Việc tập trung vào trải nghiệm người dùng và độ ổn định của đường truyền kết nối không dây có thể coi là một bước chuyển dịch quan trọng và rất khác biệt trong triết lý thiết kế chuẩn kết nối không dây của IEEE. Khi được áp dụng, chuẩn 802.11bn sẽ tạo ra môi trường mạng hiệu quả và ổn định hơn. Đối với người dùng trong quy mô hộ gia đình, kết nối sẽ mượt mà hơn, không có đứt quãng hay trồi sụt băng thông. Còn với doanh nghiệp, WiFi 8 có thể phục vụ tốt hơn cho hàng chục, hàng trăm thiết bị cùng kết nối.
Ba trong số những cải tiến đáng kể nhất trong quá trình phát triển WiFi 8 bao gồm những kỹ thuật Coordinated Spatial Reuse, Coordinated Beamforming và Dynamic Subchannel Operation.
Đầu tiên, Coordinated Spatial Reuse cho phép điểm truy cập điều chỉnh công suất sóng WiFi kết nối với các thiết bị. Những thiết bị ở gần router hơn sẽ được tối ưu kết nối mà không gây ảnh hưởng tới những thiết bị ở xa. Những thử nghiệm sơ bộ kỹ thuật kết nối này đã cho kết quả cải thiện throughput lên tới 25%.
Thứ hai, Coordinated Beamforming là giải pháp mở rộng của kỹ thuật điều hướng chùm sóng kết nối không dây đã được phát triển và hoàn thiện ở những chuẩn WiFi ra mắt trước đó. Những thiết bị hỗ trợ Co-BF sẽ có thể điều hướng tín hiệu chính xác hơn giữa các thiết bị cùng kết nối trong một
mạng không dây. Giải pháp này sẽ hữu ích trong môi trường doanh nghiệp hay công cộng, còn ở môi trường hộ gia đình, chỉ vài thiết bị kết nối với router WiFi, khác biệt về chất lượng đường truyền sẽ không thực sự ấn tượng.
Thứ ba, Dynamic Subchannel Operation là tính năng gán kênh phụ cho các thiết bị, phụ thuộc vào khả năng kết nối và nhu cầu dữ liệu của chúng. Nếu nhiều thiết bị cùng đang tải về một file dữ liệu, DSO sẽ tự động gán kênh kết nối phụ để tối ưu tốc độ tải file. Công nghệ này đã hiện diện ở chuẩn WiFi 7, nhưng phải điều chỉnh thủ công. Những router chuẩn WiFi 8 có thể tự động xác định nhu cầu của từng thiết bị để vận hành hiệu quả hơn.
Theo Techspot