Đăng lúc
22:53 13.07.2025
Đang có sự thay đổi cơ bản trong cách thức các nền kinh tế tăng trưởng và cạnh tranh. Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, các doanh nghiệp đang giảm đầu tư vào các tài sản hữu hình như nhà máy và thiết bị, mà tăng đầu tư vào tài sản vô hình như dữ liệu, phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Tài sản vô hình đang dần đóng vai trò then chốt, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và giữ chân khách hàng.
Trong tầng hầm của một tòa nhà ở Bangalore, Ấn Độ, những thanh niên này đang nỗ lực sáng tạo ra những công nghệ đột phá. Đây là một trong số hàng chục nghìn công ty khởi nghiệp tại quốc gia 1,4 tỷ dân, tập trung nghiên cứu và phát triển những công nghệ tiên tiến.
Anh Vikram Rastogi - Nhà sáng lập Công ty Hacklab cho biết: "Robot và trí tuệ nhân tạo là một vài trong số các lĩnh vực mà chúng tôi cảm thấy sẽ bứt phá nhanh chóng. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Ấn Độ sẽ không bị tụt hậu".
Với lợi thế về lực lượng lao động trẻ, có trình độ công nghệ thông tin, Ấn Độ đã vượt qua một số nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản và Liên minh châu Âu EU về quy mô đầu tư vào tài sản vô hình trên GDP, đạt tỷ lệ 10%. Đáng chú ý, đầu tư vào phần mềm chiếm hơn 50% đầu tư vào tài sản vô hình của Ấn Độ, vượt xa nhiều nước EU.
Sự tăng trưởng vượt bậc của phần mềm và dữ liệu trùng với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo AI. AI tạo ra hai làn sóng đầu tư. Giai đoạn một là xây dựng nền tảng, tập trung đầu tư vào tài sản hữu hình như chip, siêu máy tính, trung tâm dữ liệu. Và giai đoạn hai là chuyển đổi cấu trúc, chú trọng đầu tư vào tài sản vô hình như phần mềm, dữ liệu đào tạo mô hình AI, cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên AI và kinh tế tri thức, tài sản vô hình không còn là "phần chìm" mà trở thành động lực cốt lõi của tăng trưởng.
Ông Roland Busch - Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens chia sẻ: "Với AI, nhiều người lo sợ rằng nó sẽ cướp đi những công việc trí óc. Nhưng chúng tôi tin rằng AI sẽ còn tạo ra nhiều việc làm hơn. Bởi vì nó sẽ thay thế những công việc lặp đi lặp lại mà bạn cứ phải làm đi làm lại một thứ nhiều lần, điều mà con người chúng ta không giỏi. Và chúng ta sẽ tập trung sức sáng tạo, khả năng của mình cho bức tranh lớn hơn, tạo ra những cơ hội kinh doanh. Thế nên chúng tôi cho rằng những điều tốt đẹp nhất còn đang ở phía trước".
Các chuyên gia nhận định, việc đầu tư vào tài sản vô hình là chiến lược sẽ giúp các quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua phát triển mới.