lần thứ 6 này. Từ đó, tôi quyết tâm đặt nhiều tâm huyết hơn vào công tác trồng rừng phục hồi hệ sinh thái.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều phương án để tìm cách tiếp cận hiệu quả đến với nhiều người nhất. Và tôi cho rằng việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta đợi đến lúc một con thú bị giết, dòng sông bị ô nhiễm hay cánh rừng bị chặt hạ rồi mới quan tâm, giải quyết thì nó đã quá muộn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức giúp mọi người hiểu, yêu thiên nhiên và chủ động hành động bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên là biện pháp hiệu quả và bền vững. Và mỗi người đều có thể chung tay bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động nho nhỏ của mình. Góp gió ắt thành bão. Cứ trồng từng cái cây rồi có ngày sẽ thành rừng.
Với tinh thần ấy, tôi tâm niệm rằng nguyên tắc cơ bản của Gaia là lan toả thông điệp bảo tồn thiên nhiên thông qua những hành động cụ thể, đóng góp cho thiên nhiên của nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau, đó có thể là doanh nghiệp, học sinh, giáo viên, bạn trẻ, gia đình, hay công chúng.
Chị đã "kể" câu chuyện đó như thế nào?
Tôi đưa mọi người vào rừng. Rừng là nơi thực tế để mọi người dù lớn hay nhỏ đều có thể chạm vào thiên nhiên, thấy xúc động với thiên nhiên và thôi thúc mọi người cùng nhau hành động khi ra về. Hành trình đưa mọi người vào rừng tuy rất truyền cảm hứng nhưng không hề đơn giản. Ví dụ nhé, nếu tôi có lời đề nghị "đưa trẻ vào rừng chơi", bạn là phụ huynh, bạn có lo lắng không? Tôi cũng là mẹ và rất lo lắng. Và không chỉ có ba mẹ lo lắng khi con cái đi vào rừng chơi, mà rất nhiều người còn rất sợ rừng. Và đối với doanh nghiệp, họ có rất nhiều lựa chọn khác nhau cho nhân viên, vậy tại sao họ phải chọn đưa nhân viên vào rừng, nơi có nhiều rủi ro hơn hẳn những điểm đến là thành phố hay khu nghỉ mát… Do đó, tôi chú trọng tổ chức những chương trình trải nghiệm vừa vui, vừa thiết thực và truyền cảm hứng, nhưng đầu tiên là phải cực kỳ an toàn.
Gaia chúng tôi đã tổ chức chương trình trải nghiệm thiên nhiên tới nhiều Vườn Quốc gia, khu Bảo tồn Thiên nhiên khác nhau như Vườn Quốc Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Cát tiên, Khu Dự trữ Sinh Quyển Thế giới Cần Giờ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hoá Đồng Nai.
Rất nhiều chuyến đi đã cho chúng tôi nhiều bài học bổ ích để chúng tôi liên tục đổi mới hoàn thiện, làm cho những chuyến sau càng an toàn, hấp dẫn, truyền cảm hứng và thiết thực hơn chuyến trước.
Trong hành trình đó, chắc hẳn chị đã gặp rất nhiều khó khăn?
Chắc chắn rồi, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khác nhau. Đầu tiên là giúp mọi người tin tưởng rằng chuyến đi an toàn. Tiếp theo là giúp mọi người thấy tin yêu vì chuyến đi mang lại nhiều giá trị cho họ, chứ không phải để cho Gaia nâng cao nhận thức cho họ. Người tham gia phải thấy giải trí và thoải mái, họ phải thấy bổ ích và thiết thực.
Sự thay đổi về nhận thức, hay kiến thức, thái độ là cực kỳ khó đo đếm, khó diễn tả được vói nhà tài trợ. Vì vậy, các dự án, chương trình lớn thường không dành nhiều ngân sách cho việc này, và hoạt động này vẫn thường được coi là một hoạt động phụ, hoạt động bên lề.
Ngoài ra, xã hội ngày nay, tuy đã quan tâm hơn tới bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên. Song sự quan tâm này vẫn chưa đủ lớn cho với các lĩnh vực khác trong xã hội như đói nghèo, giáo dục, y tế….
Chương trình trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên tại Gaia có gì đặc biệt?
Thứ nhất, rừng đặc dụng đầu nguồn là nơi có giá trị sinh thái cao hơn các khu rừng khác. Rừng không chỉ có tác dụng phòng hộ mà còn giúp cải thiện chức năng sinh thái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các VQG, Khu Bảo tồn Thiên nhiên là các cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, những khu rừng Gaia trồng sẽ được bảo vệ lâu dài.
Thứ hai, Gaia tổ chức chăm sóc rừng mới trồng. Cây cần được phải được chăm sóc để đảm bảo tỷ lệ sống và có thể khép tán thành rừng. Hoạt động chăm sóc rừng bao gồm: Xới đất, cắt cỏ, cắt dây leo, theo dõi tình trạng tăng trưởng cây…
Thứ Ba, Gaia giám sát và lập báo cáo về khu rừng hàng năm để gửi cho các đơn vị tài trợ. Ví dụ như cây tạo ra lượng oxy, hấp thụ cacbon và khí độc như thế nào.
Thứ Tư, Gaia tổ chức những chuyến đi trồng rừng đặc biệt, kết hợp với Trải nghiệm thiên nhiên cho mọi người.
Thứ Năm, Gaia chú trọng hoạt động truyền thông giáo dục. Khi ai đó góp cây, tên và lời nhắn của người đó sẽ dược hiện trên website Gaia. Đây là quá trình nhằm tăng tính kết nối của người tham gia với rừng.
Thứ Sáu: Ai cũng có thể góp rừng cho Gaia, dù là cá nhân ở bất cứ đâu.
Sinh sống ở hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội, chị có nghĩ nhiều bạn trẻ ngày nay khá thờ ơ với vấn đề môi trường và cảm thấy việc "trồng rừng" là một khái niệm xa xôi với họ hay không?
Sau Covid-19, con người, đặc biệt là Gen Z đã có cái nhìn khác về môi trường. Họ hướng về bên trong và thiên nhiên hơn. Họ ý thức từng việc nhặt rác bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu hay chỉ đơn giản là phân loại rác, trồng một cái cây. Tôi cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng. Và điều đáng mừng là không chỉ Gen Z, mà toàn xã hội, sau COvid 19 cũng đã quan tâm hơn đến môi trường, đến thiên nhiên và muốn làm gì đó thiết thực cho thiên nhiên như đi trồng rừng.
Mọi người rất ấn tượng với bức ảnh H'Hen Niê và chị Huyền cùng gieo xuống một cái cây. Chị có thể nói thêm về bức ảnh này?
Trong thời gian vừa qua, Hen tham gia rất nhiều chương trình đi trồng cây, trồng rừng với Gaia. Khi nghĩ về việc Hen tới Gaia và cùng chúng tôi lan toả thông điệp bảo vệ rừng như thế thôi, chúng tôi đều cùng nhau đồng ý rằng: Chính tình yêu thiên nhiên, tình yêu cây đã kết nối Hen với Gaia. Hen rất thành thạo và yêu thích việc trồng cây, trồng rừng. Hen cũng luôn tò mò, lắng nghe những câu chuyện về thiên nhiên và đặc biệt, Hen rất mộc mạc, chân tình, rất đúng với cái cách Gaia chúng tôi làm việc. Vì vậy, chúng tôi thấy ở Hen như một người bạn quý để chia sẻ mọi câu chuyện đi trồng rừng, kết nối với thiên nhiên.
Nhìn lại hành trình hơn 26 năm qua, chị cảm thấy mình tự hào và trăn trở điều gì?
Tôi thấy thật tự hào và biết ơn vì 26 năm qua đã đã đi nhiều nơi và nhất là được kể câu chuyện bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng cho nhiều người. Một trong những khoảnh khắc mà tôi luôn thấy vui và hào hứng là khi hàng chục hay hàng trăm người, cùng tôi ở ngoài thiên nhiên, sau khi nghe chúng tôi kể chuyện giờ đang hăng say tập trung trồng rừng. Cái khoảnh khắc nhìn thấy mọi người thoăn thoắt, hăng say trồng cây xuống đất, và tưởng tượng một cánh rừng già sẽ mọc lên ở khu đất này, là khoảnh khắc kỳ diệu và luôn luôn xúc động.
Điều tôi trăn trở nhất vẫn là làm sao kể được câu chuyện bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng này cho nhiều người hơn nữa, tạo cơ hội cho nhiều người hơn nữa được cùng Gaia hành động nhằm cùng nhau kiến tạo một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Mẹ Thiên nhiên.