CHƯƠNG 2: MỤC TIÊU: ĐIỀU GÌ TẠO ĐỘNG LỰC CHO CON NGƯỜI?
Một buổi sáng, hai tuần sau khi tôi bắt đầu làm việc cho Shoaff, ông ấy và tôi đang cùng ăn sáng. Ngay khi tôi gần ăn xong phần trứng của mình, ông ấy nói: “Jim, chúng ta hãy cùng xem qua danh sách mục tiêu của anh và thảo luận về chúng. Có thể đó là cách tốt nhất để tôi giúp anh ngay lúc này.”
Tôi trả lời: “Nhưng tôi không có danh sách này bên mình.”
“Ừ, vậy anh đang để nó trong xe hay đâu đó ở nhà hả?”
“Không thưa ông, tôi không có danh sách này ở đâu cả.”
Shoaff thở dài. “Ừ, anh bạn trẻ, dường như đây là điểm mà chúng ta nên bắt đầu.”
Thế rồi, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông ấy bảo: “Nếu anh không có danh sách mục tiêu của mình, tôi đoán là tài khoản ngân hàng của anh chỉ có vài trăm đôla.” Ông ấy đoán đúng. Điều đó thực sự thu hút sự chú ý của tôi.
Tôi cảm thấy kinh ngạc. Tôi hỏi: “Ý ông là nếu tôi có danh sách mục tiêu của mình thì tài khoản ngân hàng của tôi sẽ thay đổi?”
Ông ấy đáp: “Thay đổi rất nhiều.”
Đó là ngày tôi trở thành học trò của nghệ thuật và khoa học về việc thiết lập mục tiêu.
Trong tất cả những thứ tôi đã học được từ thuở ban đầu ấy thì thiết lập mục tiêu là thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời của tôi. Mọi mặt trong đời sống của tôi – thành tích, thu nhập, tài khoản ngân hàng, phong cách sống, thậm chí là cá tính – cũng đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Tôi thực sự tin là việc làm chủ được cách thiết lập mục tiêu cũng sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của bạn và tôi sẵn lòng dành tâm sức để thảo luận về cách thức thường bị hiểu lầm này. Thực tế, tôi mong bạn sẽ làm nhiều hơn là chỉ đọc những chương tiếp theo. Nghiên cứu chúng. Và nếu bạn có bên mình một cuốn sổ tay thì càng tốt hơn nữa.
SỨC MẠNH CỦA ƯỚC MƠ
Mỗi người trong chúng ta đều chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như môi trường sống (nơi chúng ta sống, trường chúng ta học, cha mẹ và bạn bè của chúng ta); những sự kiện xảy ra trong cuộc đời; kiến thức hay sự thiếu hụt kiến thức; kết quả mà chúng ta gặt hái được từ những nỗ lực của bản thân; khả năng ước mơ của chúng ta…
Tuy nhiên, trong tất cả những yếu tố này, không có yếu tố nào có nhiều sức mạnh tiềm tàng để làm được những điều tốt đẹp bằng khả năng ước mơ của chúng ta.
Ước mơ là những hình dung cụ thể về cuộc đời mà chúng ta muốn hướng đến. Vì thế, khi chúng ta cho phép ước mơ “kéo” mình đi, chúng sẽ giải phóng một sức mạnh sáng tạo có thể khuất phục mọi chướng ngại ngăn trở chúng ta đạt mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, để khai thác được sức mạnh này thì ước mơ phải được định nghĩa tốt. Tương lai mù mờ thì sức kéo sẽ yếu ớt. Để thực sự đạt được ước mơ của mình, để những kế hoạch tương lai thực sự kéo bạn đi, những ước mơ của bạn phải thực sự mạnh mẽ.
Giờ đây bạn có hai cách để đối mặt với tương lai: Bằng việc hoạch định trước hoặc bằng sự âu lo. Hãy thử đoán xem có bao nhiêu người đối mặt với tương lai bằng sự âu lo? Câu trả lời đúng là hầu hết.
Bạn đã từng thấy kiểu người đó – luôn luôn lo lắng, lo lắng và lo lắng. Tại sao những người này lại luôn lo lắng như vậy? Vì họ đã không dành thời gian để thiết kế tương lai của họ. Trong nhiều trường hợp, họ sống cuộc sống của mình bằng cách cố gắng để được người khác chấp thuận. Trong quá trình này, cuối cùng họ “bám víu” vào quan điểm của người khác về cách sống một cuộc sống. Chẳng có gì đáng ngạc nghiên về việc họ lo lắng – luôn nhìn ra xung quanh và mong chờ sự chấp thuận cho mọi thứ họ làm.
Ngược lại, những người đối mặt tương lai với sự hoạch định trước đã lên kế hoạch cho một tương lai đáng để phấn khích. Họ có thể “thấy” tương lai này bằng con mắt trí tuệ và nó trông thật diệu kỳ. Tương lai thu hút trí tưởng tượng của họ và nó tạo ra một lực kéo to lớn với họ.
SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH RÕ RÀNG
Ước mơ là điều tuyệt vời nhưng như thế vẫn chưa đủ. Có một bức tranh rực rỡ về những kết quả mong muốn thôi thì chưa đủ. Để dựng nên một công trình vĩ đại cần phải có bản thiết kế chi tiết đến từng bước về cách đổ móng, cấu trúc chịu lực... Vì thế, chúng ta cần có các mục tiêu.
Tương tự như một ước mơ được xác định rõ ràng, những mục tiêu được xác định rõ ràng hoạt động như những khối nam châm. Chúng hút bạn về hướng chúng. Bạn định nghĩa chúng càng tốt, bạn mô tả chúng càng tốt, bạn càng làm việc nỗ lực để đạt được những mục tiêu này hay nói cách khác là chúng hút càng mạnh. Khi những “ổ voi” cuộc đời có nguy cơ chặn đứng bạn trên đường đến thành công, bạn cần một khối nam châm mạnh để hút mình về phía trước.
Để hiểu được tầm quan trọng của các mục tiêu, hãy quan sát những người không có bất kỳ mục tiêu nào. Trong xã hội có rất nhiều người như thế. Thay vì thiết kế cuộc đời của mình, những con người lầm lạc này chỉ đơn giản là kiếm sống. Họ phải chiến đấu từng ngày cho việc mưu sinh trong chiến trường kinh tế đầy khốc liệt, chọn cách tồn tại vì vật chất. Không có gì đáng ngạc nghiên khi Thoreau nói rằng: “Hầu hết con người sống những cuộc sống tuyệt vọng thầm lặng.”
LÝ DO
Shoaff đã bảo tôi: “Jim, tôi nghĩ rằng tài khoản ngân hàng hiện thời của cậu không thể hiện đúng trí thông minh của cậu.” (Ôi, trời, tôi đã hạnh phúc biết bao khi nghe điều đó!) Ông ấy tiếp tục: “Tôi nghĩ cậu có nhiều tài năng và cậu cũng thông minh hơn nhiều so với những gì cậu nghĩ.” Và điều đó hóa ra lại là sự thật; tôi đã thông minh hơn tôi nghĩ vào thời điểm đó.
Tôi hỏi: “Thế thì tại sao tài khoản ngân hàng của tôi không nhiều hơn?”
“Vì cậu không có đủ lý do để đạt được điều đó”, bạn tôi đáp. Và rồi ông ấy nói thêm: “Nếu cậu có đủ động lực thì cậu đã có thể thực hiện được những điều khó tin; cậu có đủ thông minh nhưng không có đủ lý do.”
Một ý tưởng quan trọng, thực vậy: Cần có đủ lý do.
Từ đó tôi đã phát hiện ra điều này: Lý do đến trước, câu trả lời sẽ đến thứ hai. Dường như cuộc sống có khả năng ngụy trang câu trả lời một cách bí ẩn khác thường để chúng chỉ trở nên hiển nhiên với những ai đủ cảm hứng để tìm kiếm chúng – những người có lý do để tìm kiếm chúng.
Hãy nhìn vấn đề theo một cách khác. Khi bạn biết mình muốn gì và mong muốn đó đủ mãnh liệt thì bạn sẽ tìm ra con đường để đạt được điều đó. Câu trả lời, phương pháp và giải pháp mà bạn cần để giải quyết vấn đề sẽ mở ra cho bạn trên con đường tìm kiếm này.
Này, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn buộc phải trở nên giàu có? Điều gì sẽ xảy ra nếu mạng sống của những người bạn yêu thương phụ thuộc vào khả năng chi trả của bạn cho dịch vụ y tế tốt nhất?
Chúng ta hãy cùng đẩy giả thiết đi xa hơn rằng bạn vừa được biết về một cuốn sách hay cuộn băng sẽ chỉ cho bạn cách để trở nên giàu có. Bạn có mua không? Tất nhiên bạn sẽ mua.
Vì bạn đang đọc một cuốn sách về thành công, bạn sẽ biết là có nhiều cuốn sách và cuộn băng hay về chủ đề làm giàu. Nhưng nếu không buộc phải trở nên giàu có thì chắc bạn sẽ không đọc sách hay mất thời gian để nghe băng. Có một câu nói cũ: “Nhu cầu là mẹ của phát minh”. Đúng thật! Hãy nhớ điều đó trong đầu để luôn bắt đầu với những lý do của bạn và kế đó mới là những câu trả lời.
BỐN ĐỘNG LỰC KỲ ĐIỆU
Hãy trả lời câu hỏi: “Điều gì thúc đẩy tôi?”
Mỗi người đều được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau. Tất cả chúng ta đều có “điểm nóng” của riêng mình. Và nếu bạn chịu khó suy xét tâm trí mình, tôi chắc rằng bạn sẽ tìm được danh sách những điều bạn thực sự cần.
Ngoài mong muốn rõ ràng về những thu hoạch tài chính còn có bốn động lực khác có thể thúc đẩy bạn trở nên xuất sắc. Đó là:
Thứ nhất là sự CÔNG NHẬN. Các công ty lớn và những nhà quản lý kinh doanh khôn ngoan biết rằng một số người sẽ làm việc nhiều hơn vì được công nhận thay vì những tưởng thưởng bằng vật chất.
Đó là lý do tại sao những tổ chức kinh doanh thành công, đặc biệt là những đơn vị liên quan đến bán hàng trực tiếp lại tìm mọi cách thể hiện sự công nhận với bất kỳ thành quả nào dù lớn hay nhỏ. Họ biết rằng trong thế giới đông đúc của chúng ta hầu hết mọi người đều cảm thấy mình quá nhỏ bé và không được ai quan tâm. Sự công nhận là một cách khẳng định giá trị của họ. Thực tế, những ai công nhận người khác thường nói: “Này, bạn thật đặc biệt, bạn tạo nên sự khác biệt.”
Tôi tin rằng nếu các công ty quan tâm hơn nữa đến việc công nhận nhân viên của mình – không chỉ nhân viên kinh doanh mà cả các nhà điều hành, thư ký và nhân viên bảo trì – công ty đó sẽ nhận được năng suất làm việc tăng vọt không thể ngờ.
Lý do thứ hai làm một số người trở nên xuất sắc vì họ thích CẢM GIÁC CHIẾN THẮNG. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất.
Nếu bạn bị buộc phải nghiện cái gì đó thì hãy cố làm sao để nghiện chiến thắng.
Tôi có vài người bạn, tất cả đều là triệu phú, họ vẫn làm việc 10 đến 12 tiếng mỗi ngày để làm ra nhiều triệu đôla nữa. Không phải là vì họ cần tiền. Cái họ cần là niềm vui, cảm giác thích thú và sự thỏa mãn mà “chiến thắng” của họ mang lại. Với họ tiền bạc không phải là động lực lớn; họ đã có rất nhiều. Bạn biết đó là gì không? Đó chính là một hành trình mà ở đó cảm giác hào hứng đến từ chiến thắng.
Thỉnh thoảng, thường là ngay sau khi tôi hoàn thành một buổi hội thảo, một vài người đến gặp tôi và bảo: “Ông Rohn, nếu tôi có một triệu đôla, tôi sẽ không bao giờ làm việc thêm một ngày nào nữa trong đời.” Đó có thể là lý do những người nói những điều như vậy không bao giờ làm nên một gia tài. Tất cả họ rồi sẽ bỏ cuộc.
Động lực kỳ diệu thứ ba là GIA ĐÌNH. Một vài người sẽ làm việc vì những người họ thương yêu chứ không phải cho chính họ.
Một người đàn ông mà tôi đã từng gặp đã nói với tôi rằng: “Ông Rohn à, gia đình tôi và tôi có một mục tiêu là đi du lịch vòng quanh thế giới. Chúng tôi sẽ cần một phần tư triệu đôla mỗi năm để làm tất cả những gì chúng tôi muốn làm.” Thật không thể tin được! Gia đình của một người đàn ông có gây ảnh hưởng nhiều lên anh ta không? Tất nhiên là có rồi! Những người được thúc đẩy bởi tình yêu quả là những người may mắn!
LÒNG NHÂN TỪ, mong muốn được chia sẻ sự thịnh vượng của bản thân, là động lực kỳ diệu thứ tư. Khi ông vua sắt thép vĩ đại Andrew Carnegie qua đời, người ta mở ngăn kéo bàn làm việc của ông và tìm thấy một tờ giấy đã ố vàng. Trên mẩu giấy đó, ngày tháng được ghi từ thời ông ấy còn trong độ tuổi hai mươi, Carnegie đã viết ra mục tiêu chính của đời ông: “Tôi sẽ dành nửa đầu cuộc đời mình để tích lũy tiền bạc. Tôi sẽ dành nửa cuối cuộc đời mình để cho đi toàn bộ số tiền bạc đó.”
Bạn biết điều gì không? Mục tiêu này đã truyền cảm hứng cho Carnegie nhiều đến nỗi ông ấy đã tích lũy đến 450 triệu đôla (tương đương 4,5 tỷ đôla vào thời điểm viết cuốn sách này!). Và thật sự là trong suốt phần cuối cuộc đời mình, ông ấy đã vui thích với việc cho đi hết số tiền đó.
LÝ DO SÂU XA
Thật là tuyệt khi được thúc đẩy để làm việc bởi một mục tiêu cực kỳ độ lượng như vậy. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng trong những năm đầu của cuộc chiến đấu để vươn tới thành công thì động lực của tôi thực dụng hơn rất nhiều. Tôi gọi đó là lý do sâu xa và tôi sẽ kể các bạn nghe điều gì đã xảy đến với tôi…
Ngày nọ, một thời gian ngắn trước khi tôi gặp Shoaff, tôi đang nằm ườn ở nhà thì nghe tiếng gõ cửa, rụt rè và ngập ngừng. Khi mở cửa tôi nhìn xuống và thấy cặp mắt to màu nâu đang chăm chú nhìn mình. Một bé gái ốm yếu chừng mười tuổi đang đứng đó. Bằng tất cả can đảm và quả quyết mà trái tim nhỏ bé có thể huy động, cô bé nói với tôi rằng cô bé đang bán bánh quy cho Hội Nữ hướng đạo Mỹ. Đó là một cuộc giới thiệu thành thục – nhiều hương vị, giá đặc biệt và chỉ hai đôla mỗi hộp. Liệu ai có thể từ chối được chứ? Cuối cùng, bằng nụ cười rộng mở và cực kỳ lễ phép cô bé mời tôi mua.
Và tôi muốn mua. Tôi thực sự rất muốn mua!
Chỉ có một vấn đề thôi. Tôi không có hai đôla! Trời ơi, tôi đã bối rối xiết bao! Tôi – một người cha, từng vào đại học, từng kiếm ra tiền – thế mà không có nổi hai đôla.
Tất nhiên, tôi không thể nói điều đó với cô bé có đôi mắt nâu to ấy. Vì thế tôi đành làm điều tốt nhất vào lúc ấy. Tôi đã nói dối cô bé. Tôi bảo: “Cám ơn, năm nay chú đã mua bánh quy của Nữ hướng đạo rồi. Chú vẫn còn rất nhiều trong nhà.”
Đấy không phải là sự thật. Nhưng đấy là cách duy nhất tôi có thể nghĩ được để thoát khỏi tình cảnh tồi tệ đó. Nó hiệu quả. Cô bé nói: “Thưa chú, không sao đâu ạ. Cám ơn chú nhiều lắm.” Và rồi cô bé quay đi để tiếp tục công việc của mình.
Tôi nhìn chằm chằm theo cô bé trong một khoảng thời gian tưởng chừng vô tận. Cuối cùng, tôi đóng cửa và tựa lưng vào đó, khóc lớn. “Ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm chút nào nữa. Ta không thể chịu đựng được tình trạng rỗng túi này nữa, ta không thể chịu được việc nói dối nữa. Ta sẽ không bao giờ phải khó xử lần nữa vì không có đồng nào trong túi.”
Ngày đó tôi đã tự hứa là phải kiếm đủ tiền để trong túi luôn có vài trăm đôla.
Đó là những gì tôi muốn ngụ ý về lý do sâu xa. Có thể nó không khiến tôi giành được bất kỳ giải thưởng cao quý nào nhưng vậy cũng đủ để gây tác động lên suốt phần đời còn lại của tôi.
Câu chuyện bánh quy Nữ hướng đạo của tôi đã có một cái kết đẹp. Một vài năm sau đó, khi đi bộ ra khỏi ngân hàng, nơi tôi vừa gửi vào một số tiền lớn, tôi thấy hai cô bé đang bán kẹo cho một tổ chức dành cho bé gái. Một trong hai cô bé tiến về phía tôi nói: “Thưa ông, mời ông mua một ít kẹo nhé?”
Tôi vui thích nói: “Chú sẽ mua. Cháu có loại kẹo nào thế?”
“Almond moca ạ.”
“Almond moca? Đó là loại chú thích! Bao nhiêu vậy?”
“Dạ chỉ hai đô thôi ạ.” Hai đô! Rẻ đến khó tin!
Tôi hào hứng: “Cháu có bao nhiêu hộp kẹo?”
“Năm ạ.”
Nhìn sang bạn của cô bé tôi hỏi: “Vậy cháu còn lại mấy hộp?”
“Cháu còn bốn.”
“Tổng cộng chín. Được rồi, chú sẽ lấy hết.”
Lúc này cả hai cô bé đều đồng thanh la lớn: “Thật ạ?”
“Chắc chắn,” tôi đáp. “Chú có vài người bạn nên chú sẽ chuyển bớt cho họ.”
Phấn khích, cả hai chạy vội lại để xếp tất cả các hộp kẹo vào với nhau. Tôi thọc tay vào túi và trao cho hai cô bé 18 đôla. Khi tôi định đi với những hộp kẹp dưới cánh tay, một cô bé nhìn tôi và nói: “Chú ơi, chú thật tốt bụng!”
Tuyệt làm sao! Bạn có tưởng tượng được rằng chỉ chi ra 18 đôla để có ai đó nhìn vào bạn và nói: “Bạn thật tốt bụng!” Giờ thì bạn biết tại sao tôi luôn mang theo mình vài trăm đôla. Tôi sẽ không bao giờ để mất những cơ hội như thế nữa.
Tôi sẽ kể thêm một ví dụ khác về lý do sâu xa. Tôi có một người bạn tên là Robert Depew. Bobby (tên thân mật thường gọi của Robert) từng là thầy giáo ở Lindsay, California, thủ phủ của ô liu. Sau một vài năm là giáo viên, Bobby mong muốn bỏ việc và bắt đầu một nghề nghiệp mới. Ngày nọ, không nói với bất kỳ ai, anh ấy rời bỏ việc dạy học và nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Khi gia đình Bobby biết được điều đó, anh ấy trở thành mục tiêu của biết bao lời chỉ trích. Nhưng phản ứng tồi tệ nhất là từ người anh trai, người dường như cảm thấy hết sức hài lòng khi chì chiết anh ấy.
“Mày sẽ là đồ bỏ đi,” người anh mỉa mai. “Mày có công việc giảng dạy tốt đẹp. Giờ thì mày mất hết những thứ mày có được. Chắc mày bị mất trí rồi.”
Anh của Bobby luôn nhiếc móc Bobby mỗi khi có cơ hội. Như Bobby kể lại: “Cách hành xử của anh tôi làm tôi rất giận đến mức tôi quyết định phải trở nên giàu có.”
Hiện nay, Robert Depew là một trong những người bạn triệu phú của tôi.
Câu chuyện này, cũng như câu chuyện “bánh quy” của tôi, cho thấy rằng ngay cả sự giận dữ và khó xử khi được định hướng thích hợp cũng có thể đóng vai trò như những động lực sâu xa mạnh mẽ giúp đạt mục tiêu.
Bạn có điều gì tương tự như vậy để kể không? Bạn có một vài tình huống khó xử trong quá khứ muốn xóa khỏi tâm trí không? Bạn biết đó, câu nói của người xưa: “Thành công lớn là sự trả thù ngọt ngào nhất” luôn đúng.
Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu lý do để làm việc tốt. Chìa khóa là có đủ lý do. Làm thế nào để một người tìm được “điểm nóng” (hay nhiều điểm) để có thể biến đổi cuộc sống với những thành tích khiêm tốn trở thành một cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc? Đó là chủ đề của chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3: MỤC TIÊU: LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIẾT LẬP
Trong chương một chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của tính kỷ luật. Giờ đây tôi sẽ yêu cầu bạn thực tập đặc điểm tích cực này.
Nếu bạn vẫn chưa làm theo thì hãy lấy một cuốn sổ tay hay nhật ký ra. Tôi muốn bạn tự chuyển mình từ người theo dõi (người đọc) thành người tham dự (người viết).
Loại bài tập về nhà mà bạn sẽ làm này hơi bất thường bởi nó sẽ kéo dài suốt cuộc đời. Chủ đề là những mục tiêu và như bạn sẽ sớm nhận thấy, chúng luôn tiến hóa, luôn biến chuyển.
Tại sao bạn nên làm việc này? Vì khi thực hiện công việc là lúc bạn đang đi những bước đầu tiên tiến về phía phát triển kiểu cuộc đời mà bạn luôn mơ ước nhưng lại không bao giờ tin rằng nó sẽ xảy đến với mình. Vậy thì hãy bắt đầu nào. Bạn càng sớm áp dụng tính kỷ luật thì bạn càng sớm có được những kết quả tốt đẹp. Và một khi đã có kết quả, tôi hứa là bạn sẽ không băn khoăn tí nào khi phải làm việc nhiều hơn và tuân thủ kỷ luật hơn nữa.
MỤC TIÊU DÀI HẠN
Hãy mở đầu cuốn sổ tay hay một tờ giấy của bạn với tiêu đề: “Mục Tiêu Dài Hạn”. Nhiệm vụ của bạn là trả lời câu hỏi: “Tôi muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?”
Chìa khóa để làm bài tập này hiệu quả là trong thời gian nhanh nhất hãy viết ra nhiều điều nhất. Hãy dành khoảng đến 15 phút cho toàn bộ bài tập và hãy cố gắng viết ra khoảng 15 điều.
Để giúp bạn bắt đầu, hãy xem xét sáu câu hỏi sau như những hướng dẫn:
- Tôi muốn làm gì?
- Tôi muốn trở thành gì?
- Tôi muốn thấy điều gì?
- Tôi muốn có cái gì?
- Tôi muốn đi đâu?
- Tôi thích chia sẻ điều gì?
Với sáu câu hỏi này trong đầu, hãy trả lời câu hỏi chính yếu: “Tôi muốn điều gì trong vòng từ một đến mười năm tới?” Hãy để đầu óc bạn tự do bay bổng. Đừng vội cố gắng đi vào chi tiết ngay; điều này sẽ thực hiện sau. Ví dụ, nếu bạn muốn có chiếc Mercedes 380SL màu xám với nội thất xanh dương thì chỉ cần viết “380” rồi chuyển sang mục tiếp theo.
Sau khi hoàn tất danh sách của mình, bạn xem xét lại những gì đã viết ra.
Tiếp theo, ghi số năm bạn tin tưởng rằng mình cần phải dành ra để đạt được mỗi mục tiêu hoặc có được mỗi thứ mà bạn đã ghi ra trong danh sách trên. Chẳng hạn như nếu bạn cần ba năm để mua được chiếc Mercedec mơ ước, hãy ghi số 3 đằng sau mục này. Hãy chia mười năm thành bốn giai đoạn: một năm, ba năm, năm năm và mười năm.
Bây giờ, hãy kiểm tra xem những mục tiêu của bạn có cân bằng không. Ví dụ, nếu bạn thấy rằng mình có rất nhiều mục tiêu mười năm nhưng rất ít mục tiêu một năm, nghĩa là bạn vẫn đang do dự và trì hoãn hành động ngay bằng cách dời lại thời gian hoàn thành.
Trái lại, nếu bạn có rất ít mục tiêu dài hạn, có lẽ bạn vẫn chưa quyết định được xem về lâu về dài bạn sẽ sống theo kiểu nào.
Yếu tố then chốt ở đây là phát triển được sự cân bằng giữa những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. (Chúng ta sẽ thảo luận về những mục tiêu ngắn hạn thực sự – những mục tiêu cần dưới một năm để hoàn thành sau).
Bạn có phần nào hoang mang với ý tưởng về việc cần có nhiều mục tiêu không? Bạn có phải là kiểu người cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ tập trung vào một mục tiêu ở một thời điểm?
Thật ra, có một lý do thuyết phục cho việc phát triển nhiều lớp mục tiêu. Nếu không có nhiều những mục tiêu đa dạng bạn có thể bị tổn thương như tình trạng từng xảy ra với một số nhà du hành vũ trụ trước đây trên phi thuyền Apollo. Một vài người trong số họ, ngay khi trở về từ mặt trăng, cảm thấy tổn thương sâu sắc. Lý do? Nếu đến cả mặt trăng bạn cũng đã từng lên rồi, bạn cần có nơi nào khác để đi?
Sau nhiều năm huấn luyện, hình dung và háo hức về chuyến bay đến mặt trăng, ngay thời điểm trở về, vinh quang biết bao, đã trở thành quá khứ. Đột ngột, mọi thứ dường như kết thúc, các nhà du hành dường như đã hoàn tất công việc của đời mình và thế là trầm cảm bắt đầu.
Sau kinh nghiệm này, về sau, những nhà du hành vũ trụ được huấn luyện để có những dự án lớn khác ngay sau khi hoàn tất chuyến du hành vũ trụ vừa thực hiện.
Hạnh phúc là điều khó kiếm. Dường như cách tốt nhất để tận hưởng cuộc sống là hoàn thành một mục tiêu, đồng thời bắt đầu thực hiện mục tiêu tiếp theo. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn ngủ quên trên chiến thắng. Cách duy nhất để có một bữa ăn ngon miệng khác là tìm được cảm giác khỏe mạnh và đói bụng.
Nào, bây giờ bạn đã đánh giá và cân đối danh sách của mình, hãy chọn ra bốn mục tiêu ở mỗi hạng mục thời gian (một năm, ba năm, năm năm, mười năm) mà bạn cho là quan trọng nhất với mình. Giờ đây bạn có 16 mục tiêu. Đối với mỗi mục tiêu, hãy viết một đoạn ngắn gồm những điều sau:
1. Mô tả chi tiết những gì bạn muốn. Ví dụ, nếu đó là một mục tiêu vật chất, hãy mô tả chiều cao, chiều dài, giá cả, kiểu loại, màu sắc… Ngược lại, nếu đó là một vị trí công việc hay một doanh nghiệp bạn muốn khởi nghiệp, hãy mô tả chi tiết công việc bao gồm lương, chức vụ, ngân sách thuộc quyền kiểm soát của bạn, số nhân viên…
2. Lý do tại sao bạn muốn hoàn thành hay đạt được những mục tiêu đã mô tả. Ở bước này, bạn sẽ xác định được rằng đó thực sự là điều bạn muốn hay chỉ là ước mong thoáng qua. Nếu không thể đưa ra được lý do rõ ràng và thuyết phục, bạn nên xếp mục tiêu này vào loại bốc đồng chứ không phải là mục tiêu thực sự và thay nó bằng mục tiêu khác.
Bạn thấy không, điều bạn muốn chỉ trở thành động lực mạnh mẽ khi có lý do tốt đằng sau nó. Bạn có thể sẽ phát hiện ra rằng một vài mục tiêu bạn từng xem là quan trọng không còn hấp dẫn nữa vì đơn giản là bạn không thể tìm được lý do đủ tốt để mong muốn chúng. Đó là điều tốt. Việc thực hiện bài tập này sẽ buộc bạn phải phản chiếu, tinh chỉnh và cân nhắc lại. Tất cả những điều này giúp bạn hoạch định tương lai của mình.
Một khi bạn đã xác định được 16 mục tiêu của mình, bạn hãy viết lại chúng lên một tờ giấy khác hay viết vào sổ công tác và thường xuyên mang theo bên mình mọi lúc. Hãy xem lại chúng hàng tuần để xem chúng có còn quan trọng không và bạn có đang thực hiện những bước đi tích cực để hiện thực chúng không. Bạn thấy đấy, thiết lập mục tiêu không phải là việc chỉ làm một lần với những kết quả cụ thể. Thay vào đó, nó là quá trình liên tục, suốt đời.
MỤC TIÊU NGẮN HẠN
Tôi định nghĩa mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu cần từ một ngày đến một năm để hoàn thành. Và những mục tiêu này, tuy về mức độ cần thiết thì khiêm tốn hơn những mục tiêu dài hạn nhưng lại tương đương về tầm quan trọng. Một thuyền trưởng có thể thiết lập hành trình dài hạn của mình để đến được đích cuối cùng. Tuy nhiên, dọc theo hành trình này sẽ có nhiều điểm đến ngắn hạn phải được hoàn tất thì cuộc hành trình mới có thể kết thúc thành công.
Cũng giống như cuộc hành trình trên biển, những mục tiêu ngắn hạn của bạn phải được gắn kết với những thành tựu dài hạn. Ưu điểm rõ rệt của mục tiêu ngắn hạn là bạn có thể dự đoán được thời điểm bạn đạt được chúng. Tôi gọi loại mục tiêu này là “người xây niềm tin” vì việc hoàn thành chúng mang lại cho bạn niềm tin để tiếp tục. Vì vậy khi bạn làm việc chăm chỉ, chong đèn thâu đêm và hoàn tất một nhiệm vụ ngắn hạn, cụ thể, bạn có thể vui sướng với “chiến thắng” của mình và nạp lại cảm hứng để tiếp tục cuộc hành trình.
Đó là lý do tại sao tôi khuyên bạn nên viết vào sổ tay hay lịch công tác của mình những dự án ngắn hạn. Bạn có thể tổ chức những dự án này theo cách của riêng mình. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp chúng theo ngày, theo tuần hay tháng. Bạn cũng có thể sắp xếp chúng như là những hạng mục phụ trong các mục tiêu dài hạn của mình.
Khi đã có một danh sách của riêng mình, bạn sẽ rất vui thích mỗi lúc được đánh dấu đã hoàn tất một việc gì đó. Sau khi hoàn thành một mục tiêu, hãy dành thời gian để ăn mừng thành quả của mình. Tiệc mừng này có thể là khoảnh khắc cảm thấy thỏa mãn khi hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ hay một sự tưởng thưởng lớn khi thành quả đạt được xứng đáng như vậy. Điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để thưởng thức chiến thắng của mình. Điều đó sẽ thực sự thôi thúc bạn làm nhiều hơn.
Tuy nhiên cũng như tôi đã thôi thúc bạn uống ly rượu nồng của thành công, tôi có một lời khuyên khác, ít phổ biến hơn: Đau khi thất bại.
Bạn thấy đó, chúng ta trưởng thành nhờ hai loại kinh nghiệm: Niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại. Vì thế nếu đã tự đặt cho mình nhiệm vụ hoàn thành một dự án nhưng bạn lại làm những việc ngớ ngẩn khác thì hãy tìm cách trả nợ cho sự lười biếng của mình. Hãy chịu trách nhiệm cho cả hành vi tích cực và tiêu cực.
Ngoài ra, đừng tham gia những đám đông dễ dãi. Hãy đến những nơi đòi hỏi cao, những nơi có áp lực hoàn thành công việc cao. Điều đó cũng là một phần trong chiến lược tổng thể để trở nên giàu có và hạnh phúc của bạn.
TRƯỢT DÀI
Tôi muốn bạn thành công! Đó là lý do tôi cảm thấy lo lắng. Tôi biết hầu hết những người đọc đến trang này đã không kiên định với việc thiết lập và chọn lọc mục tiêu của họ. Tại sao? Vì đó là công việc mất thời gian, đòi hỏi phải suy nghĩ. Tuy nhiên, điều trớ trêu là nhiều người làm việc cật lực ngày này sang ngày khác với những công việc mà họ không thực sự thích thú, khi được yêu cầu dành thời gian để thiết kế tương lai của riêng mình họ thường trả lời: “Tôi không có thời gian.” Họ đã để cho điều đó, tương lai của họ, trượt dài.
Tôi biết rằng hầu hết mọi người không lập những kế hoạch rõ ràng nhưng bạn đừng thuộc về nhóm hầu hết đó. Đừng đi loanh quanh với niềm hi vọng kế hoạch của mình sẽ thành công và nỗi lo lắng hiện rõ trên mặt.
Dù bạn có chấp nhận hay không, nhưng bạn, ngay bây giờ, là một trong những người chơi trò chơi của cuộc đời. Tin tôi đi, nếu bạn không có những mục tiêu để ngắm bắn thì bạn sẽ không thấy thú vị gì với trò chơi này. Không ai trả những đồng tiền chính đáng để xem bạn chơi một trò chơi mà không có ai ghi điểm.
Một người đàn ông nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem, lúc anh về tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể ngồi đó đến nửa đêm để làm kế hoạch, kế hoạch, kế hoạch”. Và đây là anh chàng luôn không trả góp tiền mua xe hơi đúng hạn. Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính.
Nhưng bạn tôi ơi, tôi phát hiện rằng bạn có thể chân thành và làm việc cật lực suốt cuộc đời mình nhưng rồi lại kết thúc trong đổ vỡ và nghèo túng. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là một người hoạch định tốt, một người thiết lập mục tiêu tốt.
Viết ra những mục tiêu của mình cho thấy bạn quyết tâm thay đổi và thực sự cầu thị, cho thấy bạn nghiêm túc. Và để làm tốt hơn bạn càng cần phải nghiêm túc. Bạn không phải trở nên nghiêm khắc nhưng bạn phải thật sự nghiêm túc. Này, mọi người đều hi vọng sẽ làm tốt hơn. Nhưng chỉ hi vọng mà không hoạch định rõ ràng thì có thể bạn sẽ bị tổn thương thực sự. Hi vọng bị trì hoãn quá lâu có thể làm con tim bị bệnh. Đó là tâm bệnh… Tôi biết.
Tôi thường chịu đựng căn bệnh gọi là hi vọng bị động. Đó là thứ tồi tệ. Chỉ có một thứ tệ hơn hi vọng bị động là hi vọng bị động “cam chịu”. Đó là khi một người đàn ông đến 50 tuổi và hết sạch tiền mà ông ấy vẫn mỉm cười và hi vọng. Điều đó thực sự tồi tệ. Vì thế hãy nghiêm túc. Viết mục tiêu của bạn ra giấy. Đó là đề nghị của tôi tới bạn – từ kinh nghiệm của bản thân.
CHƯƠNG 4: MỤC TIÊU: BẮT CHÚNG LÀM VIỆC CHO BẠN
“Không có ước mơ và tầm nhìn, chúng ta sẽ bị hủy hoại.” Điều đó là đúng, nhưng bạn biết không, điều ngược lại cũng đúng. Nếu có ước mơ chúng ta có thể làm được những điều phi thường. Trong những chương trước, tôi đã chỉ cho bạn cách chọn lựa mục tiêu và khởi động để đạt được những mục tiêu đó. Bây giờ bạn sẽ học cách làm cho những ước mơ phù hợp với cuộc sống của bạn.
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng một khi bạn đã thiết lập những mục tiêu thực sự quan trọng đối với mình thì bạn không còn là con người trước đây nữa. Những mục tiêu thực sự sẽ tác động đến hầu hết mọi việc bạn làm trong ngày. Chúng cũng luôn bên bạn dù bạn đi bất kỳ đâu. Cái bắt tay của bạn, cách ăn mặc, âm điệu giọng nói, cách bạn cảm nhận – tất cả đều sẽ thay đổi khi bạn đã có mục tiêu. Đó là vì khi mục tiêu của bạn là điều quan trọng thì mọi việc bạn làm đều trở nên có liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu này.
Nhưng để những mục tiêu thực sự thúc đẩy bạn, ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn, chúng phải đáng giá. Tôi từng hỏi một người đàn ông: “Mục tiêu trong tháng của anh là gì?” Anh ta đáp: “Tôi cần phải tìm mọi cách để kiếm đủ tiền thanh toán hết đống hóa đơn này…” Đó là mục tiêu của anh ta!
Tôi không nói rằng thanh toán các hóa đơn không phải là một mục tiêu – nó có thể. Nhưng đó là một mục tiêu tầm thường. Tôi chắc chắn sẽ không đưa nó vào danh sách những động lực gây cảm hứng nhất của cuộc sống. Bạn không thể nhảy ra khỏi giường vào sáng thứ Hai và nói: “Ôi trời, lại một lần nữa ra ngoài kia và vật lộn để kiếm đủ tiền thanh toán đống hóa đơn này.”
Để những mục tiêu chuyển hóa bạn, bạn phải đặt mục tiêu cao. Thiết lập chúng đủ xa để buộc bạn phải phát triển và nỗ lực hơn nữa; thiết lập chúng đủ cao để kích thích trí tưởng tượng của bạn và thúc đẩy bạn hành động. Tuy nhiên, cũng cần tránh việc thiết lập chúng vượt quá xa tầm với đến nỗi bạn mất sự nhiệt tâm trước khi bắt đầu.
CHỦ ĐÍCH THỰC SỰ CỦA MỤC TIÊU
Hãy để tôi chia sẻ với bạn một ý tưởng lý thú. Giá trị thật sự của việc thiết lập mục tiêu không nằm ở việc hoàn thành chúng. Việc đạt được những thứ bạn muốn thực sự chỉ thuộc hàng thứ hai. Lý do thực sự của việc thiết lập mục tiêu là để thu hút bạn trở thành người có đủ các phẩm chất cần thiết để hoàn thành chúng. Hãy để tôi giải thích:
Bạn nghĩ điều gì là giá trị nhất khi trở thành triệu phú? Đó có phải là hàng triệu đôla? Tôi không nghĩ vậy. Không, giá trị lớn nhất nằm trong kỹ năng, kiến thức, kỷ luật và phẩm chất lãnh đạo mà bạn sẽ phát triển trong quá trình đạt đến địa vị cao. Đó là kinh nghiệm bạn sẽ đạt được trong việc hoạch định và phát triển các chiến lược. Đó là sức mạnh bên trong, bạn sẽ phát triển để có đủ dũng cảm, sự cam kết và quyết tâm nhằm có được một triệu đôla.
Nếu tặng một triệu đôla cho ai đó không có thái độ của một triệu phú thì người đó rất có thể sẽ đánh mất nó. Tuy nhiên khi lấy mất tất cả sự giàu có từ một triệu phú thật sự thì rất nhanh người đó sẽ tạo nên một gia tài mới. Tại sao? Vì những người đã đạt được vị trí triệu phú đã phát triển những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để nhân bản quá trình này nhiều lần.
Như bạn có thể thấy, khi một ai đó đã trở thành triệu phú, điều ít ý nghĩa nhất là những gì họ có. Điều quan trọng nhất là những gì họ đã trở thành.
Đây là câu hỏi bạn nên dành thời gian suy nghĩ kỹ càng: Kiểu người mà bạn muốn trở thành để có được tất cả những thứ bạn muốn? Thực tế, tại sao không viết một vài suy nghĩ về vấn đề này trong sổ tay hay sổ công tác. Viết ra những loại kỹ năng bạn cần phải phát triển và kiến thức bạn cần có. Câu trả lời sẽ mang lại cho bạn vài mục tiêu mới cho sự phát triển cá nhân.
Hãy ghi nhớ quy tắc này: Thu nhập hiếm khi vượt ngoài sự phát triển cá nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tự kiểm tra chính mình.
Tôi thường nhìn vào cuộc sống của mình và hỏi: “Ờ, đây là những gì ta muốn nhưng liệu ta có muốn trở thành kiểu người như thế không.” Nếu tôi quá lười biếng, nếu tôi không muốn học, đọc, nghiên cứu và phát triển để trở thành những gì mà tôi phải trở thành thì tôi không thể kỳ vọng vào việc thu hút những gì tôi cần. Giờ đây, khi đối mặt với sự chọn lựa, tôi phải quyết định hoặc là thay đổi chính mình hoặc là thay đổi những thứ tôi muốn.
ĐỪNG ĐỂ BỊ QUÁ TẢI
Khi thiết lập mục tiêu, đặc biệt là lần đầu tiên, bạn sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng bị áp đảo bởi quá trình này. Lời khuyên của tôi là hãy thư giãn.
Nếu bạn cảm thấy mình chưa được trang bị đủ để đạt được những gì bạn muốn, hãy nhớ điều này: Khả năng của bạn sẽ phát triển để đáp ứng ước mơ của bạn. Đây là điều kỳ diệu của việc thiết lập mục tiêu. Bạn càng làm việc vì những mục tiêu của mình, càng nhiều cơ hội mới sẽ tự mở ra cho bạn. Và trong mỗi cơ hội mới sẽ có hạt giống giải pháp cho vấn đề trước đây tưởng chừng không giải quyết được.
Vì thế đừng sợ phải bắt đầu. Cuộc hành trình này sẽ mang bạn vượt xa những gì mà trí tưởng tượng điên rồ nhất của bạn có thể nghĩ ra. Tôi biết. Con người của tôi 25 năm trước khi gặp ông Shoaff giờ đây là một người xa lạ với tôi. Tôi không còn là con người đó. Tôi đã thay đổi. Bạn cũng thế.
Nhiều người sợ phải dấn bước vì những thất bại và đau đớn trong quá khứ. Họ mang theo những gánh nặng trong tâm hồn, những gánh nặng mà nếu bạn không bỏ đi thì sẽ mãi mãi khiến bạn khổ sở.
Bạn ơi, bạn và tôi không thể làm được điều gì để thay đổi quá khứ. Nó đã trôi qua và bị chôn vùi. Tuy nhiên, bạn có thể làm được rất nhiều điều cho tương lai của mình. Bạn không nhất thiết phải là bạn của ngày hôm qua. Bạn có thể thực hiện những thay đổi trong cuộc đời của mình – những thay đổi đáng kinh ngạc trong một thời gian tương đối ngắn. Bạn có thể thực hiện những thay đổi mà bạn không thể nhận thức được ngay, nếu bạn chỉ dành cho mình một nửa cơ hội.
Khả năng của bạn sẽ phát triển. Bạn có thể huy động được những tiềm năng mà bạn chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng. Và theo thời gian, bạn sẽ khai thác được những nguồn dự trữ mới ẩn sâu bên trong khả năng sáng tạo của mình. Trước khi nhận biết được điều đó, bạn sẽ có thể hoàn thành được những mục tiêu mà hiện thời dường như không thể nào đạt được. Bạn có thể giải quyết được những chuyện mà bạn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể giải quyết. Trí óc của bạn sẽ sản sinh những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo.
Tại sao mục tiêu lại có sức mạnh lớn đến vậy? Làm thế nào mà chúng có thể làm cho điều này xảy ra? Tôi không biết.
Tôi đoán câu hỏi này thuộc về một lĩnh vực đặc biệt mà tôi gọi là “những bí ẩn của cuộc sống”. Tất cả những gì mà tôi có thể nói với bạn là nó thực sự hoạt động. Hãy phát hiện ra chính mình. Hãy tự cho mình cơ hội để trở thành tất cả những gì mà bạn có thể trở thành và hoàn tất toàn bộ những gì bạn có thể hoàn tất.
YÊU CẦU
Có một lời răn trong Kinh Thánh dạy tất cả những gì bạn cần biết để đạt được những gì bạn muốn. Đó là: “Yêu cầu”. Chỉ vậy thôi - yêu cầu. Hãy chắc chắn rằng bạn đã học được điều này.
“Yêu cầu” nghĩa là gì? Yêu cầu nghĩa là: “Yêu cầu những gì bạn cần.” Và công thức đầy đủ của nó thực đáng kinh ngạc. Đó là: “Yêu cầu, và bạn sẽ nhận được”. Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét điều này…
Trước tiên, yêu cầu sẽ khởi động quá trình nhận được. Việc yêu cầu cũng giống như nhấn nút để kích hoạt cỗ máy lạ thường, cả về trí tuệ và tình cảm.
Như tôi đã từng nói, tôi không biết cách thức hay lý do nó vận hành nhưng tôi biết chắc là nó có vận hành.
Có rất nhiều thứ làm việc tốt dù chúng ta có hiểu được cơ chế vận hành của chúng hay không. Chỉ cần vận hành chúng! Một số người không bao giờ khởi động vì họ còn bận nghiên cứu tận gốc rễ. Và sẽ có những người khác chọn cách hái quả trong khi nghiên cứu gốc rễ. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn muốn bắt đầu từ đâu. Tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ việc yêu cầu.
Thứ hai, nhận, phần còn lại của công thức trên, không phải là vấn đề. Bạn không phải làm việc với phần nhận. Nó tự động. Vì thế nếu việc nhận không khó khăn gì thì vấn đề nằm ở đâu? Đó là thất bại trong việc yêu cầu.
Một người đàn ông nói: “Anh thử làm việc ở vị trí của tôi xem, lúc anh về tới nhà thì đã trễ. Anh ăn quấy quá, xem truyền hình một tí để thư giãn rồi đi ngủ. Anh không thể ngồi đó đến nửa đêm để yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu”. Và anh chàng này luôn trễ hạn thanh toán hóa đơn. Anh ta là người lao động tốt, nhân viên chăm chỉ, người lao động chân chính.
Nhưng bạn phải làm tốt hơn cả làm việc cật lực và chân thành suốt cuộc đời mình nếu không muốn kết thúc trong đổ vỡ và nghèo túng. Bạn phải trở nên tốt hơn cả người lao động tốt. Bạn phải là một người biết yêu cầu tốt.
Anh ta nói: “Giờ thì tôi đã hiểu.” “Suốt cả năm qua tôi đã thức dậy mỗi ngày và hết sức cố gắng. Nhưng không có nơi nào trong nhà tôi có danh sách những thứ tôi yêu cầu cuộc sống.”
Còn bạn thì sao… danh sách của bạn thế nào?
Thứ ba, những gì bạn có thể nhận được cũng giống như đại dương – có rất nhiều. Thành công không bao giờ thiếu. Nó không hữu hạn đến nỗi khi đến lượt bạn thì mọi thứ đã được phân phát hết. Không, không!
Nếu điều đó đúng thì vấn đề là gì? Vấn đề là hầu hết mọi người đến đại dương cơ hội này với một chiếc muỗng canh. Bạn có hình dung ra hình ảnh này không? Một cái muỗng canh! Với kích thước của đại dương, liệu tôi có nên gợi ý với bạn thay muỗng canh bằng thứ gì đó lớn hơn? Một cái xô thì thế nào? Đó có thể không phải là thứ tốt nhất bạn có thể làm nhưng ít ra cũng sẽ không làm lũ trẻ cười nhạo bạn…
Có hai điều nữa về yêu cầu...
Thứ nhất, yêu cầu một cách thông minh. Đừng lí nhí trong miệng. Bạn sẽ không có được bất kỳ thứ gì bằng cách nói lí nhí. Phải rõ ràng… phải cụ thể. Yêu cầu một cách thông minh cũng bao gồm việc trả lời được câu hỏi về đặc điểm của những gì mà bạn yêu cầu, chẳng hạn như: Chiều cao, chiều dài, giá cả, thời gian, kích thước, mẫu mã, màu sắc. Hãy mô tả những gì bạn cần. Định nghĩa nó. Nên nhớ, mục tiêu được định nghĩa tốt cũng giống như nam châm. Bạn càng đẽo gọt tốt, chúng hút càng mạnh.
Thứ hai, yêu cầu với sự tin cậy. Tin cậy là phần trẻ thơ trong bạn. Điều này có nghĩa là bạn tin sẽ có được những gì bạn muốn. Hãy tin theo cách của một đứa trẻ. Tin tưởng mà không hề có chút bi quan, yếm thế của phần người lớn trong bạn.
Bạn thấy đó, phần lớn chúng ta trở nên quá bi quan. Chúng ta đã đánh mất sự ngây thơ tuyệt vời đó, niềm tin và hi vọng trẻ thơ. Đừng để điều này ngăn cản bạn. Hãy tin tưởng và có niềm tin vào chính bạn và mục tiêu của bạn. Hãy hào hứng – đúng như một đứa trẻ. Hãy nhiệt thành như trẻ con – không có thứ gì có thể lan tỏa nhanh hơn.
Trẻ con nghĩ chúng có thể làm được mọi điều. Chúng muốn biết mọi thứ. Thật tuyệt vời! Chúng ghét phải đi ngủ vào buổi tối và vội vàng nhảy ra khỏi giường vào buổi sáng.
Trẻ con có thể hỏi cả ngàn câu hỏi. Và ngay khi bạn nghĩ rằng mình đã có thể dứt ra để làm việc của mình thì chúng sẽ hỏi thêm cả ngàn câu hỏi khác. Nhưng, dĩ nhiên, sự tò mò của chúng là một đặc tính cao quý. Khi kích hoạt cảm giác tò mò nhiệt thành trẻ thơ của chính mình, bạn sẽ dễ dàng trở thành người yêu cầu thành thục hơn.
THIẾT LẬP MỤC TIÊU VÀ QUẢN LÝ THỜI GIAN
Quản lý thời gian là chủ đề phổ biến trong thời đại ngày nay. Có rất nhiều sách, băng từ và hội thảo nói về chủ đề này và rất nhiều người đang khao khát thông tin về phương thức sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Thế còn bạn? Liệu bạn có muốn trở thành người quản lý thời gian tốt hơn? Thế thì bạn cần phải hiểu điều này: Nếu bạn không có mục tiêu thì bạn không thể quản lý thời gian hiệu quả. Năng suất là kết quả của những mục đích được xác định rõ ràng. Việc phân bổ thời gian không có ý nghĩa thiết yếu nếu những mục đích không được xác định chắc chắn và sống động trong tâm trí. Nó đơn giản vậy đó. Đây là một trong nhiều lý do tại sao việc viết ra những mục tiêu trên giấy lại quan trọng đến vậy.
NHỮNG ƯU TIÊN
Một trong những khó khăn chúng ta phải đối mặt trong thời đại công nghiệp hóa là sự mất cảm giác về mùa. Không giống như người nông dân với những việc cần ưu tiên thay đổi theo mùa, chúng ta trở nên không còn bị ảnh hưởng bởi nhịp điệu của cuộc sống. Hệ quả là chúng ta không cân bằng được những điều cần ưu tiên. Tôi sẽ minh họa những gì đã nói:
Đối với một nông dân, mùa xuân là mùa cần hoạt động nhiều nhất. Đó là thời gian ông ấy phải làm việc suốt ngày, thức dậy trước mặt trời và vẫn còn làm việc cực nhọc khi đồng hồ điểm nửa đêm. Người nông dân phải duy trì trang thiết bị chạy hết công suất vì chỉ có một khoảng thời gian ngắn để gieo trồng mùa màng của mình. Thế rồi khi mùa đông đến thì ông ấy chỉ còn một ít công việc để giữ cho mình vẫn bận rộn.
Ở đây có một bài học. Học cách sử dụng mùa của cuộc sống. Bạn cần quyết định khi nào thì dốc hết sức và khi nào thì thong thả, khi nào thì cần tận dụng và khi nào có thể để cho sự việc tiến triển. Bạn có thể dễ dàng duy trì giờ làm việc công sở từ năm này sang năm khác và đánh mất cảm giác tự nhiên về những điều ưu tiên và chu kỳ. Đừng để năm này trộn lẫn vào năm khác trong một chuỗi dường như bất tận những nhiệm vụ và trách nhiệm. Hãy để tâm đến mùa của riêng mình, để đảm bảo rằng bạn vẫn luôn ý thức được về giá trị và bản chất của mọi điều.
Chính và phụ
Một phần quan trọng trong việc thiết lập những việc ưu tiên là học được cách tách biệt những điều phụ trong cuộc sống khỏi những điều chính yếu. Đây là câu hỏi tốt để hỏi chính bạn bất cứ khi nào bạn phải ra quyết định. Đó là điểm chính hay điểm phụ? Bằng cách hỏi như vậy, với mục tiêu luôn nằm trong đầu, bạn sẽ giảm nguy cơ dùng thời gian chính cho những dự án phụ.
Còn một điều nữa mà bạn cũng cần phải nhớ là: Đừng dùng thời gian phụ cho những việc chính. Người ta dễ dàng trộn lẫn các giá trị này. Bố mẹ dành ba giờ để xem ti vi và chỉ dành mười phút để chơi với con cái. Một nhà quản lý dành gần hết ngày điền các bảng biểu và dành rất ít thời gian để khích lệ nhân viên. Những con người này đã đánh mất khả năng nhận biết cái gì là quan trọng và cái gì là vụn vặt.
Khái niệm tương tự cũng áp dụng cho tiền bạc. Đừng tiêu những món tiền quan trọng cho những thứ không quan trọng và ngược lại đừng tiêu những món tiền phụ cho những thứ chính. Một số người tiêu cả đống tiền cho thức ăn để bồi bổ cơ thể và dành rất ít cho những món ăn tinh thần. Nếu bạn tiêu nhiều tiền hơn cho kẹo thay vì vào sách và băng từ để tạo cảm hứng cho tâm hồn chẳng phải là điều ngu ngốc sao?
Cách tốt nhất để sử dụng thời gian và tiền bạc là đưa vào đó giá trị tối đa. Đó được gọi là đầu tư cẩn trọng để đạt kết quả tối đa.
TẬP TRUNG
Bất kỳ vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể nói cho bạn biết về cái giá khủng khiếp phải trả cho sự thiếu tập trung. Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung bạn sẽ đánh mất vị trí số một cũng như những món tiền lớn. Đừng để điều đó xảy đến với bạn.
Tập trung tối đa vào mọi thứ bạn làm. Khi bạn viết một bức thư – tập trung. Đang cố gắng giải quyết một vấn đề? Tập trung. Đang có một cuộc nói chuyện? Đúng rồi, tập trung. Bạn có thể khó lòng tin được ảnh hưởng của điều này trong cuộc sống của bạn.
Dĩ nhiên, cần có thời gian để trí óc bạn lang thang. Nhưng bạn chỉ nên làm điều đó trong khoảng thời gian bạn đã dành riêng cho việc này. Và khi bạn đi lang thang, đừng làm việc gì khác. Hãy đi dạo trên bờ biển hay lái xe lên núi – rời xa những áp lực của cuộc sống. Hãy để làn gió nhẹ thổi qua mái tóc bạn và để đầu óc mình bay bổng. Mơ mộng. Điều đó tốt cho bạn. Nhưng chỉ làm điều đó vào lúc bạn đã dành riêng như là “thời gian mơ mộng”. Còn tất cả thời gian khác, tập trung.
LIỀU LƯỢNG HIỆN THỰC
Còn một điểm cuối cùng để xem xét… Ngay cả với kế hoạch hành động được cân nhắc cẩn thận nhất, bạn vẫn có thể không đạt được những gì bạn muốn. Tôi biết. Làm sao tôi có thể nói điều đó sau khi dành rất nhiều thời gian để chỉ cho bạn cách để đạt được những thứ bạn muốn? Có phải tôi là kẻ nói hai lời?
Tại sao bạn không đạt được những điều bạn muốn? Bởi đó là cuộc sống. Đôi lúc trời đổ mưa đá lên mùa màng của bạn và hủy hoại mọi thứ. Thỉnh thoảng, những con mối cuộc đời gặm nhấm nền móng của bạn. Như vậy không công bằng, bạn bảo? Có lẽ không. Nhưng bởi đó là cuộc sống nên chúng ta chấp nhận nó vậy.
Tuy nhiên, tin tốt là cũng có rất nhiều tin tốt. Nếu bạn làm theo hệ thống tôi đã chia sẻ với bạn, bạn sẽ đạt được nhiều hơn cả mức nhiều. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để đạt được những điều mình muốn hơn. Và đây là những gì tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân.
Mục tiêu. Không ai có thể cho biết bạn có thể làm gì khi được chúng gợi cảm hứng. Không ai có thể cho biết bạn có thể làm gì khi tin vào chúng. Không ai có thể cho biết điều gì sẽ xảy ra cho bạn khi bạn hành động dựa trên chúng. Chỉ cần thử làm theo hệ thống này trong 90 ngày. Chỉ cần thử nó! Nó có thể vận hành với bạn thậm chí còn tốt hơn đối với tôi.
Tôi cầu mong điều đó cho bạn.