[Có thể bạn chưa biết] Ráy tai thực chất là gì? Có nên loại bỏ chúng không?
Đăng lúc
22:56 02.11.2024
Khi các nhà khảo cổ nghiên cứu một di tích Sumer cổ đại gần 5.000 năm tuổi, họ đã phát hiện ra những bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, bao gồm các dụng cụ nhọn, nhíp và thìa lấy ráy tai. Thực tế, các dụng cụ vệ sinh cá nhân này, bao gồm cả dụng cụ lấy ráy tai, đã xuất hiện tại nhiều địa điểm khảo cổ khác nhau, chứng tỏ việc làm sạch ráy tai là một thói quen vệ sinh phổ biến có từ lâu đời. Vậy ráy tai là gì? Và liệu việc loại bỏ chúng có thực sự tốt không?
Chúng ta không phải là sinh vật duy nhất có ráy tai. Các loài động vật có vú khác kể cả loài cá voi sống dưới nước cũng có ráy tai. Ráy tai hình thành trong ống tai ngoài của chúng ta. Tại đây, các tế bào da bong ra và trộn lẫn với các chất khác, bao gồm cả mồ hôi. Tuy nhiên, mồ hôi bên trong tai không có chức năng làm mát như loại mồ hôi từ các tuyến mồ hôi trên cơ thể. Thay vào đó, chúng đến từ các tuyến Apocrine có nhiều dầu hơn. Da chết và mồ hôi dầu kết hợp với bã nhờn hình thành ráy tai.
Ráy tai có thể khác nhau về mùi, màu sắc và độ đặc. Một số loại thì khô và dễ bong, trong khi một số loại khác lại dính và nhớt. Bộ gen sẽ quyết định loại ráy tai mà bạn có bằng cách tác động đến lượng chất béo mà các tuyến mồ hôi Apocrine trong tai tiết ra. Loại ráy tai của một người có thể liên quan đến nguồn gốc di truyền của họ. Ví dụ, ráy tai khô phổ biến hơn ở những người có nguồn gốc Đông Á, trong khi những người có nguồn gốc châu Phi và châu Âu thường có ráy tai ướt hơn.
Vậy tại sao lại có ráy tai? Ráy tai hoạt động như một chất bôi trơn, ngăn ngừa sự khô và ngứa trong tai. Chúng giúp giữ lại bụi bẩn và vi khuẩn, tạo thành một hàng rào vật lý bảo vệ cho da ống tai. Hơn nữa, chúng còn là một hàng rào phòng thủ chủ động, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số loại protein trong ráy tai có khả năng chống lại nhiễm trùng vi khuẩn.
Thông thường, cơ thể cũng có cách riêng để tự loại bỏ ráy tai. Khi các tế bào da mới hình thành và phát triển ở trung tâm màng nhĩ, chúng đẩy các tế bào cũ về phía lỗ tai, tạo ra một “băng chuyền”. Mỗi ngày, da bên trong ống tai di chuyển ra ngoài khoảng 100 micromet. Cuối cùng, quá trình này sẽ đẩy ráy tai ra khỏi tai bạn.
Trong khi đó, việc dùng các vật dụng để lấy ráy tai có thể làm tình hình tồi tệ hơn. Khi bạn lấy ra được một ít ráy tai, bạn có thể đã đẩy nhiều ráy tai hơn vào bên trong. Hơn nữa, việc này có thể làm xước da ống tai, làm gián đoạn hàng rào tự nhiên chống lại nhiễm trùng. Việc lấy ráy tai quá sâu cũng có nguy cơ làm thủng màng nhĩ, gây tổn hại lâu dài và mất thính lực.
Một số dịch vụ hứa hẹn sẽ làm sạch ráy tai cần tránh như "đốt nến tai" liên quan đến việc sử dụng một cây nến rỗng được thắp sáng và đặt lên ống tai. Người ta cho rằng điều này tạo ra đủ dòng không khí để kéo ráy tai ra ngoài. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết lượng áp suất tạo ra là rất nhỏ và những gì thấy được sau khi kết thúc thường chỉ là bụi bẩn từ chính cây nến chứ không phải là ráy tai được lấy ra. Thực tế, phương pháp này có thể gây tổn thương và để lại bụi bẩn trong tai.
Tuy nhiên, một số người có xu hướng tích tụ ráy tai nhiều hơn và có thể thấy vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn theo độ tuổi. Việc tích tụ ráy tai có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến thính lực và đương nhiên những lúc đó cần được can thiệp bằng những cách an toàn. Thuốc nhỏ tai không kê đơn giúp làm mềm ráy tai để chúng có thể tự thoát ra. Hoặc các dịch vụ y tế có những phương pháp đã được thử nghiệm để nhẹ nhàng làm sạch tắc nghẽn một cách an toàn. Ngoài ra, để ngăn ngừa việc tích tụ ráy tai, các bác sĩ khuyên nên vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài ống tai bằng khăn ẩm và không nên sử dụng tai nghe nhét tai quá nhiều.
Nguồn: TED-Ed