CHƯƠNG 10: ĐƯỜNG ĐẾN PHONG CÁCH SỐNG GIÀU CÓ HƠN
Trong vai trò người thầy của mình, Shoaff liên tục thử thách tôi. Ngay khi tôi vừa áp dụng những nguyên tắc của ông ấy trong một lĩnh vực, ông ấy liền đưa ra những nguyên tắc nền tảng quan trọng khác.
Ngay khi tôi bắt đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường và kiếm được nhiều tiền hơn, ông ấy bảo: “Jim, đừng chỉ học cách kiếm tiền, hãy học cách sống!”
Tôi đã không hiểu. Thực tế, tôi thậm chí còn không chú ý nhiều đến điều đó. “Đây là mình”, tôi nghĩ, “làm việc cật lực, tranh đấu để đạt mục đích, nhìn thấy thành công. Ông ấy đang nói về chuyện gì vậy? Ông ấy nghĩ tôi đang đánh mất điều gì vậy? Còn có điều gì khác sao?”
Đọc được ý nghĩ của tôi, Shoaff cười và bảo: “Jim, một vài người có những thứ đẹp đẽ vây quanh họ nhưng chỉ cảm thấy đôi chút hạnh phúc; một số người khác cất giấu những món tiền khổng lồ nhưng lại nghèo nàn về tinh thần và có rất ít niềm vui. Tôi muốn cậu học được nghệ thuật thiết kế một phong cách sống, nghệ thuật của việc học được cách sống.”
“Tốt thôi,” tôi đáp: “Tôi có thể học điều này khi kiếm được thực sự nhiều tiền. Hiện thời tôi chỉ nên học để kiếm tiền, ông không nghĩ vậy sao?”
“Không Jim à”, ông ấy nói, lắc đầu, “người ta dễ học nghệ thuật thiết kế phong cách sống hơn với số tiền nhỏ. Thực tế chỉ mất hai đồng 25 xu.”
“Hai đồng 25 xu?” Tôi thốt lên. “Làm sao có ai có khả năng phát triển một phong cách sống với hai đồng 25 xu?”
Shoaff mỉm cười. Người bán hàng hoàn hảo này, ông ấy biết đã thu hút hoàn toàn sự chú ý của tôi. “Giả sử cậu đang muốn cho đôi giày của mình sáng loáng. Cậu bé đánh giày đang làm việc khó tin đó cho cậu. Thực tế, cậu có được một trong những đôi giày bóng loáng nhất trên thế giới. Khi cậu trả tiền cho sự bóng loáng này, cậu nghĩ sẽ bo kiểu gì cho cậu bé đánh giày. Cậu nghĩ, ‘Mình nên bo cho chú bé một hay hai đồng 25 xu đây?’ Nếu có hai con số trong đầu cậu, hãy luôn chọn con số lớn hơn; trở thành người hai đồng 25 xu”.
“Chắc mình đã bỏ qua điều gì đó,” tôi nghĩ. Bối rối, tôi hỏi: “Điều đó tạo nên sự khác biệt gì – một đồng 25 xu hay hai đồng 25 xu?”
“Nó tạo nên mọi khác biệt trên thế giới này. Nếu cậu nói: ‘Ừ, tôi chỉ cho chú bé một đồng 25 xu’, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cậu suốt thời gian còn lại trong ngày. Cậu sẽ bắt đầu cảm thấy một chút tội lỗi, chỉ là một tí không an tâm. Thỉnh thoảng trong ngày cậu lại nhìn vào sự bóng loáng của lớp da và bảo: Mình thật là rẻ tiền. Chỉ bo một đồng 25 xu tệ hại cho sự tỏa sáng như thế này!”
“Mặt khác”, ông ấy nói thêm, “nếu cậu bo hai đồng 25 xu cậu sẽ thấy thành đạt và tự tin suốt cả ngày. Cậu không thể ngờ được sự khác biệt về tinh thần mà hai đồng 25 xu có thể tạo ra.”
Nhiều năm sau, một người đàn ông ở Detroit đến gặp tôi sau buổi hội thảo và nói: “Ông Rohn, tối nay ông đã làm tôi hết sức ấn tượng bằng những diễn tả về thái độ với hai đồng 25 xu. Tôi đã quyết định thay đổi toàn bộ cuộc sống của mình. Một ngày nào đó ông sẽ nghe về tôi.” Và rồi ông ấy đi.
Đúng vậy, vài tháng sau, khi tôi lại có dịp giảng bài tại Detroit, cũng người đàn ông ấy đi lên bục với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt và nói: “Ông còn nhớ tôi không?”
“Dĩ nhiên là nhớ”, tôi trả lời. “Ông là người đã nói là sẽ thay đổi cuộc sống của mình.”
Ông ấy gật đầu và nói: “Tôi phải kể cho ông nghe một câu chuyện.”
“Sau cuộc hội thảo của ông lần trước, tôi bắt đầu suy nghĩ về những cách thức để bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình và tôi quyết định bắt đầu với gia đình mình. Tôi có hai cô con gái đáng yêu đang độ tuổi thiếu niên – những đứa trẻ tuyệt vời nhất mà ai cũng mong muốn. Chúng chưa bao giờ làm tôi phiền lòng. Tuy nhiên, tôi luôn nghiêm khắc với chúng. Cả hai đứa đều rất thích được dự những buổi trình diễn nhạc rock để được xem các nghệ sĩ mà chúng yêu thích nhất. Thế nhưng tôi luôn nghiêm khắc với các cháu về việc này. Chúng thường xin phép đi xem và tôi bảo: ‘Không, bố không muốn các con đến đó. Nhạc quá ồn. Các con sẽ hủy hoại thính giác của mình. Hơn nữa, đó là một đám đông không ra gì.’”
Thế rồi chuyện này cứ luôn lặp lại như vậy. Chúng van xin: ‘Bố, xin bố, chúng con muốn đi. Chúng con sẽ không gây phiền lòng tí nào đâu. Chúng con là con ngoan mà. Cho chúng con đi nhé’.
Sau khi các cháu nài nỉ mãi tôi cũng ngần ngừ quẳng tiền cho chúng và nói: ‘Được rồi, nếu tụi con nhất định phải xem cái thứ tồi tệ đó…’
Đó là lúc tôi quyết định bắt đầu thực hiện vài thay đổi trong cuộc sống của mình. Đây là những gì tôi đã làm: Tôi thấy thông báo về buổi trình diễn có một trong những nghệ sĩ mà con gái mình yêu thích nhất, vì thế tôi đến phòng vé và tự mình mua vé. Khi về đến nhà tôi trao cho các cháu một phong bì và nói: ‘Đây là vé của buổi trình diễn nhạc rock sắp đến. Bố biết đây là một trong những nhóm nhạc các con yêu thích nhất’.”
“Jim,” người đàn ông tiếp tục, nước mắt ngân ngấn, “phải chi ông thấy được vẻ mặt của chúng. Tôi bảo chúng những ngày van xin đã qua rồi. Chúng ôm tôi chặt biết bao! Rồi tôi bảo chúng phải hứa rằng sẽ không mở phong bì cho đến khi có mặt ở buổi diễn.”
“Và ông biết chuyện gì không! Vì tôi mua vé hàng thứ mười khu vực giữa nên tôi cực kỳ vui suốt cả buổi tối chỉ để tưởng tượng sự phấn khích của chúng. Phần thưởng thực sự của tôi đã đến khi chúng về nhà. Một trong hai đứa xà vào lòng tôi còn đứa kia thì ôm cổ tôi và cả hai nói: ‘Bố, bố là người tuyệt vời nhất’.”
Thật là một câu chuyện kỳ diệu! Và thật là một minh họa thuyết phục về tính khả thi của việc biến chuyển phong cách sống của một người chỉ bằng một thay đổi nhỏ về thái độ. Đó chỉ là việc học được sự phóng khoáng trong tinh thần và học được cách phát triển tâm trí hai đồng 25 xu trong một thế giới suy nghĩ theo kiểu một đồng 25 xu.
CÙNG SỐ TIỀN, KHÁC PHONG CÁCH
Đây là một ý nghĩ quan trọng: Hạnh phúc với những gì bạn có trong khi theo đuổi những gì bạn muốn.
Tôi cố để sống theo cách này mỗi ngày trong đời mình.
Thật ra cũng không quá khó để học nghệ thuật sống. Ngay cả những người có các phương tiện khiêm tốn nhất cũng có thể trải nghiệm một phong cách sống tinh tế. Họ chỉ đơn giản tiết kiệm tiền mua vài chai nước có ga để mua một chai vang ngon. Hay họ bỏ qua một số buổi đến rạp chiếu phim để đến nhà hát một buổi. Hoặc họ tiết kiệm tiền suốt cả năm để có đủ tiền cho một chuyến đi châu Âu.
Đừng lãng phí tiền bạc của bạn dù chỉ một đồng 25 xu. Hãy tiết kiệm và mua những thứ đặc biệt – chất lượng cao, giá trị vĩnh viễn hay những thứ sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm sâu sắc cho cả đời. Nên nhớ, tất cả tiền mua kẹo có thể cộng dồn thành một gia tài nhỏ. Và với một người tinh tế, chất lượng quan trọng hơn nhiều so với số lượng. Thà có một vài báu vật còn hơn là một nhà đầy những thứ linh tinh.
Phong cách sống, như tôi xác định ở đây, là vấn đề của nhận thức, giá trị, giáo dục và kỷ luật. Đó là một nghệ thuật để mang lại niềm vui khi thực hành. Đó là quyết định có chủ đích để nhấm nháp và hưởng thụ mọi trải nghiệm và khả năng của cuộc sống.
Sống có phong cách, đồng nghĩa với việc mở rộng kiến thức và kinh nghiệm của bạn nhờ ảnh hưởng của sách, con người, phim ảnh và những chuyến phiêu lưu mới. Vì thế hãy cẩn trọng để thưởng thức và học hỏi từ mọi thứ, mọi người mà bạn sẽ tiếp xúc.
Hãy nghĩ về vài việc mà bạn có thể làm trong hôm nay để khiến bạn cảm thấy giàu có hơn, tốt hơn cho chính mình và cuộc đời của mình; hãy gọi điện thoại để đặt vé một buổi hòa nhạc, mua một vài bản ghi âm nhạc hay, gửi hoa, gửi thiệp cảm ơn, lên kế hoạch cho một chuyến đi, bắt đầu đọc những tác phẩm cổ điển.
Vẫn chưa nghĩ được điều gì để làm ư? Tôi cá là trong bán kính khoảng 20 cây số tính từ chỗ bạn đang đứng cũng có vài nơi bạn chưa từng thấy, vài món ăn bạn chưa từng nếm, vài kinh nghiệm mà bạn chưa từng trải qua.
Điều đó cũng đúng với tôi. Như bạn biết, tôi sinh trưởng ở Idaho, nơi có một phần của công viên quốc gia vĩ đại Yellowstone. Thế mà tôi chưa từng đến Yellowstone. Tưởng tượng xem! Hàng triệu người trên khắp thế giới đổ về đây để xem những chú gấu xám và suối nước nóng phun Old Faithful, còn tôi, một người Idaho lại chưa từng đến đó. Tôi đã đến châu Phi nhưng chưa đến Yellowstone.
Bạn có câu chuyện “Yellowstone” của cuộc đời mình không? Bạn có phải là người New York nhưng chưa từng đến tượng Nữ thần Tự do không? Hay bạn là người Texas nhưng chưa từng đến pháo đài Alamo? Thế thì, giống tôi, bạn đang đánh mất một vài cơ hội tuyệt vời để cảm nhận một phong cách sống rộng mở.
Chúng ta hãy thiết lập những mục đích mới để không bỏ sót bất kỳ điều gì, đặc biệt là những việc nằm trong tầm tay mình. Điều đó có thể cần ở chúng ta một chút chủ động nhưng hãy nghĩ về những phần thưởng đang chờ đợi chúng ta! Tất cả những gì chúng ta cần làm là cho phép một hành động có chủ đích được thực hiện từ một ý nghĩ độc đáo. Và hành động này sẽ bắc cầu cho ước mơ của chúng ta với việc hiện thực hóa một trải nghiệm mới.
Giờ đây bạn đã biết rằng tôi vô cùng kính trọng giá trị của sự giàu có vật chất trong cuộc sống. Nhưng đôi lúc tiền bạc lại được đánh giá quá cao, thậm chí là tôn sùng. Nó thường được gán cho nhiều sức mạnh mà nó thực ra không sở hữu.
Tôi nhớ đã từng nói với Shoaff: “Nếu tôi có nhiều tiền hơn tôi sẽ hạnh phúc.” Nhưng ông ấy trả lời: “Chìa khóa của hạnh phúc không phải là nhiều hơn. Hạnh phúc là một nghệ thuật phải được học và thực hành. Nhiều tiền hơn chỉ làm cậu có nhiều hơn những thứ mình đã có. Nhiều tiền hơn chỉ đưa cậu tiến nhanh hơn đến số phận của mình. Vì thế nếu cậu có xu hướng không hạnh phúc thì cậu chỉ sẽ đau buồn một cách tráng lệ khi có nhiều tiền hơn thôi. Nếu cậu có khuynh hướng ác ý thì sự giàu có sẽ làm cậu trở thành một hung thần. Và nếu cậu có khuynh hướng nhậu nhẹt hơi nhiều thì nhiều tiền hơn chỉ giúp cậu lãng phí chính mình trong rượu mà thôi.
“Ngược lại, nếu cậu làm chủ được nghệ thuật của phong cách sống và hạnh phúc thì nhiều tiền hơn sẽ giúp cậu khuếch đại hạnh phúc và sự giàu có nội tâm của mình.”
Phong cách sống là một nghệ thuật – nghệ thuật sống. Bạn không thể mua phong cách bằng tiền. Bạn không thể mua gu thẩm mỹ tốt bằng tiền. Bạn chỉ có thể mua nhiều hơn bằng tiền.
Phong cách sống là văn hóa – sự hưởng thụ âm nhạc, khiêu vũ, nghệ thuật, điêu khắc, văn chương và kịch. Đó là gu riêng đối với những gì tốt, độc đáo và đẹp.
Mortimer Adler, triết gia, nói: “Nếu chúng ta không đi đến gu cao hơn, chúng ta sẽ chấp nhận những cái gu thấp hơn.”
Vì thế hãy xem xét lại những gì chúng ta cần tìm kiếm. Đó là cách có được cái tốt nhất trong thời gian có sẵn của chúng ta. Đó không phải là số lượng, đó là giá trị.
Phong cách sống cũng có nghĩa là tưởng thưởng cho sự xuất sắc dù bạn tìm thấy nó ở đâu bằng cách không chấp nhận những thứ nhỏ nhặt của cuộc sống một cách đương nhiên. Hãy để tôi minh họa điều này bằng một giai thoại cá nhân:
Bà bạn của tôi và tôi đang trên chuyến đi đến Carmel, bang California để mua sắm và khám phá. Trên đường đi chúng tôi đã dừng lại ở một trạm nghỉ. Ngay khi tôi đậu xe trước trụ bơm, một thanh niên trẻ chừng 18, 19 nhanh nhẹn tiến đến chiếc xe với nụ cười rộng mở nói: “Tôi có thể giúp gì cho ông?”
“Có”, tôi trả lời. “Làm ơn đổ đầy bình xăng.”
Tôi đã không chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó. Trong thời buổi của tự phục vụ và đối xử với khách hàng ngày càng kém, chàng trai trẻ này kiểm tra từng vỏ xe, rửa từng cửa kiếng – thậm chí cả cửa mui – hát và huýt gió trong suốt thời gian đó. Chúng tôi không thể tin được cả chất lượng dịch vụ lẫn thái độ lạc quan của cậu ấy về công việc của mình.
Khi cậu ấy mang hóa đơn lại, tôi nói với chàng trai: “Này, cậu chăm sóc chúng tôi thật tốt. Tôi cảm kích về điều đó.”
Cậu ta trả lời: “Tôi thực sự thích làm việc. Đó là niềm vui đối với tôi và tôi còn được gặp những người tốt bụng như quý vị.”
Cậu trai này thật đặc biệt!
Tôi nói: “Chúng tôi đang trên đường đến Carmel và muốn mua một ít sữa. Cậu có thể cho chúng tôi biết siêu thị gần nhất ở đâu không?”
“Có một siêu thị cách đây vài dãy nhà”, cậu vừa nói vừa chỉ hướng chính xác cho chúng tôi. Sau đó cậu nói thêm: “Đừng đậu trước cửa siêu thị – hãy đậu đâu đó bên cạnh đó để xe của ông không bị đụng vào hông.”
Thật là một chàng trai tuyệt vời!
Khi chúng tôi đến siêu thị, mua sữa và thay vì mua hai chúng tôi đã gọi ba ly. Rồi chúng tôi lái xe trở lại trạm nghỉ. Anh bạn trẻ của chúng tôi phóng đến để chào đón chúng tôi. “À, quý khách đã mua được sữa rồi.”
“Đúng vậy và ly này là của cậu!”
Cậu ấy há hốc mồm: “Cho tôi?”
“Đương nhiên. Với tất cả sự phục vụ tuyệt vời của cậu dành cho chúng tôi, tôi không thể chia tay cậu mà không đền đáp bằng ly sữa này.”
“Chà!” cậu ấy kinh ngạc.
Khi chúng tôi lái xe đi tôi có thể thấy cậu ấy trong kính chiếu hậu đứng ngây ra, cười tận mang tai.
Hành động phóng khoáng này khiến tôi tốn kém bao nhiêu? Chỉ khoảng hai đôla. (Con số này có con đường để xuất hiện, nhỉ?) Bạn thấy đó, vấn đề không phải là tiền, đó là phong cách.
Ngày hôm đó tôi đã cảm thấy đặc biệt hứng khởi. Khi chúng tôi tới Carmel tôi lái xe thẳng đến tiệm bán hoa. Khi bước vào trong, tôi nói với người bán hoa: “Tôi cần một đóa hồng cuống dài cho quý bà của tôi mang theo khi chúng tôi mua sắm ở Carmel.”
Người bán hoa, thuộc loại hơi thiếu lãng mạn, trả lời: “Chúng tôi bán chúng theo tá.”
“Tôi không cần đến một tá”, tôi bảo, “chỉ một bông”.
“Được thôi,” ông ta trả lời kẻ cả, “Ông phải trả hai đô la đấy”.
“Tuyệt”, tôi thốt lên. “Không có gì tệ hơn một đóa hồng rẻ tiền.”
Chọn đóa hồng với chút cẩn thận, tôi trao nó cho bạn mình. Cô ấy cực kỳ ấn tượng! Và chi phí? Hai đôla. Chỉ hai đôla. (Một lát sau cô ấy nhìn tôi và nói: “Jim, hôm nay chắc tôi là người phụ nữ duy nhất ở Carmel mang theo một đóa hồng”.)
Bên cạnh bài học hai đồng 25 xu, Shoaff còn dạy tôi một bài học khác về tiền bo (tip). Ông ấy giảng giải cho tôi rằng từ “tip” xuất phát từ cụm từ “bảo đảm cho sự kịp thời”.
“Giờ đây”, ông ấy nói, “nếu tiền bo nghĩa là bảo đảm cho sự kịp thời, vậy nên bo lúc nào?”
Tôi biết ông ấy đang muốn dẫn dắt đến điều gì nhưng tôi vẫn suy nghĩ “trung bình”. “Khi ông dùng một bữa ăn và được phục vụ tốt, ông để lại tiền bo. Nếu ông được phục vụ tệ, không bo”, tôi trả lời.
“Không, Jim, cậu không hiểu. Những người hiểu biết không đánh cược với sự phục vụ tốt. Họ bảo đảm cho sự phục vụ tốt bằng cách cho tiền trước.”
Thử xem. Lần tới nếu cậu có một bữa ăn đặc biệt tại một nhà hàng, yêu cầu người phục vụ đến bàn của mình, choàng vai người đó và nói: “Đây là năm đôla. Cậu sẽ phục vụ tôi và bạn của mình thật tốt nhé?”
Như Shoaff bảo: “Cậu không ngờ được điều gì sẽ xảy ra. Họ sẽ luôn lượn quanh bàn của cậu. Cậu không phải tự hỏi những người phục vụ ở đâu hay phải chờ đợi để có tách cà phê thứ hai.”
Bạn có nắm được thông điệp này không? Cùng số tiền, khác phong cách.
TÌNH YÊU VÀ TÌNH BẠN
Sống cuộc sống có phong cách cũng có nghĩa là sống một cuộc sống cân bằng. Và một trong những thành phần quan trọng nhất của cuộc sống cân bằng là có ai đó để yêu và người đó yêu bạn. Nếu bạn có một ai đó để chăm sóc thì không có gì giá trị hơn. Việc một người chăm sóc một người khác thể hiện cuộc sống ở mức sung mãn nhất của nó.
Hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tình yêu của mình. Không cho phép bất kỳ thứ gì chắn ngang. Nếu có chiếc ghế chắn lối đi, tôi đề nghị bạn phá hủy chiếc ghế. Không cho phép thứ gì ngăn cản tình yêu.
Từ lâu đã có một câu nói thông thái: “Có rất nhiều kho báu nhưng vĩ đại nhất trong số đó là tình yêu.” Nói cách khác, thà sống trong một căn lều trên bờ biển và biết được tình yêu còn hơn là sống trong một lâu đài mà hoàn toàn cô độc. Gia đình bạn và tình yêu của bạn phải được vun xới như một khu vườn. Thời gian, nỗ lực và trí tưởng tượng phải được vận dụng thường xuyên để giữ cho khu vườn nở hoa và xanh tốt.
Sau tình yêu, tình bạn là điều quan trọng nhất. Nó là vô giá. Những người bạn tuyệt vời biết mọi điều về bạn và vẫn yêu quý bạn. Bạn bè là những người đến với bạn khi tất cả những người khác bỏ đi. Và vì cuộc đời không có gì bảo đảm, hãy chắc chắn, khi đang còn thăng tiến, kết bạn vói những người sẽ bên cạnh mình khi bạn khốn khó. Cuộc đời có đủ cả thăng trầm và bạn bè, những người bạn thực sự sẽ làm cho những thăng tiến trở nên vui vẻ hơn và những khốn khó ít trầm trọng hơn.
Tôi thực sự có được một người bạn như thế. Nếu tôi gặp một chuyện gì đó thật kinh khủng, chính anh ấy là người tôi sẽ gọi điện. Bạn có biết tại sao tôi gọi cho anh ấy không? Đúng vậy, vì anh ấy sẽ đến. Lúc đó mới là một người bạn – người sẽ ở bên bạn trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Và tôi biết nếu cần tốn cả gia tài để cứu thoát tôi, anh ấy sẽ sẵn lòng. Và nếu cần một thời gian dài, anh ấy vẫn theo đuổi dù phải mất bao lâu chăng nữa. Đó là một người bạn thực sự. Tôi hi vọng bạn có được một người bạn như thế.
Tôi cũng có vài người bạn thông thường, những người quen biết thường nói: “Gọi cho tôi khi anh quay lại Mỹ nhé.” Tôi đoán là tất cả chúng ta đều có bạn bè như thế. Vấn đề chỉ đến khi chúng ta bối rối về vai trò của họ trong cuộc sống của mình khi cần một tình bạn thực sự.
Để kết luận, hãy nhớ điều này: Cuộc sống tốt đẹp không phải là số lượng; đó là thái độ, hành động, ý tưởng, sự khám phá, tìm kiếm. Cuộc sống tốt đẹp đến từ phong cách sống đã được phát triển toàn diện bất chấp số dư tài khoản ngân hàng của bạn là bao nhiêu; từ phong cách sống đổ đầy nhiên liệu ước vọng của bạn để trở thành một người có những giá trị và thành tựu sâu sắc. Sau cùng, đâu là sự thịnh vượng mà không cá tính, chăm chỉ mà không nghệ thuật, số lượng mà không chất lượng, kinh doanh mà không thỏa mãn và sở hữu mà không sung sướng?
Bạn có thể trở thành một con người văn hóa bổ sung cho văn hóa tổng thể. Bạn có thể là con người giàu có và quyền lực khác thường sở hữu phong cách và cá tính có thể đem lại những lợi ích nhất định cho con cái bạn và những đứa trẻ xung quanh bạn.
CHƯƠNG 11: CÁI NGÀY XOAY CHUYỂN CUỘC ĐỜI BẠN
Chúng ta đã cùng nhau đi một đoạn đường dài. Trong cuốn sách này, tôi đã chia sẻ một bữa tiệc ý tưởng với bạn – những chiến lược chắc chắn để thỏa mãn sự ngon miệng của bạn với bữa tiệc của cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ với bạn một âu lo.
Bạn thấy đó, nếu bạn hoàn toàn nắm vững mọi thông tin trong cuốn sách này, bạn có thể tự gọi mình là một chuyên gia về các nguyên tắc của sự thịnh vượng và hạnh phúc. Tại sao, vì bạn thậm chí có thể giảng một bài khá ấn tượng về những khía cạnh triết lý của thành công.
Nhưng bạn phải làm nhiều hơn trong cuộc sống chứ không chỉ biết lý thuyết về cách thức mà mọi chuyện được giả định sẽ vận hành. Trong hệ thống kinh doanh tự do, bạn phải hành động để làm mọi chuyện xảy ra. Chỉ có kiến thức được ứng dụng mới có ý nghĩa.
Thế thì làm thế nào để bạn có thể bắt chiếc cầu nối liền sự cách biệt giữa kiến thức và hành động? Liệu có thành phần thứ ba đóng vai trò như một chất xúc tác không? May mắn thay là có. Đó là cảm xúc của chúng ta.
CẢM XÚC
Cảm xúc là những nguồn lực mạnh mẽ nhất bên trong chúng ta. Dưới sức mạnh của cảm xúc con người có thể thực hiện những hành động anh hùng nhất (cũng như hành vi man rợ nhất). Xúc cảm là nhiên liệu và trí óc là hoa tiêu để phối hợp với nhau lái con tàu tiến bộ văn minh.
Loại xúc cảm nào làm con người hành động? Có bốn loại căn bản; mỗi loại hay sự phối hợp của một số loại có thể kích hoạt hành động khó tin nhất. Cái ngày mà bạn cho phép những cảm xúc này nạp nhiên liệu cho ước vọng của bạn thì đó cũng là ngày bạn sẽ xoay chuyển đời mình.
Chán ghét
Mọi người thường không đánh giá từ “chán ghét” ngang với hành động tích cực. Nhưng nếu được truyền đi thích hợp, sự chán ghét có thể thay đổi cuộc đời của một con người.
Người cảm thấy chán ghét đã đạt đến ngưỡng không thể quay lại. Người đó đã sẵn sàng thách đấu với chính cuộc sống và nói: “Ta không thể chịu đựng được nữa!” Đó là điều tôi đã nói sau kinh nghiệm ê chề của mình với cô bé hướng đạo sinh và gói bánh quy giá hai đôla của cô bé. “Ta không thể chịu đựng được nữa!” Tôi đã nói. “Ta không muốn sống như thế này chút-nào-nữa. Ta không thể chịu đựng được nữa với sự túng thiếu. Ta không thể chịu đựng được nữa sự bối rối và ta không thể chịu đựng được nữa nói dối”.
Đúng, những cảm giác muốn làm việc vì chán ghét xuất hiện khi một người nói: “Vậy là quá đủ.” Chấm hết.
“Người đàn ông” cuối cùng cũng không chịu đựng được nữa khi là một kẻ thất bại. Anh ta không thể chịu được nữa tình trạng tầm thường. Anh ta không thể chịu đựng được nữa cảm giác kinh khủng của sự sợ hãi, đau đớn và tủi nhục. Anh ta thấy vợ mình lại một lần nữa đi qua những kệ hàng thức ăn đóng hộp của siêu thị để mua một hộp đậu và anh ta biết điều gì sẽ xảy ra. Anh ấy biết rằng cô ấy sẽ nhìn vào nhãn hàng có giá 69 xu và nhãn hàng có giá 67 xu. Anh ta biết rằng dù cô ấy thích nhãn hàng giá 69 xu hơn nhưng sẽ mua loại xu. Và anh ta biết, rất tường tận mọi chuyện, lý do cô ấy mua loại rẻ hơn – tiết kiệm hai xu. Hai xu! “Người đàn ông” của chúng ta, buồn nản, nói: “Tôi đã chán ngấy với việc phải quỳ gối trong bụi bặm để kiếm những đồng xu. Chúng tôi không muốn sống như thế này chút-nào-nữa”.
Cẩn trọng! Đây có thể là ngày xoay chuyển cuộc đời. Gọi nó bằng tên gì bạn muốn – ngày “Tôi không chịu đựng được nữa”, ngày “không bao giờ lặp lại”, ngày “vậy là quá đủ”. Dù bạn gọi nó là gì, bạn có thể gọi nó thật mạnh mẽ! Không có gì làm cuộc đời thay đổi như sự chán ghét tệ hại.
Ngược lại, không có gì đáng thương hơn trong tình trạng chán ghét. Ai đó nói: “Tôi nghĩ tôi không thể chịu đựng được nữa…” Đáng buồn làm sao, yếu đuối làm sao. Nhiên liệu trong loại cảm xúc đó còn không có đủ để lái chiếc tàu đồ chơi trong một bồn tắm!
Quyết định
Hầu hết chúng ta cần bị đẩy đến chân tường mới ra quyết định. Và một khi đã rơi vào tình trạng đó, chúng ta sẽ phải đấu tranh với những cảm giác mâu thuẫn cùng những thứ tạo ra chúng. Chúng ta đã đến ngã rẽ của con đường.
Giờ đây ngã rẽ này có thể có hai lối, ba lối hay thậm chí bốn lối. Không có gì đáng ngạc nghiên khi việc ra quyết định có thể tạo nên những cơn quặn thắt trong bao tử chúng ta, buộc chúng ta phải thức dậy lúc nửa đêm hay làm chúng ta đột nhiên toát mồ hôi lạnh.
Ra quyết định thay đổi cuộc đời có thể cũng giống như một cuộc nội chiến bên trong bạn. Những đội quân cảm xúc đang mâu thuẫn, mỗi bên với kho vũ khí lý do riêng, giao tranh với nhau để chiếm lĩnh trí óc của bạn. Và quyết định cuối cùng của chúng ta, dù dũng cảm hay yếu đuối, được suy nghĩ cặn kẽ hay đột ngột, có thể hình thành nên một kế hoạch hành động hay nhắm mắt làm ngơ.
Tôi không có nhiều lời khuyên cho bạn về việc ra quyết định, trừ điều này: Dù bạn làm gì, đừng cắm trại ở ngã rẽ của con đường. Quyết định. Dù ra quyết định sai thì cũng còn tốt hơn nhiều so với không quyết định gì cả. Mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt với cảm giác kích động và giải quyết ổn thỏa tình cảm của mình.
Như một doanh nhân trẻ nói với tôi sau khi quyết định mạo hiểm tất cả và bắt đầu doanh nghiệp mới: “Tôi đã từ bỏ ý tưởng loại bỏ những lo lắng, sợ hãi trong tâm trí của mình. Nhưng tối thiểu thì hiện giờ tôi có thể làm cho chúng được sắp xếp theo đội hình trong hầu hết các tình huống.”
Bạn, dĩ nhiên, có một công cụ mãnh mẽ để ra quyết định, đúng chứ? Nếu bạn đã làm bài tập về thiết lập mục đích (Bạn đã làm rồi chứ? Nếu chưa, cũng không quá trễ để làm chúng bây giờ), bạn có kế hoạch cuộc đời mình trong dài hạn và ngắn hạn. Tất cả những gì bạn phải làm bây giờ là quyết định hành động bằng cách thể hiện ước vọng chính đáng.
Ước vọng
Làm thế nào một người có được ước vọng? Tôi không nghĩ là mình có thể trả lời trực tiếp câu hỏi này vì có rất nhiều cách. Nhưng tôi thực sự biết hai điều về ước vọng:
- Nó đến từ bên trong không phải từ bên ngoài.
- Nó có thể được kích hoạt bằng những nguồn lực bên ngoài.
Hầu hết mọi điều đều có thể kích hoạt ước vọng. Vấn đề quan trọng là thời gian cũng như sự chuẩn bị. Đó có thể là một bản nhạc làm lay động trái tim. Đó có thể là một buổi thuyết giảng đáng nhớ. Đó có thể là một bộ phim, một cuộc trò chuyện với một người bạn, một cuộc đối đầu với kẻ thù hay một kinh nghiệm cay đắng. Thậm chí một cuốn sách như cuốn này cũng có thể kích hoạt những cơ cấu bên trong để làm cho ai đó nói: “Tôi muốn điều đó ngay bây giờ!”
Vì thế, trong khi tìm kiếm “nút nóng” của bạn về ước vọng tinh khiết, nguyên sơ, hãy chào đón từng kinh nghiệm tích cực trong cuộc sống của mình. Đừng dựng một bức tường để che chắn bạn khỏi những trải nghiệm của cuộc sống. Bức tường giữ cho chúng ta không chỉ những điều gây thất vọng mà còn khiến chúng ta ở ngoài ánh sáng của việc làm giàu thêm những kinh nghiệm. Vì thế hãy để cuộc sống chạm vào bạn. Cú chạm tiếp theo có thể là cú chạm làm xoay chuyển cuộc đời bạn.
Quyết tâm
Quyết tâm nói: “Tôi sẽ”. Hai từ này có tác động vô cùng mạnh mẽ. TÔI SẼ.
Benjamin Disraeli, chính khách vĩ đại của Anh, từng nói: “Không gì có thể kháng cự được ý chí của người đặt cược ngay cả sự tồn tại của nó vào tầm quan trọng của mục đích.” Nói cách khác, khi ai đó quyết tâm để “sống hay chết”, không điều gì có thể chặn anh ta được.
Người leo núi nói: “Tôi sẽ leo núi. Họ bảo tôi là núi quá cao, quá xa, quá dốc đứng, quá nhiều đá, quá khó. Nhưng đó là ngọn núi của tôi. Tôi sẽ leo nó. Bạn sẽ thấy tôi vẫy gọi từ trên đỉnh hay bạn sẽ không bao giờ thấy tôi nữa, vì trừ khi tôi lên tới đỉnh, tôi sẽ không quay lại.” Ai có thể tranh luận với quyết tâm như vậy!
Khi gặp phải quyết tâm sắt đá như vậy tôi có thể thấy Thời gian, Số phận và Hoàn cảnh sẽ vội vã triệu tập hội nghị và ra quyết định: “Chúng ta chắc phải để cho cậu ấy thực hiện giấc mơ của mình. Cậu ấy bảo là cậu sẽ đến đó hay chết trong khi đang cố làm điều đó.”
Định nghĩa hay nhất cho “quyết tâm” tôi từng được nghe là từ một nữ học sinh ở thành phố Foster, bang California. Như thông lệ của mình, tôi đang giảng về sự thành công cho nhóm học sinh triển vọng tại một trường trung học đầu cấp. Tôi hỏi: “Ai có thể nói cho tôi biết ý nghĩa của `quyết tâm’ là gì?” Một số cánh tay đưa lên và tôi thực sự có được một vài định nghĩa khá tốt. Nhưng cái cuối cùng mới hay nhất. Một em gái e thẹn từ cuối phòng đứng dậy và nói với sự cương quyết thầm lặng: “Em nghĩ quyết tâm nghĩa là hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ từ bỏ.” Chính nó! Đó là định nghĩa hay nhất mà tôi từng được nghe: Hứa với bản thân mình sẽ không bao giờ từ bỏ.
Hãy nghĩ về điều đó! Một đứa trẻ sẽ mất bao lâu để học đi? Bạn sẽ dành cho một em bé bình thường bao lâu trước khi bạn nói rằng: “Thôi nhé, con đã hết cơ hội rồi?” Bất kỳ người mẹ nào trên thế giới cũng sẽ nói: “Con tôi sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi nó biết đi!” Bất chấp mọi người bước đi.
Có một bài học sống còn về điều này. Hãy tự hỏi mình: “Tôi sẽ làm việc trong bao lâu để biến ước mơ của tôi thành hiện thực?” Tôi khuyên bạn nên trả lời: “Cho đến khi đạt được.” Đó là những gì thuộc về quyết tâm.
HÀNH ĐỘNG
Kiến thức được đổ đầy nhiên liệu bằng cảm xúc tương đương với hành động. Hành động là phần cuối cùng của công thức này. Nó là thành phần bảo đảm cho kết quả. Chỉ có hành động mới có thể gây ra phản ứng. Sâu xa hơn, chỉ có hành động tích cực mới có thể tạo ra phản ứng tích cực.
Hành động. Cả thế giới thích xem những ai làm cho mọi chuyện xảy ra và tưởng thưởng họ vì đã tạo nên một làn sóng những doanh nghiệp đầy năng suất.
Tôi nhấn mạnh điều này vì hiện nay tôi thấy nhiều người thực ra chỉ bán những lời khẳng định. Tuy nhiên có một câu nói nổi tiếng là: “Tin tưởng mà không hành động chỉ phục vụ cho mục đích vô dụng.” Đúng thật!
Tôi không hề phản đối những lời khẳng định như một công cụ để tạo ra hành động. Lặp đi lặp lại để củng cố cho một kế hoạch kỷ luật, những sự khẳng định có thể giúp tạo ra những kết quả tuyệt vời.
Nhưng cũng có một lằn ranh rất mảnh giữa tin tưởng và cả tin. Bạn thấy đó, khẳng định mà không hành động là những khởi đầu của việc tự dối mình. Nó cũng giống như một người quản lý kinh doanh bước ra khỏi cuộc họp về bán hàng mà mọi thứ đều được tăng tốc và nói: “Mình sẽ là nhân vật tầm cỡ nhất trong doanh nghiệp này” nhưng rồi lại không thực hiện ý tưởng hay hành động kỷ luật nào cho những lời nói của mình. Cô ấy có thể đang dạo bước để ngắm bình minh.
BỐN CÂU HỎI
Khi gần đến điểm cuối cuộc hành trình chúng ta đã cùng đi, tôi có một vài câu hỏi muốn bạn suy nghĩ kỹ càng. Thứ nhất là: Tại sao bạn phải cố gắng? Trẻ em thường đặt những câu hỏi “tại sao”. Và đây là một câu hỏi “tại sao” quan trọng. Tôi muốn nói, tại sao phải thức dậy sớm? Tại sao phải lao động quá vất vả? Tại sao phải đọc nhiều sách như thế? Tại sao phải kết bạn với nhiều người? Tại sao phải đi xa như thế? Tại sao phải kiếm nhiều tiền như thế? Tại sao phải cho đi nhiều như thế?
Câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “Tại sao bạn phải cố gắng?” là một câu hỏi khác: Tại sao không? Bạn sẽ làm điều gì khác với cuộc đời của mình? Tại sao không xem thử bạn đi được bao xa? Tại sao không xem thử bạn có thể kiếm được, đọc được hay chia sẻ được bao nhiêu? Tại sao không xem thử bạn có thể trở thành cái gì hay bạn có thể phát triển tới mức nào? Tại sao không? Sau rốt, bạn sẽ tồn tại trên cõi đời này cho đến khi bạn ra đi. Tại sao không tồn tại một cách đầy phong cách?
Câu hỏi thứ ba đẩy vấn đề xa hơn một chút. Nó đòi hỏi: “Tại sao không là bạn?” Một số người đã thực hiện những việc khó tin nhất với một nền tảng hạn chế. Một số người làm tốt đến mức họ trải qua mọi thứ. Tại sao không là bạn?
Tại sao không là bạn đang hấp thu lịch sử trên tháp Luân Đôn hay khám phá những bí mật đen tối của Tây Ban Nha? Tại sao không là bạn đang dùng bữa trưa tại một trong những tiệm cà phê quyến rũ nhìn bao quát điện Elysees nổi tiếng ở Paris? Tại sao không là bạn?
Tại sao không là bạn lái du thuyền trên biển Ca ri bê? Biết đâu bạn sẽ có những con sò đẹp nhất ở Miami?
Tại sao không là bạn đang mua sắm trên Đại lộ Thứ năm ở thành phố New York, ở tại Waldorf hay Plaza hay Carlisle (những khách sạn tráng lệ, đắt tiền trên đại lộ số năm), thưởng thức những lát ngỗng quay xếp trên nền bánh táo ở nhà hàng Luchow’s? Tại sao không là bạn đang nhấm nháp trong hoàng hôn của Arizona? Tại sao không là bạn đang thưởng thức mọi thứ mà cuộc đời phải mang lại, biết rằng đó là phần thưởng dành cho bạn vì những nỗi lực đầy kỷ luật và kiên định?
Tại sao không là bạn?
Và giờ đây, bạn tôi ơi, đây là câu hỏi cuối cùng dành cho bạn: Tại sao không là bây giờ? Tại sao phải hoãn lại một tương lai tốt đẹp hơn khi có nhiều điều kỳ diệu như vậy chờ lệnh bạn? Hãy nắm bắt nó ngay hôm nay. Mua một vài cuốn sách mới, thực hiện kế hoạch chi tiết mục đích của bạn, mời một triệu phú đi ăn, tìm những phương cách mới để tăng năng suất, phát triển một phong cách sống đầy phóng khoáng và tình yêu, thực hiện một nỗ lực mới để tin vào chính mình. Và hãy tiến lên.
Cuối cùng, hãy xin thượng đế phù hộ. Đúng, tôi tin thành công trong tương lai của chúng ta tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng tôi cũng biết rằng tất cả chúng ta cần nguồn dinh dưỡng tâm linh, đặc biệt khi khả năng giải quyết của chúng ta suy yếu vì phải đối mặt với nghịch cảnh.
Có một câu chuyện về một người đàn ông nhặt một đống đá và trong hai năm đã chuyển nó thành một khu vườn đáng yêu trồng đầy những loại hoa đẹp nhất. Ngày nọ có con người đức hạnh đi ngang qua. Người đức hạnh đã nghe về khu vườn vì danh tiếng của nó lan rộng quanh đó nhiều dặm. Nhưng người ấy cũng muốn chắc chắn rằng khu vườn này không bỏ quên đấng sáng tạo tối cao. Vì thế người ấy bảo: “Người làm vườn, thượng đế chắc chắn ban phúc cho ông bằng một khu vườn xinh đẹp.” Người làm vườn hiểu ngụ ý của câu nói. “Bạn nói đúng, người đức hạnh”, ông ta nói. “Nếu nó không nhờ ánh nắng, mưa, đất và sự kỳ diệu của hạt giống và mùa màng thì cũng sẽ không có vườn nào hết. Tuy nhiên, phải chi anh từng thấy nơi này cách đây vài năm khi thượng đế giữ nó cho mình.”
Bạn và tôi đã được ban cho những tặng vật của cuộc sống nhưng tùy chúng ta quyết định là chúng ta có sẽ sử dụng những lề luật của thượng đế để sáng tạo, để thịnh vượng và để hạnh phúc.