Đăng lúc 22:16 10.01.2025
Vị Tiến sĩ này sở hữu những nghiên cứu đột phá, vang danh trong giới nghiên cứu toàn cầu.
Nhà khoa học có sáng chế đột phá
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành là nhà khoa học người Việt nổi tiếng. Anh sinh năm 1984 tại Đà Nẵng, hiện là giảng viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Connecticut (Mỹ). Anh là Phó Giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Cơ khí và Kỹ thuật Y sinh, chuyên nghiên cứu về y sinh học, vật liệu và công nghệ nano/vi mô.
Thời cấp 3, Tiến sĩ Thành từng là cựu học sinh chuyên Lý (A2) Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Sau đó, anh trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội, và tốt nghiệp hệ kỹ sư tài năng ngành Vật lý vào năm 2007.
Tiếp đó, anh nhận học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam – Mỹ (VEF) và hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton vào năm 2013. Anh tiếp tục học chương trình sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), và gia nhập Đại học Connecticut vào năm 2016 với vị trí Trợ lý Giáo sư.
Với nền tảng học thuật vững vàng và đam mê nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã nhanh chóng khẳng định tài năng trong lĩnh vực y sinh, đặc biệt với những sáng chế đột phá trong công nghệ y tế. Một trong những thành tựu đáng chú ý của anh là miếng dán vi kim tự phân hủy sinh học, cho phép phân phối thuốc và vaccine vào cơ thể người một cách hiệu quả và không gây đau đớn. Công nghệ này không chỉ mang lại sự tiện lợi cho bệnh nhân mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế, bao gồm Quỹ Bill và Melinda Gates, tài trợ cho dự án của anh lên đến 6,6 triệu USD.
Ngoài ra, Tiến sĩ Thành còn nghiên cứu và phát triển nhiều thiết bị y sinh tiên tiến, trong đó có cảm biến điện tử tự tiêu hủy và thiết bị siêu âm tự phân hủy sinh học. Đặc biệt, anh nổi bật với nghiên cứu thiết bị siêu âm có khả năng đưa thuốc vào não, mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới.
Nghiên cứu này không chỉ gây chú ý trong cộng đồng khoa học quốc tế mà còn được đánh giá cao vì khả năng giảm thiểu tác dụng phụ của các phương pháp điều trị truyền thống. Thiết bị này có thể cấy ghép vào não, phát sóng siêu âm đủ mạnh để đưa thuốc hóa trị liệu vào các tế bào ung thư mà không gây hại đến các mô lành, và sau khi thực hiện nhiệm vụ, thiết bị sẽ tự phân hủy an toàn trong cơ thể mà không cần can thiệp ngoại khoa.
Vào năm 2021, Tiến sĩ Thành cũng đã cùng các cộng sự tại Đại học Connecticut (Mỹ) đã tái tạo thành công miếng sụn đầu gối, mở ra những hy vọng điều trị mới cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp. Nhóm nghiên cứu chế tạo miếng dán từ poly-L lactic axit (PLLA), giúp kích thích tế bào gốc và tái tạo sụn khớp dưới tác động của chuyển động. Đặc biệt, miếng dán tự phân hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ, giảm nhu cầu phẫu thuật và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tiến sĩ Thành đã khẳng định tài năng và đóng góp xuất sắc của mình qua các nghiên cứu và sáng chế. Các tác phẩm của anh được xuất bản trên các tạp chí uy tín, phương tiện truyền thông lớn như: Nature, New York Times,... Với sự kiên trì và sáng tạo không ngừng, Tiến sĩ Thành đã chứng minh trí thức Việt Nam có thể vươn xa, đóng góp vào sự phát triển khoa học và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Giáo sư trẻ xuất sắc
Với những thành tựu nghiên cứu xuất sắc, năm 2024 Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đã được bầu vào lớp thành viên cấp cao của Học viện Sáng chế Mỹ (NAI). Đây là sự ghi nhận quan trọng đối với những đóng góp không ngừng của anh với khoa học toàn cầu. Thành tựu này không chỉ khẳng định tài năng và sự sáng tạo của Tiến sĩ Thành mà còn thể hiện tiềm năng vươn xa của trí thức Việt Nam trên trường quốc tế.
Những nghiên cứu đột phá của anh trong lĩnh vực y học tái tạo và công nghệ y sinh đã mở ra những phương pháp điều trị mới, mang lại hy vọng cho bệnh nhân mắc các bệnh nan y
Hơn nữa, anh đã dành nhiều giải thưởng danh giá, được bầu chọn là Giáo sư trẻ xuất sắc bởi tạp chí Journal of Biomaterials (2023). Tiến sĩ Thành cũng là một trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc của Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ (SME) năm 2018 và nằm trong Top 10 nhà sáng chế dưới 35 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do MIT bình chọn cùng năm.
Tổng hợp