Đăng lúc 20:36 07.11.2024
Theo bạn, loại nước nào không bao giờ đóng băng?
Trong bối thị trường lao động cạnh tranh hiện nay, trí tuệ cảm xúc (EQ) đang trở thành "tấm vé thông hành" quyết định cho các vị trí công việc hấp dẫn. Ngay từ vòng phỏng vấn, các nhà tuyển dụng đã rất quan tâm đến khả năng cảm nhận và kiểm soát cảm xúc của ứng viên. Việc đặt ra những câu hỏi hóc búa nhằm mục tiêu tìm kiếm những cá nhân không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn sở hữu EQ cao để phù hợp với môi trường làm việc ngày càng phổ biến ở nhiều công ty.
Một cô gái trẻ ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ lên trang cá nhân về câu hỏi mà mình đã gặp trong buổi phỏng vấn. Bài đăng nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Cụ thể, bên cạnh những câu hỏi chuyên môn, nhà tuyển dụng đã đặt ra cho cô gái một câu hỏi: "Loại nước nào không bao giờ đóng băng?". Và đối với một nữ ứng viên chưa đầy 24 tuổi cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm mà nói, câu hỏi này thực sự quá "khó nuốt".
Thoạt đầu, cô gái không chút do dự trả lời: "Em nghĩ là mồ hôi", nhưng người phỏng vấn lại không đồng tình mà nói rằng sai rồi. Cô gái suy nghĩ một chút rồi nói tiếp: "Vậy thì là nước nóng ạ". Nhưng câu trả lời vẫn không được công nhận... Cuối cùng, cô gái chỉ có thể thẳng thắn thừa nhận rằng mình không biết câu trả lời. Và kết quả không nằm ngoài dự đoán, cô gái trẻ đã trượt vòng này.
Sau khi thất bại trong cuộc phỏng vấn, cô gái đã tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè trên mạng. Và nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một số người cho rằng, cô đã đơn giản hóa vấn đề quá mức, khiến câu trả lời trở nên nhàm chán. Trong khi đó, số khác lại nghi ngờ về tính hợp lý của những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra. Họ cho rằng, những câu hỏi ấy chỉ nhằm mục đích đánh đố và hoàn toàn vô nghĩa.
Thực tế, ở những công ty lớn, sự cạnh tranh trong hành trình tìm kiếm việc làm là vô cùng khốc liệt. Để tuyển chọn được những ứng viên xuất sắc, các nhà tuyển dụng thường sử dụng câu hỏi mở như một "bài kiểm tra" đánh giá năng lực tư duy, sự nhanh nhạy và khả năng ứng biến của ứng viên. Không chỉ nội dung câu trả lời, mà cả cách ứng viên thể hiện bản thân dưới áp lực cũng là những yếu tố quan trọng được nhà tuyển dụng quan tâm.
Phương pháp phỏng vấn phi truyền thống này cũng phản ánh sự chú trọng của công ty vào sự phù hợp với văn hóa. Các công ty nhỏ muốn ứng viên có khả năng thích ứng, trong khi các cuộc phỏng vấn tại các công ty lớn hơn lại có khả năng tư duy chặt chẽ hơn.
Dưới đây là một số gợi ý cho bạn về các cách gây ấn tượng khi nhận được những câu hỏi “khó đỡ” của nhà tuyển dụng:
1. Hãy luôn bình tĩnh
Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất đối với ứng viên chính là giữ bình tĩnh. Khi bạn quá lo lắng, khả năng tư duy logic và sáng tạo sẽ bị hạn chế. Điều này dẫn đến việc bạn đưa ra những câu trả lời thiếu thuyết phục, thậm chí là những sai lầm không đáng có, khiến bạn dễ dàng vụt mất cơ hội. Hãy hít thở thật sâu, dù không thể thay đổi tình huống khó xử này nhưng bạn sẽ luôn tìm được ra cách giải quyết…nếu bạn bình tĩnh!
2. Xem xét mục đích thực sự của câu hỏi
Nếu bạn cũng gặp một câu hỏi "khó đỡ" tương tự như cô gái trẻ ở trên, thì hãy xem xét xem động cơ đằng sau câu hỏi là gì? Lý do nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi đó có thể không liên quan gì đến việc kiểm tra kiến thức về vật lý, hoá học của bạn như thế nào…Thay vào đó, những gì họ muốn biết là cách xử lý tình huống, tư duy của bạn ra sao. Vậy nên, dựa vào câu trả lời của bạn, họ có thể nhìn nhận ra những vần đề tiềm ẩn trong con người bạn.
3. Thể hiện sự tự tin và nhiệt huyết
Sự tự tin là chìa khóa để bạn tỏa sáng trong buổi phỏng vấn. Ngay cả khi gặp phải những câu hỏi hóc búa, hãy thể hiện sự nhiệt huyết và quyết tâm tìm ra câu trả lời. Việc giao tiếp bằng mắt chân thành sẽ giúp bạn tạo dựng một ấn tượng tích cực và thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng. Hãy nhớ, sự tự tin không chỉ đến từ kiến thức mà còn từ thái độ và niềm tin vào bản thân.
Thành công trong một buổi phỏng vấn không chỉ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn mà còn ở sự phù hợp với văn hóa công ty. Việc chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, hình ảnh và phong cách ứng xử sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm với nhà tuyển dụng. Đặc biệt, khả năng giữ bình tĩnh và suy nghĩ linh hoạt trước những tình huống bất ngờ sẽ giúp bạn chứng minh mình là một ứng viên phù hợp mà công ty đang tìm kiếm.