Đăng lúc 10:49 12.10.2024
Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo, cho biết huyện Thủy Nguyên được định hướng thành thành phố trực thuộc thành phố.
Vì vậy, dự thảo Nghị quyết bổ sung một số cơ chế như Hải Phòng được bố trí không quá 4 phó chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố. Số lượng phó chủ tịch UBND quận có không quá 3 người và số lượng phó chủ tịch phường không quá 2 người.
Theo quy định hiện hành, TP Hà Nội và TP HCM có không quá 5 phó chủ tịch UBND; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 phó chủ tịch. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại 1 có không quá 3 phó chủ tịch; thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại 2, loại 3 có không quá hai phó chủ tịch.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất tăng một phó chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc TP Hải Phòng. Đại biểu hoạt động chuyên trách cũng được bổ sung để bố trí các chức danh Trưởng ban, Phó ban chuyên trách Ban Đô thị.
Như vậy, mô hình HĐND TP Thủy Nguyên khi thành lập có 2 phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu chuyên trách. Theo quy định hiện hành, HĐND cấp tỉnh có một đến hai phó chủ tịch; cấp huyện có một phó chủ tịch.
Theo đề án của TP Hải Phòng, Thủy Nguyên được hướng tới là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục.
Hải Phòng chủ trương chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố, chuyển đổi hai huyện An Dương và Kiến Thụy thành đơn vị hành chính cấp quận.
Hồi cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện để mở rộng quận Hồng Bàng, thành lập quận An Dương và TP Thủy Nguyên.
Đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ có 9 quận gồm 7 quận hiện nay là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh và hai quận mới An Dương, Kiến Thụy, một thành phố loại 3 Thủy Nguyên và 5 huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bạch Long Vỹ, Cát Hải.
Sau năm 2030, các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng được xây dựng thành thị xã, huyện Cát Hải thành quận biển đảo.
TP Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000 ha, định hướng là đô thị loại 3 vào năm 2025, hướng tới đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố.
Đến năm 2035, thành phố có khoảng 600.000 người và đến 2045 khoảng 725.000 người.
Địa phương này được quy hoạch là khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của TP Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá cấp vùng; trọng điểm về phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; động lực phát triển kinh tế biển.
Hiện huyện Thủy Nguyên có dân số và diện tích lớn nhất TP Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn, xấp xỉ 334.000 người.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên, thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 hơn 11.721 tỷ đồng; đạt 395,7% dự toán, tăng 468% so với năm 2022.
Trong đó, thu thường xuyên đạt gần 2.635 tỷ đồng, bằng 131,1% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 9.073,8 tỷ đồng, bằng 955,1% dự toán (gồm các dự án thành phố trên địa bàn huyện). Riêng khoản thu tiền sử dụng đất đóng góp lớn, chiếm 90% tổng thu tiền sử dụng đất của TP. Số thu ngân sách 2023 là mức thu cao nhất trong những năm gần đây của huyện này.
Năm 2024, huyện Thuỷ Nguyên dự toán thu ngân sách đạt 2.832 tỷ đồng, bằng 102,3% so với ước thực hiện năm 2023 (ước thực hiện năm không bao gồm các dự án TP với hơn 1.199 tỷ đồng).