Nghiên cứu kỳ lạ nhưng chắc chắn sẽ nhiều anh em thích này được dẫn đầu bởi giáo sư ngành vật lý nhiệt và chất lỏng Claudio Pellegrini, thuộc đại học liên bang São João del-Rei. Câu hỏi được đặt ra, là cốc đựng bia phải có hình dáng như thế nào để giữ lạnh được lâu nhất. Và để làm được điều này, giáo sư Pellegrini cùng các cộng sự của ông đã xác định những công thức toán học và vật lý của từng loại cốc đựng bia phổ biến trên thế giới, chẳng hạn như dáng cốc tulip, pint Anh, pint Mỹ, Weizen, hay thân quen nhất với anh em ngoài quán nhậu là dáng mug, anh em hay gọi là “cái vại”…
Nguồn gốc và lịch sử của cốc bia hơi Hà Nội
Mình rất bất ngờ khi được bạn bè kể về nguồn gốc và người đã thiết kế ra cốc bia hơi Hà Nội huyền thoại này, thấy hay quá nên chia sẻ lại cho anh em. Người thiết kế ra chiếc cốc là hoạ sĩ Lê Huy Văn hiện đang sống tại Hà Nội.
Nghiên cứu của các nhà vật lý học Brazil cũng chỉ giữ những công thức và điều kiện cơ bản khiến bia rót ra ly bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như tác động của lớp bọt bia, và quá trình truyền nhiệt từ tay người qua lớp thành cốc. Rồi những quá trình đó được đánh giá kèm những thông số của cốc bia, ví dụ như chiều cao của cốc, đường kính đáy, đường kính chỗ phình ra lớn nhất của cốc, hay chiều cao của lượng bia rót trong cốc…
Nhưng kết luận lại, họ nghiên cứu ra được, để cốc giữ lạnh được lâu nhất, thì trông nó phải như hình dưới đây, xét trên cả hai đơn vị tính Imperial pint (khoảng 568ml) và American pint (khoảng 473 ml):
Với nghiên cứu này, giáo sư Pellegrini chỉ tập trung vào những loại cốc thủy tinh trong suốt, và hầu hết trong số đó đều có đế khá dày hoặc cao hơn so với mặt bàn. Ông cho biết:
“Ở những quốc gia nhiệt đới như Brazil, vấn đề muôn thuở là giữ bia lạnh trong quá trình sử dụng, đặc biệt là ở những khu vực ven biển.”
“Quá trình diễn ra cơ bản là đơn giản: Bạn gọi bia, bồi bàn mang tới, rồi uống. Quá trình cứ thế lặp đi lặp lại. Nhưng ngay ở thời điểm bia được rót ra cốc, nó đã bắt đầu quá trình chuyển nhiệt với môi trường xung quanh, và quá trình này diễn ra cho tới khi đạt được cân bằng nhiệt với cả môi trường lẫn cốc đựng. Đó là thứ không một ai mong muốn cả. Tùy vào chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ của bia, chỉ cần vài phút là không thể uống được nữa. Ví dụ một trường hợp như ngoài bờ biển ở nhiệt độ 38 độ C, tính toán của chúng tôi là chỉ cần 3 phút là quá trình chuyển nhiệt hoàn tất, bia hết lạnh.”
Nghiên cứu của các nhà vật lý học Brazil cho thấy, hóa ra cũng đã có thiết kế cốc bia tối ưu cho việc giữ lạnh món đồ uống có cồn này rồi. Chiếc cốc cao và miệng loe trong hình đầu tiên không khác gì thiết kế cốc Pilsner cả. Đương nhiên cốc Pilsner cũng có vài dáng vẻ để tăng tính thẩm mỹ, nhưng giữ lạnh tốt nhất là dáng miệng loe, thay vì miệng cốc thắt lại. Dựa theo tính toán, đây là hình dáng cốc cho phép trữ lạnh lâu nhất.
Lý do giáo sư Pellegrini thực hiện cuộc nghiên cứu này, bên cạnh “lợi ích cá nhân”, ông chia sẻ một cách hài hước, là để giúp các sinh viên của ông quan tâm hơn tới những khía cạnh học tập và nghiên cứu đôi khi có phần trừu tượng, khô khan và không hấp dẫn.
Theo New Atlas