Đăng lúc
23:46 08.05.2025
Không ngoa khi nói, cả cuộc đời của doanh nhân Nguyễn Bình Nam gắn liền với việc hỗ trợ các DN Việt Nam chuyển đổi số. Trước khi khởi nghiệp với OplaCRM năm 2021,
anh đã có 15 năm phục vụ cho các tập đoàn hàng đầu về công nghệ - CRM như Microsoft, Oracle, Salesforce. Vậy nên, anh có cơ hội tiếp xúc với những công nghệ mới như AI, Blockchain, Bigdata… từ
rất lâu.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh tự nhận mình không phải là người FOMO và xem sự xuất hiện của GenAI cũng giống như bao công nghệ mới trước đó. Do đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên, nên GenAI vẫn ở dạng tiềm năng chứ chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả khi ứng dụng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kể cả khi sự màu nhiệm của GenAI từ lý thuyết biến thành thực tế, thì nó vẫn không thể thay thế hoàn toàn nhà văn sáng tác truyện hay kỹ sư công nghệ làm app hoặc website. Hơn nữa, anh chưa thấy nhân sự nào ở Việt Nam mất việc vì GenAI.
Ở khía cạnh cá nhân, các nhân viên của các SMEs hoặc startup đã sử dụng khá nhiều những app GenAI như Gemini, ChatGPT, Capcut, Picsart…; các nhân viên của các DN lớn thì ít dùng hơn – có thể do quy định về bảo mật chặt chẽ hơn.
Về phần DN, nếu ứng dụng GenAI được 5 phần, thì các công ty đa quốc gia đi được đến bước thứ 2 hoặc 3, DN đầu ngành đi bước thứ nhất còn các SMEs vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu và quan sát.
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa công nghệ AI nói chung và phiên bản tiến hóa GenAI
Nguyễn Bình Nam - CEO OplaCRM
"AI không phải là công nghệ gì quá mới – tính ra nó đã được 70 tuổi. Con người đã ứng dụng AI vào mọi mặt của đời sống từ rất lâu. Đơn cử như các công nghệ kiểm thử hoặc đếm số lượng ở trong các nhà máy. Chatbot – tiền thân của GenAI cũng là một nhánh của AI.
Bạn cứ hình dung thế này: trước đây, khi bạn hỏi con AI là 'cô gái này thật sự xinh…' vậy điền vào 3 chấm sẽ là gì, AI sẽ đi vào dữ liệu mà nó có và thấy chữ 'đẹp' xuất hiện nhiều nhất trong mẫu câu này hoặc những mẫu câu tương tự, nên nó sẽ chọn từ 'đẹp' để điền vào dấu 3 chấm và hết.
Sau khi dung lượng bộ nhớ máy tính ngày càng lớn hơn cộng với những tiến bộ vượt bật ở công nghệ Bigdata – Machine Learning, thì đến năm 2022, GenAI chính thức xuất hiện. Với mô hình hồi quy, sau khi đã điền vào dấu 3 chấm chữ 'đẹp' GenAI sẽ quay lại từ đầu và sáng tạo tiếp, cô gái xinh đẹp này bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu, làm nghề gì….Tức nó có thể tự viết một kịch bản cuộc đời cho cô gái đẹp này!
Người ta cho rằng, GenAI là một phân hệ của AI nhưng tôi thì thích xem nó là một phiên bản tiến hóa của AI và độc lập với công nghệ AI nói chung hơn. Thật ra là con người đã mơ ước và dự đoán về GenAI từ rất lâu, thông qua các bộ phim của Hollywood như Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao, Ma Trận hay Her…", anh Nguyễn Bình Nam mở đầu câu chuyện.
Theo đó, thực tế, các DN lớn nhỏ ở Việt Nam đã ứng dụng AI vào sản xuất hoặc tạo ra các sản phẩm/dịch vụ phục vụ trong nhiều ngành và phòng ban trong công ty. AI ứng dụng vào chăm sóc khách hàng như nhắc lịch hoặc cung cấp kiến thức, vào công việc vận hành để quản lý chuỗi cung ứng ở các nhà máy, vào giáo dục để huấn luyện và nâng cao chuyên môn – kỹ năng mềm cho các nhân sự…
Theo một khảo sát gần đây của Bornet et al về thực trạng ứng dụng AI của DN trên thế giới, thì công nghệ - phần mềm đang là ngành dẫn đầu với 24% DN đã dùng AI, tiếp theo là dịch vụ tài chính 18%, bán lẻ - tiêu dùng có 16%, chăm sóc sức khỏe – khoa học đời sống 12%, du lịch – nghỉ dưỡng 8%... Tỷ lệ này cũng đúng với thị trường Việt Nam.
Còn về AI tạo sinh, như đã nói ở trên, do công nghệ này tương đối mới và quá trình ứng dụng của Việt Nam luôn có một độ trễ nhất định so với thế giới, nên ở Việt Nam mới trong giai đoạn mò mẩm sơ khai.
Các DN đầu ngành của Việt Nam vẫn đang lần mò ứng dụng GenAI
Ở khía cạnh khác, chúng ta cũng cần phân biệt rõ các loại ứng dụng GenAI vào công việc.
"Nếu ở khía cạnh cá nhân, tôi nhận thấy các nhân sự ở các SMEs và startup Việt Nam sử dụng các ứng dụng GenAI khá nhiều. Ngược lại, nhân sự ở các Tập đoàn đầu ngành hoặc công ty đa quốc gia chưa sử dụng nhiều lắm – có thể là do vấn đề bảo mật và quy trình làm việc ở quy mô này chặt chẽ hơn", Founder Opla CRM bày tỏ.
Ở cấp độ doanh nghiệp thì ngược lại; các SMEs và startup ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn quan sát – thăm dò; còn các ông lớn hoặc Tập đoàn đầu ngành đã bắt đầu ứng dụng GenAI vào công việc kinh doanh hoặc quản trị. Đầu tư cho các công nghệ mới luôn tốn rất nhiều tiền, nên đây cũng là một rào cản đáng kể cho các SMEs Việt Nam khi muốn tiếp cận với GenAI.
'Nếu tính ứng dụng GenAI bao gồm 5 bước, thì ở các tập đoàn đa quốc gia họ đã đi được đến bước thứ 2 hoặc thứ 3. Vài DN đã ứng dụng GenAI vào việc chăm sóc khách hàng và 10% đến 20% khách hàng đã cảm thấy chất lượng dịch vụ được cải thiện rất nhiều.
Còn ở Việt Nam chúng ta, việc ứng dụng AI tạo sinh của các DN vẫn đang trong giai đoạn tờ mờ lúc 6 giờ sáng. Các DN đầu ngành vẫn đang lần mò – tìm cách tích hợp GenAI vào hệ thống công nghệ của mình, cũng như thử nghiệm từng bước nhỏ để xem hiệu quả của nó đến đâu. Và tôi vẫn chưa thấy ai ở Việt Nam bị mất việc vì AI cả", cựu Kỹ sư trưởng phụ trách giải pháp của Salesforce Singapore cho biết.
Team OplaCRM
Mới đây, một chuỗi cà phê với hàng trăm quán ở Việt Nam đã ứng dụng GenAI vào tác vụ quản lý hóa đơn. Với AI thế hệ cũ, nó chỉ phân rã hình ảnh sang chữ viết hoặc con số rồi lưu trữ lại; với GenAI, nó còn đọc và hiểu được nội dung của hóa đơn, nên ngoài phân rã nó còn biết sắp xếp – phân loại hóa đơn vào những nhóm khác nhau như đã trả - chưa trả…
Hoặc một ngân hàng đầu ngành nọ vừa ứng dụng GenAI vào việc bán hàng – marketing. Trước đây, khi cần một tệp khách hàng với chân dung cụ thể, bộ phận bán hàng – marketing sẽ đưa thông tin lên ban công nghệ; tiếp theo, ban công nghệ sẽ từ vài triệu khách hàng để lọc ra tệp phù hợp. Còn khi sử dụng GenAI, bộ phận bán hàng – marketing sẽ đưa 'bài toán' nói trên cho con bot, nó sẽ tự lọc và đưa ra kết quả.
"Hiện tại, khi bạn đưa cho GenAI bất cứ bài toàn nào nó cũng có thể giải và đưa ra kết quả. Tuy nhiên, không phải tất cả các kết quả đều đúng hoặc tối ưu nhất. Vậy nên, dù là cá nhân hay DN khi sử dụng GenAI đều nên hỏi lại nó nhiều lần và luôn kiểm tra cẩn thận kết quả", anh Nguyễn Bình Nam khuyến nghị.
Tương lai, GenAI sẽ giống như 1 'con ngựa' giúp doanh nghiệp/nhân sự di chuyển nhanh hơn
Mặc dù hiện tại, GenAI chưa có nhiều tác động lớn lên đời sống con người hay câu chuyện kinh doanh của DN tại Việt Nam, nhưng anh tin rằng, tương lai sẽ khác.
Nếu ứng dụng GenAI sâu, thì theo lý thuyết, nó có thể giúp chúng ta thực hiện và quản lý từ đặt bàn đến thanh toán một bữa ăn – giống như một trợ lý ảo đích thực.
CEO của OplaCRM đang là một diễn giả đắt khách của ngành AI Việt Nam.
Ví dụ: chúng ta nói với con bot GenAI rằng 'tôi có một cuộc hẹn với khách hàng lúc 7h tối nay, khách hàng thích ăn món Hoa và tôi muốn ngồi ở một nhà hàng có không gian trang trọng cùng mức giá trung bình mỗi người vào khoảng 500.000 đồng và không quá xa công ty. Hãy đặt bàn và sau đó thanh toán cho tôi'.
Tiếp theo, nó sẽ tự động tìm kiếm nhà hàng món Hoa có không gian – mức giá – địa điểm phù hợp, lên danh sách rồi chọn phương án tối ưu nhất. Tiếp theo, nó sẽ nhắn tin hoặc gọi điện và dùng email hay số điện thoại của chúng ta để đặt bàn. Xong việc, nó sẽ báo cáo cũng như nhắc nhở chúng ta đến giờ phải di chuyển đến nhà hàng; rồi khi chúng ta báo đã dùng bữa xong, nó sẽ hỗ trợ chúng ta thanh toán.
"Theo quan điểm của tôi, tương lai, GenAI sẽ giống như một con ngựa có thể giúp DN hoặc nhân sự đi nhanh hơn. GenAI sẽ giúp kỹ sư lập trình nhanh hơn, giới marketing làm việc hiệu quả hơn với ít chi phí hơn, doanh nghiệp vẫn có từng đó nhân sự song năng suất làm việc tốt hơn trước kia….
Nhưng dù như thế nào, thì GenAI cũng chỉ là 'ngựa' - là công cụ để phục vụ con người chứ không thể thay thế con người hoàn toàn. Nhất là trong những lĩnh vực đòi hỏi hàm lượng chất xám cũng như khả năng sáng tạo cao giống như nghệ thuật, công nghệ hay marketing-PR.
Cái sáng tạo của GenAI là dựa trên những thông tin – kiến thức – phong cách đã có sẵn. Sau khi đọc được 3 quyển tiểu thuyết trinh thám nó thể sáng tạo ra một bộ trinh thám khác 3 quyển kia, nhưng nhiều khả năng sẽ không quá đổi mới – sáng tạo hoặc tự bản thân GenAI không thể tự mình sáng tạo ra một thể loại văn học mới.
Tâm thế của tôi là nên có tư duy mở để đón nhận sự phát triển của GenAI và cách chúng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Tôi theo trường phái 5-5, tức không quá lo sợ mất việc bởi AI nhưng cũng không quá bàng quan trước sự xuất hiện của AI. Tương lai với sự xâm chiếm của GenAI sẽ rất thú vị!", anh Nguyễn Bình Nam kết luận.