Nhiệm vụ của ông Trump đối với vài trăm triệu người Mỹ, trong đó có những người đã bỏ phiếu bầu cho ông là giữ những lời hứa, những chính sách liều lĩnh, đột phá và sẽ có phần cực đoan mà ông đã đề cập khi chạy đua tranh cử.
Câu hỏi kế tiếp, có lẽ là liệu ông Trump có sửa chữa được những nguyên nhân sâu xa nhất khiến người Mỹ tức giận hay không. Giờ ông sẽ phải tìm cách chống lại chính những thứ đã tạo ra cho ông thành công trên con đường trước khi vào Nhà Trắng: Một nền kinh tế toàn cầu hóa, nhập cư, sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tất cả những vấn đề ấy không chỉ gây khó khăn cho nước Mỹ, cho ông Trump nói riêng và những vị tổng thống tiền nhiệm của ông, mà còn ảnh hưởng tới chính trường không ít quốc gia trên toàn thế giới.
Nếu thành công, ông Trump có thể tái lập lại cả một quốc gia. Nhưng trên chặng đường ấy, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng ông sẽ thay đổi hết mọi giá trị quen thuộc trên phương diện hiến pháp, thứ mà hai thế kỷ rưỡi lịch sử nước Mỹ tồn tại chưa một ai làm được.
Có lẽ, thứ giúp cho ông Trump tái đắc cử chính là sự đối nghịch đến cực đoan khi xét tới chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris, thứ được cộng đồng nhận định là quá thiên về cánh tả. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cũng nhấn mạnh vào vấn đề này, kết hợp với việc tập trung rất sâu vào những vấn đề mà người dân Mỹ đang bức xúc, bỗng nhiên mọi người nhìn vào chiến dịch tranh cử của bà Harris với một góc nhìn khác.
Chiến dịch của ông Trump đề cập tới một bản khảo sát mà bà Harris điền cho ACLU, liên đoàn tự do dân sự Hoa Kỳ vào năm 2019, khi bà chạy đua tranh cử vị trí ứng viên đảng Dân Chủ. Trong bản khảo sát ấy, bà ủng hộ việc dùng tiền thuế của người dân để hỗ trợ phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho những người di cư không giấy tờ đang bị tạm giữ.
Nhờ vào câu chuyện này, chiến dịch tranh cử của ông Trump bỏ 20 triệu USD, cho chạy quảng cáo với câu tagline nhắm tới rất nhiều đối tượng: “Kamala làm việc cho they/them, còn tổng thống Trump làm việc cho bạn.”
Đến tận bây giờ, các chiến lược gia của cả hai đảng vẫn còn đang chưa đồng thuận xem nguyên nhân ông Trump tái đắc cử đến từ đâu. Có người cho rằng chiến lược và cương lĩnh tranh cử của ông Trump đủ tạo ra khác biệt trong một cuộc đua sát nút. Người khác thì cho rằng, những khó khăn mà chính quyền tổng thống Biden và phó tổng thống Harris phải đối mặt, những thứ khiến người dân Mỹ phản đối cách chính phủ điều hành đất nước, từ tình trạng lạm phạt hậu đại dịch Covid, cho tới những ý kiến xoay quanh tình trạng sức khỏe của ông Biden… Tất cả những điều đó có vẻ là quá nhiều để ứng viên đảng Dân Chủ tìm ra được cách thuyết phục người dân Mỹ cho bà thêm cơ hội.
Cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Trump, ông rời Nhà Trắng với tỷ lệ ủng hộ thấp vô cùng. Cử tri mệt mỏi vì sự hỗn loạn trong cách hành xử của ông, cũng như bực tức với cách ông và chính quyền của ông xử lý một trong những đại dịch toàn cầu xảy ra ở quy mô chưa từng có.
Chiến thắng của ông Trump đầu tháng 11 vừa rồi hoàn toàn có thể là tác phẩm của một căn bệnh mà hầu như ai cũng mắc phải: Trí nhớ ngắn hạn. Về phần mình, ông Trump đặt niềm tin vào khả năng đàm phán của bản thân: “Chúng ta có thể dùng những từ ngữ y hệt nhau, nhưng có thể lần sau, nhìn vào mắt đối phương, bạn sẽ thành công.”
Bốn năm tới, dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, rất nhiều thứ sẽ có thể xảy ra ở nước Mỹ, hay thậm chí là trên toàn thế giới. Thời gian sẽ trả lời liệu ông có thực hiện được những lời hứa khi tranh cử hay không: Giảm chi phí sống, hồi sinh ngành sản xuất trên đất Mỹ, giảm thâm hụt kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc, và đàm phán đem hòa bình đến với nhiều vùng đất trên thế giới.
Theo Time